Lệ Thủy gạo trắng nước trong, nơi sinh nhiều danh nhân, võ tướng, cũng là nơi có nhiều phụ nữ trung hậu đảm đang, lưu danh sử sách. Hoàng hậu Dực Tôn Lệ Thiên Anh, được xem là mẫu nghi thiên hạ trong suốt mấy chục năm dưới thời nhà Nguyễn.
Lăng của hoàng hậu Lệ Thiên Anh tại Huế
Hoàng hậu Lệ Thiên Anh tên thật là Vũ Thị Duyên sinh vào tháng 5, năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828) tại làng Hòa Luật, tổng Thủy Liên, nay là xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là Ngự tiền đại thần Thái tử thái bảo Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn. Mẹ là Trần thị, tên thụy là Trinh Từ được phong Lệ quốc nhất phẩm phu nhân.
Sinh ra từ một vùng cát nghèo khó nhưng có truyền thống văn hiến, lại được sự giáo dục của người cha học rộng tài cao, Vũ Thị Duyên lúc còn nhỏ là cô gái hiền lành, chịu thương, chịu khó lại ham thích đọc sách. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) bà được tuyển vào cung hầu Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này) ở tiềm đế (nhà riêng). Hồng Nhậm là hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị với bà Từ Dũ (Nghi Thiên Chương hoàng hậu). Bà Từ Dũ là người thông hiểu kinh sử được con dâu Vũ Thị Duyên nết na, hiền thục, ham học hỏi nên đem lòng yêu quý. Năm 1847 Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức phong bà làm Cung tần.
Tự Đức năm thứ ba (1849), Cung tần Vũ Thị Duyên được vua Tự Đức phong làm Cẩn phi. Sử sách nhà Nguyễn chép: “Yêu thay cung tần Vũ Thị, ra tự thế phiệt, đức tốt ngọc quỳnh. Nội trị tu tề, kính theo phụ đạo. Thờ mẹ yên thắm được vui tự tâm. Bèn theo điển lễ để tỏ ân to, đặc cách tấn phong làm Cẩn phi.”
Cẩn phi Vũ Thị Duyên luôn là người vợ hiền, dâu thảo, mùa xuân năm Tự Đức thứ 13 (1859) Cẩn phi Vũ Thị Duyên được Tự Đức phong làm Thuần phi bởi “... Cẩn phi Vũ Thị, dòng dõi danh gia, hiền tài, trinh tư thục thận. Đoan trang tỏ nết tốt, nộ trị theo đức hóa tu tề; cẩn kính cả đức hay. Thờ mẹ sẵn một lòng ngoan ngoãn, trên yên lòng mẹ, liền đội ơn dày.”
Mùa đông năm Tự Đức thứ 14 (1860) Thuần phi Vũ Thị Duyên được phong làm Trung phi và đến mùa xuân, tháng giêng năm Tự Đức thứ 15 (1861) bà được phong làm Hoàng Quý phi, đứng đầu các bà vợ của vua. Việc tấn phong Trung phi Vũ Thị Duyên làm Hoàng Quý phi vua Tự Đức có dụ rằng: “Trong cung vi là gốc phong hóa, không thể không đặt người để xướng suất cung nhân, chấp hành phụ đạo. Trung phi Vũ Thị, con nhà danh gia, kính vâng tuyển hầu ta. Cùng có đức hạnh nên cân nhắc lên. Vậy tấn phong làm Hoàng quý phi, suất nhiếp sáu viện”.
Dưới thời các vua nhà Nguyễn (trừ Bảo Đại) chủ trương không lập Hoàng hậu, chỉ khi vua mất có di chiếu mới tôn Hoàng hậu. Các bà vợ vua được xếp theo thứ tự từ Cung tần, Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi và cao nhất là Hoàng Quý phi. Thời kỳ bà làm Hoàng Quý phi là giai đoạn triều vua Tự Đức gặp nhiều biến cố. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng bắt đầu xâm lược nước ta.
Trong bối cảnh triều đình lắm sự phiền hà, Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên vất vả lo toan quán xuyến công việc của lục viện, không sao tránh khỏi sơ suất, phật ý Tự Đức nên tháng 12 năm 1882 bà bị giáng xuống làm Trung phi. Tháng 5 năm 1883 vua Tự Đức mất, trước khi băng hà Tự Đức nghĩ đến đức độ, công lao của Vũ Thị Duyên nên đã có di chiếu để lại tôn Trung phi Vũ Thị Duyên là Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.
Bà Vũ Thị Duyên trở thành Hoàng hậu nhưng việc tấn phong có nhiều trắc trở. Tự Đức vốn không có con, vua và Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên nhận ba người con trai của em ông về làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Kỷ và Ưng Đường, trong đó Ưng Chân được xem là con trưởng. Theo di chiếu của Tự Đức, là con trưởng, Ưng Chân được nối ngôi ngày 17.7.1883 (gọi là vua Dục Đức). Tuy đã truyền lập di chiếu chọn Ưng Chân nối ngôi nhưng vua Tự Đức không thật sự hài lòng với người con nuôi kế vị vì có nhiều tật xấu.
Quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường xin vua bỏ đoạn nói về tật xấu của Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, bảo “phải giữ lại những câu đó để nhắc người kế vị phải tự răn mình tu chỉnh”. Ngày đăng quang, khi tuyên đọc di chiếu của Tự Đức, một số đại thần đề nghị phải ngưng buổi lễ và xin ý kiến Thái hậu Từ Dũ phế bỏ Dục Đức thay ông vua khác. Làm vua được ba ngày, Dục Đức bị quản thúc ngay tại Dục Đức đường sau chuyển qua giam ở Thái Y viện và chết tại ngục thất Thừa Thiên.
Vua Hiệp Hòa lên ngôi, tuân theo di chiếu của Tự Đức lại định tấn tôn bà Vũ Thị Duyên làm Hoàng hậu. Biết được ý muốn của Hiệp Hòa, bà đến cung Gia Thọ gặp Thái hậu Từ Dũ lạy từ rằng, tôi vâng chiếu của Hoàng đế dạy bảo tự quân (Ưng Chân) nay tự quân như thế cũng có lỗi nên xin ra ở Khiêm cung để chầu thờ.
Mặc dù bà từ chối không nhận nhưng được sự đồng ý của Thái hậu Từ Dũ, vua Hiệp Hòa cùng đình thần vẫn bàn việc tấn tôn bà làm Hoàng hậu với mỹ danh là Khiêm Hoàng hậu, nhưng chưa kịp cử hành thì vua Hiệp Hòa cũng bị phế truất. Kiến Phước lên ngôi, chưa kịp làm lễ tấn tôn cho bà thì bị đầu độc chết.
Đến đời vua Hàm Nghi năm thứ nhất (1884) vua làm lễ tấn phong bà Nghi Thiên Chương hoàng hậu (Từ Dũ, vợ vua Tự Đức) thành Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu và xin tấn phong bà Vũ Thị Duyên làm Hoàng hậu như di chiếu của Tự Đức để lại nhưng bà vẫn không nhận.
Tháng 5 năm Ất Dậu (1885) triều đình có biến, kinh thành thất thủ. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu và bà ra Hành cung Quảng Trị chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không thể đem theo cả người già, phụ nữ, những quan lại còn nặng gánh gia đình theo cuộc kháng chiến, Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu trở lại Huế, bà Vũ Thị Duyên theo về lại Khiêm cung, một lòng phụng dưỡng mẹ chồng.
Mặc dầu việc tấn tôn hoàng hậu cho bà mấy lần không thành vì triều đình gặp nhiều biến cố lớn nhưng nghĩ đến công lao, đức hạnh của bà, tôn thất, quan lại trong triều vẫn cố xin tấn phong cho bà.
Đời Đồng Khánh, tháng 3 năm 1886 vua có dụ rằng “... Kính nghĩ thánh mẫu, làm hoằng đức phúc, tĩnh mục làm phép giúp hoàng khảo Dực Tôn Anh hoàng đế nội trị 36 năm...Trước đây qua tôn nhân, đình thần kêu xin tấn gia tôn hiệu.Từ chỉ không nhận, thực là đức khiêm quang, không thể hình dung được... Nay tôn thân đình thần hai ba lần xin, trẫm lập tức đem việc tâu lên; nay được chuẩn y về sự nghi tấn tôn, nên làm thế nào cho phần việc đều chiểu lệ làm, để yên lòng ta một người hiếu phụng, hợp nguyện vọng muôn họ tôn sùng”.
Ngày 27 tháng 4 năm 1886 vua Đồng Khánh cùng quần thần đem sách vàng, ấn vàng làm lễ tấn phong bà với húy xưng là Trang Ý Hoàng Thái hậu.
Đến đời Thành Thái năm thứ nhất (1889) vua lại thân chinh cùng quần thần dâng sách vàng, ấn vàng và tấn tôn bà với huy xưng là Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng Thái hậu. Sau lễ tấn phong, vua Thành Thái cho ban ân chiếu dụ rằng : “Vua nhờ mẫu hậu, để dạy dân hiếu với mẹ cha... Kính nghĩ, Hoàng tổ mẫu Trang Ý thái hoàng Thái hậu bệ hạ tư chất thuần túy, khuôn phép đoan trang... Ơn khắp nước nhà, lợi đến xã tắc. Vâng Cảnh Thôn Thuần hoàng đế ta theo di chiếu dâng tôn xưng. Tiếng tốt kinh thất sáng thân sách trước...”
Tháng 4 năm 1883, bà Vũ Thị Duyên - Trang Ý Thái hoàng Thái hậu qua đời, thọ 75 tuổi, được an táng ở Vạn vạn niên bên tả Khiêm Thọ lăng Tự Đức.
Dực Tôn Lệ Thiên Anh hoàng hậu từ thân phận Cung nữ, Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi rồi Hoàng Quý phi, suốt 36 năm giúp Tự Đức trị vì luôn để lại tiếng thơm cho muôn đời con cháu. Khi Tự Đức mất, di chiếu tôn làm Hoàng hậu nhiều lần bà không nhận nhưng vì đức độ, một lòng với xã tắc mà các vị vua về sau tôn xưng bà từ Hoàng hậu lên Hoàng Thái hậu rồi Thái hoàng Thái hậu.
Cuộc đời bà, như sử sách từng chép là “Nghi thơm nết tốt, nghìn thu bút son sáng ngời; nêu tốt tỏ hay, muôn thuở ngọc cầu rực rỡ. Tôn xưng là trời để viếng, vì sáng mặt trăng...”
Phan Viết Dũng
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét