TRỞ THÀNH TỈ PHÚ TỪ NGHỀ BÁN KEM

Trông dáng người thấp đậm, lấm lem bùn đất chẳng ai ngờ anh Đinh Đăng Tuân ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) đã là chủ một trang trại cá giống rộng gần 4ha, trị giá hàng tỷ đồng. Và ít người biết rằng, để có được cơ nghiệp ngày hôm nay Tuân bắt đầu khởi nghiệp từ nghề bán kem dạo...


















                                   Đinh Đăng Tuân

Dựng "cơ đồ" từ nghề bán kem 

Theo lời giới thiệu đầy tự hào của bà Nguyễn Thị Chính, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy chúng tôi tìm về trang trại của anh Tuân. Trong nắng chiều ấm áp, những hồ cá san sát chồng lên nhau, tiếng cá đớp động dưới nước xen lẫn tiếng rì rào của những hàng phi lao quanh hồ tạo nên cảm giác thật yên bình. 

Anh Tuân từ dưới hồ bước lên, tay chân còn lấm lem bùn đất, thật khó thể tin người đàn ông mới 35 tuổi ấy đã là ông chủ của một trang trại lớn như thế này. Trò chuyện với chúng tôi, nghe anh kể lại từ thuở cơ hàn đến cơ nghiệp có được ngày hôm nay càng thêm khâm phục ý chí vươn lên của ông "vua" cá giống xứ cát. 

Sinh ra trong một gia đình có đến 8 người con nhưng 3 người đã bị tâm thần phân liệt. Gia đình Tuân thuộc loại nghèo có "số" ở vùng đất cát cằn cỗi Hưng Thủy. Dù là con út, nhưng Tuân phải sớm bỏ học lăn vào cuộc sống phụ giúp ba mẹ kiếm tiền mua thuốc chữa trị cho các anh chị. Học hết lớp 6, ngày anh phải theo bố đi cắt rể cây chứa về cho mẹ đan võng bán, đêm xuống thì ra sông thả lưới bắt cá, mò cua. Cứ thế, tuổi thơ của Tuân trôi đi theo thời gian cùng những tháng ngày lăn lộn trên ruộng dưới sông. Khi đã thành một thiếu niên, Tuân xin bố mua cho một chiếc xe đạp và cái thùng xốp để đi bán kem dạo.


Mới 35 tuổi nhưng anh Đinh Đăng Tuân đã làm chủ một trang trại cá giống trị giá hàng tỉ đồng

"Ban đầu, thấy nghề bán kem cũng có đồng vô đồng ra, vất vả một chút nhưng có thu nhập đều hơn. Những ngày rong ruổi khắp các vùng quê, tui để ý những người có cách làm ăn giỏi và thấy nhiều người ít học nhưng vẫn giàu có làm chủ những trang trại rộng lớn. Tui ôm ấp ý tưởng mở trang trại từ đó" anh Tuân chia sẻ.

Tiền lãi mỗi lần đi bán kem về, Tuân đưa một phần cho mẹ mua thuốc cho anh chị, phần còn lại được dành dụm làm vốn nuôi giấc mơ mở trang trại cho riêng mình. 

Năm 2000, sau khi lấy vợ, anh Tuân làm đơn xin xã cấp một mảnh đất ở cánh đồng cát của làng và dựng cái chòi ở riêng. Hình ảnh hai vợ chồng trẻ với cái chòi lộng gió giữa cánh đồng hoang vu khiến nhiều người thương và cũng không ít người tỏ ra ái ngại khi nghe anh định mở trang trại nuôi cá trên vùng cát cằn cỗi này. Gần một tháng trời ngụp mặt trong bùn cát, cuối cùng cũng đào xong ao cá rộng gần 200m2. "Ngày đó dùng sức người chứ chưa có máy móc như bây giờ. Mà có máy thì không biết lấy tiền đâu mà thuê. Đào được cái ao, vợ chồng tui mừng không ngủ được" - anh Tuân nhớ lại. 

Lứa cá đầu tiên, cá lớn nhanh, nhưng cuối vụ thu hoạch tính đi tính lại cũng chẳng lời lãi bao nhiêu vì giá con giống quá đắt, lại phải đi xa mới mua được. Lúc đó trong đầu anh nảy ra ý tưởng mới: Tại sao mình không tự sản xuất cá giống để nuôi? 

Tay không đi học nghề 

Nghĩ là làm, anh bàn giao ao cá lại cho vợ ở nhà tự nuôi, bắt xe vào Nha Trang xin làm thuê cho những trại sản xuất cá giống. Vừa làm thuê kiếm sống, vừa học hỏi kỹ thuật sinh sản, ươm nuôi các loại cá giống. Suốt thời gian đi làm thuê, anh luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc thêm các kiến thức trên sách báo và học từ kinh nghiệm thực tế. Rời Nha Trang, anh lại ngược ra Bắc xin hẳn vào Viện nuôi trồng thuỷ sản 1 Hà Nội để vừa làm vừa học nghề. "Các thầy ở đó thấy tui cần cù, chịu khó, ham học nên thương lắm. Có được kỹ thuật, "bí quyết" chi cũng chỉ dạy tận tình chứ không giấu diếm chi cả"- anh Tuân kể. 

Sau hơn 3 tháng học nghề, anh về quê tự ươm, sản xuất con giống. Được tai nghe mắt thấy, cầm tay chỉ việc, lại có cơ hội thực hành, ứng dụng, nên Tuân đã không quá khó khăn trong việc tự sản xuất con giống. Tự sản xuất được con giống, chi phí sản xuất thấp nên việc nuôi cá của vợ chồng anh ngày càng có lãi. Hai vợ chồng mua thêm đất ruộng bạc màu của bà con, đầu tư đào thêm ao mở rộng trang trại. 

Hiện nay, trang trại của anh có diện tích gần 4 ha, hệ thống hàng chục ao nuôi, ao ươm giống với nhiều loại cá giống như: cá trê lai, lóc lai, cá rô phi, cá chép, cá trắm... Mỗi năm trang trại của anh đã cung cấp ra thị trường trên trăm vạn cá giống phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài tỉnh. 

Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, lợn, anh còn nuôi thêm giun quế, lắp đặt máy xay ngô, lúa ngay trong trang trại. Nhờ vậy mà doanh thu của trang trại ngày càng tăng, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. 

Dù cuộc sống đã khấm khá hơn trước nhiều, làm chủ cả một trang trại rộng lớn ăn nên làm ra nhưng trong tâm trí ông chủ trẻ luôn luôn đau đáu một điều là làm thế nào để giúp bà con vùng cát cùng thoát nghèo. Bởi vậy, bằng kinh nghiệm của mình Tuân luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con có nhu cầu xây dựng trang trại. Và trang trại của anh Đinh Đăng Tuân là mô hình thăm quan của nhiều nông dân khắp nơi đến học tập.

Theo Báo Quảng Bình

MỘT MÌNH CHA NUÔI 5 CON HỌC ĐẠI HỌC

Trong hội nghị biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học giai đoạn 2008 - 2013 tỉnh Quảng Bình mọi người xúc động rơi nước mắt trước bài phát biểu mộc mạc, chân thành của một đại biểu thương binh 24 năm trong cảnh “Gà trống nuôi con”, một mình nuôi 5 con Tốt nghiệp Đại học.


                      Thương binh Dương Đức Phụng một mình nuôi 5 con học Đại học

Người thương binh đó là anh Dương Đức Phụng, sinh năm 1950 tại quê hương cách mạng Tân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Anh sinh và lớn lên trong cái nôi cách mạng Trung Lực, Mỹ Thổ, trưởng thành trong cảnh đất nước bị chia cắt, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, quê hương Quảng Bình chìm trong máu lửa và bom đạn giặc thù. Sớm giác ngộ truyền thống yêu nước, căm thù giặc, noi gương nhiều con em Tân Thủy anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho dân tộc, năm 1967, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chàng học sinh xuất sắc của trường cấp 2 Tân Thủy đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc đơn vị Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình lúc vừa tròn 17 tuổi. Vào chiến trường, với hừng hực sức trẻ và lòng căm thù giặc sâu sắc anh đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, khí tài, cơ sở vật chất quốc phòng trên tuyến đường 20 chiến lược và trực tiếp cầm súng chiến đấu không mệt mỏi trước quân thù trên hai mặt trận phía Tây và phía Nam. Sau một trận công đồn ác liệt trên đất bạn Lào anh đã bị trúng thương, vết thương quá nặng tưởng chừng không qua khỏi, anh phải lùi về tuyến sau điều trị. Sau nhiều ngày vật lộn với số phận trước sự quan tâm đặc biệt của trạm y tế tiền phương anh đã qua cơn nguy kịch nhưng để lại trên mình đầy thương tích không thể tiếp tục chiến đấu trong quân đội được. Tâm nguyện cống hiến trọn đời trong quân ngũ không thành hiện thực anh ngậm ngùi chia tay đồng đội trở lại quê hương.

Thế rồi, như một lẽ thường tình anh xây dựng gia đình sinh con đẻ cái, trong khó khăn vất vả 5 đứa con lần lượt ra đời trong vỡ òa hạnh phúc gia đình và tình yêu thương làng xóm. Những tưởng số phận đã mỉm cười với anh sau bao năm gian lao nơi chiến tuyến và nổi đau đớn do vết thương hành hạ. Những khốn khó của đời thường anh đều vượt qua tất cả khi nhìn sự ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày của những đứa con và sự dịu hiền, yêu thương của người vợ trẻ. Nào ngờ, tháng 11 năm 1989 người vợ rất đỗi yêu thương của anh đột ngột ra đi để lại cho anh một nách 5 đứa con thơ khi cháu út vừa tròn hai tuần tuổi. Anh tâm sự, sau nhiều đêm liền không chợp mắt được trước tiếng khóc ngằn ngặt của bé út khát sữa mẹ, sau ngày mẹ mất ba đứa con đầu của anh lần lượt nghỉ học do không đủ cơm ăn, áo mặc khi không còn bàn tay vun vén của người mẹ, bản thân anh tưởng chừng như không thể nào sống nổi nhưng nhờ sự động viên an ủi của gia đình, sự sẻ chia từng bát gạo, củ khoai của bà con làng xóm với những lời động viên kịp thời anh đã gạt nước mắt gượng đứng lên trong đau thương, mất mát.

Sau một thời gian bình tâm trở lại, bằng nghị lực phi thường của một người lính được luyện rèn trong quân ngũ anh đã sắp xếp lại nề nếp gia đình. Trước mắt, không thể để các con thất học anh đã đi vay từng đồng tiền, củ khoai, bát gạo cho các con anh rau cháo qua ngày, có lúc chung nhau từng chiếc quần, manh áo đến trường trước sự cảm thông, sẻ chia của các Thầy, cô giáo và bạn bè đồng trang lứa. Số phận không nỡ đùa dai với anh mãi, với sự quyết tâm không mệt mỏi, một mình anh vừa giữ vai trò là người cha, vừa chứa đựng tình thương yêu của người mẹ anh đã nuôi các con ăn học thành người.

Sau một thời gian vợ mất, nhiều người ái ngại sự cô đơn lẻ bóng của anh đã khuyên anh nên đi bước nữa để sớm tối có nhau nhưng theo anh, nếu tái lập gia đình làm sao tránh khỏi cảnh mẹ kế con chồng, nề nếp gia đình lại một lần nữa xáo trộn, các con không còn chuyên tâm học tập. Nghĩ vậy anh quyết định hy sinh tất cả hạnh phúc riêng tư vì tương lai các con phía trước.

Niềm hạnh phúc trở lại đầu tiên sau bao năm trong khốn khó của cảnh “Gà trống nuôi con” đó là ngày cháu Dương Đức Phương, con trai đầu của anh sau thời gian vừa đi học vừa phụ giúp bố nuôi em đã dự thi và nhận một lúc hai giấy báo trúng tuyển Đại học của hai trường lớn là Đại học An Ninh và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sáu cha con anh đã ôm nhau khóc òa trước niềm vui, hạnh phúc đến quá bất ngờ. Nêu gương sáng của anh trai các em lần lượt đỗ vào các trường Đại học, ra trường hiện ba em của Phương đã có công ăn, việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, Dương Đức Phương là một sỹ quan an ninh xuất sắc của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các em của Phương đều là những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu trong các cơ quan đang công tác. Cháu út Dương Thị Nga không được ủ hơi ấm của mẹ khi chưa đủ 15 ngày tuổi, lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất của người cha hiện cũng đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Kinh tế, kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh...Sau thời gian công tác, có thu nhập ổn định các con anh vừa tiếp tục cùng cha nuôi em ăn học vừa chung tay, góp sức sửa chữa lại cho anh ngôi nhà ấm cúng để anh an dưỡng tuổi già và là nơi tụ họp đầy ắp tiếng cười trong những dịp tết, lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Giờ đây, dù sức khỏe của anh không tốt nhưng nụ cười luôn nở trên môi với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc chúng tôi vô cùng khâm phục và vui lây với bản thân và gia đình anh hiện tại.

                      Ngôi nhà ấm cúng do các con chung tay góp sức sửa chữa
                                                  cho cha an dưỡng tuổi già

Biết tôi có ý tìm hiểu tư liệu để viết về tấm gương vượt khó và ghi nhận những thành quả to lớn trong phong trào khuyến học của gia đình, anh tâm sự: “Có gì đâu chú, anh còn thấy nhiều tấm gương vĩ đại hơn thế nhiều, mình chỉ là giọt nước giữa biển khơi”, trước sự khiêm tốn của một tấm gương thương binh tôi càng thêm khâm phục anh. Nhìn lại những gì đã đạt được trong kết quả học tập, rèn luyện của các con, sức vươn lên của gia đình, anh khẳng định có được thành quả hôm nay là nhờ: Trước hết phải kể đến sự thông cảm, sẻ chia của gia đình, bà con, làng xóm trong những lúc khốn khó nhất; Nhờ có ý chí vượt qua chính hoàn cảnh khó khăn, luôn xác định tương lai con trẻ là tất cả, muốn tương lai các cháu tươi đẹp phải bắt đầu từ sự học; Trong từng bước đi của các con, bố mẹ phải là người bạn, là chỗ dựa vững chắc, là tấm gương sáng cho các con soi rọi làm theo; Biết chắt chiu, quý trọng thành quả đạt được nhưng không tự thỏa mãn với chính mình và luôn có kỳ vọng vươn lên trong cuộc sống...
                                         Anh rạng ngời hạnh phúc bên các con đã trưởng thành

Bây giờ, dù tuổi già, sức yếu, thu nhập chính là tiền lương thương binh hàng tháng không phải đã là dư dã nhưng anh luôn là người tiên phong, gương mẫu trong việc huy động, xây dựng nguồn quỹ khuyến học của gia đình, của dòng họ Dương Đức nói riêng và đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của xã nhà nói chung. Anh luôn động viên các con cùng góp sức xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài khi điều kiện cho phép bởi hơn ai hết anh rất hiểu những đồng tiền khuyến học có tác dụng to lớn góp phần quyết định tương lai tốt đẹp của thế hệ trẻ đang cắp sách đến trường, đặc biệt là những trẻ em gặp hoàn cảnh không may mắn như các con anh trước đây.

Giờ đây, những tấm bằng tốt nghiệp Đại học, những tờ giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận thành tích học tập, công tác của các con, Bằng khen của anh về công tác khuyến học, khuyến tài, những lời động viên, sẻ chia, thán phục của bạn bè, làng xóm là những phần thưởng vô giá tặng anh lúc về già, là sự đền đáp cho anh sau gần một phần tư thế kỷ vật lộn với đói nghèo nuôi con ăn học. Anh xứng đáng là một đại biểu tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh; là một tấm gương ngời sáng cho nghị lực vượt lên khó khăn trong cuộc sống có sức lan tỏa để mọi người cùng học tập và làm theo.

Lê Hữu Bình
Phòng Nội vụ Lệ Thủy

SUỐI KHOÁNG BANG ĐANG CHẾT

(QBĐT) - Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại suối nước khoáng Bang, xã Kim Thuỷ, Lệ Thuỷ, thật xót xa khi tận mắt chứng kiến những gì mà con người đã đối xử thô bạo với một nguồn tài nguyên được xem là vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nghèo tỉnh ta: mỏ nước khoáng Bang.

                         Ô nhiểm nặng nề từ đầu nguồn

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước về mỏ nước khoáng Bang còn lưu giữ lại ở huyện Lệ Thuỷ cho thấy, giá trị của mỏ nước khoáng Bang ở chỗ nó được phun từ độ sâu vài trăm mét lên, nhiệt độ đo được tại miệng lỗ phun đạt 1050c, là nguồn nước có độ nóng nhất nước ta hiện nay.

Mặt khác, qua kiểm nghiệm các thành phần sinh hoá của nước khoáng Bang của các cơ quan chức năng cho thấy nước khoáng Bang có nhiều thành phần hoá học rất tốt cho sức khoẻ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn đã phát hiện ra mỏ nước khoáng này và sử dụng nó để ngâm, tắm, uống chữa bệnh cho bộ đội rất hiệu quả.

Hơn 30 năm qua nguồn nước khoáng Bang đã được sử dụng làm nước uống rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương. Ấy vậy mà, từ khi tỉnh ta bàn giao khu vực mỏ cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương quản lý, khai thác, họ đã huỷ hoại một cách thô bạo nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu này.

Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi hết sức phản cảm là khu vực các lỗ phun của mỏ bị ô nhiễm rất nặng nề. Nếu như trước đây khi chưa bàn giao khu mỏ nước khoáng Bang cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương quản lý, khai thác, mỏ nước này trong vắt, hai bên bờ suối cây cối tự nhiên um tùm xanh tốt. Còn bây giờ thay vào đó là một khu sình lầy, rác rưởi, vỏ cây nằm trộn lẫn với bùn đất tạo ra một thứ nước đen ngòm, nồng nặc mùi hôi thối. Phía trên khu vực mỏ nước, trước đây là rừng tự nhiên dày đặc cây lèng ngẹng xanh tốt, nay đang bị máy ủi đào bới, san lấp để lại khoảnh đất đỏ lòm...

Qua tìm hiểu những người dân ở quanh khu vực mỏ nước khoáng Bang được biết, từ 6 năm nay khi khu vực mỏ nước khoang Bang được bàn giao cho nhà đầu tư, họ cấm không ai được ra vào. Nếu như trươc đây mỗi ngày có hàng chục, thậm chí có lúc lên đến hàng trăm người đến tham quan, tắm suối, luộc trứng, luộc thịt để ăn thì nay không một bóng người. 

Để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, chúng tôi đã tìm gặp một người được xem là có trách nhiệm lớn nhất của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, hiện đang phụ trách công tác thi công dự án được biết: Tình trạng ô nhiễm khu vực mỏ nước xảy ra từ vài năm nay, trước lúc ông ta về nhận nhiệm vụ thi công dự án. Nhưng ô nhiễm nặng nhất là sau bão số 10, năm 2013.
                                 Nguồn nước khoáng đen ngòm, sặc mùi hôi thối.

Lúc này Công ty đã mua một số gỗ thông bị bão làm gãy đổ để cưa xẻ phục vụ xây dựng công trình. Lợi dụng nhiệt độ cao và hơi khí lưu huỳnh bốc lên từ các lỗ phun, Công ty đã đưa gỗ thông vào ngâm tẩm khu vực mỏ nước nên gây ra ô nhiễm nguồn nước. Khi chúng tôi đến hiện trường còn ngổn ngang các bao xi măng chết dùng để làm vật kê sấy gỗ và rác rưởi, vỏ cây, cành ngọn cây ở dưới nước khu vực trung tâm mỏ. Nguồn nước khoáng đen ngòm đã ngấm sâu vào khu vực bờ đất đá xung quanh khu mỏ, gây ra sự ô nhiễm đất đá nặng nề.

Được biết, Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Bang do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tháng 9 năm 2008. Lúc này UBND tỉnh đã bàn giao cho nhà đầu tư 300 ha rừng, đất rừng và cả khu mỏ nước khoáng Bang quản lý, khai thác sử dụng. Theo cam kết của nhà đầu tư với tỉnh, giai đoạn 1 của Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước khoáng Bang với chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp điều trị và du lịch mạo hiểm, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2010. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành năm 2015.

Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm thực hiện, rất nhiều lần cam kết của nhà đầu tư với tỉnh về thời hạn cuối cùng hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, nhưng hết lần này đến lần khác cam kết chỉ là cam kết... cho vui mà thôi. Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở Khu vực dự án, cuối tháng 2-2014, người được xem là có trách nhiệm nhất ở đây cũng nói rằng họ phấn đấu đến tháng 3 năm nay hoàn thành hạng mục xây dựng suối tắm nóng!?. Bất chợt chúng tôi nhìn ra xa thấy bộ khung nhà 4 tầng mà nhà đầu tư đã xây dang dở mấy năm trước đến nay vẫn còn nguyên như bộ xương khủng long phơi mình trước gió, cây cỏ mọc um tùm, công trình không hề có dấu hiệu khởi động trở lại.
                                                     Rừng đầu nguồn nước bị cày xới.

Qua đây chúng tôi kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, chính quyền các cấp cần có biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường khu vực mỏ nước khoáng Bang, đừng để nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá bị huỷ hoại thêm nữa.

Đồng thời đề nghị nhà đầu tư có biện pháp kịp thời phục hồi lại nguyên trạng khu vực mỏ nước khoáng có giá trị đặc biệt quý báu do thiên nhiên ban tặng này và triển khai trồng rừng xung quanh khu vực mỏ. Trong quá trình xây dựng cần áp dụng biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất tác động đến môi trường khu vực mỏ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng cam kết với tỉnh sớm đưa giai đoạn 1 của dự án vào hoạt động.

Nhân đây xin được bày tỏ với nhà đầu tư rằng: cái gốc để đưa lại thành công của dự án, để thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch, chữa bệnh chính là mỏ nước khoáng Bang. Nếu như mỏ nước khoáng Bang không còn như trước nữa thử hỏi xây dựng ra bao nhiêu phòng nghỉ, sân chơi để làm gì?

Trọng Thái

NHỚ NHỮNG TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

Đặng Ngọc Tuân

Những trò chơi sau đây được sưu tầm trên địa bàn Quảng Bình. Xin đưa lên đây dể các thầy cô giáo tham khảo và có thể tổ chức cho các em lứa tuổi TIỂU HỌC chơi hoặc biểu diễn với số diễn viên đông (với sự phân công mỗi lớp một tiết mục). Nếu tổ chức tốt có thể diễn được một đêm rất sinh động. 
Điều đặc biệt quan trọng là tạo điều kiện cho các em thể hiện mình, tạo tâm lý tự tin, hồn nhiên. Khi diễn nên có trang phục đẹp, màu sắc rực rỡ xen với trang phục nâu sồng. Đạo cụ sân khấu nên có các dụng cụ nhà nông.

TRÒ CHƠI Ô NÔ ÔỐC NÔỐC

1. Cách chơi:

Các em ngồi thẳng hàng, duỗi thẳng chân. Một em miệng đọc các câu đồng dao đồng thời lấy tay đập vào đầu gối theo thứ tự từ em đầu đến cuối. Có thể đọc 2 từ một hoặc 1 từ một lần đập. Đọc bao giờ cho đến chữ “Thụt” thì cái chân đó phải thụt vào.
Nếu không thụt kịp, bị đập vào thì thua, phải ra khỏi hàng;
Cứ tiếp tục như vậy cho đến ai còn lại cuối cùng thì thua.

2.Bài đồng dao 1:

Ô nô, ôốc nôốc,
Thằng Côộc, thằng Cạ,
Đá lên đá xuống,
Đá dượng bồ câu,
Đá đầu ông voi,
Đá doi ông Định,
Đá đỉnh chú Nhoi,
Đá xoi mệ nồng,
Thụt cong một cẳng,

Thụt!

2. Bài đồng dao 2:

Đốt lồng đèn,
Xây lồng kiệm, 
Đi kiện các nơi,
Đi chơi các bà,
Cây sanh cây đa,
Cây cà cây muống,
Cây chuộng cây lang,
Ngẵng cơm, ngẵng cá,
Chập chạ đôi mươi,
Trên trời sa xuống,
Có hai mụ bóng,
Mụ Trọng, mụ Trẹo,
Mụ cầm tay bẹo,
Mụ cầm tay thụt,

Thụt!

TRÒ CHƠI TẬP TẦM VÔNG

1, Cách chơi:
Hai em ngồi đối diện nhau. Lấy một vật gì đó cầm lấy, giấu tay ra sau lưng, nắm vào lòng bàn tay cho kín (vd: cái tẩy). Sau đó, đưa tay ra phía trước, quay hai nắm tay vòng qua nhau và đọc bài đồng dao.
Hết bài, đưa hai tay ra cho người đối diện đoán tay nào có. Nếu đúng thì mất quyền chơi cho người đối diện. Ngược lại, nếu đoán sai thì người chơi được tiếp tục.

2. Bài đồng dao:

Tập tầm vông,
Tay nào không,
Tay nào có,
Tập vò vó,
Tay nào có,
Tay nào không,
Chị có chồng,
Em ở góa,
Chị ăn cá, 
Em mút xương,
Chị nằm giường,
Em nằm đất,
Chị vật,
Em coi,
Chị voi,
Em ngựa,
Chị ăn bựa,
Em ăn bèn (ăn vặt),
Chị thổi kèn, 
Em đánh trôống,
Chị bôống,
Em khéo,
Chị méo, 
Em tròn, 
Hai hòn, 

Phần chị!

TRÒ CHƠI VUỐT HỘT NỔ

1. Cách chơi:
Hai em ngồi đối diện nhau, đưa hai tay ra vuốt vào tay người đối diện bằng cách tay trái người này vuốt tay trái người người kia và ngược lại.

Nếu đập nhầm là thua.

2. Bài đồng dao:
Vuốt hôột nổ,
Đổ bánh xèo, 
Xao xác, vạc kêu,
Nồi đồng, vung méo,
Cái kéo thợ may,
Cái cày làm ruộng,
Cái phảng phát bờ,
Cái lờ thả cá,
Cái ná bắn chim,
Cái kim may áo, 
Cái giáo đi săn,
Cái khăn bịt trôốc,
Cái nôốc đi buôn,
Cái khuôn đúc bánh,
Cái chén múc chè,
Cái be (chai) rót rượu.

"LỄ HỘI TÁT VUNG TRÊN HÓI ĐỢI" CỦA NGƯỜI ĐẠI PHONG XƯA

Nguyên Hoàng 












                            Người Đại Phong xưa chọn nơi đây để tổ chức lễ hội Tát Vung

Về Lệ Thủy, về với miền quê chiêm trũng, nơi đây được ví như “ chiếc nôi” nuôi dưỡng và ghi dấu nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, mang đậm nét của người dân lao động mộc mạc nhưng vô cùng mạnh mẽ và kiên cường. Dường như trên mỗi làng quê lại gắn với những lễ hội riêng mang những nét đặc trưng nghề nghiệp, tín ngưỡng thờ cúng… của từng địa danh. Chỉ tiếc, theo sự vô tình của thời gian, nhiều lễ hội đã dần dần bị mai một, lùi vào quá khứ và chỉ còn lại trong miền ký ức mong manh của các bậc cao niên.

Về với làng quê Đại Phong thuộc xã Phong Thủy với nhiều câu chuyện ly kỳ, một nét rất riêng với một phong tục, lễ hội thiêng liêng. Đó chính là lễ hội “ Tát Vung” của người dân Đại Phong xưa.

Làng Đại Phong xưa có tên gọi là làng Đại Phúc. Nếu bạn đứng xa ra một chút mà quan sát thì Tổng Đại Phong xưa được bao bọc trong bốn bề là sông. Phía trước là Kiến Giang, phía sau là rào Mỹ Phước, Bên tả là đoạn sông Bình Giang xưa nối từ Mũi Viết ra Hà Thanh, bên hữu là đoạn sông Kiến Giang nối từ An Lạc đến hói Sao Vàng. Kéo dài từ đầu làng đến cuối làng là “Hói Đại Phong”. Nhắc lại giai thoại về hói Đại Phong xưa còn gọi là hói Đợi, hói nhà Mạc vì được đào vào thời nhà Mạc, với ý đồ yểm long mạch. Chuyện kể rằng, Dưới triều Mạc có bốn Quận công thì có ba sinh ra ở Đai Phong. Vậy nên vua Mạc Đăng Dung cho thầy Địa Lý về xem xét và cho đào con hói để cắt long mạch. Con hói này có mấy điều lạ là: Thứ nhất, theo như truyền thuyết kể lại, khi đào lên nước hói đỏ như máu, nhiều năm lũ lụt như vậy nhưng cứ đến muà hè nước lại đỏ. Thứ hai, hói thì nhỏ nhưng cứ mỗi lần có mưa thì nước hói bên đục, bên trong (bên Đợi đục, bên Tuy trong). Thứ ba, hói có hai bờ nhưng bờ phía Đợi thì bồi còn bên Tuy thì lở. Song, nếu xét về phong thủy thì dân tổng Đại Phong phải biết ơn về con hói Đợi, biết ơn nhà Mạc mới phải. Bỡi vì, như đã nói ở trên, thế đất Đại Phúc Lộc vuông vức như cái triện, nhưng đồng thời nó cũng như chữ "Khẩu", chữ "Tù" vậy. Do đó, nhát cắt của hói Đại Phong đã chia đôi nó thành chữ "Nhật". Nhật là mặt trời, là minh (sáng) nên đời sau mới lại sinh Đế, đó là Ngô Đình Diệm. Sinh Vương, đó là Võ Nguyên Giáp, là hồng y Nguyễn Văn Thuận. Yểm đất kiểu gì mà chẳng những là quận công mà đất này còn sinh Đế.

Và cũng trên con Hói này, người dân Đại Phong xưa đã tổ chức một lễ hội rất đặc sắc và thiêng liêng mang tính chất cầu linh đó là “Lễ hội Tát Vung”

Lễ hội độc đáo này không phải năm nào cũng tổ chức, mà chỉ vào những năm nào hạn hán gay gắt, khi cây lúa nghẽn đòng không thể trổ bông. Lúc này, theo yêu cầu của bà con trong làng và của nhiều làng xung quanh, làng Đại Phong sẽ tổ chức lễ hội tát vung, thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm của người Đại Phong xưa thì lễ hội tát vung là nhằm mục đích gây náo động thiên cung, để cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Và điều đặc biệt, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cứ năm nào có lễ hội thì chắc chắn năm đó trời sẽ có mưa, lúa tốt bời bời.

Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ được thực hiện ở miễu "Bà Ngũ vị long vương" và đình làng, còn phần hội tát nước được diễn ra ở đoạn hói nhà Mạc ngay trong làng, đoạn hói nhà Mạc đi qua làng còn có một chiếc cầu "thượng gia hạ kiều" (tức là trên nhà, dưới cầu) kiên cố vững chãi. Lễ hội diễn ra ngay ở đoạn sông khoảng 200m dưới chân cầu này, được ngăn bởi hai con đê hai đầu. Người ta cắm hai cọc ở hai bờ đối diện sông, xỏ một đoạn chỉ dài làm mốc, ở giữa đặt một chiếc vung lớn đường kính hơn 60cm. Trai tráng của hai thôn trên 18 tuổi được huy động tham gia tát nước. Ai sức vóc khỏe mạnh, dẻo dai được lên vị trí đầu tiên, còn phía sau cứ theo độ tuổi để đứng. Mọi vật dụng tát nước được sử dụng tối đa như gàu sòng, nón, thau...

Hồi đó, làng Đại Phong có 7 thôn (Ấp Thượng, Ấp Roộc, Tây Thượng, Đông Thượng, Tây Hạ, Đông Hạ, Mỹ Phước). Mỗi mùa lễ hội, làng sẽ bắt xăm chọn một cặp ra thi thố. Làng cũng trích một khoản tiền để làm phần thưởng và tổ chức ăn khao.

Hai bên thi nhau tát nước, người trên bờ hò reo, cỗ vũ, trống hội rền vang, kẻng khua giòn giã, cờ quạt phấp phới, náo động cả một vùng sông. Đến khi đoạn sông cạn nước, bên nào tát mạnh hơn chiếc vung trôi về bên đó thì sẽ giành phần thắng. Sau khi tát cạn, bà con lại tiếp tục đào sâu, với ý nghĩa "chạm được con rồng nước nằm sâu trong lòng sông để nó phun mưa lên trời". Nếu vào ngày diễn ra lễ hội, trời đột ngột đổ mưa, cả làng xem đó là điềm linh ứng, lễ hội càng thêm tưng bừng, phấn khởi.

Trải qua nhiều biến cô của lịch sử, đến những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, lễ hội tát vung Đại Phong dần dần mất đi và để lại nhiều tiếc nuối. Dù đến thời điểm hiện tại, lễ hội Tát Vung đã không còn nữa, nhưng đối với mảnh đất này, khi nhắc đến tên lễ hội thì đó mãi mãi là một truyền thống tốt đẹp của các bậc ông cha đã để lại trong mỗi người con Đại Phong đến thế hệ mai sau.

THƯƠNG LẮM CÂU HÒ QUÊ MẸ

Đặng Ngọc Tuân


Đó là tựa đề bài hát mà GS,TS Nguyễn Anh Trí, người con của xã Liên Thủy hiện đang là giám đốc Viện huyết học & truyền máu Trung ương sáng tác. 

Lâu lắm rồi tôi mới được nghe một bài hát về quê mình hay như vậy. Cái giai điệu hò khoan thấm đẫm tình người chân quê mộc mạc ấy có lẽ chỉ mới có người đầu tiên là Hoàng Vân khai thác thành công trong bài Quảng Bình quê ta ơi và bây giờ là Nguyễn Anh Trí. 

Tôi không ngờ một vị Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, lúc nào cũng tất bật với công việc cứu người lại tha thiết, lắng đọng tình quê đến vậy.

Hôm đến cơ quan tặng anh quyển Hò khoan Lệ Thủy của tôi vừa xuất bản, anh mừng ra mặt rồi ôm tôi thật chặt. Anh say sưa nói chuyện về quê hương và tặng lại cho tôi những quyển sách mà anh đã viết. Quyển mới nhất là tập thơ "Sống mãi với thu vàng" cùng đĩa CD ghi 12 bài hát mà tự anh phổ nhạc từ những bài thơ ấy.

Hôm 19/2 vừa rồi Đài truyền hình VTC1 đã lấy tựa bài hát ấy để làm chủ đề cho chương trình giới thiệu nhạc Nguyễn Anh Trí. Xem xong chương trình tôi chỉ muốn chạy thật nhanh đến ôm hôn người đồng hương của mình.

Tôi tải về đây bài hát THƯƠNG LẮM CÂU HÒ QUÊ MẸ để tặng các bạn thay cho Anh Trí

LÀNG CHÀI XUÂN HỒI VÀ LỄ HỘI TRÊN SÔNG LINH GIANG

Đặng Ngọc Tuân: Trong bài "Âm thanh tiêng lòng còng" trước đây tôi có nhắc đến câu chuyện dân làng Xuân Hồi, Liên Thủy là những người đầu tiên lập nên làng Xuân Hồi ở cửa sông Linh Giang (sông Gianh). Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên tôi chưa đến được đó để nghiên cứu. Rất may, nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng đã có một bài viết hay về cái làng ấy.

Quảng Bình vùng đất từ ngàn đời xưa đã có nhiều lễ hội linh ứng được dân chúng tổ chức cúng, rước quanh năm. Ở mỗi miền quê lễ hội thường mang những nét độc đáo của vùng đất. Miền núi Minh Hóa có lễ hội chợ Rằm tháng 3 âm lịch, có lễ hội Đập trống tháng giêng của dân tộc Ma Coong ở miền tây Bố Trạch. Ở miền đồng bằng có lễ hội bơi trải Lệ Thủy, lễ hội Đuổi chim ở làng Quảng Xá, lễ hội Rằm tháng Giêng ở Văn La, ở Quảng Ninh, lễ hội rằm tháng hai ở Đông Dương Quảng Trạch… Miền biển có lễ hội bơi trải ở làng Cảnh Dương, ở xã Bão Ninh, hoặc lễ hội diễn ra ở các đình, miếu, chùa chiền. Mỗi lễ hội được tổ chức luôn theo một nếp riêng. Như Đồng Hới Bảo Ninh gọi là lễ hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” (sáu năm tổ chức một lần), Lễ hội đập trống với tiếng gọi “sướng lắm Giàng ơi” mỗi năm một lần, lễ hội đuổi chim mỗi năm rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ khi mùa thu hoạch lúa sắp vào vụ là tổ chức…

Độc đáo khác nữa là lễ hội vạn làng làm nghề chài lưới người Xuân Hồi, Thanh Trạch ở hạ nguồn sông Linh Giang hàng năm tổ chức trên mặt sông đập dềnh sóng nước. Vạn làng đánh cá trên hạ lưu Linh Giang là dân từ nhiều vùng hội đến, như ở Lệ Thủy, ở hạ vực Tròn Chí, ở Ròn Giang, Hói Mẹ, Hói Con…di cư đến. Là dân suốt ngày, suốt tháng sống theo con nước để tìm luồng cá đi nên ở đây còn được gọi là dân thủy diện (đối mặt với nước).

Cũng vì bủa câu, thả lưới hướng đuổi luồng cá đi tìm mồi theo con nước, theo con trăng nên tài sản lớn nhất họ mang theo là chiếc thuyền và các loại ngư cụ đơn giản như vằng câu, lưới bén, chài, dàn rớ di động…Chiếc thuyền được xem là ngôi nhà lênh đênh nay đây mai đó, chống chọi với gió mưa, bão tố, lũ lụt. Hễ gặp bờ hẳm là ghé thuyền vào hốc đá tựa mạn, gặp bãi quang thì chụm mũi thuyền cùng cắm sào rồi lên bắc nồi nhóm bếp, phơi phong, lấy nước ngọt dự trữ cho chuyến đi ngày tiếp.

Những người du ngư, du cư này không dễ dàng sống tập trung mà họ rải khắp từng con hói dọc, từng con lệch ngang, từng khúc sông rộng, hẹp như sự phân tán ngẫu nhiên mà có tổ chức của “luật sông nước” để buông câu thả lưới. Họ gặp nhau chủ yếu là ở các buổi chợ làng, các phiên chợ xã, phiên chợ huyện để bán cá, mua sắm vật dụng gạo, rau, củi, dầu cần dùng cho đời sống ngày ngày. Cũng nhiều lúc trên các bãi rộng các chủ thuyền cụm thuyền lại bên nhau hui thuyền, vá lưới chỉnh trang ngư cụ hư hỏng vài ba ngày, xong việc lại chia nhau rẽ thuyền về các ngả buông câu thả lưới tiếp tục với mặt nước lênh đênh.

Từ cuộc sống giản đơn linh hoạt theo hoàn cảnh vậy, nên người dân vạn chài nơi đây vẫn truyền cho nhau những bài vè về ngôi nhà thuyền của mình như:

Đủ tranh đủ tre, chỉ thiếu hai hè
Đủ giường, đủ chiếu, chỉ thiếu màn the
Đủ dè, đủ cót, đủ thưng, đủ che
Đủ bàn thờ, chiếu trải
Chỉ thiếu sập gụ, tủ chè…

Những người làm nghề hạ bạn nơi đây từ trước họ vốn có quê làng. Thường thường họ đi đánh cá dăm bữa, nửa tháng là quay về nhà, khi thì thăm cha mẹ, khi thì ngày giỗ chạp tổ tiên. Dần dần do hoàn cảnh sống dựng vợ, gả chồng sinh con đẻ cái đông đàn đông lũ nên rồi việc đi về cũng hạn chế, thưa thớt dần. Và thế là ở vùng đất nào thì sống cạnh, sống nhờ ngụ cư vùng đất đó. Từ vài ba thuyền gặp nhau, đến dăm bảy thuyền hội nhau, rồi hàng chục thuyền cắm sào nơi bãi hoang cồn vắng bên nhau, lại trở thành mối quan hệ thân tình xóm thuyền, xóm bãi, giúp nhau lúc hoạn nạn, đỡ đần nhau lúc khó khăn khi tối lửa, tắt đèn.

Ông Nguyễn Tri Phương người lớn lên nơi vùng sông nước này vẫn kể: Cảnh sống du cư lênh đênh mạn thuyền đây đó nhưng họ không hề quên gốc rễ của mình. Trên thuyền luôn có bàn thờ treo trong mui thuyền, có chiếu trải trên sạp thuyền những khi thắp hương quỳ lạy. Cách làm ăn tùy theo con nước, con trăng, rủi may tùy cơ nên họ tin ở sự ban phước của thần tinh đất trời. Gặp năm thuận thì họ tích lủy được vốn liếng để sắm thuyền, sửa ván, đổi lưới, mua câu, dạy dỗ con cháu biết làm nghề sinh lợi.

Hạ lưu sông Linh Giang là lưu vực rộng của con sông lớn nhất Quảng Bình, dòng sông là nơi tụ hội của bà con vạn chài những ngày rằm, tháng tết. Vùng đất Bồ Khê cũ trở thành nơi thân thuộc để họ gặp gỡ nhau vào dịp tháng giêng và tháng ba tiết trời êm thuận.

Chuyện người Xuân Hồi Thanh Xuân nhớ rõ truyền tụng cho nhau rằng: Năm ấy vào dịp tháng giêng khi ngoài biển dông tố nổi lên dữ dội chỉ khoảnh khắc rồi tan đi, vài ngày sau, một người dân đậu thuyền bên bãi bỗng gặp xác một con cá Ông to lớn chết trôi dạt vào mấp mé bãi biển. Tin loan nhanh về khắp nơi, thế là mọi người vạn chài tụ họp cử ban tang lễ đóng hòm khâm liệm tổ chức lễ đám chay, mời kép hát bội về hò hát đưa tiễn Ông ba ngày ba đêm với người người khăn tang, áo thụng về nơi an táng. Từ đó ngày lễ tiễn Ông hàng năm thành ngày cầu trời yên biển lặng.

Cũng từ đó nhiều năm liên tiếp người làm nghề ngư phấn khởi được mùa. Mọi người tin là Ông linh thiêng đã phù hộ dân tình, lời cầu khấn động đến thủy thần nên người đánh cá luôn được bội thu. Cứ vậy tin vào thần trời, thần sông, thần biển nên hàng năm cứ đến rằm tháng giêng là thuyền bất kỳ ở đâu cũng về tụ hội chật bãi, cùng họp nhau bàn bạc đóng góp cúng lễ Ông để cầu mùa đầu năm và cùng chuẩn bị cho lễ hội cúng Thành Hoàng vào rằm tháng ba tới. Việc làm ân đức của bà con làng chài truyền tin tới Triều đình tỏ chuyện, vua hiểu được lòng dân hiếu thuận nên đã cấp đất cho dân vạn chài lập miếu thờ cá Ông, cá Ông được phong sắc là Nam Hải Thượng Đẳng thần. Ngoài việc cấp đất cho miếu thờ Ông, triều đình còn cấp thêm đất để dân vạn chài xây đình thờ hàng năm tế Thành Hoàng làng người khai khẩn dân vạn chài nơi vùng sông này nữa.

Trước đây dù khi chưa có đất, nhưng cứ đến tháng ba là làng chài dù ở đầu nguồn cuối hói đều gọi nhau về hội trên mặt sông, tổ chức đám rước linh đình. Vì cuộc sống lênh đênh từ lâu “không đất cắm dùi” nên lễ hội lúc nào là dân vạn chài điều động thuyền lớn ghép năm, bảy chiếc cho lướt ván phẳng làm nơi đình trung, dựng lên hương án, bàn thờ Thành Hoàng làng rồi mọi người đến châm hương cầu khấn linh thiêng lắm. Xung quanh tứ phía khu vực đình trung nổi, có cắm đủ cờ xéo, tàn, lọng, cờ đại ngũ sắc. Ban hành lễ sắm cân đai, hia cao, áo thụng để cùng “hơng” “bái” phục lễ. Khi tiếng chuông, tiếng trống dóng lên vang dậy mặt sông là mọi người áo quần kính cẩn bên những mâm cỗ có đủ heo quay, xôi hông, cá nướng, hoa quả, bánh kẹo bưng đến cúng… Mâm cúng không có kiêng cử như dân xứ miệt đồng.

Ngoài nơi thuyền kết làm đình trung thì còn có hàng trăm thuyền nhỏ khác khắp nơi bơi về chấu mũi thuyền vòng quanh dự lễ. Đêm xuống cả vùng sông nước đèn đuốc sáng trưng, hoa đăng thả tràn các ngả sông dập dờn trên mặt sóng trông thiêng liêng và đầy nghiêm cẩn.

Sinh hoạt lễ hội tháng giêng và tháng ba trên mặt sông Linh Giang đã từ lâu thành nếp đẹp và giàu bản sắc riêng đượm nếp văn hóa sông nước Quảng Bình ít nơi sánh được.

Người gìa ở đây kể lại: Mỗi khi vào lễ, ông trưởng làng chài trong bộ áo lễ, vác chèo lên vai, chiếc chèo thay thanh kiếm Thiên đình làm phép khi cúng khấn. Những lời cầu khi cúng đó là: Thứ nhất, cầu trời, cầu Ông, cầu thủy thần, hạ bá, cầu Thành Hoàng làng phù trợ cho dân hạ bạn được mưa thuận gió hòa, thả lưới buông câu, đi ngược về xuôi luôn luôn thuận lợi. Thứ hai, cầu cho các con thuyền ra biển khơi làm ăn gặp may mắn, các tay lái khỏe mạnh, đoàn kết cùng nhau vượt sóng, vượt gió làm ăn phát đạt. Thứ ba, cầu cho từng mẻ lưới, từng vằng câu gặp may mắn, cá tôm về gặp chợ mua rẻ bán đắt…

Cứ sau mỗi lời cầu khấn, ông trưởng làng dùng thanh chèo múa trừ tà, khi vung lên trời, khi chém mạnh xuống dòng nước phát tiếng ràn rạt xin âm dương cho phép hóa vàng mã…xin bơng hộ độ trì cho vạn làng ngày càng hưng thịnh phát đạt.

Khi lễ xong, cỗ bàn được chia về các thuyền cùng nhau ngồi xệp lên sạp thuyền, nhúng đôi bàn tay xuống nước sông rửa sạch, rồi mới bốc thức ăn bên nhau thật vui vẻ, đầm ấm. Đáng chú ý là, mỗi thứ trong mâm cỗ ăn được, trước khi ăn phải chia phần, đẩy xuống sông cho âm linh những người tử nạn trên sông biển cùng hưởng.

Sau các nghi thức cầu khấn ăn uống vui vẻ, nếu lễ hội gặp ngày thuận trời thì mọi thuyền cùng ghé bãi tổ chức các trò chơi dân gian như bơi thuyền thúng, bơi thuyền ngao, chia phe kéo dây thay kéo nậu, thi lặn hơi dài… Càng vui chơi càng tỏ rõ thêm tình thân ái cảnh chung “đồng hội đồng thuyền”.

Từ khi được nhà vua phong sắc cho cá Ông và có ngày kỵ húy, lễ hội càng trở nên linh thiêng. Cũng từ đó, nơi tạm trú bãi đất Bồ Khê cũ trở thành vạn làng Thanh Xuân Hồi ngày nay vừa có đền thờ Ông, vừa có đình thờ Thành Hoàng làng mà xưa vẫn gọi là nơi tôn nghiêm “sa hoàng bạch thổ” .

Dẫu đã có đất xây đền thờ Thành Hoàng kính cẩn nhưng để giữ đẹp nếp văn hóa vùng sông nước, hàng năm lễ hội làng trên mặt sông Linh Giang vẫn được tổ chức để giữ tục đẹp cha ông gầy dựng nên. Tục đẹp ấy có khi mỗi năm một lần có khi hai hoặc ba năm một lần tùy điều kiện thuận lợi. Nói về lễ hội văn hóa này, nhà Nghiên cứu Quảng Bình học Nguyễn Tú trong “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” đã viết:

Cái đẹp và cái riêng biệt của hội làng này là chỉ người vạn chài tham dự và buổi lễ tổ chức ngay giữa dòng sông, không có người trên đất liền đến nhập hội, nhưng lại rất đông thuyền bè các làng vạn chài trên lưu vực sông Gianh tham dự, cho nên nó như một buổi họp thuyền cả lưu vực sông Gianh.
Thực tế là vậy, trên cả nước nhất là vùng đất miền trung không nơi nào tổ chức lễ hội trên mặt sông như dân vạn chài Xuân Hồi ở vùng sông Gianh Quảng Bình.

Thượng nguồn sông Gianh ngàn đời nay là nơi núi non hùng vĩ, có hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Tối, hang Sơn Đoòng và gần đây nữa, hang Thiên Đường (còn gọi là hang Linh Động) đã đi vào khai thác du lịch tạo thêm sự kỳ vĩ cho một vùng sông nước trải nghìn đời nhiều linh nghiệm. Dù là dân thượng nguồn, thượng đồng hay hạ bạn thì con sông Gianh vẫn là nơi cung cấp nguồn sống và là nơi “Sinh ư giang thượng, thác táng ư giang tâm” (Sống bám trên dòng sông, chết chôn vào dòng sông) bởi thế sông Gianh trở nên gắn bó với con người, với con dân vạn chài hàng ngàn đời sinh nghiệp nơi đây.

Từ khi bãi đất Bồ Khê được triều đình Nhà Nguyễn cấp đất để xây đền thờ cá Ông và cấp đất xây dựng đình thờ Thành Hoàng làng người đã khai khẩn ra nghề hạ bạn. Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công với chủ trương vận động dân hạ bạn định cư và sau này được cấp vùng đất thành lập làng Thanh Xuân ngày nay thì người dân nơi đây đã lập đền làm nơi thờ cúng để tỏ thêm công ơn tiên tổ đã ban phúc cho con cháu cuộc sống đổi thay từng ngày đi lên cùng đất nước càng nghiêm cẩn cúng thờ cầu khấn tìm điều linh ứng.

Có thể nói, Lễ hội vạn làng chài trên mặt sông hạ lưu Linh Giang là một loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể truyền thống mang tính nhân văn cao, thể hiện nét văn hóa cộng đồng độc đáo, toát lên sự yêu thương đùm bọc những người hạ bạn sống đời ngụ cư lênh đênh sóng nước đây đó. Hội làng hạ bạn mặt sông Linh Giang còn thể hiện một ý thức tâm linh của cộng đồng sống bám vào trời, nước, trăng, sao và sự chuyển vần vũ trụ với những điều rủi may khôn lường, khôn lý giải được.

Trải hơn nửa thế kỷ đi qua, đền thờ cá Ông và đình thờ Thành Hoàng làng cũng bao phen bị thiên tai, bị bom đạn giặc vùi dập nhưng với bàn tay cộng đồng của người dân Xuân Hồi Thanh Xuân cũng đã bắt tay tu sửa dựng lợp lại để còn có nơi hương khói thờ cúng. Tuy nhiên ngày nay đền thờ vạn làng Xuân Hồi Thanh Xuân bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, nhà dột nát phải dùng ni long che chói tạm tránh mưa nắng cho khỏi hư hỏng đồ thờ cúng. Thậm chí sự chật chội không đủ chỗ cho bà con thắp hương khấn lễ. Điều đó cũng thật không thỏa đáng với truyền thống các bậc tiên hiền và cha ông buộc bụng thắt lưng trước đây gầy dựng nên.

Bây giờ cuộc sống cháu con cũng đã nhiều thay đổi, bộ mặt xóm làng cũng đã nhiều khởi sắc nên nguyện vọng các thế hệ hôm nay cũng muốn tu sử bồi bổ lại cho các nơi thờ cúng được khang trang hơn. Tờ trình của dân sở tại đã được UBND Tỉnh, Công văn số 63 ngà 14 tháng 4 năm 2011 đồng ý và nhất trí giao cho UBND Huyện Bố Trạch chỉ đạo giải quyết thực hiện xây lại, tu sửa đình miếu được phù hợp với nguyện vọng nhân dân và con cháu nơi này. Âu đó cũng là việc làm thiết thực của những người biết “ăn quả nhớ người trồng cây” cùng nhau hướng về cội nguồn để nhằm giáo dục thế hệ cháu con hôm nay và mai sau vọng về Tiên Tổ.

VĂN TĂNG

MẸ VẪN CHỜ CON VỀ ĂN TẾT

Ngọc Tuân

Bây giờ mẹ đã ngoài 80, tóc bạc trắng, vai so lại chảy xuống, bước đi khó khăn, cơ chừng mẹ chỉ bằng hình hài đứa trẻ lên 8. Dấu ấn thời gian vẽ chằng chịt những nếp nhăn trên khuôn mặt ngày một khô héo của mẹ. Tất cả những gì màu mỡ, tốt tươi mẹ đã dành nuôi 5 anh em tôi trưởng thành những công dân mẫu mực của đất nước. Nay, đã ngoài 60 tuổi nhưng mỗi lần về quê, ngày ra đi mẹ vẫn cầm bàn tay tôi, nhẹ nhàng đặt một cái hôn rồi dặn dò: Ra đến nơi gọi điện về cho mẹ.

Nhớ ngày còn bé, gần tết mẹ đi chợ Tréo mua cho anh em tôi manh áo mới. Năm đứa con trai “ngũ quỹ trình làng” đứa nào cũng ngoan ngoãn luôn là niềm tự hào, hãnh diện của mẹ. Tiền không nhiều, mẹ chỉ mua cho đứa này manh áo thì thôi quần, đứa bé có quần thì thôi áo. Sang năm, đứa lớn dồn xuống cho đứa bé, thành ra tôi là cả luôn được có quần áo mới, mừng lắm.

Lên 6 tuổi, đi học vỡ lòng ở nhà thôn Hạ Đông tôi còn ở truồng. Bàn học là tấm ván cao chông chênh, lớ ngớ thế nào lọ mực đổ xanh lét cả chim, mẹ cười ngất. Hôm sau, mẹ lận lưng mấy đồng bạc, dắt tôi đến bác thợ may thửa cho cái quần xanh xỉ lâm có hai túi chéo xỏ tay. Lần đầu được mặc nó tôi cứ đi quanh nhà mà không dám co gối lên sự nhăn vải, một tuần liền không chịu cởi ra để mẹ giặt.

Tết quê vùng chiêm trũng thường đến vào dịp đồng áng tất bật. Có năm, chiều 30 tết vẫn còn nhổ mạ, cấy lúa ngoài ruộng. Vậy nhưng, mâm cúng tất niên vẫn luôn đủ món quê. Bánh đòn gói lá chuối nhân đỗ xanh có thịt ba chỉ dẫu nó loáng thoáng cho có chút mỡ. Bánh tày gói bằng gạo nếp râu dẻo, ấp hai cái vào nhau buộc chặt. Bánh ít gạo tẻ, gạo nếp. Bánh in làm bằng gạo nếp rang nổ, đóng khuôn với chút nước gừng đường. Mứt gừng cay nồng ấm áp ngày đông. Chiều 30, cha thịt con gà làm mâm cơm cúng. Mới vớt ra từ nồi nước luộc, đám con đã bâu lại hau háu nhìn cái đùi gà miệng ước được cầm lên mà nhai. Mẹ bảo, chém mồm, chém miệng, các cụ chưa thụ lộc.

Mâm cơm thì nhiều món nhưng món gì cũng ít và nhiều thứ độn. Món thịt kho thì chủ yếu là củ đậu. Món cá kho thì ớt bột đỏ ngầu. Món xương hầm thì cho nhiều khoai. Thích nhất là món thịt nướng lá bưởi vì nó thơm và không độn, mặc dù mẹ cố gạn cả chỗ bạc nhạc cho đủ mỗi người một cái. Mùi thơm ấy vẫn bám theo những đứa con suốt tháng năm đi xa. 

Những năm chiến tranh ác liệt, đi học cấp 3 sơ tán tận xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, không về ăn tết được, mẹ gửi cho một lọ ruốc thịt được băm cả xương từ thịt ngan, kho với sả trộn thật nhiều muối, rắc ít sợi lá chanh, lá bưởi. Mở ra, thoảng mùi lá bưởi chợt nhớ món tết mẹ làm. Thằng Thành đi K8 sơ tán tận Thọ Xuân, Thanh Hóa, có lần công tác mẹ xin được ghé qua ngủ với nó một đêm. Thằng Thành không ngủ, nó rúc đầu vào lòng mẹ nói mung lung, mang lai sợ ngủ quên mẹ đi mất. Trong mơ, nó nói “con thèm ăn thịt náng” mẹ đã khóc mà cố nuốt nước mắt vào trong, sợ nó biết.

Lớn lên, năm 1971, ngày thoát li gia đình, lúc đầu đóng quân ở Cộn, Đồng Hới, cách nhà non dăm chục cây số mẹ cho mang theo chiếc xe đạp là tài sản đáng giá nhất của gia đình. Tết đến cố gò lưng đạp xe về với mẹ. Mùa đông, gió đông bắc thổi mạnh, từ Cộn về, gió thổi từ sau lưng xe bon bon. Đến nhà thấy mẹ đứng ở bụi tre cạnh vườn mà nét mặt chẳng vui. Hỏi sao, mẹ nói, đoán thể nào con cũng về tết nên từ chiều qua đã ra đứng đợi ở đây, thấy bom nổ phía phà Quán Hàu mà lòng như lửa đốt. Rồi nước mắt vòng quanh, mẹ khóc vì mừng.

Ngày ra Hà Nội học đại học, mỗi bận tết đến phải mất vài ngày mới về được đến nhà. Ngày đầu đi xếp hàng rồng rắn ở ga Hàng Cỏ cố mua cho được cái vé vào Vinh, chèn ép nhau có khi cả một ngày mới được cái vé. Lên tàu, không chỗ ngồi, đứng bám lấy giá để hàng mà cũng chỉ đứng được một chân, mỏi thì đổi, đôi lần bí quá liều mạng trèo lên nóc tàu nằm ngang trên đó, một đêm, một ngày mới đến Vinh. Về đến Vinh lại lếch thếch ra bến xe chen chúc mua vé lên thùng xe tải chạy mất một ngày mới tới Đồng Hới. Một buổi nữa để về nhà, thấy mẹ lom thom sau bếp, nghe tiếng con gọi tự dưng rơi cả que củi đang cháy cầm trong tay. Mẹ lại khóc vì mừng.

Mỗi lần tôi về, mẹ hớn hở khoe khắp xóm “cháu nó về ăn tết đấy”. Một lúc thôi, chú bác, cô dì quanh nhà đã sang ngồi trò chuyện, thưởng thức cái kẹo Hà Nội, uống chén nước chè Thanh Hương. Hết chiến tranh rồi nhưng mẹ vẫn lo vì tàu xe trắc trở, nhỡ độ dọc đường biết nhờ ai! Gần ba mươi tuổi rồi tôi vẫn còn là con trẻ trong trí nhớ của mẹ.

Rồi với thời gian tôi ra trường, ở lại làm giáo viên nơi mình học, có vợ và có những đứa con. Tết đến thưa dần những lần về với mẹ. Mẹ viết thư gửi ra, mẹ nhớ các cháu lắm, gắng đưa chúng về quê, già rồi mẹ không đi xa được. Cứ nghĩ, còn những đứa cháu ở quê làm niềm vui, nào biết trong lòng mẹ, những đứa ở xa là đứa thiệt thòi vì không được gần ông bà. Cây khế ngọt trước nhà, trái ngon chín nẫu, bà không cho đứa nào hái, bảo để dành cho mấy đứa ở Hà Nội. Chúng con không về, khế rụng, mẹ buồn mà đâu có biết!

Trước tết năm 2008, út Minh sửa nhà đang giang dở, mẹ ốm thập tử nhất sinh. Bị nhồi máu cơ tim, mẹ mê man bất tỉnh hơn một tháng liền ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. Các bác sỹ ở đó bất lực, chú Đại cùng vợ con quyết định đưa mẹ vào bệnh viện trung ương Huế. Ở Huế một tháng nữa mẹ vẫn trong hôn mê. Đã có lúc tuyệt vọng, bác sĩ điều trị cho đưa về, con bảo chú Minh về dọn sạch tầng dưới chuẩn bị hậu sự cho mẹ, nó ôm mặt khóc nhất quyết không đi. Cứ vinh vào câu “còn nước còn tát”, chúng con đánh đu với bệnh viện, mưa rét đứa trực trong phòng, đứa nằm ngoài hiên. Hết phép, vợ chồng thay nhau chiều thứ 6 nhảy tàu về với mẹ, đỡ giúp các em, chiều chủ nhật nhảy tàu ra Hà Nội kịp sáng hôm sau làm việc.

Thế rồi như có phép màu, sau hai tháng hôn mê mẹ đã tỉnh lại. Hôm đó, đêm ngồi trên ghế, gục đầu lên giường mẹ ngủ thiếp đi lúc nào không biết, chợt thấy mẹ động đậy, bừng tỉnh, thấy mẹ đang lần tay rút ống xông mọi ngày vẫn bơm thức ăn từ mũi ra, con đã hốt hoảng gọi bác sỹ trực. Ông ấy đến, hỏi to “mệ tên chi”. Mẹ nói trong khó khăn “Du..ung”. Vị bác sỹ quay sang con nở nụ cười nói “tốt rồi anh ạ” và con đã òa khóc.

Rồi mẹ được ra viện, về nhà, từ đó năm nào con cũng cố về ăn tết với mẹ, lòng nơm nớp nghĩ rằng sợ tết này là tết cuối cùng bên mẹ.

Vậy mà, năm nay vì cháu nội của mẹ từ nước ngoài về, ít ngày quá không cùng nhau về quê được nên con không về được với mẹ. Gọi điện về chúc mừng năm mới, mẹ nói, mẹ vẫn chờ các con về ăn tết, con lại khóc.

NGƯ THỦY MÙA GIÓ CHƯỚNG


Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Ngư Thuỷ Bắc, xã vùng biển bãi ngang của huyện Lệ Thuỷ một ngày biển động, mùa gió chướng. Nhìn những chiếc thuyền bơ nan bé nhỏ, mỏng manh nằm chỏng chơ trên bãi biển ào ạt gió, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn vất vả của đất và người nơi đây... Nói ra điều này, anh bạn đồng nghiệp cho rằng, đó là chuyện quá cũ, không có gì mới. Vâng, nhưng trong một buổi chiều trên vùng đất, biển nghèo này tôi đã nhìn thấy le lói những điều mới lạ...

Bãi ngang, dân nghèo...

Trên bãi biển Bắc Hoà (Ngư Thuỷ Bắc) trong một chiều gió đông bắc ào ạt, sóng táp bờ tung bọt đục ngầu, tôi có cảm giác hoang vắng, dù có cả chục chiếc bơ nan với dăm ngư dân đang loay hoay với đống ngư cụ chất đầy trên từng con thuyền. Trần Trung và Trần Văn Tài là hai anh em ruột, tuổi trên dưới 30 đang mải mê với việc gỡ lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày mai.

Trung tâm sự: Đi biển với thuyền bơ nan là công việc nhọc nhằn, vất vả mà thu nhập không đáng là bao vì chỉ đánh bắt luẩn quẩn gần bờ, cá nhỏ, giá trị thấp. Mùa hè thuyền chúng em đi đánh cá nục, cá trích, mực...mùa này đi làm cá hố, cá khoai...Phần lớn cá nhỏ chỉ bán giá thấp, hoặc bán làm thức ăn cho chăn nuôi...Thu nhập thấp sao không tìm việc gì khác để làm? Tôi hỏi hai em, Trung nói thì có việc gì đâu, đất vườn chẳng có. Nếu có đất, có vườn? Thì em sẽ bỏ nghề nhọc nhằn này, nếu không thì đến độ sau 40 tuổi cũng phải rời biển vì không còn sức, Trung nói.

Biển bãi ngang, tôm cá không dồi dào, không có điều kiện để đóng tàu lớn như những vùng biển khác, "hậu phương" lại là vùng đất cát bạc màu, cát trắng đến nhức mắt... Bao đời nay người dân 3 xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam vẫn phải lăn lóc với bãi ngang để kiếm con cá, con mực. Riêng Ngư Thuỷ Bắc, theo anh Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã, có khoảng 400 thuyền bơ nan công suất dưới 40 cv (chủ yếu là loại 12 cv) với 500 lao động biển. Hàng năm đánh bắt khoảng trên dưới 1.200 tấn thuỷ sản kể tất tật lớn bé.

Từ con số này, tôi chợt so sánh với xã biển Đức Trạch (Bố Trạch) về số lượng thì chỉ bằng 1/ 7, còn về chất lượng thì có lẽ chỉ bằng 1/15. Và, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn ở mức khá cao với hơn 15%... Anh Thoảng nói: Từ thực tế làm nghề biển ngày càng khó khăn, nguồn lợi từ biển bãi ngang ngày càng cạn kiệt, cần thay đổi cung cách làm ăn để dân có thể khá lên và cũng để tránh nguy cơ huỷ diệt môi trường biển, từ năm 2012, Đảng uỷ, HĐND xã đã ra nghị quyết về việc chuyển đổi nghề để tìm hướng đi bền vững hơn...

                               Chuẩn bị thức ăn cho cá lóc.

Chủ trương đó đã được người dân hưởng ứng tích cực, loang rộng trong cả 5 thôn của xã với hướng đi cụ thể như phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt phong trào nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều mô hình làm ăn mới đã hình thành sau hai năm xã Ngư Thuỷ Bắc thực hiện ý tưởng "bẻ ghi" nếp làm ăn cũ. 

Đã có những điểm sáng...

Chúng tôi về thôn Tân Hải, một trong những thôn có phong trào nuôi cá sôi động ở Ngư Thuỷ Bắc. Gia đình anh Ngô Công Quốc, 42 tuổi, có 6 hồ cá lóc, diện tích mỗi hồ khoảng 400 m2. Nhiều hồ cá lóc đã đến lúc thu hoạch, cá to hơn bắp tay người lớn, nằm san sát dưới đáy hồ trông thật thích.

Anh Quốc cho biết, hàng năm từ 6 hồ cá anh thu được 6-7 tấn cá lóc thương phẩm. Hỏi giá bán, anh nói giá bán tại ao nuôi lúc này là 47.000đồng/kg. Tôi nhẩm tính, hàng năm gia đình anh thu được hơn 300 triệu đồng. Đưa ra con số này anh Quốc bảo chỉ lãi độ 100 triệu thôi, còn lại là chi phí để nuôi cá, rồi cá giống... Cá lóc, loài cá mà các hồ nuôi thuỷ sản đều kinh sợ bởi sự tạp ăn của nó, nhất là không loại trừ đồng loại, nên thức ăn chính của nó là cá con. Cá con để nuôi cá ở đây chủ yếu là cá thải loại khi đánh bắt trên biển về, cá mua từ các vùng đánh bắt khác như ở Bảo Ninh, Đức Trạch...

Còn cá giống mua từ các tỉnh phía nam. Cá lóc nuôi quanh năm, mùa hè cá chóng lớn hơn nên khoảng 4-5 tháng là có thể xuất bán, mùa đông thời gian dài hơn độ một tháng. Hồ nuôi ở vùng cát có những tiện lợi, nước đủ quanh năm mà không bị ngập về mùa mưa, đào ao cũng không quá khó vì là đất cát. Những ao cá nhà anh Quốc cũng hết sức đơn giản...

Trong nhà anh Quốc có cả xe tải và một đống thùng nhựa. Thắc mắc về điều này, anh bảo tôi làm dịch vụ thu mua cá lóc cho toàn xã. Lại một điều ngạc nhiên nữa về Quốc. Và cũng từ anh chúng tôi có con số khá cụ thể về lượng cá lóc của xã Ngư Thuỷ Bắc. Anh Quốc cho biết, hàng năm anh thu mua khoảng 180 tấn cá, nhưng chủ yếu là hai thôn Tân Hải và Bắc Hoà. Cá được đóng thùng đưa đi tiêu thụ từ Huế ra đến Nghệ An. Vâng, con cá vùng biển đã đi xa hơn mọi người tưởng mà kỳ lạ là con cá nuôi nước ngọt, thật khó tin!

Đến thôn bên cạnh, thôn Bắc Hoà chúng tôi bắt gặp một mô hình nuôi cá lóc khác của gia đình ông Trần Kim Phi. Các hồ cá của ông được kiên cố hoá khá bài bản và sản lượng cá của ông Phi cũng khá lớn, xấp xỉ con số của nhà anh Quốc. Liền kề với các hồ cá ông Phi là hồ cá của bà con trong thôn tạo nên một khu vực nuôi khá rộng.

                                          Hồ nôi cá lóc được kiên cố hoá ở thôn Bắc Hoà.

Theo anh Thoảng, hiện nay toàn xã có trên 550 hộ nuôi cá lóc, diện tích ao nuôi là 50 ha. Hàng năm sản lượng cá lóc xuất bán khoảng 350 tấn. Bên cạnh nuôi cá lóc, nghề chăn nuôi lợn gà, ngan, vịt cũng phát triển khá mạnh trong những năm qua. Cả xã có trên 100 hộ có đàn lợn trên 30 con/hộ...

Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở...

Những con cá lóc to bự trong những hồ nuôi đơn giản làm chúng tôi nghĩ về một hướng đi khá triển vọng của người dân vùng biển bãi ngang nghèo khó này. Nhưng khi rời những "điểm sáng" về nuôi cá lóc, tình cờ gặp ông Võ Khôi cũng ở thôn Tân Hải, hỏi về nuôi cá lóc, ông nói có nuôi một hồ, nhưng tính ra thì lỗ! Tại hộ gia đình ông Phi, tiếc rằng không gặp được chủ nhân, nhưng người làm công ở đây nói nay giá cá làm thức ăn cho cá lóc cao lắm nên lời lãi chẳng được bao lăm!

Đem điều thắc mắc này trao đổi với lãnh đạo xã, tôi được biết còn khá nhiều vướng mắc đối với con cá lóc miền biển này. Một sự so sánh đơn giản, giá cá lóc ở thị trường hiện là 80-100 nghìn đồng/kg, thế nhưng người nuôi ở Ngư Thuỷ Bắc chỉ bán được 47.000 đồng/ kg, có lúc còn thấp hơn, như thế là quá thấp, khâu lưu thông đã "chén" hết lợi nhuận của người nuôi.

Vậy có cách gì để khắc phục tình trạng này? Nhiều hộ nuôi cá lóc cho rằng lượng cá lóc nuôi khá lớn nên bị ép giá. Nếu có nhà máy chế biến (sấy khô) như một số tỉnh khác ở phía nam thì sẽ cải thiện được tình hình. Và một vấn đề khác, con giống phải mua tận Đồng Nai nên giá cũng đội lên do khâu vận chuyển. Anh Quốc nói nếu có nguồn vốn vay khoảng 150 triệu đồng tôi sẽ đầu tư cơ sở sinh sản cá lóc giống phục vụ bà con... Và vốn vay không chỉ là đòi hỏi riêng của anh Quốc, những tiềm năng khác ở vùng biển này còn bỏ ngỏ hoặc chưa phát huy mạnh mẽ cũng từ việc thiếu nguồn vốn. Anh Thoảng nói rằng đến nay địa phương chưa tiếp cận được nguồn vốn từ kênh của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT...

Để người dân vùng biển tạo thế đi bền vững hơn trên chính quê hương mình, ngoài nội lực của người dân nghèo đang rất cần những ngoại lực khác.

Văn Hoàng