"LỄ HỘI TÁT VUNG TRÊN HÓI ĐỢI" CỦA NGƯỜI ĐẠI PHONG XƯA

Nguyên Hoàng 












                            Người Đại Phong xưa chọn nơi đây để tổ chức lễ hội Tát Vung

Về Lệ Thủy, về với miền quê chiêm trũng, nơi đây được ví như “ chiếc nôi” nuôi dưỡng và ghi dấu nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, mang đậm nét của người dân lao động mộc mạc nhưng vô cùng mạnh mẽ và kiên cường. Dường như trên mỗi làng quê lại gắn với những lễ hội riêng mang những nét đặc trưng nghề nghiệp, tín ngưỡng thờ cúng… của từng địa danh. Chỉ tiếc, theo sự vô tình của thời gian, nhiều lễ hội đã dần dần bị mai một, lùi vào quá khứ và chỉ còn lại trong miền ký ức mong manh của các bậc cao niên.

Về với làng quê Đại Phong thuộc xã Phong Thủy với nhiều câu chuyện ly kỳ, một nét rất riêng với một phong tục, lễ hội thiêng liêng. Đó chính là lễ hội “ Tát Vung” của người dân Đại Phong xưa.

Làng Đại Phong xưa có tên gọi là làng Đại Phúc. Nếu bạn đứng xa ra một chút mà quan sát thì Tổng Đại Phong xưa được bao bọc trong bốn bề là sông. Phía trước là Kiến Giang, phía sau là rào Mỹ Phước, Bên tả là đoạn sông Bình Giang xưa nối từ Mũi Viết ra Hà Thanh, bên hữu là đoạn sông Kiến Giang nối từ An Lạc đến hói Sao Vàng. Kéo dài từ đầu làng đến cuối làng là “Hói Đại Phong”. Nhắc lại giai thoại về hói Đại Phong xưa còn gọi là hói Đợi, hói nhà Mạc vì được đào vào thời nhà Mạc, với ý đồ yểm long mạch. Chuyện kể rằng, Dưới triều Mạc có bốn Quận công thì có ba sinh ra ở Đai Phong. Vậy nên vua Mạc Đăng Dung cho thầy Địa Lý về xem xét và cho đào con hói để cắt long mạch. Con hói này có mấy điều lạ là: Thứ nhất, theo như truyền thuyết kể lại, khi đào lên nước hói đỏ như máu, nhiều năm lũ lụt như vậy nhưng cứ đến muà hè nước lại đỏ. Thứ hai, hói thì nhỏ nhưng cứ mỗi lần có mưa thì nước hói bên đục, bên trong (bên Đợi đục, bên Tuy trong). Thứ ba, hói có hai bờ nhưng bờ phía Đợi thì bồi còn bên Tuy thì lở. Song, nếu xét về phong thủy thì dân tổng Đại Phong phải biết ơn về con hói Đợi, biết ơn nhà Mạc mới phải. Bỡi vì, như đã nói ở trên, thế đất Đại Phúc Lộc vuông vức như cái triện, nhưng đồng thời nó cũng như chữ "Khẩu", chữ "Tù" vậy. Do đó, nhát cắt của hói Đại Phong đã chia đôi nó thành chữ "Nhật". Nhật là mặt trời, là minh (sáng) nên đời sau mới lại sinh Đế, đó là Ngô Đình Diệm. Sinh Vương, đó là Võ Nguyên Giáp, là hồng y Nguyễn Văn Thuận. Yểm đất kiểu gì mà chẳng những là quận công mà đất này còn sinh Đế.

Và cũng trên con Hói này, người dân Đại Phong xưa đã tổ chức một lễ hội rất đặc sắc và thiêng liêng mang tính chất cầu linh đó là “Lễ hội Tát Vung”

Lễ hội độc đáo này không phải năm nào cũng tổ chức, mà chỉ vào những năm nào hạn hán gay gắt, khi cây lúa nghẽn đòng không thể trổ bông. Lúc này, theo yêu cầu của bà con trong làng và của nhiều làng xung quanh, làng Đại Phong sẽ tổ chức lễ hội tát vung, thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm của người Đại Phong xưa thì lễ hội tát vung là nhằm mục đích gây náo động thiên cung, để cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Và điều đặc biệt, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cứ năm nào có lễ hội thì chắc chắn năm đó trời sẽ có mưa, lúa tốt bời bời.

Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ được thực hiện ở miễu "Bà Ngũ vị long vương" và đình làng, còn phần hội tát nước được diễn ra ở đoạn hói nhà Mạc ngay trong làng, đoạn hói nhà Mạc đi qua làng còn có một chiếc cầu "thượng gia hạ kiều" (tức là trên nhà, dưới cầu) kiên cố vững chãi. Lễ hội diễn ra ngay ở đoạn sông khoảng 200m dưới chân cầu này, được ngăn bởi hai con đê hai đầu. Người ta cắm hai cọc ở hai bờ đối diện sông, xỏ một đoạn chỉ dài làm mốc, ở giữa đặt một chiếc vung lớn đường kính hơn 60cm. Trai tráng của hai thôn trên 18 tuổi được huy động tham gia tát nước. Ai sức vóc khỏe mạnh, dẻo dai được lên vị trí đầu tiên, còn phía sau cứ theo độ tuổi để đứng. Mọi vật dụng tát nước được sử dụng tối đa như gàu sòng, nón, thau...

Hồi đó, làng Đại Phong có 7 thôn (Ấp Thượng, Ấp Roộc, Tây Thượng, Đông Thượng, Tây Hạ, Đông Hạ, Mỹ Phước). Mỗi mùa lễ hội, làng sẽ bắt xăm chọn một cặp ra thi thố. Làng cũng trích một khoản tiền để làm phần thưởng và tổ chức ăn khao.

Hai bên thi nhau tát nước, người trên bờ hò reo, cỗ vũ, trống hội rền vang, kẻng khua giòn giã, cờ quạt phấp phới, náo động cả một vùng sông. Đến khi đoạn sông cạn nước, bên nào tát mạnh hơn chiếc vung trôi về bên đó thì sẽ giành phần thắng. Sau khi tát cạn, bà con lại tiếp tục đào sâu, với ý nghĩa "chạm được con rồng nước nằm sâu trong lòng sông để nó phun mưa lên trời". Nếu vào ngày diễn ra lễ hội, trời đột ngột đổ mưa, cả làng xem đó là điềm linh ứng, lễ hội càng thêm tưng bừng, phấn khởi.

Trải qua nhiều biến cô của lịch sử, đến những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, lễ hội tát vung Đại Phong dần dần mất đi và để lại nhiều tiếc nuối. Dù đến thời điểm hiện tại, lễ hội Tát Vung đã không còn nữa, nhưng đối với mảnh đất này, khi nhắc đến tên lễ hội thì đó mãi mãi là một truyền thống tốt đẹp của các bậc ông cha đã để lại trong mỗi người con Đại Phong đến thế hệ mai sau.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét