Đặng Ngọc Tuân: Trong bài "Âm thanh tiêng lòng còng" trước đây tôi có nhắc đến câu chuyện dân làng Xuân Hồi, Liên Thủy là những người đầu tiên lập nên làng Xuân Hồi ở cửa sông Linh Giang (sông Gianh). Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên tôi chưa đến được đó để nghiên cứu. Rất may, nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng đã có một bài viết hay về cái làng ấy.
Quảng Bình vùng đất từ ngàn đời xưa đã có nhiều lễ hội linh ứng được dân chúng tổ chức cúng, rước quanh năm. Ở mỗi miền quê lễ hội thường mang những nét độc đáo của vùng đất. Miền núi Minh Hóa có lễ hội chợ Rằm tháng 3 âm lịch, có lễ hội Đập trống tháng giêng của dân tộc Ma Coong ở miền tây Bố Trạch. Ở miền đồng bằng có lễ hội bơi trải Lệ Thủy, lễ hội Đuổi chim ở làng Quảng Xá, lễ hội Rằm tháng Giêng ở Văn La, ở Quảng Ninh, lễ hội rằm tháng hai ở Đông Dương Quảng Trạch… Miền biển có lễ hội bơi trải ở làng Cảnh Dương, ở xã Bão Ninh, hoặc lễ hội diễn ra ở các đình, miếu, chùa chiền. Mỗi lễ hội được tổ chức luôn theo một nếp riêng. Như Đồng Hới Bảo Ninh gọi là lễ hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” (sáu năm tổ chức một lần), Lễ hội đập trống với tiếng gọi “sướng lắm Giàng ơi” mỗi năm một lần, lễ hội đuổi chim mỗi năm rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ khi mùa thu hoạch lúa sắp vào vụ là tổ chức…
Độc đáo khác nữa là lễ hội vạn làng làm nghề chài lưới người Xuân Hồi, Thanh Trạch ở hạ nguồn sông Linh Giang hàng năm tổ chức trên mặt sông đập dềnh sóng nước. Vạn làng đánh cá trên hạ lưu Linh Giang là dân từ nhiều vùng hội đến, như ở Lệ Thủy, ở hạ vực Tròn Chí, ở Ròn Giang, Hói Mẹ, Hói Con…di cư đến. Là dân suốt ngày, suốt tháng sống theo con nước để tìm luồng cá đi nên ở đây còn được gọi là dân thủy diện (đối mặt với nước).
Cũng vì bủa câu, thả lưới hướng đuổi luồng cá đi tìm mồi theo con nước, theo con trăng nên tài sản lớn nhất họ mang theo là chiếc thuyền và các loại ngư cụ đơn giản như vằng câu, lưới bén, chài, dàn rớ di động…Chiếc thuyền được xem là ngôi nhà lênh đênh nay đây mai đó, chống chọi với gió mưa, bão tố, lũ lụt. Hễ gặp bờ hẳm là ghé thuyền vào hốc đá tựa mạn, gặp bãi quang thì chụm mũi thuyền cùng cắm sào rồi lên bắc nồi nhóm bếp, phơi phong, lấy nước ngọt dự trữ cho chuyến đi ngày tiếp.
Những người du ngư, du cư này không dễ dàng sống tập trung mà họ rải khắp từng con hói dọc, từng con lệch ngang, từng khúc sông rộng, hẹp như sự phân tán ngẫu nhiên mà có tổ chức của “luật sông nước” để buông câu thả lưới. Họ gặp nhau chủ yếu là ở các buổi chợ làng, các phiên chợ xã, phiên chợ huyện để bán cá, mua sắm vật dụng gạo, rau, củi, dầu cần dùng cho đời sống ngày ngày. Cũng nhiều lúc trên các bãi rộng các chủ thuyền cụm thuyền lại bên nhau hui thuyền, vá lưới chỉnh trang ngư cụ hư hỏng vài ba ngày, xong việc lại chia nhau rẽ thuyền về các ngả buông câu thả lưới tiếp tục với mặt nước lênh đênh.
Từ cuộc sống giản đơn linh hoạt theo hoàn cảnh vậy, nên người dân vạn chài nơi đây vẫn truyền cho nhau những bài vè về ngôi nhà thuyền của mình như:
Đủ tranh đủ tre, chỉ thiếu hai hè
Đủ giường, đủ chiếu, chỉ thiếu màn the
Đủ dè, đủ cót, đủ thưng, đủ che
Đủ bàn thờ, chiếu trải
Chỉ thiếu sập gụ, tủ chè…
Những người làm nghề hạ bạn nơi đây từ trước họ vốn có quê làng. Thường thường họ đi đánh cá dăm bữa, nửa tháng là quay về nhà, khi thì thăm cha mẹ, khi thì ngày giỗ chạp tổ tiên. Dần dần do hoàn cảnh sống dựng vợ, gả chồng sinh con đẻ cái đông đàn đông lũ nên rồi việc đi về cũng hạn chế, thưa thớt dần. Và thế là ở vùng đất nào thì sống cạnh, sống nhờ ngụ cư vùng đất đó. Từ vài ba thuyền gặp nhau, đến dăm bảy thuyền hội nhau, rồi hàng chục thuyền cắm sào nơi bãi hoang cồn vắng bên nhau, lại trở thành mối quan hệ thân tình xóm thuyền, xóm bãi, giúp nhau lúc hoạn nạn, đỡ đần nhau lúc khó khăn khi tối lửa, tắt đèn.
Ông Nguyễn Tri Phương người lớn lên nơi vùng sông nước này vẫn kể: Cảnh sống du cư lênh đênh mạn thuyền đây đó nhưng họ không hề quên gốc rễ của mình. Trên thuyền luôn có bàn thờ treo trong mui thuyền, có chiếu trải trên sạp thuyền những khi thắp hương quỳ lạy. Cách làm ăn tùy theo con nước, con trăng, rủi may tùy cơ nên họ tin ở sự ban phước của thần tinh đất trời. Gặp năm thuận thì họ tích lủy được vốn liếng để sắm thuyền, sửa ván, đổi lưới, mua câu, dạy dỗ con cháu biết làm nghề sinh lợi.
Hạ lưu sông Linh Giang là lưu vực rộng của con sông lớn nhất Quảng Bình, dòng sông là nơi tụ hội của bà con vạn chài những ngày rằm, tháng tết. Vùng đất Bồ Khê cũ trở thành nơi thân thuộc để họ gặp gỡ nhau vào dịp tháng giêng và tháng ba tiết trời êm thuận.
Chuyện người Xuân Hồi Thanh Xuân nhớ rõ truyền tụng cho nhau rằng: Năm ấy vào dịp tháng giêng khi ngoài biển dông tố nổi lên dữ dội chỉ khoảnh khắc rồi tan đi, vài ngày sau, một người dân đậu thuyền bên bãi bỗng gặp xác một con cá Ông to lớn chết trôi dạt vào mấp mé bãi biển. Tin loan nhanh về khắp nơi, thế là mọi người vạn chài tụ họp cử ban tang lễ đóng hòm khâm liệm tổ chức lễ đám chay, mời kép hát bội về hò hát đưa tiễn Ông ba ngày ba đêm với người người khăn tang, áo thụng về nơi an táng. Từ đó ngày lễ tiễn Ông hàng năm thành ngày cầu trời yên biển lặng.
Cũng từ đó nhiều năm liên tiếp người làm nghề ngư phấn khởi được mùa. Mọi người tin là Ông linh thiêng đã phù hộ dân tình, lời cầu khấn động đến thủy thần nên người đánh cá luôn được bội thu. Cứ vậy tin vào thần trời, thần sông, thần biển nên hàng năm cứ đến rằm tháng giêng là thuyền bất kỳ ở đâu cũng về tụ hội chật bãi, cùng họp nhau bàn bạc đóng góp cúng lễ Ông để cầu mùa đầu năm và cùng chuẩn bị cho lễ hội cúng Thành Hoàng vào rằm tháng ba tới. Việc làm ân đức của bà con làng chài truyền tin tới Triều đình tỏ chuyện, vua hiểu được lòng dân hiếu thuận nên đã cấp đất cho dân vạn chài lập miếu thờ cá Ông, cá Ông được phong sắc là Nam Hải Thượng Đẳng thần. Ngoài việc cấp đất cho miếu thờ Ông, triều đình còn cấp thêm đất để dân vạn chài xây đình thờ hàng năm tế Thành Hoàng làng người khai khẩn dân vạn chài nơi vùng sông này nữa.
Trước đây dù khi chưa có đất, nhưng cứ đến tháng ba là làng chài dù ở đầu nguồn cuối hói đều gọi nhau về hội trên mặt sông, tổ chức đám rước linh đình. Vì cuộc sống lênh đênh từ lâu “không đất cắm dùi” nên lễ hội lúc nào là dân vạn chài điều động thuyền lớn ghép năm, bảy chiếc cho lướt ván phẳng làm nơi đình trung, dựng lên hương án, bàn thờ Thành Hoàng làng rồi mọi người đến châm hương cầu khấn linh thiêng lắm. Xung quanh tứ phía khu vực đình trung nổi, có cắm đủ cờ xéo, tàn, lọng, cờ đại ngũ sắc. Ban hành lễ sắm cân đai, hia cao, áo thụng để cùng “hơng” “bái” phục lễ. Khi tiếng chuông, tiếng trống dóng lên vang dậy mặt sông là mọi người áo quần kính cẩn bên những mâm cỗ có đủ heo quay, xôi hông, cá nướng, hoa quả, bánh kẹo bưng đến cúng… Mâm cúng không có kiêng cử như dân xứ miệt đồng.
Ngoài nơi thuyền kết làm đình trung thì còn có hàng trăm thuyền nhỏ khác khắp nơi bơi về chấu mũi thuyền vòng quanh dự lễ. Đêm xuống cả vùng sông nước đèn đuốc sáng trưng, hoa đăng thả tràn các ngả sông dập dờn trên mặt sóng trông thiêng liêng và đầy nghiêm cẩn.
Sinh hoạt lễ hội tháng giêng và tháng ba trên mặt sông Linh Giang đã từ lâu thành nếp đẹp và giàu bản sắc riêng đượm nếp văn hóa sông nước Quảng Bình ít nơi sánh được.
Người gìa ở đây kể lại: Mỗi khi vào lễ, ông trưởng làng chài trong bộ áo lễ, vác chèo lên vai, chiếc chèo thay thanh kiếm Thiên đình làm phép khi cúng khấn. Những lời cầu khi cúng đó là: Thứ nhất, cầu trời, cầu Ông, cầu thủy thần, hạ bá, cầu Thành Hoàng làng phù trợ cho dân hạ bạn được mưa thuận gió hòa, thả lưới buông câu, đi ngược về xuôi luôn luôn thuận lợi. Thứ hai, cầu cho các con thuyền ra biển khơi làm ăn gặp may mắn, các tay lái khỏe mạnh, đoàn kết cùng nhau vượt sóng, vượt gió làm ăn phát đạt. Thứ ba, cầu cho từng mẻ lưới, từng vằng câu gặp may mắn, cá tôm về gặp chợ mua rẻ bán đắt…
Cứ sau mỗi lời cầu khấn, ông trưởng làng dùng thanh chèo múa trừ tà, khi vung lên trời, khi chém mạnh xuống dòng nước phát tiếng ràn rạt xin âm dương cho phép hóa vàng mã…xin bơng hộ độ trì cho vạn làng ngày càng hưng thịnh phát đạt.
Khi lễ xong, cỗ bàn được chia về các thuyền cùng nhau ngồi xệp lên sạp thuyền, nhúng đôi bàn tay xuống nước sông rửa sạch, rồi mới bốc thức ăn bên nhau thật vui vẻ, đầm ấm. Đáng chú ý là, mỗi thứ trong mâm cỗ ăn được, trước khi ăn phải chia phần, đẩy xuống sông cho âm linh những người tử nạn trên sông biển cùng hưởng.
Sau các nghi thức cầu khấn ăn uống vui vẻ, nếu lễ hội gặp ngày thuận trời thì mọi thuyền cùng ghé bãi tổ chức các trò chơi dân gian như bơi thuyền thúng, bơi thuyền ngao, chia phe kéo dây thay kéo nậu, thi lặn hơi dài… Càng vui chơi càng tỏ rõ thêm tình thân ái cảnh chung “đồng hội đồng thuyền”.
Từ khi được nhà vua phong sắc cho cá Ông và có ngày kỵ húy, lễ hội càng trở nên linh thiêng. Cũng từ đó, nơi tạm trú bãi đất Bồ Khê cũ trở thành vạn làng Thanh Xuân Hồi ngày nay vừa có đền thờ Ông, vừa có đình thờ Thành Hoàng làng mà xưa vẫn gọi là nơi tôn nghiêm “sa hoàng bạch thổ” .
Dẫu đã có đất xây đền thờ Thành Hoàng kính cẩn nhưng để giữ đẹp nếp văn hóa vùng sông nước, hàng năm lễ hội làng trên mặt sông Linh Giang vẫn được tổ chức để giữ tục đẹp cha ông gầy dựng nên. Tục đẹp ấy có khi mỗi năm một lần có khi hai hoặc ba năm một lần tùy điều kiện thuận lợi. Nói về lễ hội văn hóa này, nhà Nghiên cứu Quảng Bình học Nguyễn Tú trong “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” đã viết:
Cái đẹp và cái riêng biệt của hội làng này là chỉ người vạn chài tham dự và buổi lễ tổ chức ngay giữa dòng sông, không có người trên đất liền đến nhập hội, nhưng lại rất đông thuyền bè các làng vạn chài trên lưu vực sông Gianh tham dự, cho nên nó như một buổi họp thuyền cả lưu vực sông Gianh.
Thực tế là vậy, trên cả nước nhất là vùng đất miền trung không nơi nào tổ chức lễ hội trên mặt sông như dân vạn chài Xuân Hồi ở vùng sông Gianh Quảng Bình.
Thượng nguồn sông Gianh ngàn đời nay là nơi núi non hùng vĩ, có hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Tối, hang Sơn Đoòng và gần đây nữa, hang Thiên Đường (còn gọi là hang Linh Động) đã đi vào khai thác du lịch tạo thêm sự kỳ vĩ cho một vùng sông nước trải nghìn đời nhiều linh nghiệm. Dù là dân thượng nguồn, thượng đồng hay hạ bạn thì con sông Gianh vẫn là nơi cung cấp nguồn sống và là nơi “Sinh ư giang thượng, thác táng ư giang tâm” (Sống bám trên dòng sông, chết chôn vào dòng sông) bởi thế sông Gianh trở nên gắn bó với con người, với con dân vạn chài hàng ngàn đời sinh nghiệp nơi đây.
Từ khi bãi đất Bồ Khê được triều đình Nhà Nguyễn cấp đất để xây đền thờ cá Ông và cấp đất xây dựng đình thờ Thành Hoàng làng người đã khai khẩn ra nghề hạ bạn. Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công với chủ trương vận động dân hạ bạn định cư và sau này được cấp vùng đất thành lập làng Thanh Xuân ngày nay thì người dân nơi đây đã lập đền làm nơi thờ cúng để tỏ thêm công ơn tiên tổ đã ban phúc cho con cháu cuộc sống đổi thay từng ngày đi lên cùng đất nước càng nghiêm cẩn cúng thờ cầu khấn tìm điều linh ứng.
Có thể nói, Lễ hội vạn làng chài trên mặt sông hạ lưu Linh Giang là một loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể truyền thống mang tính nhân văn cao, thể hiện nét văn hóa cộng đồng độc đáo, toát lên sự yêu thương đùm bọc những người hạ bạn sống đời ngụ cư lênh đênh sóng nước đây đó. Hội làng hạ bạn mặt sông Linh Giang còn thể hiện một ý thức tâm linh của cộng đồng sống bám vào trời, nước, trăng, sao và sự chuyển vần vũ trụ với những điều rủi may khôn lường, khôn lý giải được.
Trải hơn nửa thế kỷ đi qua, đền thờ cá Ông và đình thờ Thành Hoàng làng cũng bao phen bị thiên tai, bị bom đạn giặc vùi dập nhưng với bàn tay cộng đồng của người dân Xuân Hồi Thanh Xuân cũng đã bắt tay tu sửa dựng lợp lại để còn có nơi hương khói thờ cúng. Tuy nhiên ngày nay đền thờ vạn làng Xuân Hồi Thanh Xuân bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, nhà dột nát phải dùng ni long che chói tạm tránh mưa nắng cho khỏi hư hỏng đồ thờ cúng. Thậm chí sự chật chội không đủ chỗ cho bà con thắp hương khấn lễ. Điều đó cũng thật không thỏa đáng với truyền thống các bậc tiên hiền và cha ông buộc bụng thắt lưng trước đây gầy dựng nên.
Bây giờ cuộc sống cháu con cũng đã nhiều thay đổi, bộ mặt xóm làng cũng đã nhiều khởi sắc nên nguyện vọng các thế hệ hôm nay cũng muốn tu sử bồi bổ lại cho các nơi thờ cúng được khang trang hơn. Tờ trình của dân sở tại đã được UBND Tỉnh, Công văn số 63 ngà 14 tháng 4 năm 2011 đồng ý và nhất trí giao cho UBND Huyện Bố Trạch chỉ đạo giải quyết thực hiện xây lại, tu sửa đình miếu được phù hợp với nguyện vọng nhân dân và con cháu nơi này. Âu đó cũng là việc làm thiết thực của những người biết “ăn quả nhớ người trồng cây” cùng nhau hướng về cội nguồn để nhằm giáo dục thế hệ cháu con hôm nay và mai sau vọng về Tiên Tổ.
VĂN TĂNG
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét