CHẠNH BUỒN KHI VỀ LẠI TUỔI THƠ

Đặng Ngọc Tuân: Bạn có thấy buồn không khi những dậu cây xanh như thế này đang mất dần ở làng quê yêu dấu?

                               Ngôi nhà này ở Đại Phong, bờ sông Kiến Giang (2012)

Dẫu biết rằng sự đổi mới là khó cưỡng song mỗi khi thấy tường mới thay giậu, lòng tôi lại lan man một nỗi buồn.

Lâu rồi tôi mới có dịp trở về thăm lại "góc tuổi thơ" của mình. Quê nhà trong ký ức của tôi không phải là lũy tre xanh hay cây đa- giếng nước - sân đình mà đơn giản chỉ là con đường làng mấp mô gạch đá với những bờ giậu quê.

Bụi cúc tần, bụi duối, những khóm dâm bụt, hàng chè tàu đã làm nên giậu quê. Nó phân chia ranh giới giữa các nhà và dường như chỉ có tính ước lệ. Những giậu cây xanh mướt ấy thấp ngang đầu trẻ, được xén bằng bặn là nơi tụ tập của chúng tôi.

Nào là cuốn dây tơ hồng giả làm cô dâu chú rể, nào là chia nhau những quả duối chín vàng hay hút mật của những bông dâm bụt vào mỗi chiều hè.

Chẳng hiểu do ngày đó quá nghèo hay do vị thơm ngọt ngào khó cưỡng của chúng mà đến giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên. Mỗi khi hoài niệm vẫn thấy ngọt nơi đầu lưỡi, vẫn thấy nhớ, thấy yêu.

Tôi vẫn nhớ như in cảnh hàng xóm "xé" giậu sang nhà nhau uống ấm trà, ăn điếu thuốc lào, cũng có khi để thăm đôi lợn mới mua... Những câu chuyện đời thường không đầu, không đuôi, chuyện làng chuyện xã cứ thế mà rôm rả.

Nhớ lúc bà nội tôi còn sống, gặp khi tắt lửa tối trời bà với bà bạn hàng xóm vẫn thường trao nhau cái bùi nhùi rơm cháy dở qua hàng giậu thưa. Giậu cũng là nơi trao gửi tình cảm qua bát canh riêu cua, vài quả cà muối sổi hay mấy thìa muối vừng. Rồi khi lỡ thiếu củ hành củ tỏi, quả chanh trái ớt cũng hướng ra giậu mà í ới...

Ở quê tôi, người ta thường trồng sát bờ giậu một vài cây lưu niên để làm mốc cho phần đất giữa hai nhà phòng khi giậu cây lấn dần theo thởi gian. Chẳng biết từ bao giờ đã có quy ước nếu là cây ăn quả thì cành chĩa sang phần đất nhà nào, nhà ấy được quyền thu hoạch.

Vậy mà vẫn có chuyện "trẻ con mất lòng người lớn" vì cái quy ước ấy. Có khi xung đột còn được đẩy lên đỉnh điểm bằng cuộc đấu khẩu bất tận giữa những người phụ nữ ở hai bên giậu. Phần vì quá bênh vực con, phần vì nhân tiện nói ra những ấm ức "để bụng" từ lâu.

Lời qua tiếng lại nhưng lúc kết thúc cũng chẳng ai nhớ rõ mục đích ban đầu của cuộc tranh cãi là gì. Lạnh nhạt vài hôm rồi tự thấy việc chẳng đáng so với tình nghĩa bấy lâu nên lại lấy cớ con lợn con gà để làm lành.

Thế mới hiểu câu "bán anh em xa - mua láng giềng gần" là vậy.

Rồi đến khi đã có "của ăn của để", người ta phải có tường cao rào chắn mới an toàn. Giậu quê được thay thế bằng tường bao kiên cố, những trụ bê tông, nan sắt ... muôn hình muôn kiểu.

Không gian cộng đồng mở với giậu cây khoáng đạt hình như đã chuyển thành không gian gia đình khép kín. Người ta ngại sang nhà nhau hơn do phải đi vòng, vì vậy hàng xóm trở nên "gần nhà - xa ngõ".

Nhớ khi hiến đất để mở rộng con đường liên xã chạy qua nhà cậu tôi, phải lấy đi giậu cây cậu tôi buồn lắm. Khi tự tay bẩy những khóm cây lên, tôi thấy cậu xúc động mà chẳng muốn làm gì.

Cậu bảo giậu cây này có từ bao giờ thì cậu không biết, chỉ nhớ rằng tuổi thơ của cậu có biết bao chuyện vui buồn quanh nó. Cũng chính những trò chơi con trẻ từ sợi tơ hồng giăng mắc trên giậu đã gắn kết cậu mợ thành đôi. Buồn vậy nhưng cậu nói đây là việc làng việc xã, bỏ giậu cây để làm đường to đi lại thuận tiện cũng mừng.

Nhiều gia đình giống như nhà cậu tôi, họ nuối tiếc khi phải chia tay với bờ giậu thân thuộc, nơi lưu giữ bao kỷ niệm buồn vui. Để bộ mặt nông thôn được thay áo mới, những giậu cây vì thế mà dần vắng bóng.

Dẫu biết rằng sự đổi mới là khó cưỡng song mỗi khi thấy tường mới thay giậu, lòng tôi lại lan man một nỗi buồn. Cái cảm xúc ấy thật khó mà diễn tả cho hết và tôi nghĩ rằng với những ai sống hoài niệm, đã từng gắn bó tuổi thơ với giậu quê chắc không khỏi chạnh buồn như tôi.

DẤU ẤN TRE CỦA VÕ TRỌNG NGHĨA

Đặng Ngọc Tuân
Tin vui cho biết, Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố danh sách 200 lãnh đạo trẻ tiêu biểu toàn cầu năm 2014. Việt Nam có 2 người, trong đó có Võ Trọng Nghĩa, người con xứ Lệ.
Thay cho những bê tông cốt thép, những công trình với chất liệu tre, tầm vông đậm chất Việt nhưng táo bạo, hiện đại với cách thể hiện độc đáo và sáng tạo mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa đã đem đến một góc nhìn mới về kiến trúc Việt Nam ở sân chơi kiến trúc thế giới: kiến trúc tre. 








                                                                   Võ Trọng Nghĩa

Tuổi thơ và ngôi trường lá

Anh là con út gia đình nhà nông ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, quê hương của những con nắng cháy sạm da. Tuổi nhỏ trôi qua, ngẫm lại thôi mà anh như bồi hồi lắm. Thời học cấp một trường Phú Thủy, ngôi trường nằm cạnh mé đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ). Nhà đông anh em lại sống bám vào đồng ruộng. Ba về hưu sớm mà anh em ai cũng đi học. Với anh, những ngày đến lớp không nhiều bằng tháng ngày ngồi trên lưng bò đọc tập đọc, bẻ nhánh cây vẽ dưới đất học toán, đường đến trường anh không thường đi bằng lối vào rừng kiếm củi đổi gạo. Cứ như thế hôm nào cũng chập tối mới về đến nhà, loay hoay với hàng loạt công việc đang chờ, cơm nước rồi lại vùi đầu vào làm toán. Anh nhớ lại: “Khi ấy mình mê toán lắm, mà thời gian nào có nhiều để dành cho việc học, đêm ngủ sớm để sáng mai còn thức dậy ra đồng nhổ mạ nữa. Sợ thật, nhất là khi mùa rét về…” 

Ngày lên cấp hai, để có thêm tiền đến trường anh phải đi bán trứng gà, bán gạo… Tuổi thơ chưa qua hết nhưng anh trở thành lao động chính trong gia đình. Lại gánh mạ ra đồng, lại đánh xe bò đi kéo củi thuê, những vòng bánh xe cứ lăn đi lăn đi cùng anh cho đến ngày thi đậu vào trường chuyên của tỉnh. Giọng anh trầm tư ngùi ngùi: “Ở nhà người chị lớn để đi học, mình lại nấu rượu và chăn lợn. Lúc không có tiền đi học, phải buôn thuốc lá để kiếm đồng lời chắp nối tương lai…”. Rồi anh đậu ba trường đại học. "Mình không học Bách khoa hay Xây dựng mà học Kiến trúc vì muốn thiết kế và xây được những ngôi trường chẳng bao giờ sập như ngôi trường ngày xưa quê mình...".

Ngôi trường ấy đến tận bây giờ vẫn in sâu vào ký ức anh, vùng ký ức ấy đã theo anh đi từ Việt Nam sang Nhật, từ Nhật về Việt Nam…

Những thành công đi ra từ lũy tre làng

Năm 2012 đã đánh dấu một năm thành công của kiến trúc Việt khi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa mang về cho VN 11 giải thưởng kiến trúc quốc tế khác nhau, mới nhất là giải Nhà thiết kế tiên phong 2012 của tạp chí kiến trúc uy tín nhất thế giới Architectural Record (Mỹ). Đặc biệt tại festival kiến trúc quốc tế năm nay, VN đã giành được hai giải thưởng thể loại công trình nhà ở và trường học, đều là những công trình mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa: công trình nhà xanh ở quận 2 (TP.HCM) và Trường cấp 1-2 Phan Chu Trinh (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - những công trình kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm dấu ấn của khí hậu, phong thổ và con người VN.

Cũng trong năm, với tất cả công trình bằng tre (cà phê Gió và Nước, bar Gió và Nước, dự án Gian triển lãm VN (Expo Thượng Hải 2010) và Hill restaurant ở Mexico), Võ Trọng Nghĩa đã chinh phục ban giám khảo để đứng đầu trong danh sách 21 kiến trúc sư đại diện cho thế kỷ 21 (giải thưởng WAN 21 for 21).

Tại sao lại là tre?

Bắt đầu từ tre, thành danh bằng nhà xanh
5 lần được giải IAA (International Architecture Award)
2 lần được huy chương vàng giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á
3 lần được giải Green Good Design
2 lần được giải thưởng tại Festival kiến trúc thế giới
1 trong 10 Nhà thiết kế tiên phong 2012 của tạp chí Architectural Record (Mỹ)

Người ta hỏi anh: Nhắc đến tre, người ta nghĩ ngay đến truyền thống văn hóa Việt. Nhưng liệu rằng cây tre có phản ánh được hình ảnh của đất nước, con người VN như mọi người mong muốn?

KTS Võ Trọng Nghĩa trả lời: Cây tre hay họ hàng của nó không chỉ có ở VN. Bất kể miền nhiệt đới nào cũng đều có tre, được trồng hoặc tự mọc. Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia..., xa hơn nữa, một số nước Nam Mỹ cũng có và đó là nguồn nguyên vật liệu quan trọng của nhiều ngành. Tuy nhiên, trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc VN, hình ảnh cây tre hiển hiện khá rõ hầu như mọi mặt, từ chống giặc ngoại xâm đến thi ca và sinh hoạt hằng ngày. Tất cả mọi thứ từ đôi đũa ta ăn, cái rổ ta đựng, cái chõng ta nằm, cái lều ta trú nắng mưa đều có hình bóng của tre.

Những dấu ấn ấy có lẽ rất khó phai với bất cứ người con Việt nào. Tôi tin như vậy.

Lại hỏi: Nói đến kiến trúc tre, người ta nghĩ ngay Võ Trọng Nghĩa. Cụ thể và ngắn gọn hơn, người ta nghĩ ngay tới bar Gió và Nước ở Bình Dương hay Bamboo - Wings ở Vĩnh Phúc... Ông chọn cây tre, tầm vông cho những công trình này hẳn có lý do của nó?

- Làm bạn với cây tre thì rất dễ, nhưng trở thành tri kỷ của tre vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt với giới kiến trúc sư khắp thế giới. Vì thế đó cũng không phải là lý do duy nhất tôi chọn tre để mở đầu loạt công trình đầu tiên tại VN, nhất là theo kiểu kiến trúc xanh phải gắn với "tre xanh, xanh tự bao giờ..." dù tre là loài cây vô cùng gần gũi với con người. Nói một cách dễ hiểu, tre là loại nguyên vật liệu dễ kiếm. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề.

Từ trước tới nay, người ta chỉ quen sử dụng tre làm chi tiết nhỏ, hoặc làm nguyên vật liệu chính cho những công trình có kết cấu đơn giản với quy mô vừa và nhỏ. Quả thật tôi đã khá liều lĩnh khi chọn tre làm nguyên vật liệu chủ đạo cho những công trình lớn (tạm thời tôi chưa dám dùng từ đồ sộ) với kết cấu phức tạp. Thú thật, những thứ mà mọi người nhìn thấy chỉ là kết quả sau cùng. Trước đó, tôi đã trải qua nhiều thất bại với tre, đến nỗi nếu đánh dấu mỗi thất bại bằng một hạt đậu xanh thì số đậu xanh đó đủ để nấu chè. Rất tiếc (cười) là vài năm gần đây số lượng đậu xanh bổ sung không nhiều nữa. Nói đúng hơn, tôi và cây tre đã bắt đầu hiểu nhau. 

HỒ CẨM LY KÝ ỨC NỬA THẾ KỶ...

(QBĐT) - Hồ chứa nước Cẩm Ly (Lệ Thuỷ) là công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh Quảng Bình trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và cũng là công trình đại thuỷ nông đầu tiên ở tỉnh ta. Gần nửa thế kỷ, dòng nước từ hồ chứa Cẩm Ly đã làm căng tròn hạt lúa, củ khoai và dịu mát một vùng đất rộng lớn khô hạn phía tây hai huyện Lệ Thuỷ - Quảng Ninh. Và, qua chặng đường dài ấy ai còn nhớ, ai đã quên những khởi đầu trong gian nan trên vùng đất hoang vu để có được công trình thế kỷ và những năm tháng chiến tranh bom đạn dội xuống hồ chứa mênh mang này?



















                                                                   Một góc hồ Cẩm Ly

Có một ngày chúng tôi trở lại vùng đất này, trở lại bên hồ chứa có cái tên khá hay Cẩm Ly với bao kỷ niệm cả một thế hệ tuổi trẻ tỉnh nhà. Nói kỷ niệm của tuổi trẻ bởi đây là "Công trình thanh niên" trên đất Quảng Bình. Vâng, lúc đó, cả một thế hệ tuổi mười tám, đôi mươi hàng năm trời hăng say lao động trên công trình này trong những năm tháng hoà bình dựng xây trên miền Bắc. Công trình hồ chứa nước Cẩm Ly được Chính phủ phê duyệt xây dựng vào tháng 10-1961 và đã có hàng vạn thanh niên các huyện, thị xã trong tỉnh từ Tuyên Hoá đến Quảng Trạch, Đồng Hới... tham gia lao động ở đây với gần 1,5 triệu ngày công. Riêng thanh niên huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh đã đóng góp hơn 80 vạn ngày công... Ngày ấy dẫu còn rất bé nhưng tôi vẫn biết từng đoàn người quê tôi ở vùng giữa huyện Lệ Thuỷ, nô nức đi xem hồ Cẩm Ly.

Là công trình thế kỷ trên chính quê hương, nhưng với tôi mãi đến những năm đầu 90 mới được ngắm nhìn hồ nước bao la này, chứng kiến sự hùng vĩ của hồ trên núi, mới biết đến những vết sứt sẹo trên thân đập do bom đạn quân thù dội xuống đây trong những năm chiến tranh. Đấy là những năm tháng tôi được về dạy học ở một trường cấp 3 ở khu vực này, trong một lần đưa học sinh đi nạo vét con kênh dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về xuôi theo hợp đồng giữa nhà trường với thủy nông huyện.

Biết đến chiến tranh, biết đến những trận đánh khốc liệt với máy bay Mỹ vùng phía tây huyện, nhưng lần đến Cẩm Ly lúc ấy, ngay trên trận địa năm xưa tôi mới khớp nối lại để hình dung một cách cụ thể những trận đánh để bảo vệ công trình thuỷ lợi này. Vâng, công trình Cẩm Ly không phải là mục tiêu quân sự, nhưng với sự xảo quyệt đánh vào "dạ dày" của miền Bắc, giặc Mỹ đã coi đây là một mục tiêu tiến công trọng điểm. Và thế là từ ngày 20-4-1965, máy bay Mỹ đã liên tục tập kích và khu vực hồ, quyết xé toang thân đập được đắp bằng đất.

Đọc được âm mưu thâm độc của quân thù, lực lượng pháo phòng không 37 li của tiểu đoàn 9 bộ đội địa phương Quảng Bình luân phiên trực chiến bảo vệ công trình. Lực lượng tự vệ các xã Hoa Thuỷ, Sơn Thuỷ, Phú Thuỷ, Nông trường Lệ Ninh hiệp đồng chặt chẽ với các đại đội pháp 37 li ngoan cường chiến đấu đánh trả quân xâm lược. Ngay trong đêm 20-4-1965, tổ tự vệ công trình Cẩm Ly do anh Trần Quốc Thản chỉ huy đã bắn rơi một máy bay AD 6.

Trận đánh đã tạo nên dấu mốc quan trọng là lần đầu tiên, dân quân tự vệ bằng súng bộ binh (K44) bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ ban đêm trên miền Bắc. Và trong suốt những năm chống Mỹ, các đơn vị bảo vệ hồ chứa nước Cẩm Ly với khẩu hiệu "Trận địa là nhà, dòng nước Cẩm Ly là sữa mẹ" đã chiến đấu ngoan cường bắn hạ 8 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái và điều quan trọng nữa là bảo vệ an toàn công trình chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Ngắm nhìn hồ chứa với hơn 40 triệu m3 nước này mới hiểu ra rằng cái địa thế khu vực hồ chứa Cẩm Ly là khá hóc búa với những tên giặc lái Mỹ.

Hai đầu đập là hai hòn núi khá cao. Các đơn vị phòng không bố trí pháo cao xạ, súng bộ binh tại đây nên đã khống chế khá hiệu quả vòng lượn ném bom của máy bay địch. Đấy là lý do cơ bản để gần một chục máy bay hiện đại phải lộn cổ xuống đất và đập vẫn vẹn nguyên... Nhưng có lẽ, bom đạn, dù là bom tấn không dễ gì phá vỡ con đập với chân đập rộng hơn 200 mét, cao 47 mét, mặt đập ngót chục mét, chiều dài thân đập chỉ hơn 100 mét...

Cũng gần 25 năm nay kể từ lần đầu tiên, tôi lại mới có dịp trở lại hồ chứa Cẩm Ly. Khác với năm xưa, phải leo bộ lên đập, nay con đường bê tông vững chải chạy thẳng lên hồ. Thân đập đã được nâng cấp khá cơ bản. Mặt đập phía hồ được lát bê tông phẳng lỳ, phía hạ du được gia cố đá hộc nhiều lớp... Và vẫn màu biếc xanh của nước trải rộng, thấp thoáng những rặng núi lô nhô và những chiếc đò máy chạy băng băng trên mặt hồ... Cẩm Ly rất hoành tráng nhưng cũng thật thanh bình, yên ả.

Dẫu thời gian đã làm sứt sẹo những dòng chữ trên mặt đập mà những người thợ năm xưa đã khắc vào bê tông, nhưng con số ghi vẫn còn khá rõ, công trình được khánh thành vào ngày 2-9-1964. Nhìn về hạ du, trong tầm mắt chúng tôi là những xóm làng bình yên và những cánh đồng xanh mát...Nửa thế kỷ, dòng nước từ Cẩm Ly đã có những địa chỉ cụ thể là những cánh đồng khô khát, những xóm làng cháy nắng trong mùa khô của 3 xã vùng trên huyện Lệ Thuỷ và 5 xã phía nam huyện Quảng Ninh...

                                                        Từ đập chính nhìn về hạ du.

Ông Trần Văn Quyền, Trạm trưởng Trạm thuỷ nông Cẩm Ly cho biết, trong mấy chục năm qua hồ chứa nước Cẩm Ly đảm trách tưới cho hơn 2 nghìn ha lúa của các địa phương trong khu vực. Tại xã Hoa Thuỷ, một trong những địa phương hưởng lợi từ hồ chứa, Ông Nguyễn Tiến Lễ, Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Thuỷ nói, cái nắng, cái khô hạn đã làm cho quê tôi gần như kiệt sức trong mùa khô, đặc biệt 5 thôn vùng phía trên như Ninh Lộc, Thượng xá, Xuân Sơn... Chính dòng nước Cẩm Ly đã làm xanh lại vùng đất này trong mùa khô nắng cháy và những cánh đồng xưa kia chỉ một vụ nay tăng lên hai vụ, năng suất ngày càng cao, không chỉ xoá được cái đói cơm mà đang vươn lên làm giàu...

Nửa thế kỷ dòng chảy âm thầm nhưng rất đỗi thân thuộc và gắn bó với hàng vạn cư dân trong vùng... Nhưng không phải đã toàn mỹ, trong những ngày cả vùng đang vào vụ đông - xuân, còn đó những trăn trở. Ông Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, hệ thống kênh mương trên địa bàn đã xuống cấp, lượng nước đã bị thất thoát khá lớn, rất cần được nâng cấp. Còn Ông Lễ lại nói địa phương còn thiếu những đoạn kênh để tưới cho cánh đồng Màu ở thôn Phước Vinh... Theo ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh cho biết đấy là hệ thống kênh cấp 3, theo phân cấp trách nhiệm của huyện, xã... 

Có lẽ cũng cần nhắc lại một sự tình cờ trong chuyến đi này, khi chúng tôi lại dừng bước bên hồ cá của một gia đình ở thôn Cẩm Ly ngay dưới chân đập. Câu chuyện của chúng tôi với chủ nhà lại gặp nhau cùng một điểm, ký ức 50 năm hồ chứa Cẩm Ly. Ông Nguyễn Đăng Phúc, 78 tuổi chính là người đã tham gia xây dựng công trình thanh niên hồ chứa Cẩm Ly này trong những năm sáu mươi. Ông Phúc đã đưa chúng tôi trở lại những năm tháng sôi động trên công trình thế kỷ này. Lúc ấy cả vùng này như một đại công trường với nhiều loại phương tiện máy móc, nhưng đông đảo nhất là thanh niên nam nữ từ mọi miền quê trong tỉnh...

Riêng Lệ Thuỷ với hàng trăm thanh niên nam nữ được biên chế thành 3 C, ông Phúc là C phó C2, C trưởng là ông Lý Quang Khiêm. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất được quân sự hoá, ăn ở tập trung, biên chế thành đại đội, trung đội, tiểu đội... Rồi trong hồi ức sôi động ấy, ông Phúc nói cũng chính công trình này đã kết duyên vợ chồng cho chúng tôi. Khi đó bà là cấp dưỡng cho đoàn... Cái nghĩa ấy đã khơi gợi ông từ biệt quê gốc Hoa Thuỷ trở lại vùng đất này lập nghiệp khi chiến tranh kết thúc. Ông Phúc nói, anh em chúng tôi, những người từng lao động quên mình trên công trình này muốn có được một ngày hội ngộ... Đấy là điều chính đáng và có ý nghĩa lớn đối với thế hệ tuổi trẻ năm xưa.

Nhưng trong nửa thế kỷ qua không phải lúc nào Cẩm Ly cũng làm tròn sứ mạng với vùng đất này. Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi như anh Quỳnh nói vài ba năm nó lại thiếu hụt nước, dung tích 41 triệu m3 nhưng có phải lúc nào cũng đủ đầy và phải luôn căng ra phục vụ trên một mặt trận rộng lớn hàng nghìn ha. Một trong những năm như thế là mùa khô năm 1998, năm đại hạn, lòng hồ trơ đáy. Những cánh đồng lúa hè-thu của 5 xã vùng nam Quảng Ninh và 3 xã vùng trên của Lệ Thuỷ cháy khô, xơ xác. Không chỉ cháy đồng mà nước sinh hoạt cũng khan hiếm, người dân phải đi xa hàng cây số gánh nước sinh hoạt.

Năm đó đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vào đây cùng chia sẻ với nông dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh trên những đám ruộng lúa nghẹn đòng vì nắng hạn. Có lẽ chính cái năm đại hạn này mà một ý tưởng táo bạo khác là xây dựng ở phía bắc huyện Quảng Ninh một hồ chứa nước khổng lồ khác là hồ chứa nước Rào Đá.

Dẫu hôm nay Cẩm Ly đã thu hẹp đáng kể về diện tích vùng tưới, vùng nam Quảng Ninh đã dồi dào nước tưới trong đó có hồ chứa nước Rào Đá ở phía bắc, nhưng với người dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh dòng chảy từ hồ chứa nước Cẩm Ly vẫn luôn đầy ân tình...

Văn Hoàng

THÁNG BA CÓ NGÀY MỒNG TÁM...

Nguyễn Thị Thu Hoài


... Đó là ngày cả thế giới tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương dành cho những người phụ nữ, cho bà, cho mẹ, cho chị, cho em... Tôi chẳng xa lạ gì với ý nghĩa của ngày 8/3, cũng quá quen với những các biểu lộ tình cảm trong cái ngày đặc biệt ấy: tặng hoa, tặng quà, những tấm thiệp, những lời chúc đầy mĩ từ, hay thiết thực hơn là vào bếp nấu thay một bữa cơm, làm thay việc nhà...

Nhưng vốn con nhà nông, tất cả những điều ấy có vẻ không phù hợp: Ai lại mang về nhà một bó hoa cả trăm nghìn để tặng mẹ, để rồi bị mẹ mắng cho vì cái tội hoang phí, mà dẫu có không bị mắng đi nữa thì rồi biết để những bông hoa kia ở đâu trong ngôi nhà cả ngày bừa bộn với những vành, những khuôn, những lá...- những thứ không thể thiếu với nghề làm nón; ai lại du dương những câu chúc tụng khi mẹ đang phải đầu tắt mặt tối, lo toan đủ thứ cho cả gia đình...

Vậy đấy, chẳng biết làm gì để chứng tỏ mình là đứa con không “vô cảm” trong ngày 8/3, dẫu biết rằng không chỉ 8/3 mới là dịp để bày tỏ tình cảm với mẹ, với bà... Lật giở những trang sổ ghi chép, bắt gặp bài thơ viết về mẹ. Tôi đã biết mình nên làm gì để đón 8/3 năm nay mà không phải ép mình gượng gạo nói những câu chúc, không cần mang về những bông hoa, những món quà phù phiếm...

Trong lòng mỗi người, hẳn ai cũng dành một “không gian” riêng cho hình bóng mẹ. Thân yêu biết bao một dáng hình mẹ thức cùng ngọn đèm khuya, miệt mài với từng đường kim mũi chỉ:

“Đưa kim qua nỗi ưu phiền
Mẹ ngồi vá lại cho nguyên sự đời

                                                 (Thi Hoàng)

Kì diệu thay đường kim của mẹ: không chỉ vá lành những đường chỉ đã sứt, những vạt áo đã sờn mà còn “vá lại cho nguyên sự đời”- cái sự đời lắm trớ trêu mà không phải đứa con nào cũng vững bước vượt qua được. Có lúc, mẹ gửi cả vào từng mũi khâu bao nỗi nhớ nhung, nhớ những đứa con - những khúc ruột của mình đang ở một phương trời nào xa vắng:

“Mẹ ngồi bứt cỏ bông may
Khâu năm vào tháng, vá ngày vào đêm
Sợi buồn vui nhớ vào thêm
Cuốc kêu khản giọng gọi tên con mình”

                                        (Phạm Xuân Trường)

Tiếng cuốc kêu đem là tiếng lòng của mẹ: da diết, khắc khoải suốt đêm dài mà chẳng có lời đáp... Chạnh lòng, tôi biết đã có lúc mình vô tâm như thế, vô tâm để riêng mẹ thắc thỏm canh dài...

Mẹ vĩ đại bởi mẹ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất mà mẹ có:

“Mẹ nằm chỗ ướt canh sương
Chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ”

                                            (Nguyễn Ngọc Oánh)

Mẹ gần gũi bởi mẹ luôn đồng hành cùng con trên từng bước đường đời, lòng mẹ là bến đỗ bình yên để lúc gặp giông bão, con tìm về trú chân:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

                                                      (Chế Lan Viên)

Dẫu biết rằng sinh- lão- bệnh- tử, ai chẳng phải qua, rằng mẹ chẳng thể sống cùng con, nhưng, nếu một ngày mẹ không còn nữa... con chẳng dám tưởng tượng những gì sẽ xảy ra tiếp theo…

Đức Phật dạy rằng: 

 “Ai có mẹ xin chớ làm mẹ khóc
Chớ để buồn lên mắt mẹ nghe không”

Đừng làm mẹ buồn, mẹ có thể khóc nhưng hãy là những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc... Tháng ba có ngày mồng tám, tháng nào trong năm cũng có ngày mồng tám. Hãy làm cho mỗi ngày đều là 8/3 với người mẹ yêu thương…