Trời mờ mờ sáng, khắp các ngõ đường làng thôn Tân Hải, những đôi quang gánh nhộn nhịp, rộn ràng đổ xô về triền cát ven biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Giữa màn sương giăng dày, ánh mắt của người phụ nữ làng biển rạng rỡ hẳn lên khi những khoang thuyền trĩu nặng cá cập bờ. Một tháng ba với tiết trời thuận lợi nữa lại về với dải đất Miền Trung và ngư dân vùng bãi ngang Ngư Thủy được mùa cá.
Niềm vui trên bến cá Ngư Thủy
Con đường từ xã Thanh Thủy ra làng biển Ngư Thủy Bắc như chiếc dây neo trườn mình qua những đồi cát giữa bạt ngàn màu xanh của rừng phi lao ven biển. Trên con đường chạy dài ra biển, tiểu thương ở các chợ trong thị trấn Kiến Giang và vùng phụ cận đã nườm nượp tiến về thu mua tôm cá. Trong lúc chờ thuyền nan (loại thuyền nhỏ từ 10 - 15CV) cập bến, những người phụ nữ làng biển Ngư Thủy đã chuẩn bị sẵn sàng mọi vật dụng để vận chuyển cá như két nhựa, đôi quang gánh, rồi rổ rá, thau, bạt... Trời vẫn chưa sáng rõ mặt người, bến cá Ngư Thủy Bắc đã nhộn nhịp tiếng người, tiếng biển. Nào là tiếng nạt con của chị Niệm, khi dặn chúng chạy về nhà lấy thêm rổ rá. Rồi tiếng vận chuyển đồ đạc lỉnh kỉnh của các hộ ngư dân, tiếng trêu đùa oang oang của những chị vui tính cùng với tiếng sóng vỗ bờ đã dệt nên nét đặc trưng riêng của bến cá buổi rạng đông. Giữa lúc mọi người đang oang oang nói chuyện thì có tiếng gọi lớn “Bơ của ba hắn vô rồi Niệm ơi! Bơ của ba hắn vô rồi tề”. Dù đang nạt con, nhưng khi nghe tiếng gọi, chị Niệm mặt tươi hẳn lên. Chị hướng tầm mắt trông về hướng biển, phía các thuyền nan đang tiến vào bờ, nơi đó có chồng chị cùng bạn nghề. Tâm trạng háo hức của chị Niệm in rõ trên nét mặt, bởi mấy ngày hôm nay, ngư dân trong thôn Tân Hải ra khơi đi lộng đều được mùa cá và chiếc thuyền nan của vợ chồng chị cũng thu về cả khoang cá đầy mà chồng chị cùng những bạn nghề đánh bắt được sau một đêm lăn lộn trên biển.
Từ phía biển một hàng dài thuyền nan nối đuôi nhau cập bến. Một lúc sau, tiếng máy nổ, chào hỏi, cười nói râm ran lan ra cả bến. Công việc vận chuyển cá lên bờ được các ngư dân triển khai nhanh chóng. Chiếc bạt được trải phẳng ra trên cát, những chiếc két nhựa đựng đầy cá được thoăn thoắt trao chuyền liền tay. Cũng lúc này, các mẹ, các chị thoăn thoắt phân loại, nào cá nục, cá lá mít, cá trích, mực… theo từng loại riêng biệt. Quang cảnh tất bật, khẩn trương hối hả cả trên bến lẫn dưới thuyền. Nhìn từng đôi quang gánh nặng trĩu cá trên vai của những phụ nữ dẻo dai lội trên cát từ mép biển lên đường cái, đôi chân trần mải miết gánh gồng với nụ cười tươi khi được mùa biển có lẽ đã xua tan đi nỗi mệt nhọc, lam lũ thường ngày.
Cùng phụ giúp vợ vận chuyển cá lên bờ, anh Ngô Quang Tân cười tít mắt, chuyến đi lộng từ chiều tối qua đến tờ mờ sáng nay, bốn anh em trên thuyền thu về được gần 1 tấn cá lá mít, nục, trích… Với giá bán bình quân 6 nghìn đồng/1kg cũng thu về được 5 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, mỗi người được hơn 1 triệu đồng. Vụ cá năm nay, tiết trời thuận nên ngư dân Ngư Thủy đi lộng được mùa cá nên ai ai cũng rất phấn khởi.
Bám biển để mưu sinh
Là vùng biển bãi ngang, ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) đều gắn bó với nghề biển, trong đó đi lộng được ưu tiên làm kế sinh nhai. Chiều chiều, khi cơn gió nồm thổi lên mát rượi từ biển, ngư dân Ngư Thủy lại giong thuyền nan ra biển. Đêm trên biển, ánh đèn sáng trưng của thuyền đánh cá được ví như thành phố giữa trùng khơi. Nơi đó có những người dân cần mẫn buông lưới, buông câu cho đến rạng sáng hôm sau, khi các khoang thuyền đầy ắp cá thì xuôi trở về bến. Có thể nói, những ngôi nhà khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp của người dân làng biển Ngư Thủy đổi thay đều nhờ vào lộc biển.
Với đôi quang gánh trên vai trở về nhà, chị Võ Thị Niệm, thôn Tân Hải vui vẻ cho biết, năm ni được mùa cá lộng nên gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Với số tiền bán cá, chị dành dụm để đóng tiền học cho 3 đứa con, rồi mua sắm thêm ngư lưới cụ và tiền xăng dầu cho chuyến đi lộng vào ngày hôm sau. Cứ thế, mùa đi lộng của ngư dân Ngư Thủy kéo dài từ tháng hai cho đến tháng bảy (âm lịch).
Mãn nguyện vì được cá sau chuyến đi lộng, nhóm anh Tròn, Ánh, Súc, Khuỳnh cùng ngồi lại bên nhau để san sẻ “lộc biển” thu được sau một đêm lăn lộn mưu sinh trên biển. Họ không phân biệt tuổi tác, san sẻ công việc mỗi khi ra khơi vào lộng. Không giấu được niềm vui, anh Võ Quốc Đượm, ngư dân ở xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ, cuộc sống của người dân nơi đây khá hơn nhờ bám biển. Không chỉ khá lên về đời sống kinh tế, người dân miền biển Ngư Thủy đều rất ưa thích các môn thể thao. Cứ vào mỗi dịp lễ tết, miền biển lại rộn ràng không khí thể thao. Tại sân nhà văn hóa các thôn, các giải thể thao được tổ chức, khán giả đứng chật kín người. Anh Đượm như sợ chúng tôi không tin, nên sau cái bắt tay thật chặt, anh hứa khi nào thôn tổ chức giải thể thao, anh sẽ điện thoại cho chúng tôi để về thấy được phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân nơi đây. Không tin sao được, khi phong trào Hò khoan Lệ Thủy ngày một phát triển, nhiều Câu lạc bộ Hò khoan được thành lập tại miền biển bãi ngang này. Như nói được trúng ý, anh Đượm hồ hởi chen ngay, nhiều đêm lênh đênh trên biển, anh em chúng tôi tổ chức thi đối đáp hò khoan vui lắm, vừa giữ gìn bản sắc quê hương, vừa tạo tinh thần thoải mái khi ra khơi. Mải miết chia sẻ những đổi thay của quê hương, nhưng khi chúng tôi hỏi, các anh sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được từ vụ cá này, không cần chừ, Bí thư Đoàn thanh niên xã Ngư Thủy Bắc nói ngay: “Với số tiền tiết kiệm được, sắp tới, anh em sẽ vay mượn thêm vốn đóng chiếc thuyền to để cùng nhau vươn khơi, bám biển”.
Chia tay các ngư dân làng biển khi mặt trời đã hửng nắng, cảnh ngư dân hào hứng, phấn khởi khi được mùa cá cứ đọng lại trong chúng tôi về một cuộc sống no đủ nơi miền biển bãi ngang. Như lời ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Ngư Thủy Nam niềm nở cho biết, thời gian tới, bằng sự nỗ lực của chính mình cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể với số vốn tiết kiệm được, nhiều thanh niên trong xã đã mạnh dạn đóng những thuyền có công suất lớn để quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển.
Xuân Thi
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét