NGƯỜI KHỞI NGUỒN GIÓ ĐẠI PHONG

Hơn 54 năm nay, “ngọn gió” Đại Phong của Hợp tác xã (HTX) Đại Phong (Quảng Bình) vẫn được người dân say sưa kể. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đội nón lá, mặc áo tơi, lội bùn cấy lúa, chèo đò, hát hò khoan... cùng bà con trong những ngày đưa “Gió Đại Phong” trở thành phong trào điển hình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN). 


                                   Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VỊ TƯỚNG NÔNG DÂN

Cùng với cả nước, những ngày này, cán bộ và nhân dân xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người phát xướng gây dựng phong trào “Gió Đại Phong”.

Tuổi cao nhưng ông Đặng Ngọc Đính (84 tuổi) và bà Phan Thị Dung (82 tuổi) vẫn còn minh mẫn khi kể chuyện Đại tướng. Ông Đính từng là bộ đội chống Pháp rồi về quê làm cán bộ xã. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, ông là Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã và làm Trưởng ban kiểm soát HTX rồi làm Chủ nhiệm HTX từ năm 1963 - 1970, bà Dung là cán bộ phụ nữ của xã sau đó làm Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (1973 - 1981).

                                                        Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ông Đính nhớ lại: “HTX được thành lập năm 1959 với mục đích xóa đói giảm nghèo. HTX khai hoang, cải tạo được sáu vùng đất rộng lớn để sản xuất lúa, hoa màu, nổi tiếng khắp vùng. Tỉnh báo cáo Trung ương và cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương được cử về kiểm tra, nghiên cứu mô hình của HTX. Khi bác Thanh đến, các cán bộ gọi là Đại tướng thì bác Thanh nói: “Mọi người gọi tôi là anh cho thân mật, đừng gọi như vậy mà xa cách với bà con”. Đại tướng đến nhà các gia đình chính sách, bà con xã viên để tặng quà, thăm hỏi đời sống, sinh hoạt. Đến đâu bác Thanh cũng thân mật, ân cần chứ không câu nệ, giữ khoảng cách gì”. 

Ông Đính cho biết thêm: “Rồi bác Thanh kiểm tra lại toàn bộ quy trình của HTX; thường xuyên đội nón lá, mang áo tơi, cấy lúa, tát nước, hát đối đáp hò khoan Lệ Thủy cùng xã viên; lội khắp ruộng xem cày bừa có kỹ, đất có tơi không, việc nào cũng thành thạo. Bác Thanh nói vì sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lúc nhỏ cũng chân lấm tay bùn nên quen rồi. Lúc rảnh, bác Thanh nói: “Bây giờ làm lúa, làm màu có lương thực rồi, bà con phải phát triển thêm các ngành nghề để thu tiền. Vậy là HTX mở thêm 16 nghề: nung gạch, ngói, vôi, nuôi vịt đàn, lợn nái, đoàn thợ rừng, đội xe kéo gỗ... và rất phát triển. Bác Thanh nói nuôi con gì không ăn lương thực thì nên nuôi như dê, trâu bò chỉ ăn cỏ, lá. Rồi bác bảo xã viên đi khai hoang vùng phá Hác Hải (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) được 50ha để trồng cói, lác làm chiếu...”. 

                             Dâng hương tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tháng 2-1961, hội nghị về mô hình HTX quy mô toàn miền Bắc với 1.000 người diễn ra ngay tại trụ sở HTX trong ba ngày. Ngày 20-3-1961, HTX được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày (do Đoàn thanh niên Cộng sản Comsomon Lênin tặng Bác). Bác Thanh hướng dẫn mọi người đưa máy lên vùng bến Tiến (xã Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy); địa danh nổi tiếng trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Có ai về Đại Phong xin vô ghé thăm vùng bến Tiến. Tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”. Từ vùng đất heo hút sát biên giới Việt - Lào, HTX đã khai hoang được gần 200ha đất để trồng chè xanh, mía, khoai, sắn. 

Trong hơn ba tháng ở Đại Phong, Đại tướng rất gần gũi, cùng ăn ở, làm việc, sinh hoạt với bà con. Ăn uống đơn giản, cùng với bà con. Có hôm 3 giờ sáng, bác Thanh đang ngủ ở nhà thờ họ Võ thì nghe tin bà con đi cấy nên dậy cùng đi ra ruộng. Sáng ra anh cận vệ không thấy bác Thanh, tất bật chạy khắp nơi hỏi thăm. 

Ông Đính kể tiếp: “Ngày bác Thanh chia tay mọi người để ra Hà Nội nhận công tác chuẩn bị vào miền Nam chỉ huy cách mạng, tui làm hai câu thơ để tặng: “Đại nghĩa ơn sâu ông Đại tướng. Phong tình nhớ mãi Nguyễn Chí Thanh”. Trước khi đi, bác Thanh dặn dò kỹ lưỡng đối với cán bộ HTX rằng: “Phất cờ lên thì dễ nhưng giữ cho được cờ thì khó lắm. Nên các cậu phải cố gắng giữ cho được phong trào”. Không lâu sau, ngày 6-7-1967, chúng tôi nghe tin bác Thanh mất, đau buồn lắm”. 

                     Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà con xã viên HTX Đại Phong

“GIÓ ĐẠI PHONG” VẪN THỔI 

HTX Đại Phong trở thành một trong ba phong trào điển hình của miền Bắc: “Gió Đại Phong” (trong nông nghiệp), “Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), “Cờ Ba nhất” (trong quân đội). Lấy Đại Phong làm gương, theo đề nghị của Đại tướng, Đảng ta đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất: “Học tập, tiến kịp và vượt HTX Đại Phong” khắp toàn miền Bắc. Ngày 17-5-1961, có gần 3.200 HTX trong nước giao ước thi đua với HTX Đại Phong, hàng nghìn đoàn trong nước và khoảng 40 đoàn nước ngoài đến tham quan, học hỏi. 

   Vợ chồng ông Đặng Ngọc Đính và bà Phan Thị Dung kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Lãnh đạo HTX qua các thời kỳ thường ghi nhớ công lao của Đại tướng và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và hiệu quả, sáng tạo những điều bác Thanh đã dặn dò. Mỗi khi HTX có ách tắc thì chủ nhiệm đưa thư khen, hai bài báo của Bác Hồ: “Một hợp tác xã gương mẫu” (ngày 11-1-1961) và “Phong trào Đại Phong” (ngày 14-4-1961) trên Báo Nhân Dân để bà con nhớ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX cho biết, thời gian này, bà con gặp nhau liên tục hỏi chuyện về Đại tướng. Mỗi ngày có rất nhiều người đến HTX dâng hương, tưởng niệm Đại tướng. Các giáo viên, học sinh các trường, trẻ em cũng đến tham quan, tìm hiểu tư liệu về Đại tướng và HTX Đại Phong. 

Qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, HTX Đại Phong đạt nhiều thành tích, vinh dự đón nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen; trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất, lá cờ đầu trong phong trào nông nghiệp; góp phần vào sự nghiệp xây dựng XHCN và bảo vệ Tổ quốc; ông Nguyễn Ngọc Ánh (Chủ nhiệm HTX Đại Phong thời kỳ 1960 - 1961) đạt danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Từ một khu dân cư nghèo khó, nay Đại Phong đã lớn mạnh về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%; cơ sở hạ tầng rất hoàn chỉnh; nhà cửa cao tầng san sát; có hàng chục ôtô, máy móc; ngành nghề dịch vụ thu hút hơn 500 lao động... Sản phẩm nông nghiệp, không chỉ đủ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn buôn bán ra nhiều nơi trong nước. Hàng chục năm qua, HTX Đại Phong luôn dẫn đầu huyện, tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng lương thực và thu nhập của xã viên nên đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, hàng chục gia đình trở thành triệu phú, tỷ phú. HTX Đại Phong với số vốn hơn 11 tỷ đồng, đang ngày càng vững mạnh, có uy tín, trái ngược với nhiều HTX nông nghiệp toàn quốc trước tình trạng phát triển èo uột hoặc bị phá sản trong xu thế thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, HTX cũng chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. 

“Ngọn gió” Đại Phong đã “thổi bay” đói nghèo, lạc hậu và thắp lửa tinh thần lao động của nhân dân Đại Phong trong 54 năm qua và góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp miền Bắc phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam chống Mỹ. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân Đại Phong vẫn nhớ từng động tác, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, việc làm của vị Đại tướng bởi ông là người gần dân, hiểu dân và được dân yêu mến. Anh Hoàng nói đầy quyết tâm: “Đại tướng là ân nhân, như là ruột thịt của bà con Lệ Thủy. Chúng tôi mãi biết ơn, ghi nhớ công lao ấy và ra sức thi đua phấn đấu lập thành tích cao để xứng đáng với danh hiệu “Lá cờ đầu nông nghiệp miền Bắc XHCN”; cùng nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển, vươn lên trong cuộc sống”. 
HOÀNG QUÂN

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét