HƠI ẤM MÙA ĐÔNG

Nguyễn Thị Thu Hoài


“Cô dạy em, bài thể dục buổi sáng. 1, 2, 3! Hít thở! Hít thở! Hít thở!...” Tiếng hát nhí nhảnh từ điện thoại vang lên. Một cánh tay lười biếng thò ra từ trong đống chăn nệm quờ quạng ngang dọc… Âm thanh báo thức tắt. Ai đó lại tiếp nối giấc mơ dang dở để rồi ba mươi phút sau, ai đó cuống cuồng trên đường, vừa chạy vừa lo trễ giờ vào lớp…

Mùa đông. Cái lạnh se sắt, tái tê của những đợt rét đậm, rét hại là “đồng minh” của “chứng bệnh ngủ nướng” ở không ít người. Nó cũng thế. Công bằng mà nói, ngày còn bé – thuở còn cắp sách đến trường, ngủ nướng, dậy muộn không nằm trong từ điển thường thức của nó. Đông hay hè, nó cũng dậy từ rất sớm, dù ngày ấy chẳng có báo thức từ đồng hồ hay điện thoại – cả nhà chỉ có duy nhất một cái đồng hồ treo tường mà thôi. Nó có một thứ báo thức đặc biệt, đó là bếp lửa của mẹ mỗi sáng sớm…

Ngày ấy người dân quê thường đun nấu bằng những rơm rạ, vỏ trấu, bằng củi hay bất cứ thứ gì có thể bắt lửa: lá khô, vài cành cây gãy, hạt bàng. “Tân tiến” hơn một chút, một người nông dân sáng ý nào đã sáng chế ra loại bếp dùng củi và trấu để đun nhưng có hỗ trợ sức gió từ chiếc quạt mi-ni trong một hệ thống ống thổi chạy bằng điện. Ngày ấy, nhà nó lúc nào cũng có thêm hai con lợn. Thóc lúa không nhiều, nhưng mẹ bảo, nuôi lợn cũng như bỏ ống tiết kiệm, để dành mỗi ngày một ít, để khi bán đi có một khoản tiền kha khá cho chúng nó đóng học.

Nhà nó đông chị em gái, nhưng ba chị lớn lập gia đình sớm nên chưa đỡ đần cha mẹ được bao nhiêu. Ba đứa nhỏ hơn thì suốt ngày đi học. Việc nhà một tay mẹ chu tất. Nhà toàn con gái nhưng chưa được mấy bữa cơm là không do mẹ nấu. Một ngày của mẹ bắt đầu từ lúc ba bốn giờ sáng. Nó và cô em út ngủ chung với mẹ. Mẹ trở dậy rất khẽ để không làm hai đứa thức giấc, nhưng thường thì chỉ mươi mười lăm phút sau chúng đã lò dò ra giếng rửa mặt, đánh răng. Mùa đông, áo ấm, chăn bông không nhiều cũng không dày nhưng hồi đó nó không hề thấy lạnh. Cả căn nhà đã được ngọn lửa từ căn bếp đơn sơ sưởi ấm. 

Nó thường ra ngồi cạnh mẹ đưa bàn tay vào gần những ngọn lửa đang nhảy nhót rồi rụt lại thật nhanh trước khi bị mẹ mắng. Nó mơ màng dõi theo những sợi khói vấn vít quanh bếp như lưu luyến gì rồi cứ mỏng mảnh dần, lan nhẹ nhàng ra khắp không gian. Cô em út tranh thủ làm nũng, ngồi vào lòng mẹ rồi thiêm thiếp ngủ tiếp, đầu gục trên ngực mẹ trước khi được mẹ bế đặt lại vào giường. Nó thường lấy chuyện ấy để trêu em khi em thức. Khi đã chán trò chơi “đùa với lửa” và mỏi mắt vì ngắm khói bay rồi, nó trở vào nhà lục cặp sách mang ra cuốn tập, trở lại căn bếp và ngồi chăm chú đọc. Có khi chỉ đọc bằng mắt, có khi nó đọc to một bài thơ, một đoạn văn hay một bài lịch sử, và chỉ vài lần như thế, nó đã thuộc vanh vách và nhớ rất… dai. Không biết là vì thời gian này trong ngày thích hợp nhất cho việc não bộ ghi nhớ, hay bởi vì chính cái không gian đặc biệt này – trong ánh sáng từ bếp lửa, trong mùi khói nồng nồng ngai ngái lẫn mùi thơm từ nồi cơm đang sôi…

Bước chân vào giản đường đại học, mỗi buổi sáng, nó vẫn dậy từ rất sớm, vừa chạy bộ vừa mang theo cuốn đề cương vừa soạn tối qua. Không có ánh lửa bếp chập chờn nhảy múa trên trang vở, không có ngọn khói quấn quýt vờn bay nhưng nó vẫn mơ hồ ngửi thấy mùi khói quyện vị ngọt dịu của mùi thơm cơm mới, thấy bóng mẹ se sẽ dém chăn cho hai chị em trước khi xuống bếp, để nó ngấu nghiến những cuốn giáo trình dày cộm của môn Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị… một cách dễ dàng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè cùng lớp.

Bây giờ, nhà nó đã nấu cơm bằng nồi cơm điện, nấu nước bằng bình siêu tốc, nấu canh kho cá bằng bếp ga. Hiếm hoi lắm mới lại đun bếp củi. Mẹ vẫn dậy từ sớm nhưng không phải để chuẩn bị cơm sáng cho cha ra đồng, chúng tôi đi học hay nấu nồi cám cho lợn, mà để đi thể dục dưỡng sinh với mấy người hàng xóm. Nó vui vì điều ấy. 

Có những lần… suýt trễ giờ, nó thường phụng phịu trách mẹ sao không đánh thức mình. Mẹ cười, dí ngón tay lên trán nó, bảo: “Lớn tướng rồi, định thay chỗ con mèo chắc!”

Hôm nay, có ai đó đặt lại giờ báo thức và thong dong trên con đường đến trường. Nào ai hay, trang giáo án đêm qua được ủ thêm hơi ấm thân thương của mùa đông yêu dấu…

Mùa đông, 2013

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét