Đặng Ngọc Tuân
Tin vui cho biết, Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố danh sách 200 lãnh đạo trẻ tiêu biểu toàn cầu năm 2014. Việt Nam có 2 người, trong đó có Võ Trọng Nghĩa, người con xứ Lệ.
Thay cho những bê tông cốt thép, những công trình với chất liệu tre, tầm vông đậm chất Việt nhưng táo bạo, hiện đại với cách thể hiện độc đáo và sáng tạo mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa đã đem đến một góc nhìn mới về kiến trúc Việt Nam ở sân chơi kiến trúc thế giới: kiến trúc tre.
Tin vui cho biết, Diễn đàn kinh tế thế giới vừa công bố danh sách 200 lãnh đạo trẻ tiêu biểu toàn cầu năm 2014. Việt Nam có 2 người, trong đó có Võ Trọng Nghĩa, người con xứ Lệ.
Thay cho những bê tông cốt thép, những công trình với chất liệu tre, tầm vông đậm chất Việt nhưng táo bạo, hiện đại với cách thể hiện độc đáo và sáng tạo mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa đã đem đến một góc nhìn mới về kiến trúc Việt Nam ở sân chơi kiến trúc thế giới: kiến trúc tre.
Võ Trọng Nghĩa
Tuổi thơ và ngôi trường lá
Anh là con út gia đình nhà nông ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, quê hương của những con nắng cháy sạm da. Tuổi nhỏ trôi qua, ngẫm lại thôi mà anh như bồi hồi lắm. Thời học cấp một trường Phú Thủy, ngôi trường nằm cạnh mé đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ). Nhà đông anh em lại sống bám vào đồng ruộng. Ba về hưu sớm mà anh em ai cũng đi học. Với anh, những ngày đến lớp không nhiều bằng tháng ngày ngồi trên lưng bò đọc tập đọc, bẻ nhánh cây vẽ dưới đất học toán, đường đến trường anh không thường đi bằng lối vào rừng kiếm củi đổi gạo. Cứ như thế hôm nào cũng chập tối mới về đến nhà, loay hoay với hàng loạt công việc đang chờ, cơm nước rồi lại vùi đầu vào làm toán. Anh nhớ lại: “Khi ấy mình mê toán lắm, mà thời gian nào có nhiều để dành cho việc học, đêm ngủ sớm để sáng mai còn thức dậy ra đồng nhổ mạ nữa. Sợ thật, nhất là khi mùa rét về…”
Ngày lên cấp hai, để có thêm tiền đến trường anh phải đi bán trứng gà, bán gạo… Tuổi thơ chưa qua hết nhưng anh trở thành lao động chính trong gia đình. Lại gánh mạ ra đồng, lại đánh xe bò đi kéo củi thuê, những vòng bánh xe cứ lăn đi lăn đi cùng anh cho đến ngày thi đậu vào trường chuyên của tỉnh. Giọng anh trầm tư ngùi ngùi: “Ở nhà người chị lớn để đi học, mình lại nấu rượu và chăn lợn. Lúc không có tiền đi học, phải buôn thuốc lá để kiếm đồng lời chắp nối tương lai…”. Rồi anh đậu ba trường đại học. "Mình không học Bách khoa hay Xây dựng mà học Kiến trúc vì muốn thiết kế và xây được những ngôi trường chẳng bao giờ sập như ngôi trường ngày xưa quê mình...".
Ngôi trường ấy đến tận bây giờ vẫn in sâu vào ký ức anh, vùng ký ức ấy đã theo anh đi từ Việt Nam sang Nhật, từ Nhật về Việt Nam…
Những thành công đi ra từ lũy tre làng
Năm 2012 đã đánh dấu một năm thành công của kiến trúc Việt khi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa mang về cho VN 11 giải thưởng kiến trúc quốc tế khác nhau, mới nhất là giải Nhà thiết kế tiên phong 2012 của tạp chí kiến trúc uy tín nhất thế giới Architectural Record (Mỹ). Đặc biệt tại festival kiến trúc quốc tế năm nay, VN đã giành được hai giải thưởng thể loại công trình nhà ở và trường học, đều là những công trình mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa: công trình nhà xanh ở quận 2 (TP.HCM) và Trường cấp 1-2 Phan Chu Trinh (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - những công trình kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm dấu ấn của khí hậu, phong thổ và con người VN.
Cũng trong năm, với tất cả công trình bằng tre (cà phê Gió và Nước, bar Gió và Nước, dự án Gian triển lãm VN (Expo Thượng Hải 2010) và Hill restaurant ở Mexico), Võ Trọng Nghĩa đã chinh phục ban giám khảo để đứng đầu trong danh sách 21 kiến trúc sư đại diện cho thế kỷ 21 (giải thưởng WAN 21 for 21).
Tại sao lại là tre?
Bắt đầu từ tre, thành danh bằng nhà xanh
5 lần được giải IAA (International Architecture Award)
2 lần được huy chương vàng giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á
3 lần được giải Green Good Design
2 lần được giải thưởng tại Festival kiến trúc thế giới
1 trong 10 Nhà thiết kế tiên phong 2012 của tạp chí Architectural Record (Mỹ)
Người ta hỏi anh: Nhắc đến tre, người ta nghĩ ngay đến truyền thống văn hóa Việt. Nhưng liệu rằng cây tre có phản ánh được hình ảnh của đất nước, con người VN như mọi người mong muốn?
KTS Võ Trọng Nghĩa trả lời: Cây tre hay họ hàng của nó không chỉ có ở VN. Bất kể miền nhiệt đới nào cũng đều có tre, được trồng hoặc tự mọc. Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia..., xa hơn nữa, một số nước Nam Mỹ cũng có và đó là nguồn nguyên vật liệu quan trọng của nhiều ngành. Tuy nhiên, trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc VN, hình ảnh cây tre hiển hiện khá rõ hầu như mọi mặt, từ chống giặc ngoại xâm đến thi ca và sinh hoạt hằng ngày. Tất cả mọi thứ từ đôi đũa ta ăn, cái rổ ta đựng, cái chõng ta nằm, cái lều ta trú nắng mưa đều có hình bóng của tre.
Những dấu ấn ấy có lẽ rất khó phai với bất cứ người con Việt nào. Tôi tin như vậy.
Lại hỏi: Nói đến kiến trúc tre, người ta nghĩ ngay Võ Trọng Nghĩa. Cụ thể và ngắn gọn hơn, người ta nghĩ ngay tới bar Gió và Nước ở Bình Dương hay Bamboo - Wings ở Vĩnh Phúc... Ông chọn cây tre, tầm vông cho những công trình này hẳn có lý do của nó?
- Làm bạn với cây tre thì rất dễ, nhưng trở thành tri kỷ của tre vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt với giới kiến trúc sư khắp thế giới. Vì thế đó cũng không phải là lý do duy nhất tôi chọn tre để mở đầu loạt công trình đầu tiên tại VN, nhất là theo kiểu kiến trúc xanh phải gắn với "tre xanh, xanh tự bao giờ..." dù tre là loài cây vô cùng gần gũi với con người. Nói một cách dễ hiểu, tre là loại nguyên vật liệu dễ kiếm. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề.
Từ trước tới nay, người ta chỉ quen sử dụng tre làm chi tiết nhỏ, hoặc làm nguyên vật liệu chính cho những công trình có kết cấu đơn giản với quy mô vừa và nhỏ. Quả thật tôi đã khá liều lĩnh khi chọn tre làm nguyên vật liệu chủ đạo cho những công trình lớn (tạm thời tôi chưa dám dùng từ đồ sộ) với kết cấu phức tạp. Thú thật, những thứ mà mọi người nhìn thấy chỉ là kết quả sau cùng. Trước đó, tôi đã trải qua nhiều thất bại với tre, đến nỗi nếu đánh dấu mỗi thất bại bằng một hạt đậu xanh thì số đậu xanh đó đủ để nấu chè. Rất tiếc (cười) là vài năm gần đây số lượng đậu xanh bổ sung không nhiều nữa. Nói đúng hơn, tôi và cây tre đã bắt đầu hiểu nhau.
Vậy tại sao lại là tre và những công trình bằng tre của ông lại tiếp cận và gây ấn tượng (ít nhất là như thế) với giới kiến trúc thế giới?
- Thật ra, một số nước khác đã sử dụng tre như vật liệu xây dựng. Họ sử dụng những khớp nối kim loại để nối những thân cây lại với nhau. Nhưng điều này khiến chi phí xây dựng trở nên đắt hơn, khó lắp đặt, kết cấu thẳng không khác gì gỗ và kim loại. Những hạn chế trên đã kiềm chế những ưu điểm của vật liệu tre là giá rẻ và khả năng uốn cong vượt trội. Trong khi đó, chúng tôi sử dụng khớp nối chốt tre truyền thống. Các thân tre được liên kết bằng chốt uyển chuyển, nhẹ nhàng và chuyển tiếp đầy nhịp điệu.
Từ những nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ và thực hiện đơn vị hóa những cấu kiện tre đã giúp chúng tôi quản lý độ chính xác cao, lắp ráp từ những thân cây tre vô tri, vô giác gắn kết, bện chặt, hòa quyện vào nhau. Những kỹ thuật sử dụng này đã giúp tầm vông phát huy được tối đa vẻ đẹp, ưu điểm riêng biệt của nó. Vì vậy có thể nói những công trình từ tre có mang ra sánh được cùng với thế giới hay không và có thực chất là văn hóa VN hay không còn tùy thuộc vào người VN và chúng tôi đã làm được điều đó.
Liệu chỉ có kiến trúc tre mới được xem là đại diện điển hình kiến trúc Việt và ngoài kiến trúc tre ra, những kiến trúc khác có được coi là kiến trúc Việt hay không?
- Câu trả lời hoàn toàn có, một trăm phần trăm là có. Để làm nên bản sắc Việt với một người làm kiến trúc thì bất luận hình dáng, đặc tính ra sao vẫn phải làm cho nó phù hợp với không khí, thổ nhưỡng, con người ở đó và rồi tự khắc nó sẽ trở thành bản sắc. Chúng ta làm được công trình phù hợp với vùng đất, con người là đã có được bản sắc. Và nếu công trình đó đưa được ra thế giới là chúng ta đã giới thiệu được bản sắc Việt của mình với bạn bè khắp châu lục, cho dù nó làm từ những vật liệu gì.
VN là đất nước nông nghiệp. Chúng ta làm kiến trúc thì phải thể hiện rõ văn hóa nông nghiệp, dạy cho con người về nông nghiệp. Ví dụ, trồng cây trên các tòa nhà cũng là cách mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Điều đó rất cần thiết khi diện tích đất canh tác đang ngày càng thu hẹp. Diện tích trống trên các tòa nhà còn rất lớn, nên đấy là lý do để chúng ta biến những khoảng trống đó thành nơi trồng cây, phát triển nông nghiệp, dạy cho những cô bé cậu bé sống thân thiện với môi trường.
Nói như vậy có nghĩa là tiêu chí kiến trúc xanh mà ông đang hướng tới không chỉ là tre?
- Đúng vậy. Tre dễ kiếm nhưng khó sử dụng. Bằng chứng là hiện nay trên thế giới vẫn rất ít công trình kiến trúc lớn, với kết cấu phức tạp được làm từ tre. Có hai trở ngại chính, một là do thói quen. Người ta đã quen với sắt, thép, bêtông cho những kết cấu lớn, vì thế cả chủ đầu tư, kiến trúc sư và nhà thầu đều khá dè dặt với loại vật liệu này.
Thứ hai, bản chất cũng là nếp nghĩ. Người ta nghĩ rằng đã dùng tre là phải rẻ hơn sắt, thép, bêtông... Còn tôi suy nghĩ hơi khác một chút. Với tính chất là một loại nguyên vật liệu thì tre có nhiều đặc điểm tốt không kém sắt, thép. Nhưng để khai thác những đặc điểm ấy cộng với yêu cầu đặc biệt về thẩm mỹ thì phải có mức đầu tư tương xứng. Nói thật, tôi vẫn mong mỏi sẽ hiểu cây tre hơn để đưa nó trở thành nguyên vật liệu chủ đạo cho cái tạm gọi là "trường phái kiến trúc xanh". Nếu tre trở thành nguyên vật liệu chính cho ngành kiến trúc và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ kích thích ngành trồng rừng phát triển. Sẽ có lợi ích kép. Tức là vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Ông đã có những dự định nào cho năm mới 2013?
- Đưa kiến trúc xanh mang đậm hồn Việt ra với thế giới nhiều hơn nữa. Tất nhiên kiến trúc tre cũng là kiến trúc xanh.
Nhưng tôi lại hoài nghi rằng những hiểu biết hiện thời của ông về cây tre rồi sẽ trở thành một thói quen, một nếp nghĩ. Mà đến một lúc nào đó, một ai đó sẽ lại tìm cách phá bỏ?
- Đó là quy luật tất yếu. Mọi thứ đều phải vận động và thay đổi. Thói quen và nếp nghĩ của chúng ta cũng vậy. Chính bản thân tôi và các cộng sự cũng chưa hoàn toàn tự tin để nói rằng chúng tôi đã hiểu toàn bộ về cây tre. Nếu thế đã thành ra tri kỷ. Nói đến khái niệm tri kỷ, tôi chỉ dám mượn câu của nhà Phật thế này: Tùy duyên.
Nhưng quá trình nghiên cứu, học hỏi và tìm hiểu về cây tre của tôi và các cộng sự chưa bao giờ dừng lại. Gió và Nước hay Bamboo - Wings mới chỉ là một trong nhiều dạng thức tham gia vào kiến trúc xanh của cây tre. Vẫn còn vô vàn dạng thức nữa. Nếu đến một lúc nào đó, người ta xây một tòa cao ốc từ vật liệu chính là tre thì tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên. Chỉ là sự thay đổi về mặt công nghệ. Tre vẫn thế, vẫn là một loại nguyên vật liệu xanh theo đúng nghĩa.
Việt Nam có một loại tre có thể coi là đặc sản, đó chính là tầm vông. Tầm vông có thân đặc, uốn cong dễ và có độ bền cao. Đặc biệt, thân của chúng rất đồng đều, khó có thể tìm thấy ở những cây khác trong họ nhà tre. Tầm vông gắn bó với người Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh gian khổ, được dùng để làm chông, làm gậy, làm vũ khí chiến đấu.
Sau này, khi được nghiên cứu thêm, chúng ta còn phát hiện thêm nhiều ưu điểm của giống cây này như thân đặc, nhỏ, tính năng đàn hồi tốt… khó tìm thấy ở loài tre của đất nước nào. Chính những điều đó đã làm nên nét đặc trưng cho các công trình làm bằng tre của Việt Nam.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét