DẤU ẤN QUÊ HƯƠNG TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHƯỞNG CƠ LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH ( 1650 - 1700 )

PGS - TS. Ngô Minh Oanh
Ths.Minh Hằng


Tên tuổi Nguyễn Hữu Cảnh gắn với công lao thiết lập hệ thống hành chính đặt dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, lấy Sài Gòn làm trung tâm vùng đất Nam Bộ. Nguyễn Hữu Cảnh gắn với sự nghiệp mở cõi phía Nam, định hình thể quốc gia Việt Nam. Nguyễn Hữu Cảnh với chính sách ôn hòa, lấy nhân đức hướng tới hòa đồng, hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, góp phần hình thành nên một Việt Nam thống nhất và trường tồn. Nguyễn Hữu Cảnh thông minh, tài trí, võ nghệ cao cường, lại có một tấm lòng vì nghĩa lớn. Sự nghiệp vĩ đại và cao cả đó không thể không mang lại dấu ấn của quê hương và gia đình – nơi đã hun đúc và chắp cánh cho tài năng, tôi rèn một nhân cách lớn.

Ngược dòng lịch sử, người ta biết rằng, Nguyễn Hữu Cảnh thuộc đời thứ 9 kể từ hậu tổ Đức Trai Nguyễn Trãi. Sau vụ án Lệ Chi Viên, con cháu Nguyễn Trãi đã sống sót, đã ly tán nhiều nơi. Trải nhiều lưu lạc, đến đời Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn do bất mãn với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã di chuyển gia đình định cư tại huyện Phong Lộc ( nay thuộc vùng đất hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ), tỉnh Quảng Bình vào năm 1609. Lúc này, con trai của cụ Văn, Nguyễn Hữu Dật, là bố của Nguyễn Hữu Cảnh bấy giờ cũng mới 6 tuổi.

Đất hai huyện ( Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày nay ) nơi có làng Phúc Tín mà Nguyễn Hữu Cảnh đã cất tiếng khóc chào đời, từ rất lâu nổi tiếng “Nhất đồng nai, nhì hai huyện”. “Nhất đồng nai, nhì hai huyện” đã trở thành câu ca để chỉ vùng đất trù phú, cánh đồng thẳng cánh cò bay này. Đất hai huyện như một chàng dung sĩ, đầu là ngọn núi Yên Mã tựa vào dãy Trường Sơn, chân đạp song Biển Đông, mắt dõi về phương xa; dòng song Kiến Giang chảy về phá Hạc Hải như một dải lụa xanh vắt qua lưng chàng dung sĩ ngang tang đứng suốt bốn mùa chịu đựng lam sơn chướng khí Trường Sơn và gió bão Thái Bình Dương.

Phải chăng những bậc tiền bối của dòng họ Nguyễn Hữu đã sớm nhận ra chân giá trị của vùng “ địa linh” này mà họ đã chọn đất này làm nơi định cư và cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của mình, của dòng họ để cho con cháu đời sau tinh hoa phát tiết cả đường văn lẫn võ. Phần mộ của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật được chôn cất gần chân núi Yên Mã, cũng như Hào Lương Nguyễn Hữu Hào ( anh trai Nguyễn Hữu Cảnh ) và Thiện Chánh Hầu ( con trưởng ông Hào ) cùng các phu nhân dòng họ Nguyễn Hữu đều được chôn cất tại vùng này ( Trường Thủy – Lệ Thủy ).

Nguyễn Hữu Cảnh với lòng khoan dung, nhân ái, với tính tình hòa đồng với quân sĩ, đã chinh phục được binh sĩ và nhân dân ở những vùng đóng quân. Trong sự nghiệp ngoại giao xuất sắc của mình, vừa giữ không khí hòa hiếu với các quốc gia lân cận vừa tạo điều kiện để mở mang bờ cõi về phía Nam.

Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã lớn lên bằng dòng sữa nhân hậu của mẹ, kế thừa tài binh nghiệp và tinh thần hiệp sĩ của cha, anh. Nhân cách sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh là sự hòa quyện của truyền thống gia đình và những đức tính của người dân vùng “ địa linh nhân kiệt” Quảng Bình. Đấy là một tuổi thơ luôn tuân thủ nề nếp gia phong nhưng hiếu động và tràn trề sinh lực. Một tuổi thơ với niềm đam mê võ thuật, cầu tiến nhưng sòng phẳng và hào hiệp trong những trận đấu dù không cân sức với người hơn tuổi mình. Nguyễn Hữu Cảnh không dấu diếm sự thán phục của mình với những ai dung cảm và chế nhạo những ai hèn nhát. 

Đấy là thời thanh niên vừa thông minh ham học lại cùng thích cha xông pha trận mạc, dung cảm và am tường binh pháp khi còn trẻ, ông xứng đáng với công dạy bảo của cha anh và khả năng của “con nhà nòi”. Về binh nghiệp, trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn thể hiện bản lĩnh của một người cầm binh tài giỏi, ông không chỉ dẹp loạn ở trong nước mà còn dẹp những cuộc gây hấn ở vùng biên giới với nước láng giềng. Có tài dụng binh mà không say chém giết, quân mạnh binh hung mà vẫn gần gũi dân, đánh giặc xong lại trở về chốn cũ, không tham lam chức tước, không tơ màng đến của ngon vật lạ ở vùng đất mới, đấy là điểm nổi bật của một nhân cách. Đức độ và sống vị nghĩa lớn.

Trong thời kỳ được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử làm Cai Cơ, Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi kế sách “dẫn thủy nhập điền”, làm lợi cho bà con nông dân địa phương. Trên cánh đồng Phúc Tín và Thủ Thư có con song chảy từ lèn Áng Sơn về phá Hạc Hải, ông đã cho đào những nhóm hói từ đập Thâm Mưng thông với con sông trên hói Phước Lương, hói Chọoc. Ngoài ra còn có hệ thống hói đào từ phá Hạc Hải đến vùng Vạn Ninh như hói Bến Cát, Bến Đa, Bến Bốm, Bến Tể…. Ngoài lợi ích tưới tiêu, các hói này còn dùng để vận chuyển lương thực phục vụ cho dân sinh và quân đội lúc chiến tranh.

Có thể nói sự nghiệp khai hoang mở cõi vĩ đại của Nguyễn Hữu Cảnh ở vùng Nam Bộ sau này đã được bắt đầu từ việc khai phá các cánh đồng ở đây. Việc đào kênh thông giữa sông Tiền và sông Hậu cũng đã bắt nguồn từ kinh nghiệm đào các con hói từ phá Hạc Hải lên vùng vạn Ninh lúc bấy giờ. Những gì mà Nguyễn Hữu Cảnh đã làm cho vùng đất Nam Bộ sau này đều được thử nghiệm trên quê hương Hai Huyện mà ông đã sinh ra, lớn lên và hết lòng yêu mến. 

Nguồn: Hội thảo khoa học Quốc gia về Danh nhân Quảng Bình.







Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét