RẠM BÈ PHÁ HẠC HẢI

Viết để nhớ mùa Rạm

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lệ Thủy, đã từng sải chân lội bùn trên đầm lầy phá Hạc Hải nhưng đôi khi tôi bật lên những câu hỏi rất ngớ ngẩn, con Rạm nước lợ sống ở đâu mà mùa nào cũng vào dịp này (từ rằm tháng tư đến mồng 5 tháng 5) Rạm bắt đầu nổi kết thành bè trôi xuôi theo dòng nước về hướng sông Nhật Lệ để kiếm bạn tình cho mùa sinh sản.

Bây giờ, những cảnh tượng hung vĩ của từng đám Rạm bám vào nhau có đám rộng đến cả ngàn mét vuông, trôi như một đám rong màu xanh nâu không còn nữa. Vì rằng môi trường sống mênh mông của Rạm ở vùng nước lợ Hạc Hải không còn. Người ta ngăn dập Mỹ Trung nhằm ngọt hóa gần hết phá Hạc Hải để tăng diện tích trồng lúa. Ngót 40 năm rồi thì cũng ngọt hóa được năm, bẩy trăm héc ta đầm lầy rồi bỏ hoang vậy. Dân tứ bề đầm phá ra đó tự khai phá, be bờ trồng lúa mỗi năm một vụ, hầu như chẳng ai quản lý. Hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu nhưng cả một vùng nước lợ mênh mông của đầm lầy Hạc Hải coi như bị xóa sổ. Môi trường sinh sống của cá, tôm, cua nước lợ mất, mất luôn nhiều sản vật quý giá trong đó có con Rạm.

Loài Rạm, khi nước triều xuống để lại những vùng trũng với những năn, lác, rong rêu phát triển um tùm chính là nơi sinh trưởng tuyệt vời của Rạm. Cũng sống trong nhưng Rạm luôn ở ngập nước, thân dẹt, con to nhất bằng miệng chén trà. Rạm có màu rêu nhạt,con đực cặp càng to yếm hẹp, con cái cặp càng nhỏ yếm rộng. Hang Rạm hẹp, phía trước cửa hóa trang bằng rác xé nhỏ. Khi lớn, Rạm đanh cứng như đá, mai phồng căng, con cái yếm nở tròn từa tựa như nắp ấm sứ, con đực yếm chụm lại như tháp Ep phen. Lúc này chân rạm túa lông, bộ phận sinh dục căng tức khiến chúng phá tổ nhao ra, đúng tầm rằm tháng 4 đến mồng 5 tháng 5 âm lịch là mùa 'rạm trôi', chúng loe xoe tám cẳng bơi ngược các dòng chảy, tìm cách vượt sông sinh sản. Trứng Rạm sẽ nở ở vùng nước mặn gần cửa sông dồi di cư dần lên đầu nguồn, đến vùng nước lợ nơi cha mẹ chúng đã sống để trưởng thành rồi làm tiếp thiên chức của nòi giống.

Khi còn ở hang, vì đặc điểm hóa trang nên tổ Rạm dễ bị những lão ngư lành nghề phát hiện. Dụng cụ bắt Rạm thông dụng nhất là "chẹp", trong đặt cái 'chũm' tre gói ếch nhái băm vụn với vài hạt muối để nhử. Hoặc vào mùa "Rạm trôi" người ta còn dùng vó, đáy... để đánh bắt. 

Quê mình, ngoài cái cách ăn vội cho kịp phiên làm đồng bằng cách cho cả con vào chảo rang lên với mắm muối, ăn với cơm. Khi thong thả, con Rạm còn chế biến được nhiều món ngon.

Bình dân nhất là món riêu như cua đồng, đặc biệt ngon khi nấu với mướp đắng, ăn với bún. Rạm được rửa sạch, bóc bỏ mai, khều lấy gạch, bẻ đôi phần thân xào qua mắm muối rồi cho nước vào đun sôi lên, cho mướp đắng thái mỏng vào, tao tí mỡ vớí ớt bột và trứng rạm rồi đổ lên trên làm màu. 

Món thứ hai là, con Rạm bóc yếm khều "gạch", phần thân om với măng tre tươi, phi "gạch" với cà chua phủ lên trên, vị ngăm ngăm đắng của măng quyện với mùi thơm đặc trưng của Rạm sẽ khiến cho người thưởng thức một cảm giác tuyệt vời.

Món thứ ba, Rạm chiên lá lốt. Thái nhỏ lá lốt, đánh một ít bột mì dạng sền sệt, quấy đều hai thứ ấy. Rạm bỏ mai, nhúng vào bột loãng ấy rồi thả vào chảo dầu nóng mà rán. Mùi vị của nó thì tuyệt vời hấp dẫn.

Món thứ tư, Rạm rang me. Rạm bóc mai ướp muối gia vị, để ráo nước, cho vào nồi đun nhỏ lửa. Dầm ít quả me chua với nước rồi đổ nước me vào đun đến cạn. Phi gạch rạm với dầu và ớt bột rưới lên. Thái nhỏ ít lá rau răm rắc lên mặt. 

Nhớ có lần về Đồng Hới đi ăn cháo bánh canh với bạn. Món cháo ngon, ngọt quá khiến tôi vét đến thìa nước cuối cùng, miệng hít hà hỏi ông chủ quán, răng ngọt mà thơm như mùi thịt cua. Ông chủ quán cười, ghé tai tôi tiết lộ, nước dùng là con Rạm nước lợ đấy. Tôi ồ lên thán phục.

Ông tôi ngày trước thích nhất món “tiết canh Rạm”, chọn những con Rạm thật 'mẩy', rửa sạch cho vào bát, gia một chút muối, mỳ chính, vắt thêm nửa quả chanh, đổ nước vào xấp thân rồi dùng đũa quay thuận chiều đủ ba trăm lần, mỗi mẻ chỉ làm được một con. Rạm đánh như vậy vẫn giữ nguyên màu như sống, nhưng khi bóc ra thịt đã ngấm chín và "gạch" rắn lại, ăn có vị bùi và ngậy đậm.

Nhớ ngày Hạc Hải còn nguyên sinh, mỗi năm đến dịp này là rạm nổi. Cư dân vùng Hồng Thủy, Thanh Thủy, Gia Ninh, các làng nghề cá như An Lạc, Phú Thọ, Xuân Hồi… trẩy hội về Hạc Hải chăng nò, đặt đáy để đón rạm nổi. Trên mỗi chiếc thuyền con, người ta quây một cái bồ bằng cót rộng kín cả khoang thuyền, chèo ra neo chặt ở cữa đáy. 

Những con Rạm sống rải rác âm thầm trong những cái hang nhỏ trải khắp hàng trăm héc ta đầm phá đến kỳ sinh sản là bơi đi kiếm bạn tình. Chúng bấu chặt vào nhau, một đôi, hai đôi, dăm bảy đôi rồi hang trăm hang ngàn vạn đôi kết thành bè rộng vài chục, vài trăm mét vuông. Gặp đáy, chúng dồn lại phía cửa. Dân chài chỉ có việc dùng rổ, rá xúc đổ vào bồ, thuyền này đầy thì thuyền khác ghé vào. Cơ man là rạm.

Thuyền đã đầy thì xuôi Đồng Hới, ngược chợ Tréo, chợ Hôm, chợ Thùi, ngược lên chợ Trạm, vào tận chợ Mai… Người bán chỉ cứ việc đứng dưới thuyền, kẻ mua trên bờ đưa chậu đưa thúng ra là được xúc đổ vào. Vật đong là một chiếc bát tô với một chiéc đĩa. Vục tô vào bồ, úp đĩa lên trên đày ắp là đổ sang. Rạm bán rẻ như cho.

Bây giờ thì còn đâu con Rạm ngon của tôi khi phá Hạc Hải không còn nước lợ.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét