MÚA TỨ LINH BÊN DÒNG KIẾN GIANG

Diệu Hương
                Đội múa Tứ linh biểu diễn tại lễ khánh thành nhà thờ làng Xuân Lai.

Trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, bao thế hệ con cháu của làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn cố níu giữ lại điệu múa Tứ linh trước sự “tấn công” đến khắc nghiệt của những giá trị văn hóa tân thời. Dẫu còn lắm nhọc nhằn, mảnh đất nằm phía tả ngạn dòng Kiến Giang ấy vẫn coi trọng và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống này như một phần báu vật truyền đời của cha ông họ.

Đến thăm mảnh đất từng nổi tiếng trong trận càn Xuân Lai – Mỹ Lộc những năm chống Pháp vào một ngày tháng 7, dẫu không phải dịp lễ hội, nhưng khi chúng tôi nhắc đến điệu múa Tứ linh – bản sắc riêng của mảnh đất này, bao thế hệ con cháu nơi đây vẫn lấp lánh một niềm tự hào. Thế nhưng, đằng sau những đôi mắt lấp lánh ấy ẩn chứa cả một nỗi niềm: làm sao để níu giữ lại giá trị văn hóa quý báu ấy trước những biến thiên của cuộc sống tân thời?

Rộn ràng Tứ linh

Theo cuốn “Quảng Bình - Ẩn tích thời gian” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình xuất bản năm 2009, điệu múa Tứ linh (hay còn được gọi là điệu múa Vương-Tướng-Long-Hổ) xuất hiện ở làng Xuân Lai khoảng cuối thế kỷ 19. Điệu múa này tượng trưng cho bốn phương về hội tụ với ý nghĩa “đất lành chim đậu”, với ước mong thiên hạ thái bình, bốn mùa no ấm.

Mỗi đoàn múa Tứ linh thường có sáu nhân vật: Long, Lân, Quy, Phụng, Vương, Tướng. Trong màn dạo đầu, giữa tiếng trống rộn rã, con Long – đại diện của vùng biển thỏa sức uốn lượn uyển chuyển, tiếp đến là con Lân và Phụng, hùng dũng, oai vệ trong từng bước đi, sau cùng là con Quy từ lòng đất trầm nghiêm, cần mẫn chui ra. Bốn con vật-đại diện cho bốn phương trời gặp nhau giữa cảnh sắc thái bình thì vui mừng, múa lộn. Ngoài bốn con vật linh thiêng còn có hai vị Vương, Tướng với đầy đủ mũ mão, cân đai, kích, chùy oai phong, đĩnh đạc. Trong tiếng trống hội rộn rã, nhân vật nào cũng không ngừng chuyển động với các thao tác dứt khoát, mạnh mẽ và linh hoạt.

Ở Xuân Lai, những nghệ nhân múa cổ ngày càng hiếm dần. Hầu hết trong số họ đã trở về cùng cát bụi, số khác đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được những người thuộc thế hệ đi trước từng một thời đưa điệu múa Tứ linh rộn rã khắp trong Nam, ngoài Bắc. Bước vào tuổi 84, dẫu có lúc ký ức nhập nhằng giữa hai chiều quên – nhớ nhưng lạ kỳ thay, ông Đinh Văn Tân vẫn nhớ như in những ngày ông dẫn đầu đội múa Tứ linh của làng biểu diễn khắp mọi nơi. “Chao, nhớ lắm.

Nhớ nhất là lễ 2-9-1954, ngày nớ đội mới thành lập, nên được kết đò hoa đi giữa sông Kiến Giang, vừa đi vừa rộn rã trống, chiêng, rồi múa ngay trên đò. Trên bờ, biết bao nhiêu con mắt đổ dồn, ra vẻ ưng ý lắm”. Ông bồi hồi nhớ lại, miệng vẫn không dứt nụ cười móm mém. Ông nhớ, những năm chống Mỹ, ngày bận bịu với công việc đồng áng, rồi phải tránh trú trước những đợt bom rải thảm của quân thù vậy mà tối đến, dưới ánh đèn dầu leo lắt, những người trong đội vẫn say sưa tập múa, đợi đến mùa lễ hội lại được dịp phô diễn.

Đội múa Tứ linh Xuân Lai góp mặt ở hầu hết các buổi diễn văn nghệ quần chúng của huyện nhà thời bấy giờ. Năm 1982, đội đã giành giải Nhất tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Bình Trị Thiên. Tự hào nhất là những dịp được vinh dự biểu diễn nhân dịp Tổng bí thư Lê Duẩn vào thăm Quảng Bình hay những đợt Đại hội Đảng bộ tỉnh...

Nhưng có lẽ, với ông Tân và hầu hết các thành viên trong đội múa, kỷ niệm đáng nhớ nhất là được biểu diễn nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương lần cuối. Năm đó, hầu hết những thành viên trong đội đều đã bước vào tuổi 60, 70, thế nhưng khi nhìn xuống sân khấu, thấy Đại tướng đang chăm chú dõi theo từng động tác, ai ai trong đội cũng muốn múa thật đẹp mắt để làm món quà ý nghĩa tặng Đại tướng. “Nhìn xuống thấy Đại tướng vẫn mạnh khỏe, đôi mắt vẫn còn sáng, tinh anh lắm, không hiểu răng mà vui chi lạ”, ông Tân rưng rưng nhớ lại.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, điệu múa Tứ linh cũng dần đi vào đời sống như một món ăn dân dã không thể thiếu của người dân nơi đây. Không chỉ là linh hồn trong mỗi dịp lễ lạc, hay biểu diễn trong các lễ mừng thọ cho các cụ tại địa phương, múa Tứ linh còn được sử dụng trong những dịp tang lễ, ma chay như một hình thức để tiễn đưa người quá cố về với cát bụi. Bởi thế, tuy xuất phát từ nơi cung cấm, nhưng qua thời gian, những nét cung đình đã dần biến hóa, mang đậm yếu tố dân gian, rồi chuyển từ dân gian sang điệu múa tín ngưỡng. Dù trong hoàn cảnh nào, đi đến đâu, múa Tứ linh Xuân Lai cũng được người xem đón nhận bằng tất cả sự nồng hậu và trân trọng.

Nhọc nhằn níu giữ

Một điều may mắn là trong chuyến tìm về với mảnh đất này, chúng tôi đã tìm gặp được ông Võ Văn Dy, hậu duệ đời thứ 4 của ông Võ Văn Đảnh – người được xem là có công lớn trong việc mang điệu múa Tứ linh về với mảnh đất nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang này. Ông Võ Văn Đảnh từng làm quan trong nội triều vua Thành Thái.

Trong mỗi dịp về thăm quê, vị quan triều Nguyễn này đã tập hợp con cháu và cả lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng để hướng dẫn truyền lại điệu múa Tứ linh – điệu múa ông đã nhọc công học được sau mỗi dịp triều đình có lễ lạc. Đời này nối tiếp đời khác, thế hệ trước truyền lại thế hệ sau, cứ thế, điệu múa Tứ linh ngấm dần vào máu thịt của bao lớp con cháu trong làng nói chung và con cháu họ Võ nói riêng.

Đến đời ông Võ Văn Dy, điệu múa Tứ linh Xuân Lai đã tồn tại hơn 1 thế kỷ đầy biến thiên, thăng trầm. Hậu duệ đời thứ 4 của ông tổ điệu múa Tứ linh ngày nào giờ đã bước vào tuổi 70, sức khỏe đã có phần suy giảm, thế nhưng, ông vẫn ngày ngày cần mẫn đi dạy lại cho con cháu trong làng điệu múa truyền thống.

Với ông, bảo tồn điệu múa Tứ linh không chỉ là việc gìn giữ tài sản tinh thần quý báu của tổ tiên, dòng họ mà đó còn là trách nhiệm bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà ông đã tự đặt lên vai mình tự lúc nào. Những bộ trang phục biểu diễn được ông gói gém, cất giữ cẩn thận như một món đồ gia bảo. Riêng với bộ gươm, dao, kiếm..., sau mỗi lần biểu diễn, ông đều trịnh trọng đặt chúng ngay trên ban thờ gia tiên. Với ông, đó chính là báu vật mà suốt đời ông gìn giữ.

Theo ông Dy, múa Tứ linh không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mà còn phải dứt khoát trong từng động tác, cử chỉ. Mỗi nghệ nhân đóng vai Long, Lân, Quy, Phụng, Vương hay Tướng đều phải có những đòi hỏi riêng. Nếu người mang đầu rồng thì phải mềm mại, uyển chuyển trong từng điệu uốn lượn, người mang đầu hổ phải biết gầm gừ, dương vuốt ra oai. Những người đóng vai Vương, Tướng phải biết chút ít võ nghệ, nhanh nhẹn trong từng điệu bộ, bước đi. Vai diễn nào cũng đòi hỏi người múa phải dành nhiều thời gian tập luyện công phu, cần mẫn.

Chính vì vậy, khi cuộc sống có quá nhiều lo toan thì việc tìm được người yêu thích điệu múa truyền thống này đã khó, tìm được người chuyên tâm tập luyện để duy trì đội múa càng khó trăm bề. Ông Dy đã cần mẫn truyền lại cho biết bao thế hệ con cháu, nhưng càng truyền nghề, ông càng thêm thắt lòng: “Càng về sau, tâm huyết của các thế hệ trẻ càng giảm, chẳng còn mấy ai mặn mà với múa Tứ linh như thế hệ chúng tôi ngày trước”.

Sự thờ ơ của lớp trẻ cũng không làm ông nản lòng. Khi phần lớn trang phục biểu diễn của đội múa đã bị trận lũ 2010 phá hỏng hoàn toàn, ông Dy đã tự bỏ ra những đồng tiền mình chắt chiu kiếm được để phục chế lại trang phục, rồi nhờ người trong Nam, ngoài Bắc tìm mua những đạo cụ biểu diễn phù hợp. “Đến lúc không còn ai trong làng yêu thích múa Tứ linh nữa thì tui cũng sẽ dạy lại cho con cháu trong nhà để thế hệ sau biết được rằng đã từng có một điệu múa dân gian ý nghĩa như rứa tồn tại.”, ông Dy chia sẻ.

“Làm sao để bảo tồn và phát triển điệu múa Tứ linh ngay tại địa phương?”. Trả lời cho câu hỏi đó của chúng tôi, bà Võ Thị Thiệc, Trưởng thôn Xuân Lai chỉ lắc đầu: “Khó lắm! Nhân lực và cả sự ủng hộ tinh thần từ phía người dân trong làng, chúng tôi đều có cả nhưng để duy trì một đội múa Tứ linh thì cần phải có một nguồn tài chính ổn định. Mà điều đó thì hiện tại thôn không đủ khả năng để lo.”

Sống trong nền kinh tế mở, tất yếu sẽ tiếp nhận nhiều dòng văn hóa khác nhau, nhưng làm gì để nét đẹp văn hóa truyền thống không bị nhạt nhòa do những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai là điều đáng trăn trở, suy ngẫm. Và lẽ đương nhiên, việc bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như điệu múa Tứ linh Xuân Lai không chỉ là việc của riêng một cá nhân, một dòng họ tâm huyết, hay chỉ là việc của một thôn, bản đơn lẻ có đủ nguồn lực, mà đó là đứa con chung cần có sự chung tay chăm bẵm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét