Minh Huyền
Là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, Lệ Thủy nổi tiếng bởi dòng sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng với những cánh đồng rộng lớn xứng danh với câu “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Nơi đây được biết đến không chỉ bởi là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, còn trở thành điểm diễn ra lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và nổi tiếng với làn điệu hò khoan mang đậm bản sắc văn hóa của người dân xứ Lệ.
Một buổi biểu diễn hò khoan của học sinh trung học cơ sở
Trong cuốn “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy như sau: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân khi đi đốn củi, đánh cá, gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, chăn trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em...”. Rõ ràng, từ bao đời nay, hò khoan Lệ Thủy đã và đang chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng diễn xướng của dân tộc, trở thành một làn điệu dân ca tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người và ăn sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ người dân trên mảnh đất này…
Hò khoan Lệ Thủy là một bộ phận cấu thành của dân ca Miền Trung nói chung và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Do đặc điểm truyền khẩu và tính tương đồng về văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp hò khoan ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Định… Tuy nhiên, bản thân làn điệu cũng đã có những biến tấu nhất định về giai điệu hoặc cách diễn xướng. Ngay cả trong phạm vi của tỉnh Quảng Bình, hò khoan vẫn là đặc trưng của Lệ Thủy vùng chiêm trũng, sông nước. Đối với các địa phương trong tỉnh như Đồng Hới, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa hầu như không có điệu hò độc đáo này.
Tiết mục hò khoan Lệ Thủy của Trường THCS Phong Thủy (Lệ Thủy)
Hò khoan Lệ Thủy gồm có chín mái (làn điệu): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruổi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và cách quy ước diễn xướng đó có bắt nguồn từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động. Nhiều khi những tiết tấu đó nhằm tập trung động lực của đám đông mà ở mỗi người đơn lẻ không thể làm được, như khi đẩy thuyền qua chỗ cạn, khi chống chèo ghe lớn qua chỗ nước xiết, gió ngược, khi cất nhà… Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc mà cũng rất gần gũi, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa, đồng thời cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc. Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy gồm đàn nhị và mõ khi hòa vào nhau tạo nên âm thanh dịu dàng, sâu lắng và trở nên dung dị, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi, cứ mỗi lần làn điệu được cất lên thì âm hưởng đó xuyến xao, tha thiết như tiếng lòng người xứ Lệ.
Cách tổ chức và hình thức diễn xướng chủ yếu của hò khoan là hát đối đáp hai bên. Ít nhất cũng phải có hai người hát gồm một bên hò, một bên xố (phụ họa). Ở những môi trường hò có tổ chức theo cuộc hát thì hò phải theo đúng từng “chặng” từ chào mời, vào cuộc giữa cho đến giã từ… Thông thường trong lối giao duyên này, bên nữ ca trước. Trong khi hò, tính ngẫu hứng sáng tạo là rất cao nên cách diễn xướng cũng thường rất sáng tạo và vô cùng linh hoạt. Điều đặc biệt là trong hò khoan, không có phân biệt diễn viên với khán giả. Chỉ có hò cái và hò con, cái hò thì con xố và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này, họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con, với tinh thần “tất cả đều là nghệ sỹ”. Chính vì vậy, cái cách diễn xướng của hò khoan làm cho ai cũng sảng khoái, hưởng ứng nhiệt tình.
Sức sống của các làn điệu, những câu hò khoan mượt mà, sâu lắng đi vào lòng người đã và đang thu hút được người dân địa phương, nhân dân trong tỉnh tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy nó trong thời đại mới. Tuy nhiên, hiện hò khoan Lệ Thủy đang đứng trước một số khó khăn, thách thức, đó là: Số người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và tâm huyết với các làn điệu hò khoan. Bên cạnh đó, sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, câu hò khoan thấm đẫm tình quê. Ngoài ra, sự ra đời và hoạt động của các Câu lạc bộ hò khoan vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả, cách thức hoạt động không thường xuyên, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp và sự quan tâm của xã hội, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa cao...
Để khơi dậy, thắp lửa niềm đam mê với hò khoan, tháng 11/2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy đã tổ chức liên hoan dành cho học sinh khối Trung học cơ sở với tên gọi:“Em hát dân ca”, thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, tập thể và cá nhân trên địa bàn. Có thể nói, liên hoan lần này đã dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung.
Thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy đọc bài khai mạc trong một buổi sinh hoạt hò khoan Lệ Thủy
Thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết, Ngành đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức thiết thực và hiệu quả nhất là đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Thầy cho biết thêm, để đạt được kết quả tốt, kế hoạch này được chia thành năm nội dung trong một chương trình, đó là: Tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập câu lạc bộ trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi.
Một trong những người cũng luôn trăn trở với những làn điệu hò khoan của xứ Lệ đó là ông Đặng Ngọc Tuân, một Đại tá về hưu, nguyên là giảng viên Học viện An ninh. Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, tháng 12/2013, ông đã ra mắt cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” (300 trang) do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản. Đây là công trình gồm 1.000 bài hò khoan cổ với 05 mái truyền thống để giúp người đọc có một cái nhìn khái quát hơn về những làn điệu hò khoan của xứ Lệ. Đặc biệt, vào ngày 01/4/2014, Chi Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Quảng Bình đã tổ chức buổi giao lưu với ông về chủ đề “Bảo tồn và phát triển Hò khoan Lệ Thủy”.
Hò khoan là một là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy lẫn đời sống sinh hoạt sống của người dân xứ Lệ, nhất là ở vùng nông thôn và đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của dân tộc, trở thành nơi lưu trữ, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Xứ Lệ nói riêng, cũng như Quảng Bình nói chung. Đây là Di sản văn hóa quý báu mà bao nhiêu thế hệ người Lệ Thủy đã tích lũy, sáng tạo và chắt chiu gìn giữ, vì vậy, bảo tồn là một nhiệm vụ cần thiết để các thế hệ sau còn biết đến và còn được tận hưởng những giá trị tinh thần vô giá đó cho mai sau.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét