LỄ HỘI ĐUA THUYỀN Ở LỆ THỦY - MỘT DI SẢN VĂN HÓA VÔ GIÁ


Lệ Thủy với sông Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc sĩ và cũng để lại cho du khách bốn phương ấn tượng đặc biệt mỗi khi có dịp về thăm mảnh đất đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng điều đáng nói không chỉ ở vẻ đẹp của dòng sông quê mà con sông này gắn với một lễ hội rất đặc biệt, mang đậm nét văn hóa xứ Lệ - Lễ hội đua thuyền (mà nhân dân Lệ Thủy quen gọi là hội bơi trải).


                 Khán giả nô nức đi cổ vũ cho các đội đua bơi

Lễ hội đua thuyền có từ bao giờ, quá trình hình hành và phát triển của nó như thế nào thì không phải ai cũng biết, ngay cả những người dân quê nơi đây cũng chỉ lưu truyền những câu chuyện truyền miệng do các thế hệ trước để lại mà thôi. Như vậy, đến nay vẫn chưa thể biết chính xác thời điểm ra đời cụ thể của lễ hội độc đáo này. Tuy nhiên, qua một số tài liệu lịch sử và thông qua sự suy đoán lôgíc về mặt sử học cho phép chúng ta xác định một cách tương đối về thời điểm hình thành của lễ hội đua thuyền.

Sách “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An - một cuốn sách chuyên khảo cứu về địa lý và phong tục xứ Thuận Hóa xưa (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) khi miêu tả về quê hương mình, về dòng Bình Giang tức sông Kiến Giang ngày nay, có câu: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch” Dương Văn An - sinh năm 1914 tại làng Phúc Tuy, huyện Lệ Thủy (nay là thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), đỗ tiến sĩ năm 34 tuổi, làm quan đời nhà Mạc. Dựa trên những căn cứ này, có thể khẳng định lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy ra đời trước nửa cuối thế kỷ 15.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9-1946.Từ đó về sau ngày ấy trở thành ngày hội đua thuyền truyền thống toàn huyện. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhân dân xã Phong Thủy (nay là 3 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy) đưa thuyền từ căn cứ Bang – Rợn về mở hội đua thuyền mừng chiến thắng (dù đồn giặc Pháp ở Tuy Lộc chưa kịp rút). Trong kháng chiến chống Mỹ, có hai lần tổ chức cuộc đua. Một cuộc đua của xã An Thủy tổ chức vào năm 1970. Một cuộc đua thuyền toàn huyện tổ chức vào năm 1973, chào mừng Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ vào thăm Lệ Thủy.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức thường xuyên và đông vui, náo nhiệt hơn. Có năm số lượng thuyền đua lên tới 22 chiếc của nam, 12 chiếc của nữ. Nhiều năm tổ chức đấu loại vào buổi sáng, buổi chiều thi chung kết. Cũng có năm do thuyền đua quá đông nên khi buông phao, một nửa xuất phát lên thượng tiêu, một nửa xuất phát về hạ tiêu. Chính điều này đã làm cho lễ hội đua thuyền vốn đã đông vui, náo nhiệt lại càng rộn ràng hơn.

Ngày xưa, mỗi tổng có vài ba thuyền đua tham gia. Hiện nay, mỗi làng có một thuyền đua nam gọi là đội “Thuyền bơi” và một đội nữ bằng chèo tay, gọi là “Đò đua” . “Thuyền đua” và “Đò đua” nói lên sự ganh tài bình đẳng giữa nam và nữ trong môn thể thao truyền thống. Có thể nói, bơi thuyền trải đua đò đua là ngày hội lớn nhất, vui nhất của nhân dân Lệ Thủy trong năm. Lệ Thủy vốn là vùng đồng bằng chiêm trũng, hạn hán, úng ngập quanh năm, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Vậy nên, theo quan niệm của người xưa, đua thuyền là lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng, khoai lúa đầy bồ. Công việc chuẩn bị của mỗi làng cho ngày hội đua thuyền rất chu đáo, bận rộn. Nếu dùng thuyền cũ để đua thỉ phải hạ thủy (đưa thuyền về các bến sông để sửa chữa) trước ngày lễ hội khai mạc ít nhất 1 tuần hoặc 10 ngày.

Tham gia lễ hạ thủy có đông đảo trai tráng và các bô lão cao tuổi có uy tín trong làng. Việc chọn trai bơi cũng được tiến hành kỹ lưỡng. Đó thường là những trai tráng khỏe mạnh, lực lưỡng, dẻo dai và chịu khó. Sau khi được chọn lựa, các trai bơi được họp để thông báo về quy chế bơi đua, được phát quần áo đồng phục và tập trung tập luyện cho đến ngày toàn huyện tổ chức hội đua thuyền. Trong thời gian tập luyện, các làng thường giết lợn, mổ bò vừa để cúng tế vừa để bồi dưỡng sức trai. Về trang phục các thuyền đua, ngày xưa làng nào có người làm quan to thì được chọn màu trước, sau đó đến các làng còn lại. Ngày nay, dân chủ hơn, các làng tự chọn trang phục cho trai bơi nhưng không được trùng nhau.

Về thuyền đua, trước đây thường sử dụng thuyền làm ăn để bơi đua (như thuyền đi chợ, thuyền chở mạ, chở lúa, thuyền lên rừng lấy củi…). Các địa phương gọi đó là bơi đò ngang. Nhưng ngày nay, hội đua thuyền được tổ chức quy mô hơn nên các thuyền đua cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Có thể nói, đây là công việc quyết định sự thành bại của mỗi thuyền đua. Các làng thường cử một số sơn tràng giỏi lên rừng đốn những cây to, thẳng, dài từ 35-40 thước đưa và đóng thuyền đua bơi (theo các ông thợ mộc ở Quảng Cư – một làng mộc nổi tiếng ở Lệ Thủy thì 1 mét =2.5 thước. Như vậy, chiều dài của mỗi thuyền bơi là khôngquá 15 mét). Để đảm bảo cho thuyền nhẹ nhưng vẫn bền chắc, người ta thườngchọn các loại gỗ như: huỵnh, dỗi… để đóng thuyền. Thuyền được bắt theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định của mỗi thợ đóng thuyền (nhân dân Lệ Thủy quen gọi là mực). Theo đó, thuyền được đóng thon dài để giảm lực cản của nước, đưa tốc độ thuyền lên mức cao nhất. Xưa kiểm tra tốc độ thuyền không phải bằng đồng hồ như ngày nay mà người ta đứng trên bờ để xem thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4”. Có nghĩa là, mỗi nhịp bơi, mái chầm xuống nước của trai bơi ngồi cặp trước đẩy ra sau cũng là điểm của mái chầm người thứ 3 hoặc người thứ 4 đưa xuống nước.

Tốc độ của thuyền đi “ốp 4” chắc chắn sẽ nhanh hơn thuyền đi “ốp 3”. Nhưng thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4” không phải do trai bơi quyết định mà do kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Đóng được thuyền đi “ốp 4” phải là những thợ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm, có tay nghề cao. Về nhịp bơi, nhân dân Lệ Thủy chia thành một số nhịp như: thuyền đi mái khoan (gồm có khoan xắp và khoan nhặt) và thuyền đi mái lăn. Nhưng đi theo mái nào cũng tùy thuộc ở kỹ thuật đóng thuyền. Theo đó, với đường đua từ trung tiêu (nơi xuất phát ở Mũi Viết) lên thượng tiêu (ở cồn Soi), về hạ tiêu (chợ Thùi, Phú Thọ) có độ dài gần 20 km thì sử dụng nhịp bơi mái khoan sẽ đỡ súc trai hơn. Còn bơi mái lăn chỉ sử dụng đối với những làng có lực lượng trai bơi khỏe, bền bỉ, dẻo dai. Số lượng trai bơi mỗi thuyền khoảng 13 cặp 1 éc, tức khoảng 27 người. Ngoài ra, còn có người đánh mõ, người tát nước, lái chính 2 người và lái đề 1 người (gọi là bộ phách lái). Như vậy, số người phục vụ mỗi thuyền đua khoảng trên 30 người. Thành tích của mỗi thuyền đua ngoài việc phụ thuộc vào thuyền hay, trai khỏe, còn phải có bộ phách lái giỏi để điều khiển khéo léo, đạt tốc độ cao, về đích trước tiên.

Đội ngũ thợ “bắt đò” (theo tiếng gọi của người dân Lệ Thủ nghĩa là đóng và sửa đò bơi) đều là những thợ mộc giỏi, có tay nghề cao. Trước đây, ở làng Phúc Lộc (Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ) có ông Hương; làng An Xá (Lộc Thủy) có ông Khoán Trẹo; làng Mai Hạ (Xuân Thủy) có ông Lanh là những thợ “bắt đò” có tiếng. Hiện nay, số thợ “bắt đò” giỏi ở Lệ Thủy còn lại không nhiều. Trong đó, có ông Võ Cừ (Mỹ Lộc Thượng) và ông thợ Duy (Xuân Lai, Xuân Thủy là những thợ bắt đò đạt giải cao nhiều năm.

Qua những lần mở hội đua thuyền, nhiều tên làng, tên thôn mãi mãi ghi đậm dấu ấn trong lịch sử đua bơi của Lệ Thủy. Đó là thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy), Hồng Thủy, Mỹ Lộc Hạ, Xuân Lai, Xuân Giang, Đại Phong. Đặc biệt, thuyền bơi thôn Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) 6 lần đoạt chức vô địch liên tiếp, được nhận cúp luân lưu vĩnh viễn.

Cứ mỗi độ tháng 8 thu về, trên dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. Nó chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây. Không chỉ vậy, đua thuyền truyền thống Lệ Thủy vào dịp tết độc lập của dân tộc 2-9, đang thể hiện sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ ra các vùng, miền xung quanh như: Quảng Trị, Thừa Thiên hay Đà Nẵng. Đây thực sự là một hoạt động văn hóa tinh thần rất có giá trị, mang sắc thái văn hóa riêng của Lệ Thủy,xứng dáng là một di sản văn hóa vô giá. Đúng như nhiều người đã từng nhận xét: “ Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy náo nhiệt, đông vui ít nơi nào có được. Không có kỷ lục nào cao hơn kỷ lục khán giản Lệ Thủy hâm mộ môn đua."

Ngày lễ Quốc khánh 2-9 lại về, “Đến hẹn lại lên”, người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày hội, ngày tết độc lập – một nét văn hóa độc đáo, một ngày hội ý nghĩa, là niềm tự hào riêng có của mảnh đất và con người xứ Lệ.

Đài PTTH Quảng Bình

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét