VỀ LỆ THỦY VUI TẾT ĐỘC LẬP



(Website Quảng Bình) - Những ngày đầu tháng 9, hàng ngàn người con Lệ Thủy sinh sống trên mọi miền đất nước đều mong muốn trở về quê hương mừng Tết Độc lập 2-9 để đắm mình trong những điệu hò khoan đằm thắm, mượt mà và vui cùng lễ hội đua thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang.

Khỏe khoắn điệu hò đẩy thuyền...

Nói đến Lệ Thủy, nhiều người nhớ tới câu ca dao: "Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về xem lễ hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay". 

Có mặt tại Lệ Thủy vào những ngày cận kề Tết Độc lập, chúng tôi chứng kiến nhiều đò bơi của các làng lần lượt chọn ngày tốt, giờ tốt làm lễ "hạ thủy" để tổ chức bơi thụa (luyện tập). Những giọng hò khoan được cất lên khi các đò bơi bắt đầu đẩy thuyền tập luyện. Không khí yên ả trong ngày mùa ở quê lúa bỗng chốc tan biến, mà thay vào đó là rộn ràng tiếng mõ, reo hò, cổ vũ của người dân đứng xem ở hai bên dòng sông Kiến Giang.

Ông Đặng Ngọc Tuân, người đã nhiều năm dày công nghiên cứu, sưu tầm về hò khoan Lệ Thủy cho biết: Hò đẩy thuyền ở Lệ Thủy được sử dụng khi đẩy thuyền ở trên bờ sông hoặc tại nơi cất giữ thuyền về đến bến. Điệu hò này chủ yếu để động viên các chàng trai, cô gái đang tham gia đẩy thuyền: "Đường còn dài lắm anh ơi/ Gắng sức mà đẩy cho mau xuống rào". Hay như: "Hai bên bốn bề hợp sức cho đông/ Đẩy thuyền xuống sông kịp giờ đại lợi/ Hô hè, hô hè...". Trong hò đẩy thuyền thường có một người có giọng hò tốt đứng ra hò cái: "Hai bên đứng lại hai hàng/ Người mụi (đầu thuyền), kẻ lái rập ràng cho mau". Khi người hò cái vừa dứt, lập tức tất cả trai tráng đã bám tay chắc chắn vào mạn thuyền vừa đồng thanh hò xố: "Hô hè nì, hô hè nì,...".

Những câu hò đẩy thuyền được người hò cái bắt lối cất lên sôi nổi, rộn ràng với nội dung ví von "lời thanh, ý tục" hoặc hài hước để gây cười cho những người tham gia. Trong khi những chàng trai vừa hò, vừa đẩy thuyền thì những cô gái đã nhanh nhẹn đặt các đà (con lăn) bằng thân cây gỗ tròn dưới đáy thuyền cho con thuyền đỡ cọ xát với mặt đất. Thuyền được đẩy đến đâu thì điệu hò rộn ràng đến đó, cho đến lúc thuyền được đẩy xuống nước trong tiếng vỗ tay và niềm phấn khởi của mọi người thì điệu hò mới kết thúc. Có lẽ, điệu hò khỏe khoắn này là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống ở vùng quê sông nước nơi đây.

Rộn ràng sông nước Kiến Giang!

Về nguồn gốc của Lễ hội Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy, theo các cụ cao tuổi trong làng kể rằng: Vào một đêm nọ, vị Thần hoàng làng nằm chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: "Muốn cho mưa thuận gió hòa thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch". Từ đó, hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, sau khi công việc đồng áng đã xong, người dân vùng sông nước xứ Lệ lại tổ chức đua thuyền trên sông, mừng một mùa vụ bội thu. Trong cuốn "Ô Châu cận lục", Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy viết: "Sang xuân, mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch. Hạ đến, bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa, nơi ca...".

Trước khi vào cuộc đua, các làng đã chuẩn bị vô cùng kỳ công, nào là việc chọn gỗ, thợ thầy có bí quyết nhà nghề để đóng những con thuyền đua đầy đủ tiêu chuẩn thân dài, thon nhẹ, mũi nhọn, độ lướt nhanh. Ngoài ra, các làng còn lựa chọn đội trai bơi, gái đua dày dặn kinh nghiệm, sức khỏe tốt. Đặc biệt là mỗi thuyền muốn giành giải phải có một người cầm lái kỳ cựu, biết tìm, lựa chọn một đường đi ngắn nhất để tiến về đích.

Đến ngày hội đua chính thức, từ rạng sáng các thuyền lần lượt nối đuôi nhau diễu hành trên sông, sau đó xếp hàng vào vị trí xuất phát. Giây phút hồi hộp nhất vào thời điểm hiệu lệnh buông phao nổi lên với tiếng trống thúc dục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người trên hai bờ sông động viên trai bơi, gái đua trong cuộc tranh tài. Phạm vi của đường bơi đi qua nhiều làng xã, từ khu vực hạ lưu ở An Lạc lên đến thượng lưu ở Mỹ Thủy. Trong suốt cuộc đua diễn ra, người người đứng chen chân dọc hai bên bờ sông để xem những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ của các đội. Khi thuyền đua đến khúc sông nào thì người dân hai bờ sông dùng nón, mũ, trống... cổ vũ cuồng nhiệt. Có những người dân nhào hẳn xuống sông khoát nước để động viên, tạo niềm hưng phấn cho các đội thuyền đua. Các xã có đò bơi có truyền thống giành giải cao thời kỳ trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là Hồng Thủy, Cam Thủy... còn những năm gần đây, các làng như An Xá, Tuy Lộc, Quảng Cư, Xuân Lai... bắt đầu đạt được những thành tích nổi bật.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân Lệ Thủy vui mừng chào đón Tết Độc lập và tổ chức đua thuyền để mừng Quốc khánh 2-9. Từ đó đến nay, hàng năm, trên dòng Kiến Giang, Lễ hội Đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy được duy trì, phát huy và trở thành lễ hội truyền thống cấp tỉnh.

Điều đặc biệt trong dịp lễ hội này, mỗi gia đình của huyện Lệ Thủy đều trở về sum họp bên nhau, cùng gói bánh trái, làm mâm cơm và kính cẩn dâng lên Bác, trước là tưởng nhớ đến người, sau là để con cháu sum vầy liên hoan mừng ngày Tết độc lập, mừng lễ hội truyền thống của quê hương.

Xuân Thi

LỄ HỘI ĐUA THUYỀN Ở LỆ THỦY - MỘT DI SẢN VĂN HÓA VÔ GIÁ


Lệ Thủy với sông Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc sĩ và cũng để lại cho du khách bốn phương ấn tượng đặc biệt mỗi khi có dịp về thăm mảnh đất đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng điều đáng nói không chỉ ở vẻ đẹp của dòng sông quê mà con sông này gắn với một lễ hội rất đặc biệt, mang đậm nét văn hóa xứ Lệ - Lễ hội đua thuyền (mà nhân dân Lệ Thủy quen gọi là hội bơi trải).


                 Khán giả nô nức đi cổ vũ cho các đội đua bơi

Lễ hội đua thuyền có từ bao giờ, quá trình hình hành và phát triển của nó như thế nào thì không phải ai cũng biết, ngay cả những người dân quê nơi đây cũng chỉ lưu truyền những câu chuyện truyền miệng do các thế hệ trước để lại mà thôi. Như vậy, đến nay vẫn chưa thể biết chính xác thời điểm ra đời cụ thể của lễ hội độc đáo này. Tuy nhiên, qua một số tài liệu lịch sử và thông qua sự suy đoán lôgíc về mặt sử học cho phép chúng ta xác định một cách tương đối về thời điểm hình thành của lễ hội đua thuyền.

Sách “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An - một cuốn sách chuyên khảo cứu về địa lý và phong tục xứ Thuận Hóa xưa (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) khi miêu tả về quê hương mình, về dòng Bình Giang tức sông Kiến Giang ngày nay, có câu: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch” Dương Văn An - sinh năm 1914 tại làng Phúc Tuy, huyện Lệ Thủy (nay là thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), đỗ tiến sĩ năm 34 tuổi, làm quan đời nhà Mạc. Dựa trên những căn cứ này, có thể khẳng định lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy ra đời trước nửa cuối thế kỷ 15.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9-1946.Từ đó về sau ngày ấy trở thành ngày hội đua thuyền truyền thống toàn huyện. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhân dân xã Phong Thủy (nay là 3 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy) đưa thuyền từ căn cứ Bang – Rợn về mở hội đua thuyền mừng chiến thắng (dù đồn giặc Pháp ở Tuy Lộc chưa kịp rút). Trong kháng chiến chống Mỹ, có hai lần tổ chức cuộc đua. Một cuộc đua của xã An Thủy tổ chức vào năm 1970. Một cuộc đua thuyền toàn huyện tổ chức vào năm 1973, chào mừng Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ vào thăm Lệ Thủy.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức thường xuyên và đông vui, náo nhiệt hơn. Có năm số lượng thuyền đua lên tới 22 chiếc của nam, 12 chiếc của nữ. Nhiều năm tổ chức đấu loại vào buổi sáng, buổi chiều thi chung kết. Cũng có năm do thuyền đua quá đông nên khi buông phao, một nửa xuất phát lên thượng tiêu, một nửa xuất phát về hạ tiêu. Chính điều này đã làm cho lễ hội đua thuyền vốn đã đông vui, náo nhiệt lại càng rộn ràng hơn.

Ngày xưa, mỗi tổng có vài ba thuyền đua tham gia. Hiện nay, mỗi làng có một thuyền đua nam gọi là đội “Thuyền bơi” và một đội nữ bằng chèo tay, gọi là “Đò đua” . “Thuyền đua” và “Đò đua” nói lên sự ganh tài bình đẳng giữa nam và nữ trong môn thể thao truyền thống. Có thể nói, bơi thuyền trải đua đò đua là ngày hội lớn nhất, vui nhất của nhân dân Lệ Thủy trong năm. Lệ Thủy vốn là vùng đồng bằng chiêm trũng, hạn hán, úng ngập quanh năm, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Vậy nên, theo quan niệm của người xưa, đua thuyền là lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng, khoai lúa đầy bồ. Công việc chuẩn bị của mỗi làng cho ngày hội đua thuyền rất chu đáo, bận rộn. Nếu dùng thuyền cũ để đua thỉ phải hạ thủy (đưa thuyền về các bến sông để sửa chữa) trước ngày lễ hội khai mạc ít nhất 1 tuần hoặc 10 ngày.

Tham gia lễ hạ thủy có đông đảo trai tráng và các bô lão cao tuổi có uy tín trong làng. Việc chọn trai bơi cũng được tiến hành kỹ lưỡng. Đó thường là những trai tráng khỏe mạnh, lực lưỡng, dẻo dai và chịu khó. Sau khi được chọn lựa, các trai bơi được họp để thông báo về quy chế bơi đua, được phát quần áo đồng phục và tập trung tập luyện cho đến ngày toàn huyện tổ chức hội đua thuyền. Trong thời gian tập luyện, các làng thường giết lợn, mổ bò vừa để cúng tế vừa để bồi dưỡng sức trai. Về trang phục các thuyền đua, ngày xưa làng nào có người làm quan to thì được chọn màu trước, sau đó đến các làng còn lại. Ngày nay, dân chủ hơn, các làng tự chọn trang phục cho trai bơi nhưng không được trùng nhau.

Về thuyền đua, trước đây thường sử dụng thuyền làm ăn để bơi đua (như thuyền đi chợ, thuyền chở mạ, chở lúa, thuyền lên rừng lấy củi…). Các địa phương gọi đó là bơi đò ngang. Nhưng ngày nay, hội đua thuyền được tổ chức quy mô hơn nên các thuyền đua cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Có thể nói, đây là công việc quyết định sự thành bại của mỗi thuyền đua. Các làng thường cử một số sơn tràng giỏi lên rừng đốn những cây to, thẳng, dài từ 35-40 thước đưa và đóng thuyền đua bơi (theo các ông thợ mộc ở Quảng Cư – một làng mộc nổi tiếng ở Lệ Thủy thì 1 mét =2.5 thước. Như vậy, chiều dài của mỗi thuyền bơi là khôngquá 15 mét). Để đảm bảo cho thuyền nhẹ nhưng vẫn bền chắc, người ta thườngchọn các loại gỗ như: huỵnh, dỗi… để đóng thuyền. Thuyền được bắt theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định của mỗi thợ đóng thuyền (nhân dân Lệ Thủy quen gọi là mực). Theo đó, thuyền được đóng thon dài để giảm lực cản của nước, đưa tốc độ thuyền lên mức cao nhất. Xưa kiểm tra tốc độ thuyền không phải bằng đồng hồ như ngày nay mà người ta đứng trên bờ để xem thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4”. Có nghĩa là, mỗi nhịp bơi, mái chầm xuống nước của trai bơi ngồi cặp trước đẩy ra sau cũng là điểm của mái chầm người thứ 3 hoặc người thứ 4 đưa xuống nước.

Tốc độ của thuyền đi “ốp 4” chắc chắn sẽ nhanh hơn thuyền đi “ốp 3”. Nhưng thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4” không phải do trai bơi quyết định mà do kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Đóng được thuyền đi “ốp 4” phải là những thợ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm, có tay nghề cao. Về nhịp bơi, nhân dân Lệ Thủy chia thành một số nhịp như: thuyền đi mái khoan (gồm có khoan xắp và khoan nhặt) và thuyền đi mái lăn. Nhưng đi theo mái nào cũng tùy thuộc ở kỹ thuật đóng thuyền. Theo đó, với đường đua từ trung tiêu (nơi xuất phát ở Mũi Viết) lên thượng tiêu (ở cồn Soi), về hạ tiêu (chợ Thùi, Phú Thọ) có độ dài gần 20 km thì sử dụng nhịp bơi mái khoan sẽ đỡ súc trai hơn. Còn bơi mái lăn chỉ sử dụng đối với những làng có lực lượng trai bơi khỏe, bền bỉ, dẻo dai. Số lượng trai bơi mỗi thuyền khoảng 13 cặp 1 éc, tức khoảng 27 người. Ngoài ra, còn có người đánh mõ, người tát nước, lái chính 2 người và lái đề 1 người (gọi là bộ phách lái). Như vậy, số người phục vụ mỗi thuyền đua khoảng trên 30 người. Thành tích của mỗi thuyền đua ngoài việc phụ thuộc vào thuyền hay, trai khỏe, còn phải có bộ phách lái giỏi để điều khiển khéo léo, đạt tốc độ cao, về đích trước tiên.

Đội ngũ thợ “bắt đò” (theo tiếng gọi của người dân Lệ Thủ nghĩa là đóng và sửa đò bơi) đều là những thợ mộc giỏi, có tay nghề cao. Trước đây, ở làng Phúc Lộc (Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ) có ông Hương; làng An Xá (Lộc Thủy) có ông Khoán Trẹo; làng Mai Hạ (Xuân Thủy) có ông Lanh là những thợ “bắt đò” có tiếng. Hiện nay, số thợ “bắt đò” giỏi ở Lệ Thủy còn lại không nhiều. Trong đó, có ông Võ Cừ (Mỹ Lộc Thượng) và ông thợ Duy (Xuân Lai, Xuân Thủy là những thợ bắt đò đạt giải cao nhiều năm.

Qua những lần mở hội đua thuyền, nhiều tên làng, tên thôn mãi mãi ghi đậm dấu ấn trong lịch sử đua bơi của Lệ Thủy. Đó là thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy), Hồng Thủy, Mỹ Lộc Hạ, Xuân Lai, Xuân Giang, Đại Phong. Đặc biệt, thuyền bơi thôn Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) 6 lần đoạt chức vô địch liên tiếp, được nhận cúp luân lưu vĩnh viễn.

Cứ mỗi độ tháng 8 thu về, trên dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. Nó chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây. Không chỉ vậy, đua thuyền truyền thống Lệ Thủy vào dịp tết độc lập của dân tộc 2-9, đang thể hiện sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ ra các vùng, miền xung quanh như: Quảng Trị, Thừa Thiên hay Đà Nẵng. Đây thực sự là một hoạt động văn hóa tinh thần rất có giá trị, mang sắc thái văn hóa riêng của Lệ Thủy,xứng dáng là một di sản văn hóa vô giá. Đúng như nhiều người đã từng nhận xét: “ Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy náo nhiệt, đông vui ít nơi nào có được. Không có kỷ lục nào cao hơn kỷ lục khán giản Lệ Thủy hâm mộ môn đua."

Ngày lễ Quốc khánh 2-9 lại về, “Đến hẹn lại lên”, người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày hội, ngày tết độc lập – một nét văn hóa độc đáo, một ngày hội ý nghĩa, là niềm tự hào riêng có của mảnh đất và con người xứ Lệ.

Đài PTTH Quảng Bình

VỰC AN SINH


thượng nguồn sông Kiến Giang có vực nước sâu, bốn mùa trong xanh được biết đến với tên gọi là vực Anh Sinh, dân địa phương thường gọi là Trôốc Vực, hay còn gọi là vực Cây Sanh.

Vực An Sinh nằm giữa một vùng núi non trùng điệp. Phía tây là dãy núi Mã Yên, sách Ô châu cận lục của Dương Văn An viết: "Thế núi cao, dáng hình uốn lượn, chỗ đứt đoạn, chỗ liên tục, chỗ đổ xuống chỗ ngóc lên, trông như hình cái yên ngựa. Hai bên tả hữu có các núi vây quanh, có chỗ như ký mã thong dong, có chỗ như tuấn mã hăm hở. Tinh thần phong phú, khí vượng dồi dào...". Từ vực xuôi về phía đông, dòng Kiến Giang uốn lượn tưới mát cho những cánh đồng hai vụ lúa.

Vực An Sinh được người xưa biết đến là vùng đất thiêng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Sách Ô Châu cân lục của Dương Văn An viết: "Vực ở huyện Lệ Thủy, nơi ngã ba nguồn Thổ Lý. Trên thì triền núi mở rộng, dưới thì sắc nước xanh trong, nước trong nhìn thấu đáy, độ sâu không cùng. Tương truyền có thủy cung ở ngầm dưới đáy vực. Vào hôm có mưa mù u ám, thuyền đánh cá qua lại thường nghe thấy tiếng trống tiếng kèn. Đầu Xuân cầu mưa lập đàn cúng tế và mở hội đua thuyền, lập tức có mưa ngay".

Vực An Sinh là nơi hợp lưu giữa các nguồn nước từ trên núi đổ về chảy mạnh, xoáy tròn hút các thứ phù du xuống dòng sông nên vực rất sâu và người dân địa phương gọi là Trôốc Vực (đầu vực). Có thuyết cho rằng đáy Trôốc Vực thông với Bàu Sen, một hồ nước ở phía đông, gần biển nhưng nước vẫn ngọt. Có một giai thoại lưu truyền, người nông phu thả trái bưởi xuống Trốc Vực ngày hôm sau thấy quả bưởi đó nổi lên ở Bàu Sen. Lại có giai thoại cho rằng Troốc Vực thông với hồ nước Bàu Tró ở thành phố Đồng Hới.

Núi cao, vực sâu, nước xanh trong bốn mùa, vực An Sinh chứa nhiều câu chuyện huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng:

Cao Biền, một quan chức đô hộ của phong kiến phương Bắc gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết trấn yểm bùa vùng đất nước Việt. Khi cưỡi diều bay về phương nam, qua Lệ Thủy thấy đây là vùng đất có vượng khí, nhiều long mạch. Từ trên cao nhìn xuống, Cao Biền thấy có nhiều nguồn nước cùng đổ vào sông Kiến Giang. Từ sông Kiến Giang, lại có nhiều kênh rạch tỏa ra bốn hướng chở nặng phù sa cho cánh đồng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Biết vùng đất này sẽ sinh vượng, Cao Biền hóa phép quyết lấp cho được long mạch bằng cách chặn đứng các dòng nước đầu nguồn. Một cuộc chiến giữa Cao Biền và thần thổ địa vùng sơn lâm diễn ra ác liệt. Cuộc chiến diễn ra liên tục ngày đêm, trời long đất lở, sấm sét đùng đùng.

Cao Biền phù phép gọi âm binh lấy đá lấp sông, thổ thần bản địa được sự trợ giúp của thủy thần long cung và dân làng dời đá khơi dòng. Không thể dời núi lấp sông, Cao Biền đành phải bỏ cuộc nhưng cuộc chiến đã làm cho núi đổi sông dời. Nguồn Rào Nậy trước đây chảy theo hướng tây- đông nay đến Trôốc Vực gặp hòn Lèn Trốc Vực chắn ngang nên phải chuyển dòng theo hướng nam- bắc qua Xóm Trấn, Xóm Chền, Mỹ Trạch, Mai Xá Thượng, Tiền Thiệp làm cho vùng đất này thêm trù phú.

Mặc dầu thắng trận nhưng để cầu yên cho vùng đất hạ lưu nguồn Rào Nậy dân địa phương vẫn lập miếu thờ Cao Biền trên một ngọn lèn ở Trôốc Vực và giao cho làng Quy Hậu cúng lễ. Hàng năm, vào dịp đầu xuân người ta lại lập đàn cúng lễ, mở hội đua thuyền cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đến với vực An Sinh, không chỉ là đến với một vùng sông nước huyền thoại mà còn đến với một trang sử hào hùng của quân dân Quảng Bình trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám. Sau Hội nghị cán bộ Đảng thành lập Ban vận động thống nhất Đảng bộ tỉnh được triệu tập tại chùa An Xá (Lệ Thủy), ngày 4 tháng 7 năm 1945 hội nghị Việt Minh được triệu tập tại một trại sản xuất bên vực An Sinh để chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Tại đây, Hội nghị chủ trương thống nhất lực lượng Việt Minh trong toàn tỉnh lấy bí danh là "Việt Minh Cô Tám" phát triển các đoàn thể cứu quốc, tổ chức lực lượng tự vệ tập trung, lập một số chiến khu và khu căn cứ cách mạng chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa. An Sinh là nơi ghi dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, nơi ra đời tờ báo Vì nước, cơ quan ngôn luận của Việt Minh Cô Tám. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, vực An Sinh trở thành một địa chỉ đỏ của quân dân Quảng Bình trong mùa thu lịch sử.

Ngày nay, vực An Sinh vẫn trong xanh bốn mùa, nước từ đầu nguồn Trôốc Vực xuôi về Kiến Giang tưới mát cho vùng đất gạo trắng nước trong. Còn An Sinh là còn nhiều long mạch, Lệ Thủy vẫn dồi dào vượng khí trên con dường đi tới ấm no, hạnh phúc.

NGHỊCH HÀ KIẾN GIANG

Xứ Lệ (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) không đủ rộng để có dòng sông hùng vĩ, nhưng sông Kiến Giang lưu lại với hương hoả quê nhà đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ

Sông Kiến Giang, thượng nguồn của nó nằm phía giáp Lào, là một trong hai chi lưu của sông Nhật Lệ. Dòng sông này dài 58km, nhưng lại có một gia tài trù phú cả về vật chất và tinh thần, một gia tài mà ai lớn lên trong lưu vực của nó cũng phải cúi đầu biết ơn. Trong khi tất cả những dòng sông nước Việt đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông Kiến Giang lại chảy theo hướng đông bắc, nên nó còn có tên là nghịch hà. Không ai biết cây lúa được dòng sông Kiến Giang vun đắp từ lúc nào, nhưng chắc chắn, khi thế hệ đầu tiên khai hoá lập làng ở lưu vực con sông, họ đã thấy loài lúa ma mọc tự nhiên ở vùng trũng nước, từ đó họ thuần hoá và tạo ra dòng lúa nhà cho đến hôm nay với đủ các tên gọi. Ngày nay, 90% nông dân huyện Lệ Thuỷ đã chủ động được nước tưới nhờ những công trình tích thuỷ ở đầu nguồn Kiến Giang. Dòng sông ấy đã tưới đủ mát cho những bờ xôi ruộng mật nằm sát chân bao đồi cát bên phía quốc lộ 1A, tạo ra các sản vật thuỷ sản nổi tiếng như: cá vược, cá gáy, cá trẻng... ngon lịm người.

Sự tích điệu hò quê lúa

Ông Hoàng Đại Hữu, chủ tịch hội Văn học nghệ thuật huyện Lệ Thuỷ đã đưa chúng tôi đi khắp dòng sông Kiến Giang và giới thiệu về điệu hò khoan Lệ Thuỷ. Nói về hò khoan, ông nói nó như máu thịt của ông, là một niềm tự hào và kiêu hãnh như một gia tài vô giá của cư dân địa phương. Với ông, hò khoan là giấc mơ có thật của một kỳ quan dân ca dân vũ địa phương. Hò khoan Lệ Thuỷ, theo ông có chín mái (làn điệu), cơ bản nhất là các điệu mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (miền biển), hò lỉa trâu (miền đồi núi).

Gốc tích của hò khoan, theo ông Hoàng Đại Hữu, nó xuất phát từ thực tế lao động sản xuất xa xưa, mọi người cần hợp lực để chống chọi lại những khắc nghiệt của tự nhiên, nên đã có những ca từ nhịp nhàng hay khoan thai tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Có những cảnh đầy thuyền, nếu không hò, sẽ không thể có sự nhất trí để đồng lực đẩy thuyền đi giữa vùng đồng chiêm nước trũng. Có những điệu hò nhớ thương da diết quê nhà, hay thương nhớ người yêu xa cách. Người Lệ Thuỷ thông minh trong ruộng đồng, lịch lãm trong đối đáp, nên câu hò của họ chất chứa bóng dáng uyên bác trong mỗi nhịp hò dưới ánh trăng giã gạo đêm khuya. “Hò khoan thể hiện khí khái và cốt cách con người, trong điệu hò tuy dân dã, nhưng đủ đầy trí tuệ con người xứ Lệ với tự nhiên, với tình yêu đôi lứa, với nhân nghĩa gia đình, với trí tín thiên hạ, với trên dưới cấp bậc, đâu vào đó cả, cũng bởi là từ dòng nước Kiến Giang tuần tự phát tích trong mỗi hồn người”, ông Hữu cho biết.

Võ Như May, một người con của huyện Lệ Thuỷ, ngoài việc sưu tầm được hàng ngàn điệu hò khoan cổ, anh còn có gần 40 năm sáng tác các tác phẩm về ca ngợi quê hương, sản xuất, tình yêu và lao động bằng điệu hò khoan. Anh May kể, ngoài anh và ông Hữu, còn có hoạ sĩ Dương Ngọc Liên ở huyện Lệ Thuỷ cũng ra sức sưu tầm bảo tồn những câu hò cổ xưa để đưa đến cho giới trẻ những cảm hứng mới trong cốt cách điệu hò do cha ông để lại.

Theo ông Hữu, một thời hò khoan đã không còn ở trên những cánh đồng, bản quán, nhưng gần mười năm nay, hò khoan ở Lệ Thuỷ đã hồi sinh trở lại. Ông Hữu cho biết cả huyện Lệ Thuỷ từ vùng biển đến đồng bằng, mười mấy xã đều có đội hát hò khoan, chỉ trừ ba xã miền núi là không có diễn xướng vũ khúc dân ca. Năm 2010, phòng giáo dục đào tạo huyện Lệ Thuỷ đã bắt đầu đưa điệu hò khoan vào giảng dạy cho học sinh từ lớp mầm non đến cấp 2. Và huyện Lệ Thuỷ trở thành khúc đồng ca hò khoan mỗi khi các lớp tổ chức học hát và hội thi “Em hát dân ca” về hò khoan, xóm nào cũng ngân nga điệu hò.

Ông Hữu cho rằng, nhờ vậy, nên các điệu hò đã không bị mai một, mà nó đã được tiếp sức để bám sâu vào cội rễ của lòng người. Và cái hay ở quê hương điệu hò này là làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan. Là con em của huyện Lệ Thuỷ, chị Nguyễn Thị Phong Thuỷ, vào Huế làm ở đoàn Nghệ thuật cung đình Huế cũng mang những điệu hát hò khoan đến diễn ở các nước như: Pháp, Bỉ, Hungary... và được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Huyền sử về cuộc đua thuyền

Kiến Giang (Quảng Bình) còn là nơi thường xuyên tổ chức lễ hội đua thuyền lớn nhất cả nước vào dịp mùng 2.9, mừng tết Độc lập của dân tộc hàng năm. Ông Hữu cho biết đua thuyền trên sông Kiến Giang có gốc tích từ 600 năm trước, nó vốn là một cuộc chơi mùa xuân của các trai làng. Huyền sử kể rằng, vị quan coi đặt huyện Phong Lộc (Quảng Ninh, Lệ Thuỷ ngày nay) nằm mơ thấy lời truyền rằng, để người dân bình an, mùa vụ tốt tươi, cần tổ chức cầu đảo, bơi thuyền, khuấy động sông nước, từ đó, lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân mỗi năm.

Theo ông Hữu, khi tổ chức lễ hội đua thuyền, đầu tiên là các thôn tổ chức đua bơi với nhau để xã chọn ra đội đại diện cho xã đi thi giải đua thuyền của huyện. Cuộc đua thuyền ở thôn, ở xã, tuy chưa dậy sóng, nhưng nó là kinh nghiệm để cánh trai tráng, nữ nhi luyện sức, so tài, chuẩn bị cho cuộc đua mừng tết Độc lập của dân tộc.

Những cuộc chơi sông nước ở sông Kiến Giang cũng để lại một huyền sử kể về chuyện khoả thân của một thôn nữ. Chuyện kể, ngày xưa, đò bơi An Xá vào nhịp đua luôn thua, nên đàn ông, con trai muốn bỏ thuyền, gác mái, còn đàn bà, con gái cũng chẳng muốn cổ vũ cho cuộc đua. Một hôm, có một thôn nữ trong làng đến bên nhóm đàn ông, con trai bơi nói, ngày mai khi bơi đò, dù có chuyện gì diễn ra, họ cũng không được dừng tay chèo. Nói vậy, rồi nàng rời bến. Ngày hội diễn ra, các đội trai bơi mạnh tay nhấn chầm trên nước, khi các thuyền gần đến khúc cua của làng An Xá, bỗng nhiên có một cô gái trút bỏ xiêm y, làm cho mọi thuyền khác khựng lại nhìn, và thuyền An Xá do đã được dặn dò từ trước, nên vẫn chắc nhịp tay chèo và đã về nhất. Sau đó, cô thôn nữ ra bến sông trầm mình xuống nước vì bị thị phi thất tiết, và nàng hoá mình vào cây si bên bờ sông như nhắn gửi lời ủng hộ làng An Xá may mắn trong các cuộc đua bơi sau này. Sau này, dân làng biết ơn, đã lập miếu thờ bên bờ sông, nay gọi là miếu bà Lỗ.

Ngày nay, người dân huyện Lệ Thuỷ dù làm ăn ở bất cứ nơi đâu, nhưng đến ngày 2.9, họ đều về trở về quê để đón mừng tết Độc lập của dân tộc, họ nói đó là ngày đoàn viên gia đình. Người ở quê thì chuẩn bị mâm cỗ đãi đằng khách khứa đến từ phương xa, một đức tính hiếu khách của người dân bên dòng Kiến Giang đã tiếp nối từ mấy trăm năm có lẻ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị 

MỪNG THỌ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP 104 TUỔI - 25/8/2013

Chuyện ít biết về gia đình Đại tướng

Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy TW, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một “anh Văn” rất thương vợ, yêu con.

  Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963)

Nghỉ ngơi mới là… mệt!

Tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) khi chỉ còn ít ngày nữa là ông bước sang tuổi 104. Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý Đại tướng cho biết, sức khỏe của ông hiện vẫn ổn. Tuy Đại tướng không còn nói được nhưng ông vẫn nhận biết được những người vào thăm. Đại tá Nguyễn Huyên nói: “Hiện Đại tướng được các bác sỹ Bệnh viện 108 chăm sóc đặc biệt. Phải nói rằng công lao của các y bác sỹ ở đây rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng. Họ thay nhau trực bên giường Đại tướng không kể ngày đêm. 24/24h đều có người bên cạnh theo dõi”.

Sau khi thông báo về sức khỏe của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên kể khá nhiều chuyện khi cụ còn khỏe mạnh. Điều ông ấn tượng nhất ở Đại tướng chính là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông nói: “Cụ là người rất hiếm có. Cụ đã làm việc một cách cần mẫn cả ngày nhưng đêm về cụ lại tiếp tục nghiên cứu. Anh em chúng tôi nhiều lúc nhìn mà xót. Khuyên cụ thi thoảng nên dành cho mình thời gian thảnh thơi để giữ sức khỏe thì cụ bảo: “Cậu tưởng cho mình nghỉ là mình khỏe à? Một ngày mà không có gì vào trong đầu thì còn thấy mệt hơn!”.

Mặc dù bận rộn nhưng Đại tướng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp những người dân bình thường nhất. Đại tá Nguyễn Huyên còn nhớ, có lần, đội cảnh vệ vào báo với anh em trong Văn phòng có một người thương binh đến cổng xin được gặp Đại tướng. Do chưa có lịch hẹn nên anh em khá băn khoăn. Thế nhưng, Đại tướng vẫn đồng ý gặp người thương binh ấy. Hóa ra, người thương binh quê ở tận Hải Phòng. Anh bắt xe khách lên Hà Nội và chỉ mong được gặp Đại tướng một lần. Sau khi gặp gỡ, người thương binh ấy đã khóc rưng rức, nói: “Giờ em về quê có chết cũng được rồi. Cả đời em chỉ mong được gặp anh một lần”…

Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Cụ sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Cụ cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê cụ cũng ăn. Cụ cũng có sở thích trồng phong lan nên đến giờ trong vườn nhà vẫn còn hàng trăm giò phong lan. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.

Người chưa bao giờ cáu giận vợ con

Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai). Bà Quang Thái trở thành liệt sỹ năm 1946 và để lại một người con gái là Giáo sư Võ Hồng Anh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Bà Hà sinh được 4 người con cùng Đại tướng gồm 2 trai 2 gái. Hiện cả 4 người con này đều rất thành đạt. 

                    Bà Đặng Bích Hà vẫn thường dành sự chăm sóc đặc biệt cho chồng. 

Tính đến giờ, đã 4 năm Đại tướng phải nằm trên giường bệnh. Bà Đặng Bích Hà cùng các con cháu vẫn thường xuyên vào viện thăm. Nhắc đến bà Đặng Bích Hà, Đại tá Nguyễn Huyên cho biết đó là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Ngay kể cả với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Giáo sư Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng như với 4 người con ruột khác.

Có lẽ, chính vì thế mà suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, người cộng sự này chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng cụ vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con.

Linh tính người cha trong bậc thầy quân sự

Anh Lê Văn Hải, một cán bộ giúp việc trong Văn phòng Đại tướng cũng bảo bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ rất đặc biệt trong mắt anh. Bà tuy là phu nhân của một vị lãnh đạo cấp cao như Đại tướng nhưng lại có phong thái vô cùng mộc mạc, giản dị và cởi mở. Anh Hải cũng đã có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Văn phòng Đại tướng. Tuy còn trẻ tuổi nhưng theo thói quen, anh vẫn thường gọi Đại tướng là “anh Văn” – cái tên trìu mến và gần gũi mà cán bộ, anh em thường gọi.

                                      Đại tướng và con gái Võ Hồng Anh. 

Không chỉ anh Hải mà rất nhiều người gần cận đều ấn tượng về tình yêu thương vô bờ bến với con cái của Đại tướng. Ngày Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng ra đi mãi mãi (năm 2009) thì Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Ấy là do trong một lần đi họp, cụ bị vấp phải cái thảm nên bắt đầu vào nằm điều dưỡng trong Bệnh viện 108. Khi ấy cụ còn khá khỏe. Lúc cô Hồng Anh bắt đầu bị bệnh, cả nhà lo lắng nhưng giấu Đại tướng. Đến hôm cô mất, cả nhà vẫn không ai nói cho cụ biết nhưng chẳng hiểu linh tính sao, tối ấy anh Hải vào thăm cụ thì đột nhiên cụ hỏi: “Hải, ở nhà có việc gì không?”. Anh Hải quay mặt đi nơi khác trả lời: “Dạ, mọi thứ vẫn bình thường anh ạ!”. Thế nhưng, cứ một lát sau cụ lại nhắc lại câu hỏi ấy. “Đến lúc tôi về, ra đến cửa, cụ lại gọi giật lại “Hải, lại đây anh hỏi!”. Và đến lần thứ 5, vẫn một câu hỏi ấy: “Ở nhà có việc gì không?”. Tôi vẫn không dám nói… Cho đến hôm sau thì gia đình mới quyết định cho cụ biết vì không thể giấu mãi. Có lẽ, bằng trực giác của người cha mà cụ linh tính có việc gì đó. Cụ thương cô Hồng Anh lắm. Cụ thương cô ấy vì mẹ mất sớm, ngày nhỏ lại không được gần cha mẹ…Sau ngày cô mất, cụ buồn lắm” – Anh Hải nghẹn ngào kể lại!


Sau lần đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nằm trên giường bệnh với chế độ chăm sóc đặc biệt cho tới nay. Ngày 25/8 tới đây là sinh nhật lần thứ 104 của Đại tướng, người cha, người anh của quân đội anh hùng. Sự tôn kính mà thế giới cũng như đồng bào trong nước dành cho anh Văn vẫn mãi còn đó, không chỉ bởi đó là một vị tướng tài ba lỗi lạc mà còn bởi phong cách sống, những tình cảm đời thường dung dị trong đối nhân xử thế với bè bạn, gia đình và thuộc cấp của ông.

Hoàng Phương

TỤC TRUYỀN PHÍA NÚI RĂNG LƯỢC

Minh Phong
                                       Khèn Pây, tiếng thổi nghe điệu rất liêu trai.

Người Vân Kiều ở Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) gọi rặng Trường Sơn quê mình là Răng Lược với những ngọn núi cao và nhọn như những răng lược cài vào bầu trời một cách huyễn hoặc mỗi độ hoàng hôn.

Người Vân Kiều phía núi Răng Lược vẫn kể về cách sống của họ với lễ lạt ma chay gọi hồn bí ẩn, đến cách giỗ sống những đứa con trai trên bàn thờ ngay cột nhà ma. Họ cũng là những người từng tổ chức nghi lễ cà răng lạ lẫm giữa vùng ngự trị của đại bàng cánh to, minh chứng của chiến binh Vân Kiều đang khuất dần sau đỉnh núi.

Bí ẩn dao gọi hồn

Núi Răng Lược nơi họ sống có chỏm núi bốn mái, một mái đổ về phía Lào, một mái đổ về phía Bắc, một mái đổ về phía biển và một mái đổ về phía Nam được gọi tên Răng Lược trung tâm. Núi Răng Lược như một bái vật giáo của người Vân Kiều ở Làng Ho, nó tượng trưng sức mạnh bền bĩ của con người ở bản làng xung quanh, đó cũng là ngọn núi đoàn kết và thủy chung của những tộc người sống ở vùng biên giới Lào - Việt. Già làng Hồ Cao (hoặc Hồ Thanh Bình) đã sống qua 78 mùa rẫy giữa vùng Làng Ho ở tây Trường Sơn nói: “Núi ở đây là tinh thần, cũng là chốn linh thiêng của bản làng Vân Kiều ta và anh em Lào bên dưới mái núi Răng Lược”. Nước nguồn từ rặng Răng Lược được phân bố thành từng dòng nhỏ và tạo ra các dòng suối, chia đều cho người Vân Kiều ở thượng nguồn Kiến Giang và anh em người Kinh phía đồng bằng; nước của dãy Răng Lược cũng là nơi cung cấp cho những bản làng của người Lào phía bên kia biên giới. 

Từ tinh thần của dãy Răng Lược, người Vân Kiều có nhiều truyền thuyết và huyền tục của mình qua các lễ hội, sinh hoạt dân gian đời thường từ dưới suối, trên rẫy, khi sinh nở và lúc qua đời. Lôi cuốn chúng tôi hơn hết là câu chuyện như thần thoại còn tồn tại đến hôm nay, đó là con dao gọi hồn, được truyền đời hằng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm cho vị chủ tế trong bản và Hồ Cao được lãnh ấn giữ chiếc dao quý đó. 

Thuyết phục mãi, già Hồ Cao mới cho chúng tôi diện kiến hai bảo vật quý mà ông được tổ tiên truyền lại và người dân tôn xưng ông là chủ đất ở Làng Ho. Ấy là con dao gọi hồn (A Châu), mũi nhọn, chuôi bằng ngà voi, mòn vẹt, minh chứng cho việc nó đã tồn tại nhiều năm.

Theo Hồ Cao, chiếc dao đã trải qua hơn 300 năm tồn tại. A Châu thường được sử dụng khi có người trong bản qua đời. Hồ Cao kể: “Sau khi chôn cất người đã khuất một ngày, A Châu được đưa ra ở nhà sàn gia đình người mất. Cái đầu heo bản nấu chín, dao bỏ trên sàn nhà cạnh cột nhà ma, ta đọc thần chú một lúc, rồi bỏ đầu heo lên mũi dao, tay thả ra, thần chú vẫn đọc, nếu con dao không đổ thì hồn người chết đang đến núi Răng Lược để về trời, nếu con dao đổ, đầu heo rơi thì hồn người chết không về được, phải mất năm sau làm lại”.

Theo Hồ Cao, ông đã có 40 năm cầu hồn và chưa bao giờ thất bại. Khi chiếc dao đứng im, Hồ Cao dùng vật lễ khác để ru hồn yên vị, không vương vấn với trần thế, ấy là chiếc khèn pây như sáo thổi nhưng có nhiều lỗ hơn và giọng điệu của khèn pây bổng trầm hết sức liêu trai khi được thổi lên. Hồ Cao nói: “Tiếng khèn pây là để tiễn hồn về với trời, với tổ tiên, thổi càng hay thì dao đứng càng lâu, mình thổi cho dao đứng lâu nhất là 30 phút. Khi mọi thứ đã xong thì có cố thổi mấy, khèn cũng không lên được hơi và A Châu cũng không muốn đứng nữa, vì hồn người Vân Kiều lúc đó đã thật sự rời khỏi bản làng, không bao giờ vương vấn”.

Những cuộc xana chiết

Theo Hồ Cao và những bậc bô lão Vân Kiều dưới núi Răng Lược, người Vân Kiều khi sinh ra được làm lễ buộc chỉ cỏ máu, sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, với mong muốn hồn đứa trẻ không bỏ nó mà ở lại trần thế với xác thịt. Từ đó, gia đình lập bàn thờ, giỗ sống đứa bé vào ngày 18-8 mỗi năm, đấy gọi là lễ xana chiết, bàn thờ cho nó là chiếc bát bỏ trong giỏ tre rừng, sát cột nhà ma. Lúc 8 tuổi, thiếu niên Vân Kiều được tổ chức lễ mừng hồn, đó là lúc người Vân Kiều tin hồn của đứa bé đã gắn chặt với thân xác, không đột ngột về trời. Và chiếc bát trong giỏ tre sẽ đưa lên cao hơn một bậc. Khi 18 tuổi, cánh tay chàng trai Vân Kiều đủ rộng như đôi cánh đại bàng lớn, được gia đình làm lễ rặp chăm pa rơ, mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ của mạng sống chàng trai lại đưa lên sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc đời thông minh với những kỹ năng săn bắn giữa núi rừng.

Già Hồ Cao đã có 7 đứa con được đưa bàn thờ sống lên sát mái nhà sàn, thể hiện sự trưởng thành của tất thảy cả 7 người và hồn của 7 đứa được bảo vệ bởi cột nhà ma thiêng liêng với nhân sinh quan của họ. Hồ Cao kể: “Mỗi năm đến ngày 18-8 sẽ phải giỗ sống chúng, dù chúng đã có vợ rồi cũng phải về đây chịu lễ gà, heo để mời bản giỗ sống, làm thế để chúng biết hồn chúng đang còn và biết điều với tổ tiên đã cho chúng cái hồn để làm người”. Từ cách giữ hồn của người Vân Kiều mới hiểu ra rằng, con dao A Châu quý với dân bản Làng Ho như thế nào, bởi khi đã mất, hồn vẫn còn vương vấn không về trời được và phải có con dao đó như cách thức cắt đứt sợi chỉ mà đứa trẻ đã được buộc từ ngày mới sinh và tiếng khèn pây là để bay bổng và siêu thoát cho hồn lên cõi giới như một sứ mệnh đã hoàn thành, nhằm chuẩn bị cho cuộc tái sinh khác. Hồ Cao nói: “Chúng tôi tin vào hồn và giỗ sống, tin vào Giàng và núi non ở đây, tất cả đều có hồn và khi xong cuộc đời, hồn có quyền về trời để chuẩn bị trở về cho một đứa bé khác, ở đâu đó trong một bản làng nào đó, thế là mãn nguyện rồi”.


                                A Châu, con dao gọi hồn của Hồ Cao là báu vật của cả vùng.

Lễ cà răng mất dần trên đỉnh núi

Già Hồ Cao được tục truyền bảo vật A Châu và khèn Pây không phải vì có dòng giống của già làng mà ông có uy tín bởi là người duy nhất trong vùng thể hiện uy lực chiến binh Vân Kiều qua tục cà răng hay còn gọi tục cưa răng. Đó là một luật tục đã thật sự biến mất trên dãy Răng Lược hùng vĩ, bởi tính hoang dã và đẫm máu của nó. Nay, câu chuyện về tục cà răng chỉ còn được kể như mộng đẹp của những đêm Khan bên bếp lửa nhà làng.
Và chúng tôi may mắn nghe Hồ Cao kể về tục cà răng mà ông trải qua: “Mình lớn lên được bản và bố mình, ông nội mình chọn là già làng tương lai khi A Châu đưa họ về trời. 18 tuổi, bốn người trai lực lưỡng Vân Kiều đưa mình ra suối, họ giữ hai tay và hai chân mình nằm ngửa trên tảng đá, một thầy cúng của bản dùng đá sắc lẹm như mũi tên mài răng của mình, họ mài chảy máu răng, đau đớn, nhưng làm lễ cà răng đó là để chứng minh mình sẽ dẫn dắt bản làng, được dân bản gọi là chiến binh, oai lắm. Họ mài hàm dưới của mình sát nướu, hàm trên mài vài cái, ngày đó thế là oai lắm. Họ mài mất hai ngày. Mài xong họ bỏ lá cây Kỳ chắc để khỏi bị chảy máu. Sau lễ đó, bản bắt mình xuống suối bắt 7 con cá xanh để cúng Giàng, làm lễ chiến binh, từ đó bản làng tôn kính mình lắm. Lúc đó họ xem mình đẹp trai, cô gái bản nào nhìn cũng ưng, nay lễ cà răng bỏ rồi, nhìn mình xấu, mấy đứa trai Vân Kiều trẻ nay không cà răng mà đẹp”.

Hồ Cao vừa kể, vừa tiếc nuối hàm răng nhưng cũng tiếc nuối về ý đẹp của luật tục giữa núi rừng hoang dã đã khuất dần trên đỉnh núi. Theo ông, tục đó đã theo A Châu về trời, và ông là người cuối cùng còn sót lại. Truyền nhân già làng của dòng họ Hồ Cao cũng đã được chọn, là cháu nội của đứa con cả, nhưng tục cà răng không còn áp dụng, bởi theo Hồ Cao, phải thích nghi với giới trẻ hiện nay.

HUYỆN LỆ THỦY: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT












                          Cánh đồng Xuân Giang

Lệ Thủy là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình. Phía nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía tây giáp tỉnh Khammouan của Lào, phía đông giáp Biển Đông.

Về địa hình: Phía tây huyện là dãy Trường Sơn, địa hình dốc theo hướng đông với vùng núi, đồi, có suối nước khoáng Bang với nguồn nước khoáng đang được khai thác làm nơi nghỉ dưỡng và làm nước uống đóng chai. Phần giữa huyện là một dải đồng bằng hẹp hai bên bờ sông Kiến Giang. Ven biển là những dải cồn cát trắng kéo dài hàng chục cây số. Ngoài làng chài và một bãi tắm, đa phần còn lại đều hoang sơ.

                              Một góc sông Kiến Giang.

Huyện có 2 thị trấn là Kiến Giang và Lệ Ninh cùng 26 xã: An Thuỷ, Cam Thủy, Dương Thủy, Hoa Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Ngân Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Phong Thủy, Phú Thủy, Sen Thủy, Sơn Thủy, Tân Thủy, Thái Thủy, Thanh Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Xuân Thủy.
Diện tích tự nhiên của toàn huyện là 142.052 ha với dân số 140.804 người (năm 1998).

                                        Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Lệ Thủy cũng là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. Vì vậy, tương truyền rằng đây là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt.

Trong Chiến tranh Việt Nam, nơi đây là chiến trường ác liệt với mật độ bom rải thảm của Không quân Mỹ với mật độ dày đặc.

                            Quốc lộ 1 đoạn qua Lệ Thủy.

Huyện Lệ Thủy có các tuyến đường quan trọng cắt ngang như QL1, đường HCM Đông, HCM Tây... và các tuyến tỉnh lộ tốt như TL10, TL16... Có cửa khẩu Tà Rùng - Cù Bai tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá.

Lệ Thủy nổi tiếng với sông Kiến Giang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống.

Những thắng cảnh đẹp tại Lệ Thủy có thể kể như:

- Sông Kiến Giang: là một nhánh của sông Nhật Lệ. Sông chảy qua huyện Lệ Thủy với tổng chiều dài 58 km.

Hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông này chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là nghịch hà. Trước đây, hàng năm con sông này gây lũ lụt cho vùng đồng bằng xung quanh do sông dốc, ngắn. Sau khi có đập An Mã ngăn ở thượng nguồn, nạn lũ lụt đã được khống chế.

                           Suối nước khoáng nóng Bang.

- Suối nước khoáng nóng Bang thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cách thành phố Đồng Hới 60km về phía Tây Nam. Dòng suối thường bốc hơi tạo thành làn sương mờ ảo giăng mắc khắp không gian khiến cho du khách đến đây cứ nghĩ mình đang lạc vào chốn bồng lai.

               Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chùa An Xá tọa lạc ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy. Đây là ngôi chùa làng có từ năm 1900, chùa hiện nay được xây dựng vào năm 1994. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia.

- Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi miền Nam, một khu du lịch tâm linh đang được người dân Lệ Thủy tôn thờ và gìn giữ.

                                  Bàu Sen ở Lệ Thủy.

- Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị tướng tài lừng danh thế giới.

- Miếu thờ tiến sĩ Dương Văn An, tác giả của ’’Ô Châu cận lục’’.

-
                             Bãi biển ở Ngư Thủy

Bàu Sen là một hồ nước ngọt đầy sen thuộc xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Chỉ cách biểm tầm 2km, không có nguồn nước nào đổ vào, vậy nhưng giữa những muôn trùng nắng gió chang chang, bàu vẫn đầy ắp nước, xanh rì, ngọt lịm.

Ngoài Bàu Sen, huyện Lệ Thủy có nhiều hồ lớn nhỏ khác như hồ An Mã, hồ Cẩm Ly, Bàu Dum, hồ Thanh Sơn, hồ Phú Hòa, hồ Đập Làng... v.v.

- Núi ở Lệ Thủy có nhiều, ví dụ như núi Răng Lược (xã Kim Thủy), núi Lệ Thuỷ (xã Tịnh Châu - Sơn Tịnh), núi Mã Yên (còn gọi là núi Thiên Mã)...

                     Hoàng hôn trên bãi biển ở Lệ Thủy.

- Bờ biển huyện Lệ Thủy dài khoảng 20km kéo dài qua nhiều xã với cát trắng, sạch. Biển có làngchài Ngư Thủy khiến ta nhớ đến bộ phim 'Trở lại Ngư Thuỷ' dạo nào trình chiếu đã gây xúc động trong cả nước và làm dấy lên một làn sóng ủng hộ, hướng về Ngư Thuỷ. Ngư Thủy cũng có bãi tắm đẹp đã được đưa vào khai thác du lịch.

Đến Lệ Thủy một lần, hẳn bạn sẽ không quên con người và cảnh vật nơi đây và chắc chắn còn muốn đến thêm lần nữa.
Theo: Du lịch, GO

DẤU ẤN QUÊ HƯƠNG TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHƯỞNG CƠ LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH ( 1650 - 1700 )

PGS - TS. Ngô Minh Oanh
Ths.Minh Hằng


Tên tuổi Nguyễn Hữu Cảnh gắn với công lao thiết lập hệ thống hành chính đặt dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, lấy Sài Gòn làm trung tâm vùng đất Nam Bộ. Nguyễn Hữu Cảnh gắn với sự nghiệp mở cõi phía Nam, định hình thể quốc gia Việt Nam. Nguyễn Hữu Cảnh với chính sách ôn hòa, lấy nhân đức hướng tới hòa đồng, hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, góp phần hình thành nên một Việt Nam thống nhất và trường tồn. Nguyễn Hữu Cảnh thông minh, tài trí, võ nghệ cao cường, lại có một tấm lòng vì nghĩa lớn. Sự nghiệp vĩ đại và cao cả đó không thể không mang lại dấu ấn của quê hương và gia đình – nơi đã hun đúc và chắp cánh cho tài năng, tôi rèn một nhân cách lớn.

Ngược dòng lịch sử, người ta biết rằng, Nguyễn Hữu Cảnh thuộc đời thứ 9 kể từ hậu tổ Đức Trai Nguyễn Trãi. Sau vụ án Lệ Chi Viên, con cháu Nguyễn Trãi đã sống sót, đã ly tán nhiều nơi. Trải nhiều lưu lạc, đến đời Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn do bất mãn với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã di chuyển gia đình định cư tại huyện Phong Lộc ( nay thuộc vùng đất hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ), tỉnh Quảng Bình vào năm 1609. Lúc này, con trai của cụ Văn, Nguyễn Hữu Dật, là bố của Nguyễn Hữu Cảnh bấy giờ cũng mới 6 tuổi.

Đất hai huyện ( Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày nay ) nơi có làng Phúc Tín mà Nguyễn Hữu Cảnh đã cất tiếng khóc chào đời, từ rất lâu nổi tiếng “Nhất đồng nai, nhì hai huyện”. “Nhất đồng nai, nhì hai huyện” đã trở thành câu ca để chỉ vùng đất trù phú, cánh đồng thẳng cánh cò bay này. Đất hai huyện như một chàng dung sĩ, đầu là ngọn núi Yên Mã tựa vào dãy Trường Sơn, chân đạp song Biển Đông, mắt dõi về phương xa; dòng song Kiến Giang chảy về phá Hạc Hải như một dải lụa xanh vắt qua lưng chàng dung sĩ ngang tang đứng suốt bốn mùa chịu đựng lam sơn chướng khí Trường Sơn và gió bão Thái Bình Dương.

Phải chăng những bậc tiền bối của dòng họ Nguyễn Hữu đã sớm nhận ra chân giá trị của vùng “ địa linh” này mà họ đã chọn đất này làm nơi định cư và cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của mình, của dòng họ để cho con cháu đời sau tinh hoa phát tiết cả đường văn lẫn võ. Phần mộ của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật được chôn cất gần chân núi Yên Mã, cũng như Hào Lương Nguyễn Hữu Hào ( anh trai Nguyễn Hữu Cảnh ) và Thiện Chánh Hầu ( con trưởng ông Hào ) cùng các phu nhân dòng họ Nguyễn Hữu đều được chôn cất tại vùng này ( Trường Thủy – Lệ Thủy ).

Nguyễn Hữu Cảnh với lòng khoan dung, nhân ái, với tính tình hòa đồng với quân sĩ, đã chinh phục được binh sĩ và nhân dân ở những vùng đóng quân. Trong sự nghiệp ngoại giao xuất sắc của mình, vừa giữ không khí hòa hiếu với các quốc gia lân cận vừa tạo điều kiện để mở mang bờ cõi về phía Nam.

Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã lớn lên bằng dòng sữa nhân hậu của mẹ, kế thừa tài binh nghiệp và tinh thần hiệp sĩ của cha, anh. Nhân cách sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh là sự hòa quyện của truyền thống gia đình và những đức tính của người dân vùng “ địa linh nhân kiệt” Quảng Bình. Đấy là một tuổi thơ luôn tuân thủ nề nếp gia phong nhưng hiếu động và tràn trề sinh lực. Một tuổi thơ với niềm đam mê võ thuật, cầu tiến nhưng sòng phẳng và hào hiệp trong những trận đấu dù không cân sức với người hơn tuổi mình. Nguyễn Hữu Cảnh không dấu diếm sự thán phục của mình với những ai dung cảm và chế nhạo những ai hèn nhát. 

Đấy là thời thanh niên vừa thông minh ham học lại cùng thích cha xông pha trận mạc, dung cảm và am tường binh pháp khi còn trẻ, ông xứng đáng với công dạy bảo của cha anh và khả năng của “con nhà nòi”. Về binh nghiệp, trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn thể hiện bản lĩnh của một người cầm binh tài giỏi, ông không chỉ dẹp loạn ở trong nước mà còn dẹp những cuộc gây hấn ở vùng biên giới với nước láng giềng. Có tài dụng binh mà không say chém giết, quân mạnh binh hung mà vẫn gần gũi dân, đánh giặc xong lại trở về chốn cũ, không tham lam chức tước, không tơ màng đến của ngon vật lạ ở vùng đất mới, đấy là điểm nổi bật của một nhân cách. Đức độ và sống vị nghĩa lớn.

Trong thời kỳ được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử làm Cai Cơ, Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi kế sách “dẫn thủy nhập điền”, làm lợi cho bà con nông dân địa phương. Trên cánh đồng Phúc Tín và Thủ Thư có con song chảy từ lèn Áng Sơn về phá Hạc Hải, ông đã cho đào những nhóm hói từ đập Thâm Mưng thông với con sông trên hói Phước Lương, hói Chọoc. Ngoài ra còn có hệ thống hói đào từ phá Hạc Hải đến vùng Vạn Ninh như hói Bến Cát, Bến Đa, Bến Bốm, Bến Tể…. Ngoài lợi ích tưới tiêu, các hói này còn dùng để vận chuyển lương thực phục vụ cho dân sinh và quân đội lúc chiến tranh.

Có thể nói sự nghiệp khai hoang mở cõi vĩ đại của Nguyễn Hữu Cảnh ở vùng Nam Bộ sau này đã được bắt đầu từ việc khai phá các cánh đồng ở đây. Việc đào kênh thông giữa sông Tiền và sông Hậu cũng đã bắt nguồn từ kinh nghiệm đào các con hói từ phá Hạc Hải lên vùng vạn Ninh lúc bấy giờ. Những gì mà Nguyễn Hữu Cảnh đã làm cho vùng đất Nam Bộ sau này đều được thử nghiệm trên quê hương Hai Huyện mà ông đã sinh ra, lớn lên và hết lòng yêu mến. 

Nguồn: Hội thảo khoa học Quốc gia về Danh nhân Quảng Bình.







MÚA TỨ LINH BÊN DÒNG KIẾN GIANG

Diệu Hương
                Đội múa Tứ linh biểu diễn tại lễ khánh thành nhà thờ làng Xuân Lai.

Trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, bao thế hệ con cháu của làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn cố níu giữ lại điệu múa Tứ linh trước sự “tấn công” đến khắc nghiệt của những giá trị văn hóa tân thời. Dẫu còn lắm nhọc nhằn, mảnh đất nằm phía tả ngạn dòng Kiến Giang ấy vẫn coi trọng và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống này như một phần báu vật truyền đời của cha ông họ.

Đến thăm mảnh đất từng nổi tiếng trong trận càn Xuân Lai – Mỹ Lộc những năm chống Pháp vào một ngày tháng 7, dẫu không phải dịp lễ hội, nhưng khi chúng tôi nhắc đến điệu múa Tứ linh – bản sắc riêng của mảnh đất này, bao thế hệ con cháu nơi đây vẫn lấp lánh một niềm tự hào. Thế nhưng, đằng sau những đôi mắt lấp lánh ấy ẩn chứa cả một nỗi niềm: làm sao để níu giữ lại giá trị văn hóa quý báu ấy trước những biến thiên của cuộc sống tân thời?

Rộn ràng Tứ linh

Theo cuốn “Quảng Bình - Ẩn tích thời gian” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình xuất bản năm 2009, điệu múa Tứ linh (hay còn được gọi là điệu múa Vương-Tướng-Long-Hổ) xuất hiện ở làng Xuân Lai khoảng cuối thế kỷ 19. Điệu múa này tượng trưng cho bốn phương về hội tụ với ý nghĩa “đất lành chim đậu”, với ước mong thiên hạ thái bình, bốn mùa no ấm.

Mỗi đoàn múa Tứ linh thường có sáu nhân vật: Long, Lân, Quy, Phụng, Vương, Tướng. Trong màn dạo đầu, giữa tiếng trống rộn rã, con Long – đại diện của vùng biển thỏa sức uốn lượn uyển chuyển, tiếp đến là con Lân và Phụng, hùng dũng, oai vệ trong từng bước đi, sau cùng là con Quy từ lòng đất trầm nghiêm, cần mẫn chui ra. Bốn con vật-đại diện cho bốn phương trời gặp nhau giữa cảnh sắc thái bình thì vui mừng, múa lộn. Ngoài bốn con vật linh thiêng còn có hai vị Vương, Tướng với đầy đủ mũ mão, cân đai, kích, chùy oai phong, đĩnh đạc. Trong tiếng trống hội rộn rã, nhân vật nào cũng không ngừng chuyển động với các thao tác dứt khoát, mạnh mẽ và linh hoạt.

Ở Xuân Lai, những nghệ nhân múa cổ ngày càng hiếm dần. Hầu hết trong số họ đã trở về cùng cát bụi, số khác đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được những người thuộc thế hệ đi trước từng một thời đưa điệu múa Tứ linh rộn rã khắp trong Nam, ngoài Bắc. Bước vào tuổi 84, dẫu có lúc ký ức nhập nhằng giữa hai chiều quên – nhớ nhưng lạ kỳ thay, ông Đinh Văn Tân vẫn nhớ như in những ngày ông dẫn đầu đội múa Tứ linh của làng biểu diễn khắp mọi nơi. “Chao, nhớ lắm.

Nhớ nhất là lễ 2-9-1954, ngày nớ đội mới thành lập, nên được kết đò hoa đi giữa sông Kiến Giang, vừa đi vừa rộn rã trống, chiêng, rồi múa ngay trên đò. Trên bờ, biết bao nhiêu con mắt đổ dồn, ra vẻ ưng ý lắm”. Ông bồi hồi nhớ lại, miệng vẫn không dứt nụ cười móm mém. Ông nhớ, những năm chống Mỹ, ngày bận bịu với công việc đồng áng, rồi phải tránh trú trước những đợt bom rải thảm của quân thù vậy mà tối đến, dưới ánh đèn dầu leo lắt, những người trong đội vẫn say sưa tập múa, đợi đến mùa lễ hội lại được dịp phô diễn.

Đội múa Tứ linh Xuân Lai góp mặt ở hầu hết các buổi diễn văn nghệ quần chúng của huyện nhà thời bấy giờ. Năm 1982, đội đã giành giải Nhất tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Bình Trị Thiên. Tự hào nhất là những dịp được vinh dự biểu diễn nhân dịp Tổng bí thư Lê Duẩn vào thăm Quảng Bình hay những đợt Đại hội Đảng bộ tỉnh...

Nhưng có lẽ, với ông Tân và hầu hết các thành viên trong đội múa, kỷ niệm đáng nhớ nhất là được biểu diễn nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương lần cuối. Năm đó, hầu hết những thành viên trong đội đều đã bước vào tuổi 60, 70, thế nhưng khi nhìn xuống sân khấu, thấy Đại tướng đang chăm chú dõi theo từng động tác, ai ai trong đội cũng muốn múa thật đẹp mắt để làm món quà ý nghĩa tặng Đại tướng. “Nhìn xuống thấy Đại tướng vẫn mạnh khỏe, đôi mắt vẫn còn sáng, tinh anh lắm, không hiểu răng mà vui chi lạ”, ông Tân rưng rưng nhớ lại.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, điệu múa Tứ linh cũng dần đi vào đời sống như một món ăn dân dã không thể thiếu của người dân nơi đây. Không chỉ là linh hồn trong mỗi dịp lễ lạc, hay biểu diễn trong các lễ mừng thọ cho các cụ tại địa phương, múa Tứ linh còn được sử dụng trong những dịp tang lễ, ma chay như một hình thức để tiễn đưa người quá cố về với cát bụi. Bởi thế, tuy xuất phát từ nơi cung cấm, nhưng qua thời gian, những nét cung đình đã dần biến hóa, mang đậm yếu tố dân gian, rồi chuyển từ dân gian sang điệu múa tín ngưỡng. Dù trong hoàn cảnh nào, đi đến đâu, múa Tứ linh Xuân Lai cũng được người xem đón nhận bằng tất cả sự nồng hậu và trân trọng.

Nhọc nhằn níu giữ

Một điều may mắn là trong chuyến tìm về với mảnh đất này, chúng tôi đã tìm gặp được ông Võ Văn Dy, hậu duệ đời thứ 4 của ông Võ Văn Đảnh – người được xem là có công lớn trong việc mang điệu múa Tứ linh về với mảnh đất nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang này. Ông Võ Văn Đảnh từng làm quan trong nội triều vua Thành Thái.

Trong mỗi dịp về thăm quê, vị quan triều Nguyễn này đã tập hợp con cháu và cả lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng để hướng dẫn truyền lại điệu múa Tứ linh – điệu múa ông đã nhọc công học được sau mỗi dịp triều đình có lễ lạc. Đời này nối tiếp đời khác, thế hệ trước truyền lại thế hệ sau, cứ thế, điệu múa Tứ linh ngấm dần vào máu thịt của bao lớp con cháu trong làng nói chung và con cháu họ Võ nói riêng.

Đến đời ông Võ Văn Dy, điệu múa Tứ linh Xuân Lai đã tồn tại hơn 1 thế kỷ đầy biến thiên, thăng trầm. Hậu duệ đời thứ 4 của ông tổ điệu múa Tứ linh ngày nào giờ đã bước vào tuổi 70, sức khỏe đã có phần suy giảm, thế nhưng, ông vẫn ngày ngày cần mẫn đi dạy lại cho con cháu trong làng điệu múa truyền thống.

Với ông, bảo tồn điệu múa Tứ linh không chỉ là việc gìn giữ tài sản tinh thần quý báu của tổ tiên, dòng họ mà đó còn là trách nhiệm bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà ông đã tự đặt lên vai mình tự lúc nào. Những bộ trang phục biểu diễn được ông gói gém, cất giữ cẩn thận như một món đồ gia bảo. Riêng với bộ gươm, dao, kiếm..., sau mỗi lần biểu diễn, ông đều trịnh trọng đặt chúng ngay trên ban thờ gia tiên. Với ông, đó chính là báu vật mà suốt đời ông gìn giữ.

Theo ông Dy, múa Tứ linh không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mà còn phải dứt khoát trong từng động tác, cử chỉ. Mỗi nghệ nhân đóng vai Long, Lân, Quy, Phụng, Vương hay Tướng đều phải có những đòi hỏi riêng. Nếu người mang đầu rồng thì phải mềm mại, uyển chuyển trong từng điệu uốn lượn, người mang đầu hổ phải biết gầm gừ, dương vuốt ra oai. Những người đóng vai Vương, Tướng phải biết chút ít võ nghệ, nhanh nhẹn trong từng điệu bộ, bước đi. Vai diễn nào cũng đòi hỏi người múa phải dành nhiều thời gian tập luyện công phu, cần mẫn.

Chính vì vậy, khi cuộc sống có quá nhiều lo toan thì việc tìm được người yêu thích điệu múa truyền thống này đã khó, tìm được người chuyên tâm tập luyện để duy trì đội múa càng khó trăm bề. Ông Dy đã cần mẫn truyền lại cho biết bao thế hệ con cháu, nhưng càng truyền nghề, ông càng thêm thắt lòng: “Càng về sau, tâm huyết của các thế hệ trẻ càng giảm, chẳng còn mấy ai mặn mà với múa Tứ linh như thế hệ chúng tôi ngày trước”.

Sự thờ ơ của lớp trẻ cũng không làm ông nản lòng. Khi phần lớn trang phục biểu diễn của đội múa đã bị trận lũ 2010 phá hỏng hoàn toàn, ông Dy đã tự bỏ ra những đồng tiền mình chắt chiu kiếm được để phục chế lại trang phục, rồi nhờ người trong Nam, ngoài Bắc tìm mua những đạo cụ biểu diễn phù hợp. “Đến lúc không còn ai trong làng yêu thích múa Tứ linh nữa thì tui cũng sẽ dạy lại cho con cháu trong nhà để thế hệ sau biết được rằng đã từng có một điệu múa dân gian ý nghĩa như rứa tồn tại.”, ông Dy chia sẻ.

“Làm sao để bảo tồn và phát triển điệu múa Tứ linh ngay tại địa phương?”. Trả lời cho câu hỏi đó của chúng tôi, bà Võ Thị Thiệc, Trưởng thôn Xuân Lai chỉ lắc đầu: “Khó lắm! Nhân lực và cả sự ủng hộ tinh thần từ phía người dân trong làng, chúng tôi đều có cả nhưng để duy trì một đội múa Tứ linh thì cần phải có một nguồn tài chính ổn định. Mà điều đó thì hiện tại thôn không đủ khả năng để lo.”

Sống trong nền kinh tế mở, tất yếu sẽ tiếp nhận nhiều dòng văn hóa khác nhau, nhưng làm gì để nét đẹp văn hóa truyền thống không bị nhạt nhòa do những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai là điều đáng trăn trở, suy ngẫm. Và lẽ đương nhiên, việc bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như điệu múa Tứ linh Xuân Lai không chỉ là việc của riêng một cá nhân, một dòng họ tâm huyết, hay chỉ là việc của một thôn, bản đơn lẻ có đủ nguồn lực, mà đó là đứa con chung cần có sự chung tay chăm bẵm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.