NGÁT HƯƠNG DẦU TRÀM THÁI THỦY

Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng gò đồi Thái Thủy (Lệ Thủy) bát ngát loại cây tràm, cây chổi. Để rồi từ “lộc trời cho” đó, những người dân cần cù, chịu khó nơi đây đã chưng cất được loại tinh dầu quý, vừa có thêm nghề phụ tăng thu nhập buổi nông nhàn, lại vừa tự “chế tạo” loại dược liệu quý chữa được bệnh cho mọi người. Dầu tràm, dầu chổi được dùng khi cảm mạo đau ốm, xoa bóp chân tay khi đau nhức hay sưng tấy, khử mùi..., đặc biệt người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mới sinh... rất chuộng sản phẩm này.
















Lò nấu chưng cất dầu tràm, dầu chổi thủ công của gia đình chị Nguyễn Thị Vượng và anh Lê Văn Giáo (Minh Tiến, Thái Thủy, Lệ Thủy).

Nghề chưng cất dầu tràm, dầu chổi rất nổi tiếng ở làng Tân Duyệt Hạ (nay sát nhập với thôn An Lão thành thôn Bắc Thái). Tương truyền, nghề truyền thống này được ông Tổng Đạm, người xứ Thuận Hóa ra cư trú nơi đây, khơi nguồn từ trước những năm 1930. Với vùng nguyên liệu sẵn có, nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn..., làng nghề cứ thế lớn mạnh, hưng thịnh, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ông Phạm Văn Thái, Trưởng thôn Bắc Thái, còn nhớ thời đó người dân Tân Duyệt Hạ lập nồi nấu trong các hẻm núi, cung cấp đầy đủ dầu cho bà con và bộ đội. Hầu như chưa bao giờ trên địa bàn làng vắng bóng các lò nấu dầu và hương thơm của tinh dầu tràm, dầu chổi.

Vậy mà chỉ sau mấy chục năm, cả làng Tân Duyệt Hà giờ đã không còn một lò nấu dầu tràm, dầu chổi nào còn đỏ lửa. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là những người chưng cất dầu cuối cùng của làng, cũng đã từ bỏ nghề cách đây hơn một năm. Làm nghề từ những năm 1990, gần 20 năm gắn bó, anh Nguyễn Văn Hùng ngậm ngùi tâm sự dù rất muốn tiếp tục duy trì nghề truyền thống cha ông để lại này, nhưng khi nguyên liệu nấu ngày càng ít đi, thiếu phương tiện chuyên chở, công sức bỏ ra ngày một nhiều, nhân công không có... thì nhiệt huyết với nghề tạm thời bị gác lại.

Sự thật đáng buồn là trong khi thị trường tiêu thụ loại dầu quý vẫn còn rất tiềm năng và giá thành cũng khá cao: 400.000 đồng/0,7 lít dầu tràm trộn dầu chổi, 450.000-500.000 đồng/ 1 lít dầu tràm. Đặc biệt, những ngày đông lạnh cuối năm, nhu cầu thị trường về dầu tràm, dầu chổi càng tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (Lệ Thủy) Trần Đức Phong cho biết, hiện nay toàn xã chỉ có gia đình chị Nguyễn Thị Vượng và anh Lê Văn Giáo (Minh Tiến, Thái Thủy) là còn duy trì nghề chưng cất tinh dầu tràm, dầu chổi. Làm nghề từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chị Nguyễn Thị Vượng phải rất quyết tâm và được sự động viên, hỗ trợ nhiều từ bà con, chính quyền, mới “giữ lửa” được lò nấu đến tận bây giờ.

Theo chị, nghề truyền thống này nhìn thì đơn giản, thành phẩm bán được giá cao, nhưng công sức bỏ ra lại rất lớn. Ngay từ sáng sớm, anh chị đã phải lên rừng xa hơn 15 cây số để bứt tràm. Từ năm ngoái, cây chổi dường như vắng bóng, cho nên 2 năm trở lại đây, anh chị chỉ có thể chưng cất dầu tràm. Không chỉ hái tràm ở Thái Thủy, đôi vợ chồng chịu thương chịu khó này còn cất công sang tận Trường Thủy để hái cho đủ nguyên liệu cần dùng.

Hiện nay, để nấu được 1 nồi dầu tràm phải cần 1 tạ nguyên liệu, nhưng phải có tới 6 nồi như vậy mới chưng cất được 1 lít dầu tràm. Nếu vào mùa tràm sẽ thuận lợi hơn khi chỉ cần 4 nồi là cho ra được 1 lít dầu tràm. Với sức vóc của anh chị, mỗi người một ngày cố gắng lắm cũng chỉ làm được 2 nồi/người mà thôi. Có thời điểm, gia đình thuê thêm nhân công, nhưng rồi do chi phí cao, anh chị lại đành “tự thân vận động”.

Trước đây, để đủ nguyên liệu nấu dầu, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng phải đi "lùng" mua lại từng mớ lá chổi của bà con như thế này.

Có được nguyên liệu rồi, việc chưng cất cũng lắm công phu. Lò nấu giản đơn theo truyền thống của gia đình chị Vượng được xây cất ngay trong vườn nhà. Bếp lò có cấu trúc tương tự như bếp Hoàng Cầm của bộ đội xưa: chân bếp được đào thấp xuống, phần thân được đắp đất bùn cao, một chiếc thùng phi lớn được đặt trong bếp, phía trên đặt chiếc “lao” dùng để lọc. “Lao” là thùng gỗ lớn được ghép bằng nhiều mảnh gỗ kín kẽ, bên hông có thêm cần dài để lấy tinh dầu.

Theo chị Vượng, chưng cất tinh dầu tràm, dầu chổi cũng giống như cách nấu rượu thủ công vậy. Nước và tràm được đổ vào thùng phi với tỷ lệ nước theo công thức nhất định. Khi nước sôi, người làm khéo léo lật úp “lao”, vừa khít với phần thùng phi phía dưới. Nước lạnh được đổ vào “lao” và đất sét được trét kín quanh “lao”, tránh không có khe hở bốc hơi nào. Mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn khi sau đó tinh dầu sẽ theo ống chảy vào chai đựng. Xác tràm nấu xong được phơi khô làm chất đốt hoặc làm phân bón ruộng, lợi cả đôi đường.

Mỗi lít dầu tràm làm ra đều được khách hàng lấy ngay tận nhà, thậm chí nhiều khi khách cần mua nhưng chị Vượng không có hàng để bán. Vào 3 tháng đầu mùa tràm, thu nhập gia đình xấp xỉ gần 17 triệu đồng, nhưng vào mùa mưa, có trường hợp cả tháng chỉ làm được 0,7 lít dầu tràm. Chính quyền xã thường xuyên động viên gia đình chị cố gắng giữ vững nghề truyền thống của làng. Nên bên cạnh nghề chưng cất dầu quý, anh chị mày mò thêm nghề làm hương để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mong muốn trước mắt của hộ gia đình duy nhất còn giữ nghề truyền thống này ở xã Thái Thủy là được hỗ trợ một ít vốn để xây dựng lại khu bếp nấu khang trang, tươm tất hơn và đầu tư một nồi nấu hiện đại, tiết kiệm công sức hơn.

Đối với mảnh đất Quảng Bình nhiều nắng gió, dường như mỗi tên đất tên làng đều gắn bó với những làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc riêng của địa phương: từ vùng chiêm trũng Lệ Thủy, vùng đất cát Quảng Ninh... cho đến vùng đất trù phú dọc sông Gianh...

Chỉ tiếc là do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhiều làng nghề đã dần dần mai một và thất truyền theo thời gian, để lại nhiều nuối tiếc cho thế hệ hậu bối.

Hiện nay, theo Quyết định số 2075/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho các địa phương, tỉnh ta có 5 làng nghề truyền thống và 10 làng nghề.

Mai Nhân

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét