Cu Làng Cát
Cá khoai
Ngày xưa, làng biển nội tôi nghèo lắm, những ngôi nhà úp trên cát lợp từ cỏ rười. Đời người suốt ngày bám cát, bám biển sau lưng làng để mưu sinh. Có một món cá ai cũng vứt đi nhưng mệ Thỏn lại lượm về nấu ăn. Làng cười ngặt, nói cái loại cá nớ vứt đi không ai lấy, đưa về mần chi, hâm. Mệ Thỏn chỉ cười cười. Về bắc cái nồi sứt quai lên, lấy lá dương khô chủm đượm lửa, rửa sạch cá rồi nấu, thổi bùng lửa. Nước sôi, cá chín, mệ Thỏn bỏ lá đồng hao vô, mùi bay ra từ chái bếp. Lũ con nít đang mãi vật nhau trên cát, nghe nhức cả mũi, vùng dậy, chạy hướng nhà mệ Thỏn từ trảng cát này qua trảng cát khác. Cái mùi thơm lạ lùng.
Đám con nít làng năm bảy đứa mặt ngơ ngác, vô chái bếp mệ Thỏn, thấy mệ đang múc từng chén để lên cái mẹt (làm từ tre), đứa mô cũng thèm chảy nước miếng. Mệ Thỏn nói bây sèm thì ăn đi, ăn đi. Mệ cho đó, của ni họ không bán, họ vứt ngoài bến làng, họ lấy cá, cua đi bán, cá ni họ không bán được cho ai. Bây ăn đi. Ngon thì mệ múc thêm. Cả lũ trẻ lao vào ăn. Ngon mặn mà. Vừa ăn, mệ Thỏn vừa kể, bây biết cá chi không? Mần răng biết được. Cả bọn lắc đầu, mệ nói cá cháo, có nơi gọi là cá khoai. Loại ni làng mình chẳng ai ăn cả. Ngon ri mà lại vất (vứt) uổng.
Cả một thời, ai cũng xem cá khoai là loại bỏ đi. Nó bị xếp dưới loại cá “lông hội”. Những nhà nuôi heo, nhiều khi bí quá mới mua cá khoai về chăn nuôi. Bẵng đi thời gian, về lại làng nội, thấy xóm mô cũng kéo nhau đến nhà mệ Thỏn coi có cá khoai thì ăn. Mệ tra rồi, lưng còng, truyền lại cái món cá khoai cho đứa con dâu. Vẫn cách nấu nhà nghèo, giản dị, vẫn cái chủm lửa từ lá dương, vẫn chút ít đồng hao cùng ớt, muối, bột ngọt mà món cá khoai vẫn ngon lịm. Rồi cái “bí quyết” nấu cá khoai đó được người làng áp dụng, rứa là nhà nào cũng thưởng thức cá khoai. Đến mùa lại thành phong trào. Làng có ông Trung tướng ở trung ương về, nếm thử vài ba miếng, ông ghiền luôn món ăn trên cát làng. Cứ mỗi độ có dịp về lại làng, nhằm đúng mùa cá khoai, ông lại sai con cháu trong xóm kiếm về nấu ăn để đỡ nhớ mùi vị mặn mòi.
Mệ Thỏn mất đúng mùa cá khoai, trước khi ra đi, mệ dặn, cúng ba ngày để ba tô cá khoai. Cúng năm chục ngày làm cá khoai kho tiêu cùng lá nghệ với ít đồng hao. Lũ con nít chúng tôi biết mệ mất, đường ngái vẫn về kính mệ nén nhang. Vì có mệ mà biết cái món ăn quắn quýt cả đời.
Đồng Hới mấy năm trở lại đây, món cá khoai được đưa vô các nhà hàng. Bày biện lộng lẫy. Nhưng những tay nấu bếp ở khách sạn, nhà hàng hạng sang vẫn không xử lý được cái tính cố hữu của cá khoai để hút thực khách. Mà những quán bình dân lại biết cách xử lý cái tính “tự ti” của cá khoai là “tanh” nên hút khách kỳ lạ.
Dọc đường Trương Pháp, bên bờ biển Nhật Lệ có quán bình dân Thanh Mai từ mấy năm nay trứ danh với món này. Chủ quán là một người miền biển thứ thiệt, chất phác nên thấm cái món ăn trên cát vào người mà mùa đông chuyên trị cá khoai cho thực khách. Lão chủ quán tự tay đi chợ, chọn những con cá khoai múp máp, trắng trẻo về tẩm gia vị, đậm ớt, đậm hương liệu, rồi cải muối, chua me, thêm cây cải ngồng, bỏ vào nồi lẩu nước sôi rục. Nhúng cá vài phút, đưa vào miệng, vừa ăn vừa thổi, mùi cá ngòn ngọt, thơm phức vị biển. Ăn một miếng thì không thể không ăn thêm miếng nữa. Ăn thêm miếng nữa thì phải ăn cho sảng khoái. Ăn một bữa thì hôm sau, sau nữa không thể bỏ. Cá khoai bình dân nhưng lộng lẫy là thế.
Nay, cá khoai có ngôi thứ rồi, mỗi cân không dưới trăm ngàn. Trở thành đặc sản.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét