TRỞ THÀNH TỈ PHÚ TỪ NGHỀ BÁN KEM

Trông dáng người thấp đậm, lấm lem bùn đất chẳng ai ngờ anh Đinh Đăng Tuân ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) đã là chủ một trang trại cá giống rộng gần 4ha, trị giá hàng tỷ đồng. Và ít người biết rằng, để có được cơ nghiệp ngày hôm nay Tuân bắt đầu khởi nghiệp từ nghề bán kem dạo...


















                                   Đinh Đăng Tuân

Dựng "cơ đồ" từ nghề bán kem 

Theo lời giới thiệu đầy tự hào của bà Nguyễn Thị Chính, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy chúng tôi tìm về trang trại của anh Tuân. Trong nắng chiều ấm áp, những hồ cá san sát chồng lên nhau, tiếng cá đớp động dưới nước xen lẫn tiếng rì rào của những hàng phi lao quanh hồ tạo nên cảm giác thật yên bình. 

Anh Tuân từ dưới hồ bước lên, tay chân còn lấm lem bùn đất, thật khó thể tin người đàn ông mới 35 tuổi ấy đã là ông chủ của một trang trại lớn như thế này. Trò chuyện với chúng tôi, nghe anh kể lại từ thuở cơ hàn đến cơ nghiệp có được ngày hôm nay càng thêm khâm phục ý chí vươn lên của ông "vua" cá giống xứ cát. 

Sinh ra trong một gia đình có đến 8 người con nhưng 3 người đã bị tâm thần phân liệt. Gia đình Tuân thuộc loại nghèo có "số" ở vùng đất cát cằn cỗi Hưng Thủy. Dù là con út, nhưng Tuân phải sớm bỏ học lăn vào cuộc sống phụ giúp ba mẹ kiếm tiền mua thuốc chữa trị cho các anh chị. Học hết lớp 6, ngày anh phải theo bố đi cắt rể cây chứa về cho mẹ đan võng bán, đêm xuống thì ra sông thả lưới bắt cá, mò cua. Cứ thế, tuổi thơ của Tuân trôi đi theo thời gian cùng những tháng ngày lăn lộn trên ruộng dưới sông. Khi đã thành một thiếu niên, Tuân xin bố mua cho một chiếc xe đạp và cái thùng xốp để đi bán kem dạo.


Mới 35 tuổi nhưng anh Đinh Đăng Tuân đã làm chủ một trang trại cá giống trị giá hàng tỉ đồng

"Ban đầu, thấy nghề bán kem cũng có đồng vô đồng ra, vất vả một chút nhưng có thu nhập đều hơn. Những ngày rong ruổi khắp các vùng quê, tui để ý những người có cách làm ăn giỏi và thấy nhiều người ít học nhưng vẫn giàu có làm chủ những trang trại rộng lớn. Tui ôm ấp ý tưởng mở trang trại từ đó" anh Tuân chia sẻ.

Tiền lãi mỗi lần đi bán kem về, Tuân đưa một phần cho mẹ mua thuốc cho anh chị, phần còn lại được dành dụm làm vốn nuôi giấc mơ mở trang trại cho riêng mình. 

Năm 2000, sau khi lấy vợ, anh Tuân làm đơn xin xã cấp một mảnh đất ở cánh đồng cát của làng và dựng cái chòi ở riêng. Hình ảnh hai vợ chồng trẻ với cái chòi lộng gió giữa cánh đồng hoang vu khiến nhiều người thương và cũng không ít người tỏ ra ái ngại khi nghe anh định mở trang trại nuôi cá trên vùng cát cằn cỗi này. Gần một tháng trời ngụp mặt trong bùn cát, cuối cùng cũng đào xong ao cá rộng gần 200m2. "Ngày đó dùng sức người chứ chưa có máy móc như bây giờ. Mà có máy thì không biết lấy tiền đâu mà thuê. Đào được cái ao, vợ chồng tui mừng không ngủ được" - anh Tuân nhớ lại. 

Lứa cá đầu tiên, cá lớn nhanh, nhưng cuối vụ thu hoạch tính đi tính lại cũng chẳng lời lãi bao nhiêu vì giá con giống quá đắt, lại phải đi xa mới mua được. Lúc đó trong đầu anh nảy ra ý tưởng mới: Tại sao mình không tự sản xuất cá giống để nuôi? 

Tay không đi học nghề 

Nghĩ là làm, anh bàn giao ao cá lại cho vợ ở nhà tự nuôi, bắt xe vào Nha Trang xin làm thuê cho những trại sản xuất cá giống. Vừa làm thuê kiếm sống, vừa học hỏi kỹ thuật sinh sản, ươm nuôi các loại cá giống. Suốt thời gian đi làm thuê, anh luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc thêm các kiến thức trên sách báo và học từ kinh nghiệm thực tế. Rời Nha Trang, anh lại ngược ra Bắc xin hẳn vào Viện nuôi trồng thuỷ sản 1 Hà Nội để vừa làm vừa học nghề. "Các thầy ở đó thấy tui cần cù, chịu khó, ham học nên thương lắm. Có được kỹ thuật, "bí quyết" chi cũng chỉ dạy tận tình chứ không giấu diếm chi cả"- anh Tuân kể. 

Sau hơn 3 tháng học nghề, anh về quê tự ươm, sản xuất con giống. Được tai nghe mắt thấy, cầm tay chỉ việc, lại có cơ hội thực hành, ứng dụng, nên Tuân đã không quá khó khăn trong việc tự sản xuất con giống. Tự sản xuất được con giống, chi phí sản xuất thấp nên việc nuôi cá của vợ chồng anh ngày càng có lãi. Hai vợ chồng mua thêm đất ruộng bạc màu của bà con, đầu tư đào thêm ao mở rộng trang trại. 

Hiện nay, trang trại của anh có diện tích gần 4 ha, hệ thống hàng chục ao nuôi, ao ươm giống với nhiều loại cá giống như: cá trê lai, lóc lai, cá rô phi, cá chép, cá trắm... Mỗi năm trang trại của anh đã cung cấp ra thị trường trên trăm vạn cá giống phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài tỉnh. 

Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, lợn, anh còn nuôi thêm giun quế, lắp đặt máy xay ngô, lúa ngay trong trang trại. Nhờ vậy mà doanh thu của trang trại ngày càng tăng, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. 

Dù cuộc sống đã khấm khá hơn trước nhiều, làm chủ cả một trang trại rộng lớn ăn nên làm ra nhưng trong tâm trí ông chủ trẻ luôn luôn đau đáu một điều là làm thế nào để giúp bà con vùng cát cùng thoát nghèo. Bởi vậy, bằng kinh nghiệm của mình Tuân luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con có nhu cầu xây dựng trang trại. Và trang trại của anh Đinh Đăng Tuân là mô hình thăm quan của nhiều nông dân khắp nơi đến học tập.

Theo Báo Quảng Bình

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét