Đặng Ngọc Tuân: Bạn có thấy buồn không khi những dậu cây xanh như thế này đang mất dần ở làng quê yêu dấu?
Dẫu biết rằng sự đổi mới là khó cưỡng song mỗi khi thấy tường mới thay giậu, lòng tôi lại lan man một nỗi buồn.
Lâu rồi tôi mới có dịp trở về thăm lại "góc tuổi thơ" của mình. Quê nhà trong ký ức của tôi không phải là lũy tre xanh hay cây đa- giếng nước - sân đình mà đơn giản chỉ là con đường làng mấp mô gạch đá với những bờ giậu quê.
Bụi cúc tần, bụi duối, những khóm dâm bụt, hàng chè tàu đã làm nên giậu quê. Nó phân chia ranh giới giữa các nhà và dường như chỉ có tính ước lệ. Những giậu cây xanh mướt ấy thấp ngang đầu trẻ, được xén bằng bặn là nơi tụ tập của chúng tôi.
Nào là cuốn dây tơ hồng giả làm cô dâu chú rể, nào là chia nhau những quả duối chín vàng hay hút mật của những bông dâm bụt vào mỗi chiều hè.
Chẳng hiểu do ngày đó quá nghèo hay do vị thơm ngọt ngào khó cưỡng của chúng mà đến giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên. Mỗi khi hoài niệm vẫn thấy ngọt nơi đầu lưỡi, vẫn thấy nhớ, thấy yêu.
Tôi vẫn nhớ như in cảnh hàng xóm "xé" giậu sang nhà nhau uống ấm trà, ăn điếu thuốc lào, cũng có khi để thăm đôi lợn mới mua... Những câu chuyện đời thường không đầu, không đuôi, chuyện làng chuyện xã cứ thế mà rôm rả.
Nhớ lúc bà nội tôi còn sống, gặp khi tắt lửa tối trời bà với bà bạn hàng xóm vẫn thường trao nhau cái bùi nhùi rơm cháy dở qua hàng giậu thưa. Giậu cũng là nơi trao gửi tình cảm qua bát canh riêu cua, vài quả cà muối sổi hay mấy thìa muối vừng. Rồi khi lỡ thiếu củ hành củ tỏi, quả chanh trái ớt cũng hướng ra giậu mà í ới...
Ở quê tôi, người ta thường trồng sát bờ giậu một vài cây lưu niên để làm mốc cho phần đất giữa hai nhà phòng khi giậu cây lấn dần theo thởi gian. Chẳng biết từ bao giờ đã có quy ước nếu là cây ăn quả thì cành chĩa sang phần đất nhà nào, nhà ấy được quyền thu hoạch.
Vậy mà vẫn có chuyện "trẻ con mất lòng người lớn" vì cái quy ước ấy. Có khi xung đột còn được đẩy lên đỉnh điểm bằng cuộc đấu khẩu bất tận giữa những người phụ nữ ở hai bên giậu. Phần vì quá bênh vực con, phần vì nhân tiện nói ra những ấm ức "để bụng" từ lâu.
Lời qua tiếng lại nhưng lúc kết thúc cũng chẳng ai nhớ rõ mục đích ban đầu của cuộc tranh cãi là gì. Lạnh nhạt vài hôm rồi tự thấy việc chẳng đáng so với tình nghĩa bấy lâu nên lại lấy cớ con lợn con gà để làm lành.
Thế mới hiểu câu "bán anh em xa - mua láng giềng gần" là vậy.
Rồi đến khi đã có "của ăn của để", người ta phải có tường cao rào chắn mới an toàn. Giậu quê được thay thế bằng tường bao kiên cố, những trụ bê tông, nan sắt ... muôn hình muôn kiểu.
Không gian cộng đồng mở với giậu cây khoáng đạt hình như đã chuyển thành không gian gia đình khép kín. Người ta ngại sang nhà nhau hơn do phải đi vòng, vì vậy hàng xóm trở nên "gần nhà - xa ngõ".
Nhớ khi hiến đất để mở rộng con đường liên xã chạy qua nhà cậu tôi, phải lấy đi giậu cây cậu tôi buồn lắm. Khi tự tay bẩy những khóm cây lên, tôi thấy cậu xúc động mà chẳng muốn làm gì.
Cậu bảo giậu cây này có từ bao giờ thì cậu không biết, chỉ nhớ rằng tuổi thơ của cậu có biết bao chuyện vui buồn quanh nó. Cũng chính những trò chơi con trẻ từ sợi tơ hồng giăng mắc trên giậu đã gắn kết cậu mợ thành đôi. Buồn vậy nhưng cậu nói đây là việc làng việc xã, bỏ giậu cây để làm đường to đi lại thuận tiện cũng mừng.
Nhiều gia đình giống như nhà cậu tôi, họ nuối tiếc khi phải chia tay với bờ giậu thân thuộc, nơi lưu giữ bao kỷ niệm buồn vui. Để bộ mặt nông thôn được thay áo mới, những giậu cây vì thế mà dần vắng bóng.
Dẫu biết rằng sự đổi mới là khó cưỡng song mỗi khi thấy tường mới thay giậu, lòng tôi lại lan man một nỗi buồn. Cái cảm xúc ấy thật khó mà diễn tả cho hết và tôi nghĩ rằng với những ai sống hoài niệm, đã từng gắn bó tuổi thơ với giậu quê chắc không khỏi chạnh buồn như tôi.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét