Hương Trà
Tròn một năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng, nhưng trong tâm khảm các o C gái pháo binh Ngư Thủy anh hùng, Đại tướng như chưa thể đi đâu xa... Dù nay đã thành bà, thành cụ, các o vẫn không nguôi về hình ảnh vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, người con ưu tú của Quảng Bình, đang ân cần căn dặn C gái Ngư Thủy nơi trận địa pháo trên cát trắng năm xưa.
Đại tướng chụp ảnh lưu niệm với o Trần Thị Thản,
Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy năm 1969.
Ngư Thủy hôm nay đã chia thành ba đơn vị hành chính: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam.
Những nữ pháo binh năm xưa nay ở khắp cả ba vùng Ngư Thủy, mỗi năm vào những ngày lễ trọng lại hẹn nhau về dưới chân tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy hiên ngang nơi trung tâm xã Ngư Thủy Trung để gặp gỡ.
Và lần này cũng thế, các o đón chúng tôi cũng ngay nơi tượng đài với nụ cười nồng hậu. “Tra rồi! Không được lanh lẹ như xưa... ” - o Ngô Thị The, Đại đội trưởng C gái pháo binh Ngư Thủy, một đơn vị pháo binh mặt đất “độc nhất vô nhị” trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam vào chuyện...
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967, quân số ban đầu có 37 người, phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy, 2 trung đội trận địa, 1 tiểu đội trinh sát, 1 tiểu đội thông tin, 1 đài chỉ huy, 1 đài giao hội và một tiểu đội hậu cần.
Trong suốt 10 năm chiến đấu từ 1967 đến 1976, C gái Ngư Thuỷ nhiều lần bổ sung lực lượng nên quân số thời điểm đông nhất tới 91 người.
Trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đánh 8 trận, 5 lần bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly, bảo vệ vững chắc vùng biển đầu giới tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chiến công của C gái Ngư Thủy làm bạn bè khắp năm châu, bốn biển thán phục. Năm 1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Ngắn gọn rứa... nhưng đi hết một thời con gái của các o”- o Ngô Thị Thới, nữ pháo thủ năm xưa thêm chuyện. Các o kể, đã có rất nhiều đoàn khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm C gái Ngư Thuỷ như: Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng...; các đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức..., nhưng ấn tượng nhất là chuyến thăm đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1969, khi trận địa pháo vẫn còn đặc quánh mùi thuốc súng.
Trước đó, Tỉnh đội, Huyện đội báo tin cho C gái Ngư Thủy chuẩn bị đón Đại tướng về thăm. Thời điểm này, đế quốc Mỹ ném bom hạn chế miền Bắc, chấp nhận tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán ở Paris về chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương.
Trận địa pháo nhờ đó cũng thảnh thơi, bình yên. Các o muốn Đại tướng vui, không ai bảo ai cố gắng rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác phong chiến đấu thật nhuần nhuyễn.
Một thùng đạn pháo 85 ly gồm 3 viên đạn trọng lượng đến 60kg, vốn ngày thường các o vác chạy băng băng trên cát..., nhưng lúc đón Đại tướng vào quãng giữa trưa, khi biểu diễn cho Đại tướng xem, những thành viên C gái như học sinh không thuộc bài. Chỉ một phút đầu tiên thôi, khi đã lấy lại bình tĩnh, những thao tác của các nữ pháo thủ trở lại nhịp nhàng, bài bản, nhanh gọn, chính xác.
Tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng.
O Ngô Thị The, Đại đội trưởng C gái Ngư Thuỷ nhớ lại: Trận địa pháo đóng tại thôn Trung Chính, đường vào ngập trong cát, chỉ lát sơ sài cây dương liễu và cỏ dại để kéo pháo vào ra. Nơi trận địa, Đại tướng khen C gái đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà, bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Đó là một chiến công phi thường sánh ngang với đàn ông sức dài, vai rộng, xứng đáng dòng dõi con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với truyền thống của vùng đất lửa Quảng Bình.
Đại tướng căn dặn, Mỹ thua đau khi đưa máy bay, tàu chiến ra đánh phá miền Bắc, chấp nhận hội đàm tại Paris, miền Bắc tạm im tiếng súng nhưng C gái không vì thế mà chủ quan, thiếu tinh thần cảnh giác... Đại tướng phát biểu xong, khắp trận địa vang lên tiếng vỗ tay.
Trong lần về thăm này, Đại tướng mang thư khen của Bác Hồ gửi cho Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và 37 huy hiệu của Người tặng các thành viên C gái vì những chiến công lập được trong trận đánh đầu tiên vào năm 1968, sau thời gian thành lập được 3 tháng. Đó là vào ngày 7-2-1968, mốc lịch sử đánh dấu chiến công đầu tiên của C gái Ngư Thủy. Chỉ với 48 viên đạn, các pháo thủ bắn trúng tàu chiến của Mỹ. Niềm vui nhân lên và cũng là nguồn cổ vũ động viên vô giá để C gái tiếp tục lập được nhiều hơn những chiến công sau này.
Bữa cơm trưa dọn ra trên trận địa pháo. Những hòm đạn được kê làm bàn, mâm cơm đạm bạc chẳng có gì ngoài cơm độn ngô, rau luộc, mắm kho, có thêm chút cá. Đại tướng là khách đặc biệt nên các o “ưu ái” dành thêm hai quả trứng gà ốp la chấm với nước mắm ngon nhất Ngư Thủy.
Đại tướng vui, hỏi: “Các cháu ăn uống thế này mà vẫn bảo đảm sức khỏe để đánh giặc à?”. “Đại tướng đang vui mọi người không nỡ thưa. Hồi nớ, nói “gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” rứa thôi chứ chị em đau ốm suốt...” - o Thới nhớ lại.
Đại đội trưởng Ngô Thị The (bên trái) và nữ pháo thủ Ngô Thị Thới.
Năm 1998 cũng là một kỷ niệm không thể quên trong đời các o C gái Ngư Thủy, 37 nữ pháo thủ được ra Hà Nội thăm Đại tướng. Như người cha lâu ngày gặp các con, Đại tướng nắm tay từng người, ân cần thăm hỏi đủ chuyện, từ việc riêng đến việc chung. Đại tướng hỏi Ngư Thủy bây giờ có đường, có điện chưa? Xưa hai lần Đại tướng về (lần thứ hai vào cuối năm 1973), lội trong cát, đường làng, đường xã toàn cát, khó khăn, vất vả.
Các o pháo binh Ngư Thủy thật thà: “Thưa bác, chưa ạ!”. Nghe đến đây, gương mặt Đại tướng đượm buồn: “Chuyện làm đường, mắc điện, chỉ có tỉnh và Trung ương lo được, rồi bác sẽ có ý kiến về trong quê. Biết các cháu giờ còn nhiều vất vả nhưng cũng cần cố gắng. Đảng, Chính phủ không quên chiến công của các cháu đâu!”.
Trong câu chuyện kể cho chúng tôi, o The chợt nhớ đến một kỷ niệm với Đại tướng: Tháng 6-1969, o vinh dự tham gia Đại hội thi đua toàn Binh chủng Pháo binh tại thủ đô Hà Nội. Trong lúc nhiều phóng viên báo chí trong nước và quốc tế đến phỏng vấn o, Đại tướng đứng gần bảo: “Các cô, các chú hỏi ít thôi, nếu muốn hỏi nhiều thì cho cháu ấy ăn no. Gái Lệ Thủy ăn ngày 6 bữa mới đủ sức vác đạn, điều khiển pháo”. Không khí ấm áp, thân tình hẳn lên, ngập tràn tiếng cười...
Ngày được tin Đại tướng mãi mãi đi xa, không ai bảo ai, từ Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, C gái Ngư Thủy đội hình đông đủ, chỉnh tề lên nhà Đại tướng ở An Xá thắp nén hương tiễn biệt Đại tướng mà nước mắt tuôn rơi... Rồi ngày 27-7, C gái Ngư Thủy lại ra viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa-Đảo Yến...
Với các o C gái Ngư Thủy anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi trong tâm trí. Các o cứ ngỡ rằng Đại tướng như chưa thể đi đâu xa, như vẫn đang ân cần căn dặn C gái Ngư Thủy trên vùng cát trắng Ngư Thủy năm nào...
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét