Nguyễn Cao Tuyên
Nghe danh về người thương binh 1/4 Nguyễn Cao Tuyên- một chiến sĩ đặc công nước thuộc Lữ đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp trực tiếp gặp và nghe lời kể từ nhân vật huyền thoại này. Năm nay ông đã bước sang tuổi 73, là một thương binh nặng đang được nuôi dưỡng tại quê nhà, đội 8, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy,huyện Lệ Thủy.
Tại ngôi nhà của ông, có một gian dành riêng để trưng bày những kỹ vật thiêng liêng thời quân ngũ. Bức ảnh lớn nhất được ông trân trọng treo ở phòng thờ là bức ảnh Bác Hồ kính yêu đội mũ Hải quân nhân dân Việt Nam. Nụ cười hiền từ của Bác luôn tỏa sáng làm căn nhà thêm ấm cúng linh thiêng.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp xúc với những kỷ vật chiến trường của ông là hầu hết các chiến công đều gắn liền với hải quân. Do chiến tranh và thiên tai lũ lụt, nhiều giấy tờ liên quan đã mất mát khá nhiều. Dẫu vậy, ông vẫn còn lưu giữ không ít những huân, huy chương.
Hiện trong phòng lưu trữ đang có 1 huân chương kháng chiến hạng Nhì, 2 huân chương chiến công hạng Nhất, 2 huân chương chiến công hạng Nhì, 3 huân chương chiến công hạng Ba; và có 13 giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú; ông từng có 5 năm liền đạt chiến sĩ thi đua, 2 năm chiến sĩ quyết thắng...
Lý lịch của thương binh Nguyễn Cao Tuyên thật điển hình của một gia đình chính sách người có công: Cha ông là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp; bà nội ông là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông trầm ngâm nhớ lại câu chuyện nhập ngũ và kể tiếp: "Năm 1964, khi giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ leo thang bắn phá miền Bắc mở rộng chiến tranh phá hoại, tôi mới 23 tuổi, đang làm bí thư chi đoàn vôi-gạch-ngói Hợp tác xã Đại Phong. Với lòng căm thù giặc cao độ, tôi đã tự nguyện viết đơn bằng máu để lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.Tôi được biên chế vào đơn vị đặc công nước, thuộc Đội 1, Đoàn 126 Hải quân."
Để trở thành một chiến sĩ đặc công nước phải qua thời gian dài khổ luyện. Ông nhớ lại: "Nơi huấn luyện đầu tiên của đơn vị tôi là dòng sông Bạch Đằng lịch sử, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian tham gia huấn luyện, tôi được đơn vị bố trí vào một tổ gồm 3 chiến sĩ. Người tổ trưởng đi giữa. Hai tổ viên đi hai bên. Dùng dây buộc qua 3 người, người này cách người khác 6m, cứ vậy tiến sang phải, sang trái bắt mục tiêu tàu giặc. Người chiến sĩ đặc công nước phải biết chịu rét, chịu đói, chịu sóng gió. Ai cũng biết bơi đường dài ít nhất từ 5000m đến 7000m. Ngoài ra còn biết dùng ống kẹp mũi, dùng cao su ngậm miệng; khi cần có thể uống nước mắm chống rét. Khi đã huấn luyện thành thạo mới được ra chiến trường".
Trận xuất quân đầu tiên của ông là ngày 19-12-1966. Đó là dịp đơn vị phát động phong trào thi đua lập công chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: 22-12-1966. Biết bao là hồi hộp đối với người chiến sĩ trẻ. Mấy chục năm trôi qua mà giờ đây khi kể chuyện người thương binh vẫn nhớ như in: "Hôm đó là một ngày trời mưa. Tầm nhìn trên sông Cửa Việt bị hạn chế, thuận lợi cho các chiến sĩ đặc công nước hành động. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, tôi nóng lòng lắm. Sau bao năm huấn luyện giờ đây mục tiêu đang ở trước mắt tôi. Giây phút mang vũ khí B41 để ngắm chiếc tàu địch đang chạy dọc sông thật hồi hộp. Tôi cùng đồng đội chờ sẵn. Khi tàu địch cách 40 m, tôi ngắm mục tiêu và bấm cò. Một luồng lửa bung ra. Khẩu đại liên và 3 tên lính ngụy trên tàu tiêu tan. Tôi tiếp tục bồi thêm 1 phát B41 nữa. Chiếc tàu bốc cháy dữ dội và chìm nghỉm".
Kể đến đây, người thương binh giọng trầm lại: "Chiến tranh thật tàn khốc. Chính sự đau thương mất mát do kẻ thù gây ra ở hậu phương càng làm cho lòng căm thù giặc của người chiến sĩ ngoài mặt trận tăng thêm tột độ. Ngày 14-11-1967, tại thôn Đại Phong vào 12 giờ trưa, bom Mỹ đã giết hại 18 người trong đó có anh trai tôi, các cháu ruột, nhiều bà con ...Nợ nước thù nhà đã làm cho tôi càng hăng say chiến đấu."
Trận đánh địch của ông được Mặt trận B5 tặng thưởng huân chương chiến công diễn ra ngày 30-4-1968: "Lúc đó khoảng 7 giờ sáng. Bọn thám báo phát hiện có đơn vị 270 Vĩnh Linh ở thôn Dã Độ, thuộc huyện Gio Linh. Bọn địch huy động 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có cả xe tăng yểm trợ bao vây thôn Dã Độ hòng tiêu diệt đơn vị quân giải phóng. Tôi cùng đơn vị hợp đồng tác chiến với đơn vị 270 dùng B41 bắn cháy 1 xe tăng và nhiều lính thủy đánh bộ. Địch hoảng loạn tản ra, không dám tấn công vào nữa. Cho đến trưa trời nắng như đổ lửa. Bọn địch mất cảnh giác, ngồi tránh nắng ở các lùm cây. Nhân lúc đó, tôi vác B41 bắn vào chúng. Hàng chục tên lính thủy đánh bộ bị tôi diệt gọn". Tháng 2 năm 1973, trong một trận ném bom của máy bay địch yểm trợ cho tàu địch trên đường tiến về cảng Đông Hà, ông bị thương và bị mất sức trên 81%, mắt phải bị hỏng, 2 tai bị thủng, 7 răng bị gãy".
Kể đến đây, bác Tuyên cười: “Suốt gần 9 năm là chiến sĩ đặc công nước, để giữ bí mật quân sự thời chiến tranh, người chiến sĩ đặc công nước không được trao đổi thư từ với gia đình, người thân, kể cả người yêu chưa cưới". Ngần ấy năm bằn bặt tin tức về người yêu, cô thôn nữ Đại Phong có tên là Ngô Thị Chiệc vẫn một lòng chờ đợi. Biết được tin anh Tuyên bị thương nặng, chị Chiệc lại càng thương. Điều cảm động là khi biết anh Tuyên bị thương, gia đình người yêu của anh vẫn không thay đổi lời hứa hôn ngày trước.
Bác Tuyên nhớ lại: "Khi biết tôi bị thương, bà con xóm giềng hỏi bố vợ tôi: -Dượng Tuyên bị thương mù một mắt nay có còn gả con gái cho dượng Tuyên nữa hay thôi? Bố vợ chưa cưới của tôi trả lời ngay:Hắn đau là việc hắn đau. Hai đứa hắn yêu nhau gần chục năm rồi sao không gả ". Đám cưới của ông được tổ chức tại thôn thật đầm ấm vui tươi và vẹn tình trọn nghĩa. Các cụ các mẹ cao tuổi của thôn Đại Phong còn tặng cho đôi vợ chồng người thương binh một món quà đầy ý nghĩa. Đó là một bài thơ ca ngợi tình nghĩa thủy chung son sắt. Bài thơ có đoạn:
"Anh đi giết giặc lập công
Thời em ở lại ruộng đồng đảm đang
Tuy xa muôn dặm giang san
Mà lòng chung thủy hiên ngang đợi chờ
Nhiều năm không thư không từ
Ngày qua tháng lại vẫn chờ vẫn trông
Xuân về rồi lại sang đông
Mà lòng vẫn quyết không sai lời..."
Đã hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn trân trọng cất giữ nguyên vẹn những vần thơ đó như một kỷ niệm đẹp của mối tình hạnh phúc. Giờ đây hai vợ chồng ông đang sống với nhau hòa thuận, người vợ hiền đảm đang của ông cũng là người chăm nuôi thương binh nặng rất tốt. Dù người con đầu bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng hai vợ chồng người thương binh vẫn vượt lên khó khăn, làm tròn các công việc xã hội giao.
Sau nhiều năm tháng lập bao chiến công trên các chiến trường ác liệt, người chiến sĩ đặc công nước lại trở về với cuộc sống đời thường ở thôn Đại Phong. Ông đã từng đảm trách nhiều công việc quan trọng của địa phương như trưởng công an xã, xã đội trưởng, hội viên Hội Người cao tuổi, hội viên Mặt trận thôn...việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Gần đây ông được đề cử đại diện cho người có công tỉnh ta tham gia Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc 2013.
Phan Hòa
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét