ĐỘNG CHÂU - KHE NƯỚC TRONG, QUÀ TẶNG THIÊN NHIÊN


Được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong có gần 20.000ha (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), được ví như một mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại. Gánh trên vai sứ mệnh quan trọng đó, nên việc bảo tồn đa dạng sinh học ở nơi đây đang được các ban, ngành chức năng và người dân chăm chút từng ngày.

Động Châu-khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở phía tây Nam huyện Lệ Thủy. Giá trị về đa dạng sinh học, cũng như tầm quan trọng của khu vực này trong việc phòng hộ môi trường từ lâu đã được chính quyền các cấp, người dân địa phương ghi nhận và đầu tư bảo vệ.

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có chủ trương về phương án tăng cường quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đồng thời nhận thấy giá trị đa dạng sinh học ở khu vực này nên đã có đề án chuyển rừng phòng hộ khe Nước Trong thành khu bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, đề án nâng hạng khu vực rừng khe Nước Trong thành rừng đặc dụng đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT chuẩn y.

Và gần đây nhất, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khe Nước Trong vinh dự được quy hoạch thành lập Khu bảo tồn (khu dự trữ thiên nhiên) trong phân kỳ từ nay đến 2020.
         Lực lượng Kiểm lâm bảo vệ tài nguyên rừng ở khu vực Động Châu-khe Nước Trong.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tâm sự, mặc dù UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan rất ủng hộ, nhưng do chưa có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ cho khu bảo tồn, trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng còn quá mỏng, cùng với thói quen của bà con lâu nay sống dựa vào sản vật của rừng, nên tài nguyên rừng ở khu vực Động Châu-khe Nước Trong sẽ tiếp tục suy giảm là điều hiện hữu.

Ngoài ra, trong bối cảnh suy thoái môi trường, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung, sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường nên việc bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và tăng cường khả năng phòng hộ của rừng Động Châu-khe Nước Trong lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chính vì vậy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tìm kiếm giải pháp nhanh chóng nâng cấp công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực này cho xứng tầm với các giá trị đa dạng sinh học quan trọng hiện có, trong khi vẫn tích cực theo đuổi định hướng lâu dài là thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong.

Qua tìm hiểu được biết, khi được Bộ Nông nghiệp-PTNT đồng ý với đề xuất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong, Chi cục đã triển khai nhiều phương án để bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực này.

Tuy nhiên, do gặp rất nhiều khó khăn nên Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, để xứng tầm với giá trị đa dạng sinh học độc đáo của khu vực khe Nước Trong.

Đó là, mô hình hợp tác công-tư để quản lý và bảo vệ lâu dài cho khe Nước Trong theo nguyên tắc như một khu bảo tồn thiên nhiên trên thực tế, trong khi vẫn tiếp tục vận động để được chính thức thiết lập thành một Khu bảo tồn thiên nhiên.

Ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong ở phía tây Nam tỉnh Quảng Bình còn lưu giữ được một diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động ở khu vực miền Trung. Hiện khu vực này có diện tích gần 20.000ha, thuộc vùng sinh thái Bắc Trung bộ (trong đó, dự án sẽ tiến hành thuê 800ha thuộc tiểu khu 528).

Đây là một phần của dải rừng đất thấp (khoảng 120.000ha) kéo dài từ Lâm trường Trường Sơn ở phía Bắc (thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đến Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ở phía Nam. Nơi đây có một khu hệ động thực vật cực kỳ phong phú, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế xác định là một vùng chim quan trọng trong vùng chim đặc hữu đất thấp miền Trung. Đồng thời được Tổ chức bảo tồn quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm trong hành lang đa dạng sinh học nối giữa Việt Nam và Lào.

Khu bảo tồn thiên nhiên (đề xuất) khe Nước Trong có sinh cảnh rừng thích hợp cho hai loài đang bị đe dọa ở mức độ rất nguy cấp là sao la-loài thú móng guốc được phát hiện năm 1992, và gà lôi lam mào trắng, loài chim đặc hữu chỉ có ở miền Trung, lần cuối cùng được ghi nhận ngoài thiên nhiên là năm 2000.

Bên cạnh đó, các loài bị đe dọa, đặc hữu hoặc quý hiếm khác ghi nhận được ở khe Nước Trong cho đến thời điểm năm 2012, bao gồm: trĩ sao, khướu đầu xám, khướu mỏ dài, chích chạch má xám, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, ếch cây Trường Sơn... đã cho thấy giá trị đa dạng sinh học đặc biệt ở khu vực này.

Diện tích rừng Động Châu-khe Nước Trong được bảo vệ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Một cán bộ của Ban quan lý rừng phòng hộ Động Châu đơn vị tham gia dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-khe Nước Trong cho hay, mục đích thuê môi trường rừng với diện tích 800ha thuộc tiểu khu 528 để quản lý theo mô hình “khu rừng hy vọng” đã được một số nước trên thế giới thực hiện. Nghĩa là kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với bảo tồn; khu rừng được bảo vệ theo mô hình rừng đặc dụng, đồng thời hỗ trợ các hoạt động tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy bắt động vật hoang dã, trên toàn bộ diện tích rừng trong khu vực.

Sau khi thống nhất các điều khoản thuê diện tích rừng nói trên, các bên liên quan sẽ tổ chức tìm kiếm và nghiên cứu các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm để phục vụ công tác bảo tồn, đặc biệt là loài gà lôi lam mào trắng và sao la.

Để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, các ngành liên quan sẽ tiến hành đặt bẫy ảnh tự động ghi lại hình ảnh các loài động vật có trong khu vực; điều tra, khảo sát, giám sát biến động của các loài động, thực vật ngoài thực địa, theo dõi về số lượng loài và số lượng cá thể của loài để có biện pháp bảo tồn phù hợp (hiện ở rừng Động Châu-khe Nước Trong có 987 loài thực vật, 76 loài thú, 161 loài chim, 61 loài bò sát và ếch nhái).

Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu trang thiết bị, tập huấn nghiệp vụ, kinh phí phục vụ tăng cường tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng trong khu vực. Đặc biệt, khi dự án này vận hành, các bên liên quan sẽ tiếp tục kêu gọi và thực hiện các mô hình để phát triển sinh kế cho người dân trong khu vực, nhằm giảm áp lực vào rừng như: trồng mây dưới tán rừng, trồng trọt, ch­ăn nuôi...

Bảo tồn đa dạng sinh học là một việc làm cấp thiết hiện nay và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm gìn giữ cho các thế hệ mai sau những giá trị về hệ sinh thái động, thực vật đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng đang và sẽ được cộng đồng chung tay bảo vệ, tin tưởng rằng Động Châu-khe Nước Trong sẽ mãi là lá phổi xanh chăm lo môi trường sống cho người dân. 

Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” thuộc lĩnh vực môi trường-một trong các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017.

Dự án thuê môi trường của 800ha rừng tại tiểu khu 528 thuộc khu vực rừng phòng hộ Động Châu, thời hạn 30 năm với mục tiêu: nghiên cứu khoa học, tìm kiếm các loài thú đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn lâu dài; bảo tồn trên phạm vi toàn bộ lâm phận do Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu quản lý để hỗ trợ công tác chống chặt phá rừng và ngăn chặn bẫy bắt động vật hoang dã; hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực lân cận thuộc xã Kim Thủy phát triển kinh tế để giảm thiểu áp lực vào rừng.

Tổng ngân sách của chương trình cho giai đoạn 2014-2019 là trên 1,4 triệu USD, do các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ (BirdLife International, IUCN Hà Lan và World Land Trust).

Minh Văn-Ngọc Hải

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 1 nhận xét Đăng nhận xét