Vùng đất Quảng Bình không chỉ nức tiếng bốn phương bởi những cảnh đẹp thiên nhiên ưu ái ban tặng, các nhân vật nổi tiếng tên tuổi rạng danh lịch sử, mà còn bởi nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc địa phương, có một không hai. Tiếc rằng, do con tạo xoay vần và sự mài mòn vô hạn của thời gian, đa phần làng nghề truyền thống đã dần trôi vào ký ức người xưa, nay chỉ còn lại những cái tên "vang bóng một thời".
Gia phả một phái của dòng họ Trần Minh (Tuy Lộc, Lộc Thủy, Lệ Thủy), được viết trên giấy bổi, vẫn còn nguyên màu mực tàu.
Bấy lâu nay, nhắc đến xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), người ta nhớ ngay đến hai đặc sản riêng có: chiếu cói An Xá và rượu Tuy Lộc. Và rất ít, nếu như không muốn nói là hiếm ai còn nhớ đến giấy bổi Tuy Lộc ngày nào.
Tiến sĩ Dương Văn An, người làng (thôn) Tuy Lộc, Lộc Thủy (Lệ Thủy), đã có công lớn đưa nghề làm giấy bổi từ đất Kinh thành xa xôi về truyền dạy lại cho người dân nơi đây. Tuy Lộc chỉ có hai xóm làm giấy là Nhơn Thủy và Thuận Thủy, gọi chung là xóm Giấy.
Theo sách Địa chí huyện Lệ Thủy (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin 2010), trước đây, chỉ có ba nơi ở nước ta làm được loại giấy hiếm này, đó là làng Tuy Lộc (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), làng Dương Ô (Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh) và làng Thanh Trì (Từ Liêm, Hà Nội). Như vậy mới biết, giấy bổi Tuy Lộc có tiếng tăm đến như thế nào.
Nghề làm giấy biến mất từ bao giờ cũng khó ai nhớ nổi mốc thời gian, chỉ biết là từ khi công nghiệp giấy bắt đầu phát triển, nhu cầu thị trường đối với giấy bổi không còn, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm, những hộ làm giấy ít dần đi từng ngày. Ngày nay, về làng Tuy Lộc, nếu may mắn gặp gỡ, chuyện trò với các bậc cao niên, thì những ngày tháng hưng thịnh của làng nghề giấy bổi Tuy Lộc mới trở về nguyên vẹn từ miền ký ức xưa.
Cụ Trần Minh Lều năm nay đã bước sang tuổi 92, vậy mà cụ vẫn nhớ rõ và không bỏ sót bất cứ công đoạn nào của quy trình làm giấy bổi. Gia đình mấy đời làm giấy, do đó, từ khi là một cậu bé, cụ Lều đã được tham gia vào một số công đoạn nhỏ và phụ. Vỏ cây dó – nguyên liệu chính làm nên giấy bổi – được bà con hái từ rừng cách làng mấy chục cây số, hoặc thu mua từ các chợ, đặc biệt có giai đoạn nguyên liệu khan hiếm, người dân phải đi vào tận chợ Cam Lộ (Quảng Trị) để mua.
Sau khi đem về nhà, vỏ cây dó được ngâm vôi và muối trong một ngày một đêm. Tiếp theo, vỏ cây được vớt ra và đem vào lò nấu. Lò nấu được cấu tạo khá đơn giản với chảo gang to, giá bằng tre ken dày. Sau một ngày một đêm, vỏ cây được đưa ra bến Dó để ngâm giặt, đạp sạch và phân loại: vỏ non làm giấy tốt, vỏ già làm giấy tạp phẩm, giấy gói hàng... Công đoạn giã được xem là vất vả, mệt nhọc nhất, nhưng cũng lại vui vẻ và hào hứng nhất. Càng đông người làm, công việc càng nhanh, càng vui.
Những nam thanh nữ tú thức thâu đêm bên cối giã, giọng Hò khoan Lệ Thủy vang từ làng trên xóm dưới, khung cảnh rộn ràng hơn cả mùa lễ hội. Anh Trần Minh Mẫn (57 tuổi), con trai của cụ Lều, vẫn còn nhớ như in khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt ở sân làm giấy trước nhà khi còn là một cậu bé. Sự đoàn kết, gắn bó của hàng xóm láng giềng như thêm thắm thiết, keo sơn bên cối giã giấy. Trong khi giã, vỏ nhựa cây bời lời được bỏ vào để tăng độ kết dính. Vỏ cây giã nhuyễn được trộn tiếp với nước trong thùng “múc” (đựng) giấy và dùng “lụi” đánh loãng.
Bến Dó xưa nay chỉ còn lại trong ký ức!
Sau đó, người làm giấy phải đổ dung dịch này vào những khuôn đã xếp sẵn. Các thợ tráng tay nghề cao, khéo léo rất được ưa chuộng trong công đoạn này. Cụ Phạm Thị Lệch (88 tuổi), cũng từng là một thợ tráng giấy thuê thuở xưa, cho biết người thợ giỏi nghề biết phải tráng khuôn thật đều, thật mỏng, sao cho ít hao bột và loại bỏ nhiều xơ nhất. Để làm được điều này, người thợ tráng phải học nhiều, làm nhiều để cho thật quen tay và tự rút cho mình những kinh nghiệm quý báu. Tiếp theo, các khuôn được “đằn” (chèn) khô bằng trụ ép, rồi đem phơi khô. Công đoạn cuối cùng là xếp giấy và nén phẳng.
Thị trường tiêu thụ giấy bổi khá rộng lớn, từ các chợ nội tỉnh (chợ Chè, chợ Thùi, chợ Đồng Hới, chợ Ba Đồn...) cho đến ngoại tỉnh (chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị). Công dụng của loại giấy này rất đa dạng, phổ biến nhất là dùng để viết chữ, in sách chữ Hán. Trước đây, hầu hết khế ước, văn tự, gia phả... trong các làng đều sử dụng loại giấy bổi làng Tuy.
Theo cụ Trần Minh Lều, trong những năm đầu thế kỷ 20, nghề làm giấy bổi vẫn còn hưng thịnh bởi người Nhật Bản rất hứng thú với loại giấy truyền thống này của Việt Nam, do đó tiêu thụ số lượng khá lớn. Thời kỳ chiến tranh, giấy bổi còn được sử dụng làm phương tiện cứu thương.
Giờ đây, các “nhân chứng sống” của làng giấy năm nào đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” và còn rất ít các cụ còn minh mẫn để nhớ và kể lại cho thế hệ sau về nghề truyền thống này như cụ Lều, cụ Lệch...
Chính vì vậy, sự thất truyền của làng nghề là điều không thể tránh khỏi. Một số giải pháp đã được đề xuất nhằm bảo tồn, gìn giữ nghề cổ, nhưng rất khó để thực hiện mong ước này khi mà người làm không có, nguyên liệu lại khan hiếm, thị trường tiêu thụ ít ỏi... “Hình bóng” làng giấy xưa nay chỉ còn có thể được lưu giữ qua số ít những trang gia phả dòng họ đã sờn nát – như một lời nhắc nhớ của lịch sử.
Mai Nhân
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét