Lối vào "Hang Đại tướng"
Ngược con đường 10 huyền thoại, chúng tôi lên xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), ghé thăm lại nơi đã từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa, nơi người dân Vân Kiều vẫn gọi nó bằng cái tên trìu mến - "Hang Đại tướng", nơi mà câu chuyện về vị Đại tướng lừng danh vẫn được bà con kính cẩn lưu giữ và kể cho nhau nghe.
Hang Đại tướng nằm dưới chân một ngọn núi lớn, cây cối um tùm và chỉ cách nhà Hồ Văn Sửu (Bản Cây Sung, xã Ngân Thuỷ-Lệ Thuỷ) vài chục bước chân. Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe thấy tiếng róc rách của một dòng suối nhỏ nước trong vắt, chảy ra từ một lùm cây tốt um tùm.
Tiến sâu vào bên trong, dưới mái đá (hình chữ V úp ngược) là một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng (rộng chừng 10m2), xung quanh được xây bằng đá tảng kiên cố cao hơn 1m. Ngày thường có thể là nơi trú nắng mưa cũng như trong chiến tranh, có thể tránh được bom đạn, rất an toàn. Phía trong là một hang nhỏ có nhiều khối thạch nhũ với hình thù rất đẹp. Từ trong hang đá này có một dòng suối nhỏ chảy suốt đêm ngày.
Quan sát xung quanh, chúng tôi tìm thấy một dòng chữ đắp nổi đã phai mờ trên bức tường phía đông: "1-1972 - đoi co". Mốc "1-1972", có thể là thời gian chiếc hang đá này được xây dựng và đưa vào sử dụng. Còn "đoi co" là gì? Anh bạn đồng nghiệp cùng đi đoán già đoán non rằng: có lẽ, ý nó là "đội cơ động". Ừ, thì biết vậy, còn muốn chứng thực thêm có lẽ cần tìm hiểu thêm nhiều nguồn tài liệu khác.
Thấy xung quanh hang có dấu hương ai mới vào thắp ở đây, chúng tôi quay trở ra phía ngoài hỏi chị Hồ Thị Hương (vợ anh Sửu), thì được chị cho biết: "Đó là hương của thầy trò Trường tiểu học và trung học cơ sở Ngân Thủy hôm trước vào thắp".
Tìm đến trường, chúng tôi được thầy Võ Hành Văn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, trường chúng tôi tổ chức cho giáo viên và học sinh xuống nhà Lưu niệm Đại tướng viếng Người. Trước khi đi, chúng tôi vào hang Đại tướng để thắp hương và kể cho các em học sinh nghe về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Đồng thời, cho các em biết trên chính mảnh đất này cũng đã từng in dấu chân của vị Đại tướng lừng danh thế giới. Điều bất ngờ, là có nhiều em học sinh của trường cũng đã từng nghe người già trong bản kể về hang Đại tướng này".
Em Hồ Thị Huệ, học sinh lớp 9 không giấu được niềm tự hào, kể: "Lần em được thầy cô chọn theo đoàn xuống viếng Đại tướng cũng là đầu tiên em được đến nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là kỷ niệm em sẽ không bao giờ quên. Lúc thắp hương, em đã hứa với Đại tướng là sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để sau này làm cô giáo, quay lại trường tiếp tục dạy chữ cho các em học sinh ở bản làng mình".
Văn Minh - Lê Thy
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét