Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Kim Cương
Vào những năm đầu thập kỷ 10 của thế kỷ 21, vùng đất khúc ruột miền Trung của đất nước đã sinh ra hai người con mà sau này trở thành danh nhân, danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh).
Năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (1911), Võ Nguyên Giáp chào đời trên một vùng quê bên bờ sông Kiến Giang trong xanh của huyện Lệ Thủy – Tỉnh Quảng Bình. Ngày ấy, Hồ Chí Minh, gọi là Văn Ba, là Nguyễn Tất Thành, hẳn không hề biết rằng trên Tổ quốc mình, một người vừa chào đời và con người ấy, đúng 30 năm sau sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của mình, 37 năm sau lại được Người phong hàm Đại tướng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo sự lãnh đạo của Người và Ban chấp hành trung ương Đảng chỉ huy toàn quân cùng toàn đảng, toàn dân, đánh bại 10 Đại tướng của đối phương, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại thống nhất non sông, trở thành danh nhân thế giới. Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính – chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo viên sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành một danh tướng, một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy, một vị tướng được toàn quân kính trọng, toàn dân yêu mến, thế giới ngưỡng mộ. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường, là “một thống soái quân sự cỡ lớn” như Đại tướng Mỹ Oet mo len đã đánh giá, là con người và huyền thoại như nhà sử gia Phương Tây Becna khẳng định, là “ một trong những thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại” như Đại tướng Anh P M Đônan đã nói, là cây đại thụ rợp bóng nhân văn, là danh nhân thế giới, lừng danh khắp nơi...
Không đầy ba năm sau, bên dòng sông Bồ mát ngọt, ngày 1 tháng 1 năm 1914 Nguyễn Vịnh chào đời trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò – Huyện Quảng Điền – Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thân phụ mất sớm, cuộc đời khổ cực và lòng căm thù bọn thực dân phong kiến, đã thúc dục ông sớm đi làm cách mạng. Tháng 7 năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, 4 tháng sau liền được cử làm Bí thư chi bộ Niêm Phò là tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền, rồi tham gia tỉnh ủy lâm thời và đầu năm 1938 được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên. Bị thất bại trong dự án tăng thuế trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân và dân biểu trong tỉnh do ông lãnh đạo, tháng 9 năm 1938, thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều đã bắt ông và một số cán bộ. Chúng đã đưa ông vào giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột. Năm 1941, Nguyễn Vịnh và một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về thành lập tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng rộng khắp. Từ ngày 13 đến 18 tháng 8 năm 1945, ông được thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ ra dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở xã Tân Trào – huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang. Khi nghe đồng chí Phạm Văn Đồng công bố danh sách bổ sung ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan. Nguyễn Vịnh ngạc nhiên quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp:Nguyễn Chí Thanh là ai? Đồng chí Võ Nguyên Giáp cười và trả lời: “ là anh chứ ai nữa. Chính Bác đã đặt tên mới cho anh đó!”. Nguyễn Vịnh ngỡ ngàng và vui sướng. Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của Quân đội ta, của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị đó, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư xứ ủy Trung Kỳ.
Khi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cùng với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng đâng chỉ đạo các lực lượng vũ trang liên tiếp đánh mạnh vào bọn thực dân Pháp ở các tỉnh phía Bắc giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì ở miền Trung, với nhiều trọng trách khác nhau là Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, rồi Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy IV Nguyễn Chí Thanh cũng hết mình, tập trung lãnh đạo toàn quân và toàn dân từng bước khắc phục những khó khăn, gian khổ bước đầu, tiếp tục chiến đấu. Ông củng cố lòng tin cho mọi người: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy, chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”. Ông chỉ đạo phải chuyển sang tiến công địch, kiên quyết trở về vùng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch. Năm 1948, ông đã cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra Nghị quyết mở chiến dịch phá tề trong cả ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên. Đó là một chủ trương sáng suốt, kịp thời, làm cho cả hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Hội tề tan rã, hệ thống đồn bốt địch bị trơ ra giữa vòng vây của nhân dân. Một vùng nông thôn rộng lớn của Bình Trị Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân, du kích hoạt động, nhiều đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Theo chủ trương đó, cán bộ và lực lượng vũ trang Quảng Bình cũng đã làm lễ hạ sơn, phát động phong trào quật khởi, về bám dân tiến công địch. Những cuộc hành quân của địch luôn bị bộ đội và du kích chặn đánh tại chỗ. Sau một thời gian tạm lắng, “Bình Trị Thiên khói lửa” đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước, từng bước tiến lên giành nhiều thắng lợi. Với thành công này, Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu “Vị tướng du kích”.
Chiến trường Bình Trị Thiên đang bước vào thế chủ động tiến công, thì giữa năm 1950 Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội và giao cho đồng chí nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Bí thư quân ủy Trung ương. Từ đó, bên cạnh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy về quân sự, có thêm một vị lãnh đạo tài giỏi cùng chôn rau cắt rốn ở khúc ruột miền Trung, lãnh đạo về chính trị tư tưởng, thúc đẩy toàn quân nâng cao lòng yêu nước, lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, giữ vững bản lĩnh chính trị, với ý chí tiến công và quyết thắng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đều được bầu vào Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào Bí thư Trung ương Đảng. Mùa hè năm 1957, Nguyễn Chí Thanh cùng với Bác Hồ vào thăm, mang đến Quảng Bình những tình cảm sâu sắc, những niềm tin yêu mới. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai vị Đại tướng đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – hai người con ưu tú của khúc ruột miền Trung lại được bầu vào Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III ( tháng 9 năm 1960). Cũng vào năm đó, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, chăm lo hòa thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp với dời sóng, sự no đói của hàng chục triệu người. Hôm giao nhiệm vụ, Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến. Bác bảo: “ Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”.
Hợp tác hóa nông nghiệp là một vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cần đi sâu, đi sát thực tế để nắm bắt và rút kinh nghiệm. Và, điểm đi sâu vào thực tế đầu tiên của vị Đại tướng lại là Hợp tác xã Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy – huyện nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vừa chỉ đạo, Đại tướng thường xuyên làm việc trực tiếp với Ban quản lý Hợp tác xã, đến tận từng nhà dân học hỏi kinh nghiệm, ra tận từng cánh đồng xem từng cách làm, khuyến khích mọi người tích cực khai hoang mở rộng diện tích. Bản chất của người nông dân nhưng đã được nâng cao thể hiện rõ nét ở vị tướng. Đại tướng vừa nghiên cứu khoa học kỹ thuật trên sách báo, học kinh nghiệm của nhiều lão nông, vừa tích lũy kinh nghiệm, gắn với sự sáng tạo, hướng dẫn, động viên mọi người tham gia sản xuất, tăng năng suất và tích cực xây dựng Hợp tác xã. Bằng cuộc đời khổ cực của mình, Đại tướng ân cần nói chuyện giáo dục tầng lớp thanh niên phấn đấu trở thành những chiến sĩ xung kích trong phong trào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Đại tướng kể rằng: Thời trai trẻ, khỏe mạnh, Đại tướng vẫn làm ruộng quần quật suốt ngày, nhưng làm thuê cho nhà giàu để kiếm ăn. “ Tôi nhớ một hôm, tôi và một anh bạn nữa cùng đi guồng nước cho một nhà chủ. Khi chúng tôi vác guồng nước trở về, thì mụ chủ nhà hất hàm hỏi: “ Các chú guồng được mấy sào?”. Tôi đáp: “ Được năm sào”. Mụ chủ nhà không nói một câu, mặt bỗng nhăn như bị, hắn “giận cá chém thớt”, cầm thanh củi đánh con chó rồi chửi: “ mẹ cha mày, tao cho mày ăn cơm hay ăn cứt?”. Các đồng chí nghĩ xem là nó đã chửi ai, và bấy giờ chúng tôi bưng bát cơm của nó ăn thì bữa cơm đó thế nào? Bữa cơm trộn nước mắt các đồng chí ạ!. Các đồng chí cho biết, mỗi đồng chí đều có hai, ba bộ áo quần lành, đều đã được đi học. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa bao lâu mà đời sống của chúng ta lên đến được như thế là đáng mừng...” Đại tướng cũng cho tầng lớp thanh niên biết rằng, thanh niên nông thôn ngày xưa không bao giờ được cuộc sống sung sướng như thế, quần áo vá chằng vá đụp, đi đằng xa nhìn cái áo đã biết người ấy là ai. Có người trời nắng tháng năm, chẳng ốm đau gì mà phải nằm đắp chiếu vì chỉ có một cái quần đùi đã giặt đang phơi. “ Nếu chúng tôi trước đây đã sống trong chế độ địa ngục, thì ngày nay các đồng chí đang sống trong chế độ thiên đường. Cách mạng đã đem lại ấm no và hạnh phúc cho mọi người...”. Qua những câu chuyện thực tế và gần gũi như thế, Đại tướng động viên mọi người tích cực hơn trong mọi công việc xây dựng hợp tác, xây dựng chủ nghĩa xã hội, động viên thanh niên tích cực khám phá khoa học kỹ thuật, lao động có kỹ thuật đồng thời biết tổ chức, biết quản lý, tham gia quản lý hợp tác xã, lao động hăng, lao động mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải trở thành những kiện tướng làm côn tác thủy lợi, kiện tướng khai hoang, làm phân bón và vượt tiêu chuẩn ngày công của hợp tác xã...Từ đó, phong trào xây dựng hợp tác xã ở Đại Phong ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành Hợp tác xã điển hình xuất sắc nhất toàn miền Bắc. Từ điển hình tiên tiến này, Đại tướng đã viết bài tuyên truyền kinh nghiệm và phát động các Hợp tác xã trên toàn miền Bắc học tập và thi đua với Đại Phong, đồng thời đến với nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh khác tiếp tục nhân rộng điển hình, để sau này lại nổi lên phong trào “ Vượt Đại Phong, đuổi kịp Cự Nẫm”. Hợp tác xã Cự Nẫm được tuyên dương danh hiệu “ Đơn vị anh hùng lao động” đầu tiên trong tỉnh Quảng Bình. Các Hợp tác xã Hà Xá và Hà Hồi ở tỉnh Hà Tây đều vươn lên thành đơn vị điển hình.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thời gian được Đảng giao Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương không dài, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên “luồng gió mới” trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lịch sử và tâm trí của hàng chục triệu con người Việt Nam còn in đậm phong trào “ Gió Đại Phong” – một mô hình nông nghiệp thời chống Mỹ mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dày công tổng kết và chỉ đạo.
Quảng Bình tự hào đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp – danh nhân của thế giới, nhưng không bao giờ quên được tình cảm cao đẹp và công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người luôn gắn bó mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên những chiến công rạng rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước – người đã dày công xây dựng Quảng Bình vững mạnh.
K.C
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét