GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA HOẰNG PHÚC (CHÙA TRẠM)




















Buổi lễ công bố quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa và kêu gọi phát tâm xây dựng lại chùa vào ngày 14/3 Giáp Ngọ.

Kể từ ngày Vua Chiêm là Chế Củ cắt dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh vào năm 1069 cho Đại Việt, vậy là đã qua ngót ngìn năm. Lý Nhân Tông đã cho vẽ lại bản đồ và đặt tên mới cho 3 châu là Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh. Châu Lâm Bình xưa (Lệ Thủy bây giờ) bao gồm 3 huyện Phúc Khang, Nha Nghi và Tri Kiến mãi đến thời nhà Trần mới được di dân từ vùng Hoan, Aí (Nghệ An, Thanh Hóa) vào khai phá.

1.Phật giáo bắt đầu du nhập vào nước ta từ đầu Công nguyên và từ đó gắn liền với lịch sử của dân tộc và là tôn giáo bám rễ sâu đậm trong tâm linh con người Việt Nam, bởi tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời “thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”, cốt tủy của Phật giáo là từ bi, hỷ xả,vô ngã, vị tha, cứu khổ, cứu nạn”. 

Từ thời Đinh đến thời Lý, Trần Phật giáo hưng thịnh trở thành Quốc giáo, tạo nên một nền văn hóa riêng của Đại Việt. Dưới triều đại nhà Trần, với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm mà nổi bật là việc truyền ngôi, lui về làm Thái thượng hoàng, rời bỏ chính sự để xuất gia tu hành của các vua Trần càng khẳng định sự hưng thịnh của Phật giáo, như Nhà sử học Lê Văn Hưu ở thế kỉ XIV cho biết : “những người cắt tóc làm sư bằng nữa số dân thường”.

Trong số những người xuất gia quy y cửa Phật phải nói tới Phật hoàng Trần Nhân Tông. Năm 1299, Ngài xuất gia lên núi Yên Tử, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm cư sĩ, tự xưng là Hương vân Đại đầu đà, người đời gọi Ngài bằng mỹ hiệu là Trúc Lâm Điều ngự hay Điều ngự Giác Hoàng. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất các phái thiền học đã có và phát triển thành một phái thiền học duy nhất ở Việt Nam thời Trần: Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử. Và ông trở thành vị tổ khai sáng của dòng thiền Trúc Lâm. Đây là dòng thiền đậm chất nhập thế và cũng là dòng thiền mang đậm chất Việt Nam. 

Sau khi thành đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đi khắp nước thuyết pháp. Ngài đã vân du giảng Phật pháp tại nhiều trung tâm Phật giáo của nước ta thời bấy giờ, như chùa Phổ Minh, Sùng Nghiêm, Báo Ân, Vĩnh Nghiêm...và đi vào quần chúng để truyền bá những nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo. Trên đường truyền đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng vân du vào nam thăm vua Chiêm, tác thành mối nhân duyên cho Huyền Trân công chúa với Chế Mân. Lần đó ngài đã dừng chân ở Châu Lâm Bình, phủ Tân Bình xưa (Quảng Bình nay), biên địa cực Nam của Đại Việt. Và trong chuyến đi này, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã dừng chân, thuyết pháp truyền giảng giáo lý Trúc Lâm với các tín đồ Phật tử Quảng Bình thời kỳ ấy tại đây, Am Tri Kiến xưa, chùa Hoằng Phúc sau này. 

Mãi đến ngót 400 năm sau, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1692-1725) người đã có đóng góp rất quan trọng đối với lịch sử mở đất của dân tộc và là một phật tử nhiệt thành mang đạo vào đời mà người đời đã ví như là một Trần Nhân Tông tái thế trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà hộ pháp tích cực và vận dụng tinh thần của Phật giáo vào chính sách cai quản của mình đã cho xây dựng và trùng tu quy mô lớn nhiều ngôi chùa tại Thuận – Quảng như chùa Thủy Vân, chùa Linh Mụ và chùa Kính Thiên (tức Hoằng Phúc ngày nay) vào năm 1716. Nối tiếp Phúc Chu, các vua Nguyễn sau này như Minh Mạng, cứ vài ba năm lại xuất tiền sửa sang chùa Kính thiên vào các năm 1821, 1823, 1826. Lần trùng tu cuối cùng là vào năm 1842 dưới triều Thiệu Trị.

2. Chùa Hoằng Phúc là một trong những danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Đến nay, chùa đã có một chiều dài lịch sử trên 700 năm. Chùa Hoằng Phúc còn có những tục danh là Chùa Quan hay Chùa Trạm. Chùa tọa lạc trên vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000 m2, thuộc phường Thuận Trạch nay là thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy khoảng 4 km về phía Nam.

Trong các tài liệu lịch sử cũ và Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về chùa Hoằng Phúc thì không thấy nói rõ chùa khởi dựng từ năm nào, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) đã có từ trước khi Dương Văn An viết Ô châu cận lục và phải có trước khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến vào năm 1301. Sử cũ chép: “tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành ghé qua Châu Lâm Bình, Am Tri Kiến”.

Trong Ô châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An (nhuận bút vào năm 1555) khi viết về chùa Kính Thiên đã mô tả: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi trong tăng giới) và sái phu ( người quét dọn) bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”. Trong Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam, khi đề cập đến chùa Hoằng Phúc cũng đã dẫn lời trong Ô châu cận lục mô tả một số chi tiết rất đáng chú ý: “Giữa nơi nước biếc vờn quanh, non xanh bao bọc nổi lên một ngôi sơn tự. Nhà phương trượng và các trai phòng san sát...xưa có tăng quan trụ trì và được cấp sái phu (người quét dọn) để phụng sự”. 

Các nhà nghiên cứu gần đây trong các bài viết cũng chưa xác định được niên đại khởi dựng chùa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số tài liệu , thì chùa Hoằng Phúc có thể xuất phát ban đầu là một thảo am. Vì hầu hết các ngôi chùa danh tiếng và có bề dày ở vùng Thuận Hóa xưa đều có nguồn gốc từ thảo am. Khuynh hướng phát triển từ thảo am lên chùa là khuynh hướng chung của nhiều chùa. Điều này được giảI thích từ ý thức cưu mang, phổ độ của Phật giáo thời Lý, Trần (thời thịnh trị của Phật giáo thống lĩnh đời sống tinh thần dân tộc) các vua Lý, Trần đã cho lập Đình, Am, Quán khắp nơi làm chốn trú chân cho người qua đường. Năm 1231, Thượng hoàng Trần Thừa còn có phủ dụ các làng chưa có chùa phải dựng tượng phật trong đình làng để thờ cúng. Chùa Kính Thiên chắc phải có từ những thời ấy.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng, năm 1609, Chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kính Thiên. Vậy là cái tên Kính Thiên đã có từ thế kỷ XVII. 

Theo Đại Nam nhất thống chí, năm Bính Thân (1716), chúa Nguyễn Phúc Chu, vị vua thứ 6 trong 9 đời vua nhà Nguyễn ra thăm và cho cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối liễn treo ở chùa.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn kéo dài 148 năm ( 1627- 1775), chiến tranh loạn lạc, cũng giống như các chùa khác, chùa Kính Thiên rơi vào cảnh hoang tàn và quên lãng. Đến thời điểm này, trong sử sách không thấy ghi chép gì về chùa Kính Thiên nữa.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) là thời điểm cuối cùng trùng tu chùa Hoằng Phúc và cũng là lần trùng tu có quy mô. Chùa Hoằng Phúc mặc dù không ở đỉnh cao của kiến trúc triều Nguyễn, nhưng nó được hưởng những nét chủ đạo của dòng kiến trúc triều Nguyễn. Nền móng chùa và hệ thống tường rào bao quanh, cổng Tam quan của chùa Hoằng Phúc còn lại đến nay cho chúng ta they, đây là một ngôi chùa lớn. Đặc biệt, Tam quan chùa bao gồm ba cổng được bố trí theo kiểu kiến trúc tách rời và nối nhau bằng hệ thống tường, không giống cổng Tam quan của đa số chùa Việt.

3. Với chiều dài lịch sử trên 700 năm, Chùa Hoằng Phúc mang dấu ấn gắn liền với những biến cố thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Chùa Hoằng Phúc không những là nơi thờ tự các đức Phật, nơi hoằng dương Phật pháp mà còn là nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương qua các thời kỳ.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, với vị trí nằm ở vùng bán sơn địa, xung quanh cây cối um tùm và giáp với Mỹ Thổ - Trung Lực, là nơi ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Quảng Bình (11/1931), Chùa Hoằng Phúc đã trở thành cơ sở nuôi giấu, che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động. Tại ngôi chùa này đã chứng kiến biết bao lần các đồng chí đảng viên chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực về tuyên truyền vận động để đi đến thành lập nhóm Thanh niên cách mạng gồm các đồng chí Trần Chí Hiền, Võ Chí Vệ, Hoàng Minh Kính, Trần Tác, Trần Thị Giữ… Đặc biệt năm 1943, đồng chí Bùi Trung Lập, cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ cũng đã đến đây để gặp gỡ cán bộ, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, cổ vũ tinh thần đấu tranh đến quần chúng nhân dân. Đầu tháng 5 năm 1945, theo chỉ thị của cấp trên, Ban vận động khởi nghĩa các làng được thành lập, chùa Hoằng Phúc được chọn là nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa và chuẩn bị lực lượng, vũ khí tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Cao Vân (nay là xã Mỹ Thủy) có một vị trí chiến lược quân sự và kinh tế hết sức quan trọng. Là xã có trục đường sắt đi qua, có tỉnh lộ 5 nối liền quốc lộ 1A đến Mai, Phú, Sơn Thủy, có trục đường liên xã nối huyện lỵ Lệ Thủy đến chiến khu Bang Rợn, là vùng đất bán sơn địa, có nương vườn rậm rạp, trong thế trận chiến tranh không bao giờ bị chia cắt, lương thực dồi dào đó là những tiềm năng vô giá của chiến tranh du kích trong thời kì đầu kháng chiến.

Trong những năm tháng đấu tranh đầy cam go, ác liệt đó, chùa Hoằng Phúc là nơi cất dấu vũ khí, là nơi kết nạp, huấn luyện dân quân tự vệ, nơi các cán bộ quân sự cấp trên về hội họp và cùng tổ chức những trận tập kích ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp ở tỉnh Quảng Bình. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ Thủy là một trong những xã tiếp giáp trực tiếp với tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây là hậu cứ của chiến trường B, nơi tập kết hàng hóa, vũ khí, điểm dừng chân trước khi vào chiến trường miền Nam. Năm 1967, phát hiện tại Mỹ Thủy có các đơn vị bộ đội đóng quân và tập kết hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam, giặc Mỹ đã tập trung không quân dội bom đánh phá liên tục. Chùa Hoằng Phúc và nhiều ngôI nhà khác của dân trong vùng đã bị đánh sập. 

Có thể nói trong những năm tháng đầy khó khăn gian khổ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chùa Hoằng Phúc và các phật tử đã đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ miền Bắc, giải phòng miền Nam. Các Phật tử đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại địa phương, có rất nhiều trong số họ đã tham gia quân đội, TNXP, dân công hỏa tuyến góp phần đẩy nhanh sự nghiệp thống nhất đất nước.

4.Chùa Hoằng Phúc ngày xưa được xây dựng trên nền tảng quan niệmKhổng Giáo, Nho giáo về phong thuỷ, “đất ấy phải là thế đất tốt, tạo lập phải vào ngày tốt, giờ tốt”. Hoằng Phúc tọa trên địa linh thế đất cao ráo, bằng phẳng, có sông Ngô Giang (hói Quy Hậu, sông Dương Xá) bên tả làm Thanh long; Sông Bình Giang (Kiến Giang) bên hữu làm Bạch hổ; Tiền án là núi An Sinh làm bình phong; Hậu chẩm là đồng ruộng mênh mông vạn khoảnh phúc lộc đầy đặn. Vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cảm tặng cho chùa bức hoành phi: “Vô song phúc địa”, tức là vùng đất phúc, đất thiêng có một không hai. 

Tuy chùa Hoằng Phúc bây giờ bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn là một ngôi chùa u tịch, tiên cảnh ngày xưa, nhưng qua khảo sát nền móng, bức tường xưa còn lại đầy rêu phong, cổng Tam quan với rễ cây cổ thụ quấn chằng chịt, với cây xoài, cây đa to lớn phủ kín sân chùa, chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ trầm mặc cổ kính, hoành tráng và uy nghi được các thánh liệt xưa đặt tên “Kính Thiên Tự”, “Hoằng Phúc Tự” với câu hoành phi nổi tiếng “Vô song phúc địa”, ẩn chứa sự huyền bí, thiêng liêng mà người dân trong vùng truyền tụng cho đến ngày nay.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng nhờ đất thiêng cõi phật cùng tâm sáng của chúng sinh, phật tử, diện tích khuôn viên chùa Hoằng Phúc hiện nay vẫn gần nguyên vẹn như xưa, có đến 10.000m2.

Qua khảo sát cổng Tam quan còn sót lại của chùa Hoằng Phúc, từ dưới sân chùa, lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là nhà bái đường, đây là nơi đặt hương án, nơi thắp hương chính của chùa, hiện nay chỉ còn nền móng.

Mặt tiền khuôn viên chùa Hoằng Phúc xưa có một giếng nước tục gọi là giếng Phật, nước mát ngọt, là công trình cổ thời xưa còn lại. Giếng rộng hơn 3m nằm phía trước chùa, ở vị trí cạnh đường liên xã Mỹ Thủy- Tân Thủy, được xây bằng gạch và đá ong xếp liền nhau.

Chùa Hoằng Phúc còn lại khá nhiều hiện vật, trong đó hiện vật có giá trị như chuông chùa và một số tượng Phật: Chuông bằng đồng, nặng 80kg, cao 1,1m, đường kính 0,5m. Tai treo chạm nổi hai con rồng, miệng ngậm ngọc, chân 4 móng, tai cao 0,3m. Thân chuông có khắc tỉ mĩ hoa văn hoa lá cách điệu, có khắc nổi hình bốn mặt trời. Chuông có bốn núm (tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ , Thu, Đông), ở các núm có khắc bốn chữ Hán: Hoằng Phúc Linh Chung và bài minh: Hoằng phúc hồng chung minh ký. Với nội dung: Nhân lễ hội Tịnh độ (lễ cầu siêu cho vong hồn người chết, đồng thời cầu phúc cho mọi người), dân chúng Thuận Trạch đã cùng nhau kiến tạo đúc chuông lớn, đặt tên là Hoằng Phúc linh thiêng để hoằng dương Phật pháp (tuyên dương truyền bá Đạo Phật) nhằm mục đích khuyến thiện, tiêu ác (khuyên mọi người chuyên làm điều lành, từ bỏ việc ác). Bài minh được khắc vào ngày 27 tháng 6 năm Kỷ Hợi niên hiệu vua Minh Mạng thứ 20 (1839), cách đây gần 200 năm.

Ngoài ra, địa phương còn lưu giữ được nhiều di vật như tượng phật, hoành phi, câu đối và đồ thờ cổ. Đó thực sự là những cổ vật có giá trị về mặt lịch sử, Bảo tàng học, Phật học mà nhiều nhà khoa học có thể nghiên cứu tìm hiểu, phát hiện nhiều điều quý báu.

Chùa Hoằng Phúc được xem là một ngôi “Đại tự” rất linh thiêng. Nhân dân trong vùng, các vùng lận cận và khách thập phương vẫn thường xuyên đến đây thắp hương cầu khấn. Hình ảnh rêu phong trên các đường nét kiến trúc cổ kính đem lại cảm giác an lạc cho mọi người ngay từ khi bước chân tới đây.

Trong nay mai, khi chùa Hoằng Phúc được phục hồi lại, chắc chắn sẽ là điểm du lịch tín ngưỡng tôn giáo, thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, làm phong phú thêm loại hình du lịch ở Quảng Bình. Chùa Hoằng Phúc nằm trong hệ thống các điểm du lịch như: Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ Hoàng Hối Khanh, vụ thảm sát Mỹ Trạch...

Di tích chùa Hoằng Phúc là một trong những di tích lịch sử văn hóa về tôn giáo quý giá và hiếm hoi của tỉnh Quảng Bình. Sau khi được xếp hạng di tích, chính quyền địa phương cần có hình thức tuyên truyền để nhân dân có ý thức bảo vệ cổ vật nói riêng và di tích chùa Hoằng Phúc nói chung.

Trước mắt, cần có dự án phục hồi lại ngôi chùa trên nền móng cũ, cũng như tạo cảnh quan trong khuôn viên, trồng cây tạo cảnh, tôn tạo hồ sen, đưa di tích trở lại nguyên trạng, nhằm đảm bảo có nơi thờ tự tôn nghiêm, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Phật tử và nhân dân. Thông qua những hoạt động lễ hội ở chùa để giáo dục các thế hệ Phật tử sống phúc âm trong lòng dân tộc, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét