"CÓ PHẢI EM CÔ GÁI ĐẠI PHONG"


Cô gái Đại Phong anh dũng trong chiến đấu, hăng say trong sản xuất Phạm Thị Thưởng ngày nào giờ đây ở tuổi xế chiều lại vui vầy bên con cháu với những công việc ruộng vườn quen thuộc.

Tại Đại hội thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức vào những ngày đầu tháng 11 năm 1965, có ba người phụ nữ đã được vinh dự nêu gương về những thành tích xuất sắc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong đó, quê hương Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy)-lá cờ đầu nông nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa-tự hào có tên chị Phạm Thị Thưởng (SN 1944). Vừa là đội trưởng sản xuất, vừa là xã đội phó, dù ở trên phương diện nào, chị cũng đều nỗ lực phấn đấu, xứng danh là “Gái Đại Phong”.

Tìm về Đại Phong những ngày đầu tháng 4 chói chang lịch sử, cô gái tuổi đôi mươi Phạm Thị Thưởng trẻ trung, đầy sức sống với bầu nhiệt huyết luôn sục sôi nay đã bước sang tuổi thất thập. Vậy mà, những kỷ niệm của một thời oanh liệt vẫn còn in sâu trong đôi mắt ngời sáng và cả trong giọng nói còn rền vang của một xã đội phó, chỉ huy trung đội cao xạ 12 ly 7 xã Phong Thủy ngày nào.

Giọng bà chỉ chùng xuống khi nhắc về tuổi thơ nhiều cơ cực của mình. Quê gốc ở làng Quảng Cư (nay là Xuân Giang, TT.Kiến Giang), mẹ mất khi tròn 2 tuổi, cha sức khỏe yếu không nuôi nổi các con, bà được một gia đình nhận làm con nuôi. Hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, ngay từ thuở nhỏ, bà đã hay lam hay làm nhiều việc để đỡ đần, giúp đỡ cha mẹ nuôi.

Năm 1960, bà Phạm Thị Thưởng tình nguyện vào dân quân. Từ đây, cuộc đời của bà bước sang một ngã rẽ khác. Cảm nhận và thấu hiểu được những nỗi đau mất mát của người dân, sự xác xơ tan tác của quê hương trong chiến tranh, cũng như được hun đúc lòng quyết tâm, ý chí sắt đá chống lại kẻ thù xâm lược, bà đã không ngại khó, ngại khổ thường xuyên trực chiến bám sát ở trận địa. Đó là giai đoạn cả huyện Lệ Thủy bùng lên ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ, người người, nhà nhà cùng thi đua, kết hợp tốt nhiệm vụ chiến đấu với lao động sản xuất ở từng cơ sở, từng địa phương.

Từ năm 1964, bà giữ cương vị là xã đội phó và trực tiếp chỉ huy trung đội cao xạ 12 ly 7 của xã Phong Thủy. Khi được hỏi vì sao một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có thể làm được những công việc nặng nhọc đó, ông Đặng Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong, tự hào tâm sự: "O Thưởng rất gan dạ trong chiến đấu, không nề hà gian khổ, lập được nhiều chiến công. O là một người phụ nữ rất đặc biệt, vừa chiến đấu giỏi, lại vừa sản xuất giỏi. Trong mọi tình huống khó khăn, o đều xử lý thông minh, nhanh chóng, hiệu quả. Xã Phong Thủy bắn rơi máy bay là có sự đóng góp của o Thưởng".

Trong thi đua sản xuất, bà luôn nỗ lực, phấn đấu, nhiệt tình xây dựng tập thể lớn mạnh. Vừa lao động sản xuất đạt và vượt về số lượng, chất lượng các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, bà vừa mạnh dạn đề xuất và gương mẫu kiên trì áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến công cụ, biện pháp tăng năng suất lao động đưa lại kết quả cao. Chỉ trong vòng 9 tháng, bà đã đạt 350 công lao động, giá trị mỗi ngày công 2 đồng, có tháng đạt 74 công, làm thủy lợi đạt 172 mét khối, không hổ danh là “gái Đại Phong”. Bà cho biết buổi trưa trong khi mọi người nghỉ ngơi, bà vẫn tranh thủ tham gia lao động, như: đi kiếm củi, hái rau...

Với những thành tích chiến đấu, lao động dũng cảm, quên mình vì lợi ích của Tổ quốc, bà Phạm Thị Thưởng đã vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Mai Nhân

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét