MẸ VẪN CHỜ CON VỀ ĂN TẾT

Ngọc Tuân

Bây giờ mẹ đã ngoài 80, tóc bạc trắng, vai so lại chảy xuống, bước đi khó khăn, cơ chừng mẹ chỉ bằng hình hài đứa trẻ lên 8. Dấu ấn thời gian vẽ chằng chịt những nếp nhăn trên khuôn mặt ngày một khô héo của mẹ. Tất cả những gì màu mỡ, tốt tươi mẹ đã dành nuôi 5 anh em tôi trưởng thành những công dân mẫu mực của đất nước. Nay, đã ngoài 60 tuổi nhưng mỗi lần về quê, ngày ra đi mẹ vẫn cầm bàn tay tôi, nhẹ nhàng đặt một cái hôn rồi dặn dò: Ra đến nơi gọi điện về cho mẹ.

Nhớ ngày còn bé, gần tết mẹ đi chợ Tréo mua cho anh em tôi manh áo mới. Năm đứa con trai “ngũ quỹ trình làng” đứa nào cũng ngoan ngoãn luôn là niềm tự hào, hãnh diện của mẹ. Tiền không nhiều, mẹ chỉ mua cho đứa này manh áo thì thôi quần, đứa bé có quần thì thôi áo. Sang năm, đứa lớn dồn xuống cho đứa bé, thành ra tôi là cả luôn được có quần áo mới, mừng lắm.

Lên 6 tuổi, đi học vỡ lòng ở nhà thôn Hạ Đông tôi còn ở truồng. Bàn học là tấm ván cao chông chênh, lớ ngớ thế nào lọ mực đổ xanh lét cả chim, mẹ cười ngất. Hôm sau, mẹ lận lưng mấy đồng bạc, dắt tôi đến bác thợ may thửa cho cái quần xanh xỉ lâm có hai túi chéo xỏ tay. Lần đầu được mặc nó tôi cứ đi quanh nhà mà không dám co gối lên sự nhăn vải, một tuần liền không chịu cởi ra để mẹ giặt.

Tết quê vùng chiêm trũng thường đến vào dịp đồng áng tất bật. Có năm, chiều 30 tết vẫn còn nhổ mạ, cấy lúa ngoài ruộng. Vậy nhưng, mâm cúng tất niên vẫn luôn đủ món quê. Bánh đòn gói lá chuối nhân đỗ xanh có thịt ba chỉ dẫu nó loáng thoáng cho có chút mỡ. Bánh tày gói bằng gạo nếp râu dẻo, ấp hai cái vào nhau buộc chặt. Bánh ít gạo tẻ, gạo nếp. Bánh in làm bằng gạo nếp rang nổ, đóng khuôn với chút nước gừng đường. Mứt gừng cay nồng ấm áp ngày đông. Chiều 30, cha thịt con gà làm mâm cơm cúng. Mới vớt ra từ nồi nước luộc, đám con đã bâu lại hau háu nhìn cái đùi gà miệng ước được cầm lên mà nhai. Mẹ bảo, chém mồm, chém miệng, các cụ chưa thụ lộc.

Mâm cơm thì nhiều món nhưng món gì cũng ít và nhiều thứ độn. Món thịt kho thì chủ yếu là củ đậu. Món cá kho thì ớt bột đỏ ngầu. Món xương hầm thì cho nhiều khoai. Thích nhất là món thịt nướng lá bưởi vì nó thơm và không độn, mặc dù mẹ cố gạn cả chỗ bạc nhạc cho đủ mỗi người một cái. Mùi thơm ấy vẫn bám theo những đứa con suốt tháng năm đi xa. 

Những năm chiến tranh ác liệt, đi học cấp 3 sơ tán tận xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, không về ăn tết được, mẹ gửi cho một lọ ruốc thịt được băm cả xương từ thịt ngan, kho với sả trộn thật nhiều muối, rắc ít sợi lá chanh, lá bưởi. Mở ra, thoảng mùi lá bưởi chợt nhớ món tết mẹ làm. Thằng Thành đi K8 sơ tán tận Thọ Xuân, Thanh Hóa, có lần công tác mẹ xin được ghé qua ngủ với nó một đêm. Thằng Thành không ngủ, nó rúc đầu vào lòng mẹ nói mung lung, mang lai sợ ngủ quên mẹ đi mất. Trong mơ, nó nói “con thèm ăn thịt náng” mẹ đã khóc mà cố nuốt nước mắt vào trong, sợ nó biết.

Lớn lên, năm 1971, ngày thoát li gia đình, lúc đầu đóng quân ở Cộn, Đồng Hới, cách nhà non dăm chục cây số mẹ cho mang theo chiếc xe đạp là tài sản đáng giá nhất của gia đình. Tết đến cố gò lưng đạp xe về với mẹ. Mùa đông, gió đông bắc thổi mạnh, từ Cộn về, gió thổi từ sau lưng xe bon bon. Đến nhà thấy mẹ đứng ở bụi tre cạnh vườn mà nét mặt chẳng vui. Hỏi sao, mẹ nói, đoán thể nào con cũng về tết nên từ chiều qua đã ra đứng đợi ở đây, thấy bom nổ phía phà Quán Hàu mà lòng như lửa đốt. Rồi nước mắt vòng quanh, mẹ khóc vì mừng.

Ngày ra Hà Nội học đại học, mỗi bận tết đến phải mất vài ngày mới về được đến nhà. Ngày đầu đi xếp hàng rồng rắn ở ga Hàng Cỏ cố mua cho được cái vé vào Vinh, chèn ép nhau có khi cả một ngày mới được cái vé. Lên tàu, không chỗ ngồi, đứng bám lấy giá để hàng mà cũng chỉ đứng được một chân, mỏi thì đổi, đôi lần bí quá liều mạng trèo lên nóc tàu nằm ngang trên đó, một đêm, một ngày mới đến Vinh. Về đến Vinh lại lếch thếch ra bến xe chen chúc mua vé lên thùng xe tải chạy mất một ngày mới tới Đồng Hới. Một buổi nữa để về nhà, thấy mẹ lom thom sau bếp, nghe tiếng con gọi tự dưng rơi cả que củi đang cháy cầm trong tay. Mẹ lại khóc vì mừng.

Mỗi lần tôi về, mẹ hớn hở khoe khắp xóm “cháu nó về ăn tết đấy”. Một lúc thôi, chú bác, cô dì quanh nhà đã sang ngồi trò chuyện, thưởng thức cái kẹo Hà Nội, uống chén nước chè Thanh Hương. Hết chiến tranh rồi nhưng mẹ vẫn lo vì tàu xe trắc trở, nhỡ độ dọc đường biết nhờ ai! Gần ba mươi tuổi rồi tôi vẫn còn là con trẻ trong trí nhớ của mẹ.

Rồi với thời gian tôi ra trường, ở lại làm giáo viên nơi mình học, có vợ và có những đứa con. Tết đến thưa dần những lần về với mẹ. Mẹ viết thư gửi ra, mẹ nhớ các cháu lắm, gắng đưa chúng về quê, già rồi mẹ không đi xa được. Cứ nghĩ, còn những đứa cháu ở quê làm niềm vui, nào biết trong lòng mẹ, những đứa ở xa là đứa thiệt thòi vì không được gần ông bà. Cây khế ngọt trước nhà, trái ngon chín nẫu, bà không cho đứa nào hái, bảo để dành cho mấy đứa ở Hà Nội. Chúng con không về, khế rụng, mẹ buồn mà đâu có biết!

Trước tết năm 2008, út Minh sửa nhà đang giang dở, mẹ ốm thập tử nhất sinh. Bị nhồi máu cơ tim, mẹ mê man bất tỉnh hơn một tháng liền ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. Các bác sỹ ở đó bất lực, chú Đại cùng vợ con quyết định đưa mẹ vào bệnh viện trung ương Huế. Ở Huế một tháng nữa mẹ vẫn trong hôn mê. Đã có lúc tuyệt vọng, bác sĩ điều trị cho đưa về, con bảo chú Minh về dọn sạch tầng dưới chuẩn bị hậu sự cho mẹ, nó ôm mặt khóc nhất quyết không đi. Cứ vinh vào câu “còn nước còn tát”, chúng con đánh đu với bệnh viện, mưa rét đứa trực trong phòng, đứa nằm ngoài hiên. Hết phép, vợ chồng thay nhau chiều thứ 6 nhảy tàu về với mẹ, đỡ giúp các em, chiều chủ nhật nhảy tàu ra Hà Nội kịp sáng hôm sau làm việc.

Thế rồi như có phép màu, sau hai tháng hôn mê mẹ đã tỉnh lại. Hôm đó, đêm ngồi trên ghế, gục đầu lên giường mẹ ngủ thiếp đi lúc nào không biết, chợt thấy mẹ động đậy, bừng tỉnh, thấy mẹ đang lần tay rút ống xông mọi ngày vẫn bơm thức ăn từ mũi ra, con đã hốt hoảng gọi bác sỹ trực. Ông ấy đến, hỏi to “mệ tên chi”. Mẹ nói trong khó khăn “Du..ung”. Vị bác sỹ quay sang con nở nụ cười nói “tốt rồi anh ạ” và con đã òa khóc.

Rồi mẹ được ra viện, về nhà, từ đó năm nào con cũng cố về ăn tết với mẹ, lòng nơm nớp nghĩ rằng sợ tết này là tết cuối cùng bên mẹ.

Vậy mà, năm nay vì cháu nội của mẹ từ nước ngoài về, ít ngày quá không cùng nhau về quê được nên con không về được với mẹ. Gọi điện về chúc mừng năm mới, mẹ nói, mẹ vẫn chờ các con về ăn tết, con lại khóc.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét