Ngọc Tuân: Một người bạn vong niên thời chiến tranh đạn lửa kề vai, sát cánh bên nhau ở Quảng Bình có gửi cho tôi bài viết rất hay về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Xin cảm ơn bạn và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
NGỜI SÁNG TRONG NHÂN LOẠI
Bút ký của Kim Cương
Thế là Ông đã ra đi. Lòng người quặn đau. Trái tim nhức nhói. Trời đất quay cuồng, đảo điên nổi loạn. Người khóc. Gió gào rít. Mưa tầm tã liền mấy ngày đêm tuôn nước. Cả nhân loại đều hướng về Việt Nam chia sẻ nỗi đau, khi được tin Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cây đại thụ rợp bóng nhân văn, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một danh nhân hiếm có của thế giới, mang đầy đủ đức tính: Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung, người cộng sản chân chính đến tận cuối đời, vị tướng trong những vị tướng nổi danh nhất thế giới sống đến 103 tuổi đã về với cõi vĩnh hằng.
Mọi người đều nói ông là vị thánh, giỏi từ trong những suy nghĩ, tiếng nói, xử thế và hành động, đến cả nhà Trời cũng động lòng. Nhớ lại ngày Bác Hồ ra đi ( ngày mồng hai tháng chín năm 1969), trời khóc mưa xối xả hoà với lệ rơi trên hàng triệu người. Lần này, từ trong những ngày cuối đời của Ông, biết không thể cứu nỗi, trời lại đổ mưa. Mưa như dội nước cả ngày lẫn đêm. Mưa đều khắp cả nước. Loài người hồi hộp và thương tiếc, đau xót vì sắp mất một vĩ nhân. Nhà trời thấy sắp mất một vị thánh hiền tài, nổi cơn cuồng phong thành cơn bão số 10 - cơn bão Wutip dữ dội chưa từng có vào Quảng Bình quê Ông, như một người quá đà tức giận, điên cuồng đập phá. Từ sau 18 h 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, quá thương tiếc người anh hùng dân tộc Việt Nam, thương tiếc một vĩ nhân, trời mưa càng nhiều hơn. Mưa trắng trời trắng đất. Mưa to, gió lớn suốt hơn một tuần, rồi ngừng lại vào ngày mười hai tháng 10, toả nắng cho mọi sự chuẩn bị đưa Ông về quê bằng chuyên cơ VN- 103 và an táng tại Vũng Chùa, với núi Phượng, sông Loan có thế Rồng chầu, Hổ phục, nơi có đền thờ của nàng công chúa nhà Trời Liễu Hạnh, non nước hữu tình - nơi mà cách đây gần 450 năm, Trạng Trình đã sấm " Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" vào ngày 13. Cũng như lòng người, nỗi đau chưa dứt, trời lại khóc ròng rã những ngày sau đó, kèm theo cơn bão số 11 - cơn bão Nari gây nên trận lụt lớn trên quê hương Ông. Nỗi đau còn cấu xé. Nhà Trời cứ vần vũ, tuôn mưa liên tục và nổi thêm 3 cơn bão. Chỉ một tháng Ông ra đi mà nhà Trời gây ra 5 cơn bão thật là hiếm có, trong đó cơn bão Haiyan - cơn bão số 11 làm cho cả khu vực Đông Nam Á run sợ. Đó là siêu bão chưa từng có trong lịch sử thế giới từ trước đến nay. Bão đã trườn qua Philipin cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn sát tan nát hơn hai phần ba đất nước này. Theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn của nhiều nước thì khoảng 7 giờ sáng ngày 10 tháng 11 bão sẽ vào sát bờ biển từ Quảng Trị đến Bình Định, với sức gió cấp 13 và 14, giật câp 17 - cấp tột cùng của bão. Dự báo của nhiều nhà khí tượng tài ba trên thế giới thì bão luôn giữ nguyên cấp gió và tiến thẳng vào đất liền, rồi quét một mạch từ Bình Định ra hướng Bắc, quét dọc ra tận các tỉnh Bắc bộ. Nhìn đường đi của cái xoáy màu đỏ dọc đất nước, như đang xoáy vào tận tim của mỗi người. Cả thế giới đều lo cho Việt Nam. Cả Việt Nam lo lắng, tập trung tìm mọi cách phòng chống. Trong lúc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cùng đoàn chỉ đạo ở các tỉnh phía Nam, thì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn Cao Đức Phát vào chỉ đạo ở miền Trung. Trên đường đi chỉ đạo, hai vị lãnh đạo của Chính phủ đã vào kính cẩn dâng hương trên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mũi Rồng, bên bờ biển quê hương Quảng Bình. Sau một ngày đêm cật lực dùng các loại dây thép và gạch đá để buộc chằng và đằn mái với tâm trạng lo âu khó thoát khỏi sự tàn phá của siêu bão, lo và thương cho gia đình đứa con thứ hai ở Đà Nẵng, với hai cháu còn nhỏ dại, suốt cả ngày đến các khách sạn tìm thuê phòng trú ẩn không còn chỗ, đang bị bắt buộc di dời khỏi ngôi nhà cấp 4 đến ăn ở tập trung khổ cực ở Trung tâm thể thao thành phố, khi đọc được tin này, tôi liền nói với vợ con:
- Bão không dám vào nước mình nữa đâu!
- Sao vậy anh?- Vợ tôi hỏi.
- Có Đại tướng che đỡ rồi!
- Sao ba lại nói vậy? - Con tôi hỏi.
- Sáng nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vào thắp hương vái xin rồi - Tôi nói: - Đại tướng từng chỉ huy đánh tan hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, đánh thắng cả 10 đại tướng của quân thù và luôn luôn được lòng dân, chắc chắn sẽ đẩy được cơn bão chưa từng có trong lịch sử này, không cho nó vào bờ được đâu!
Quả nhiên, suốt cả ngày hôm ấy, cơn bão vẫn rất mạnh, vẫn lao nhanh ra phía Bắc, nhưng chỉ đi cách bờ gần 100 cây số, không dám vào đất liền. Phần lớn đất nước bình yên. Vậy là, sau gần một thế kỷ cầm quân đánh tan thù trong, giặc ngoài và lo vận nước, giờ đây trước vận mệnh đất nước bị siêu bão Haiyan đe doạ tàn sát, từ dưới lòng đất quê hương, Đại tướng dùng tất cả sức mạnh của cả lòng dân đã được dồn vào trong mình, xuất khí giúp nước đánh bạt cuồng phong, như một vị Thánh. Chống giặc trên trần gian, chống giặc của nhà Trời như là sự trùng hợp trong một cuộc đời của Ông!
*
*
* *
Nhìn nước lũ tràn về quê hương trong những ngày đại tang, người ta lại nhớ đến trận lụt năm Tân Hợi. Chuyện kể lại rằng: trong lúc bà Nguyễn Thị Kiên chuẩn bị chuyển dạ, thì trời mưa như trút nước. Nước từ trên trời đổ xuống. Nước từ Đại ngàn Trường Sơn đổ về làm cho mặt sông Kiến Giang ngày càng dâng cao, tràn ngập sâu khắp cả huyện Lệ Thuỷ - Tỉnh Quảng Bình. Làng An Xá - Xã Lộc Thuỷ của bà nằm sát bên sông nên nước ngập sâu hơn. Như đoán được nạn hồng thuỷ sắp diễn ra, ông Võ Quang Nghiêm đã chặt cây trong vườn, dựng thành một cái chòi cao và vững chắc bên gốc mít cổ thụ, đủ cho vợ sinh và cả nhà lánh nạn. Từ trên cái chòi cao giữa mênh mông nước lũ đó, Võ Nguyên Giáp đã chào đời trong ngày 25 tháng 8 năm 1911.
Mở mắt ra đã thấy lũ lụt ngập cả quê hương và cảnh khổ cực của dân làng do sự áp bức, bốc lột của thực dân phong kiến, trở thành đấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của cậu. Có lẽ từ cái dấu ấn từ buổi đầu làm người khó quên ấy, đã hình thành trong người cậu lòng yêu nước, căm thù giặc và thương dân ngay từ lúc còn nhỏ. Bên cạnh cậu là người mẹ hiền, thông minh có trí nhớ tuyệt vời, hàng ngày vào lúc rảnh rỗi, bà thường kể cho cậu nghe vể chuyện ông ngoại của cậu hưởng ứng Chiếu Cần Vương hăng hái tham gia phong trào chống Pháp, làm đến chức Đề đốc coi đại đồn tiền vệ, bị quân Pháp bắt tra tấn rất dã man, nhưng một mực trung thành, không một lời khai báo. Mỗi lần giăc Pháp kéo đến là bà ngoại đặt các con vào thúng rồi gánh chạy. Mẹ còn đọc cho cậu nghe vè " Thất thủ kinh đô". Bài vè để lại trong tâm trí cậu không bao giờ phai. Cha ông là một nhà Nho nên dạy con rất nghiêm cẩn trọng trong sinh hoạt gia đình và học hành, giữ gìn nề nếp gia phong của đạo Khổng. Ông dạy đám học trò cùng con trai: Tạm thiên tự, Ngũ thiên tự và cả Ấu học tân thư. Năm tháng học chữ Nho không nhiều nhưng những đạo lý học được trong các sách của Thánh hiền đã trở thành nền tảng cơ bản có ảnh hưởng sâu sắc trong cả cuộc đời cậu. Trong thế giới quan Nho giáo, cả ba yếu tố cá nhân, gia đình và dân tộc đều hoà quyện chặt chẽ với nhau. Qua Ấu học tân thư, cậu Giáp được biết tới nhiều tấm gương quên mình để bảo vệ Tổ quốc, hình thành trong cậu niềm tự hào về những chiến công của cha ông trong quá khứ. Những giá trị đạo đức, nề nếp gia phong của đạo Khổng thấm nhuần trong người cậu, lối sống giản dị và đức hiếu học, sự kính trọng tổ tiên và ông bà, cha mẹ, sự kính trên, nhường dưới, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, nghĩa vụ của con người với gia đình, xã hội và Trời, Đất. Ông càng hiểu sâu sắc hơn về đạo lý làm người qua câu: " Ong tuy độc không đốt trong đàn - Hổ tuy ác không ăn đồng loại", cũng như " Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", hoặc " Nhiễu điều phủ nhận giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng"... Cậu đã biết ghét thằng Tây và rất khó chịu trước cảnh thầy giáo trường Tổng bắt học sinh hát để mua vui cho bọn Pháp và tay sai của chúng. Học hết lớp 3, cậu phải xa nhà về Đồng Hới học tiếp với thầy Đào Duy Anh - người mà sau này trở thành một học giả, một nhà nghiên cứu văn hoá, giáo sư sử học, một nhà văn có tài. Bên dòng Nhật Lệ hiền hoà lung linh in bóng Luỹ Thầy, hàng ngày cần mẩn đổ nước sông ra bù đắp cho biển cả, cậu không quên nhớ lên dòng Kiến Giang trong xanh soi bóng những bờ tre xanh và vườn cây trĩu quả ở quê. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê nhà và anh em, bạn bè, nhưng với bản lĩnh tiến thủ, câu vẫn học rất giỏi, tháng nào cũng đứng đầu lớp và đỗ đầu toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học. Rồi cậu tam biệt quê hương Quảng Bình chang chang nắng rát, nghèo, nhưng tráng lệ, mộng mơ, in đậm bao danh nhân đất nước, năm 13 tuổi cậu lên đường vào Kinh đô Huế ứng thi và vào học ở trường Quốc học. Không phụ lòng cha mẹ và kiến thức của thầy đã truyền thụ, cậu đã thi đỗ vào loại khá. Việc học để nâng cao trình độ đối với cậu giờ đây rất cần thiết, nhưng tình hình đất nước lúc bấy giờ đang có nhiều biến đổi. Phong trào nông dân, học sinh Trung kỳ nổi lên đòi giảm sưu, giảm thuế nặng, đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà trí thức yêu nước Phan Bội Châu và đòi được để tang cụ Phan Chu Trinh đang dấy lên khắp nơi...Nên mặc dù việc học, tháng nào cũng đứng đầu lớp, nhưng không còn là điều quan tâm của cậu. Cậu thường làm quen, tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi từng hoạt động phong trào thanh niên học sinh, như Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Khoa Văn ( Hải Triều), lại được các thầy đầy tâm huyết với dân tộc dạy bảo như thầy Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai... Nhân việc Nguyễn Chí Diễu bị giám thị Pháp vu oan copy bài của bạn rồi đuổi học, cậu cùng các bạn học làm đơn yêu cầu nhà trường không được đuổi học sinh Nguyễn Chí Diễu. Đơn bị trả lại. Cậu bàn với Nguyễn Khoa Văn tổ chức bãi khoá. Cuộc bãi khoá của Trường Quốc học Huế nhanh chóng trở thành cuộc tổng bãi khoá của học sinh trong Kinh thành Huế. Trong cuộc bãi khoá đó, cậu bị bắt, rồi bị đuổi học phải trở về quê, lúc 16 tuổi.
Đang ấm ức, căm ghét bọn Pháp, thì cậu lại được gặp Nguyễn Chí Diễu lặn lội từ Huế ra. Người bạn học hơn cậu ba tuổi này đã chia sẻ với Võ Nguyên Giáp về sự bất bình trước cảnh giáo dục thực dân và cho biết sau khi bị đuổi học Diễu đã tham gia Tân Việt cách mạng Đảng hiện có cơ sở ở Huế và đưa cho cậu xem chương trình, Điều lệ của Tân Việt cách mạng Đảng. Nguyễn Chí Diễu còn mang theo một tập tài liệu về " Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có hai bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa cho Võ Nguyên Giáp. Cậu đọc đi đọc lại rất nhiều lần vừa xúc động, vừa căm phẩn bọn thực dân, phong kiến và khao khát được sớm tham gia vào phong trào cách mạng. Đó cũng là sợi dây đầu tiên nối liền số mệnh của cậu Giáp với Nguyễn Ái Quốc và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cũng từ đó, cậu đã chuyển mình thành một anh thanh niên yêu nước.
*
* *
Năm 1928, Võ Nguyên Giáp tạm biệt cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè và quê nhà, tạm biệt dòng Kiến Giang hiền hoà, xanh mát, gắn liền với bao kỷ niệm của tuổi thơ, đến với dòng Hương Giang của xứ Huế thơ mộng, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Nguyễn Chí Diễu đã giới thiệu anh vào Tân Việt cách mạng Đảng, làm việc ở Quán Hải Tùng thư - một nhà xuất bản của Tổng bộ Tân Việt chủ trương, đặt ở phố Đông Sa, do thầy giáo cũ Đào Duy Anh sáng lập. Anh được bố trí làm thư ký của Nhà xuất bản, sinh hoạt trong một tổ bí mật của Đảng Tân Việt do Đào Duy Anh làm tổ trưởng. Tại đó, Võ Nguyên Giáp được tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn " Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc và tờ báo " Người cùng khổ" ( Le Paria) từ Pháp gửi về. Được mặt trời chân lý rọi vào tim và khối óc, Võ Nguyên Giáp rực lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, tích cực, say sưa hoạt động. Chỉ một năm sau, anh đã thành một trong những thành viên hạt nhân của Đảng Tân Việt. Anh tích cực vận động cho tổ chức này gia nhập Đảng cộng sản và được Đào Duy Anh -Tổng biên tập báo Tiếng Dân giới thiệu với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho làm biên tập viên của tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ có xu hướng tiến bộ này. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Võ Nguyên Giáp đã tích cực viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin, cổ vũ phong trào cách mạng trong nước, trở thành một đối tượng bị chính quyền thực dân theo dõi sát chặt. Và, ngày 25 tháng 10 năm 1930, chỉ còn một tháng nữa là tròn 19 tuổi, Võ Nguyên Giáp cùng một số người đã bị Pháp bắt giam trong một đợt khủng bố trắng, trong đó có thầy Đặng Thai Mai và nữ sinh Nguyễn Thị Quang Thái ( em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai). Anh bị kết án 2 năm tù giam tại nhà lao Thừa Phủ. Dù bị tra tấn cực hình và suốt ngày bị giam trong buồng tối, nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, không một giây khuất phục trước mọi sự cám dỗ của kẻ thù. Cuối năm 1931, do Hội cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, đòi thả chính trị phạm, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc lòng phải nhượng bộ tha một số tù chính trị. Đặng Thai mai, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái và một số anh em khác được ra khỏi tù, nhưng anh bị đưa về quê quản thúc.
Không chịu nổi sự kìm kẹp của kẻ thù,Võ Nguyên Giáp đã tìm cách ra Vinh ( Nghệ An) đến nhà thầy Đặng Thai Mai, nhờ thầy giúp đỡ tìm kiếm việc làm tạm thời để thực hiện chí hướng của mình. Khi thầy Đặng Thai Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đi theo thầy, tiếp tục ôn bài và chỉ trong 10 tháng, từ lớp Thành chung năm thứ hai, anh đã thi đỗ lấy bằng tú tài phẩm nhất hạng ưu. Không dừng lại ở đó, Võ Nguyên Giáp vừa là sáng lập viên của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, làm Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội, tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notrevoix ( Tiếng nói của chúng ta), Le Travail ( Lao động), biên tập các tờ báo Tin tưc, Dân chúng... vừa tiếp tục học nhân bằng Cử nhân Luật năm 1937, lại học thêm về kinh tế, chính trị để lấy bằng Luật sư đến năm thư tư...Năm 1939, Võ Nguyên Giáp còn nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long ( Hà Nội) do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc. Anh đã dồn tất cả trí và lực hoạt động không ngơi nghỉ suốt cả ngày đêm. Những người làm báo lúc bấy giờ nói rằng: Sức làm việc của anh Võ Nguyên Giáp hết sức kỳ lạ. Anh có thể viết suốt 24 giờ liền cho toàn bộ một số báo Le Travail để hôm sau đưa đến nhà in, kịp thời phát hành. Còn học sinh ở Trường Tư thục Thăng Long thì mô tả rằng: Anh có thể vẽ lên bảng đen sơ đồ từng trận đánh của Napoléon, anh sôi nổi kể về Công xã Pari, về cái chết oanh liệt của các nhà cách mạng. Anh không chỉ là nhà sử học đơn thuần, mà còn là một trạng sư say mê, luôn bênh vực tính chính nghĩa của lịch sử...
Trong thời gian này, anh đã xây dựng gia đình với Nguyễn Thị Quang Thái - người nữ sinh xinh đẹp, dáng vẻ dịu hiền, nhưng không kém phần kiên nghị, bất khuất, đôi mắt thông minh đầy quyến rũ...từng học ở Trường Đồng Khánh ( Huế) năm xưa đã thu hút tâm hồn anh và càng cảm phục nhau hơn trong những tháng gặp nhau trong nhà lao Thừa Phủ.
Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đứng trước nguy cơ đe dạo của chủ nghĩa phát xít. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy, ngày đêm lùng sục, bắt bớ, tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản. Vào lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Uỷ viên thường vụ Đảng cộng sản Đông Dương khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơ anh có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà anh từng ngưỡng mộ. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam, cùng Phạm Văn Đồng lên Lao Cai, rồi vượt biên sang Trung quốc.
Như một định mệnh, đến Vân Nam Trung quốc, Võ nguyên Giáp được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc trên một con thuyền ở Thuý Hồ, Côn Minh. Lúc này Bác đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác Hồ đã thấy Võ Nguyên Giáp là người triển vọng. Kể từ đó, Võ Nguyên Giáp luôn luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt. Để đào tạo cho lâu dài, Bác Hồ đã liên hệ với Đảng cộng sản Trung quốc và cử anh đi học quân sự tại cứ địa Diên An. Trên đường đến Diên An, anh được Hồ Chí Minh gọi quay lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở Châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Hồ Chí Minh nhận định tình hình Đông Dương sẽ có chuyển biến nhanh, cần gấp rút về nước chuẩn bị đón thời cơ.
Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Tỵ ( 1941), Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh về Cao Bằng. Từ trong hang Pắc Bó, Hồ Chí Minh đã dự đoán: " Trong 5 năm nữa Tính từ năm 1941) cách mạng sẽ thành công, điều chúng ta mong đợi sẽ toả sáng". Lời tiên đoán của Bác đã trở thành niềm tin sắt đá, giúp Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của anh có thêm niềm tin vào tương lai. Võ Nguyên Giáp thường kể lại cho nhiều người nghe là lúc đó ở Việt Bắc rất khổ cực, "tìm được cái ăn đã là chiến công. Chúng tôi phải chia nhau từng củ sắn, từng bắp ngô". Không ít người bối rối. dao động, có người e ngại làm sao cách mạng thành công khi không có súng và lấy đâu ra súng? Những lúc ấy, Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên lời dạy cảu Bác: " Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước, súng sau, có nhân dân là có tất cả". Tin vào những lời Bác Hồ nói, Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Đó là một việc làm hết sức mới mẽ của chàng thanh niên mới 30 tuổi, cũng là một việc làm hết sức kinh ngạc của bạn bè khắp năm châu, như hãng truyền thông BBC của Anh đã đánh giá: "Là một người cộng sản tận tuỵ, Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ được huấn luyện quân sự chính thức nhưng lại có được tiếng tăm với tư cách là một chiến lược gia tài ba, người kiến tạo nên những chiến thắng chống lại các lực lượng được trang bị tốt hơn nhiều về mặt kỹ thuật". Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã đứng ra thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập ( một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và một súng máy. Quân số quá ít, vũ khí thô sơ, nhưng với sự tài ba của mình, chỉ sau ba ngày mới thành lập, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch.
Là người hậu sinh, tôi không dám đánh giá gì về sự tài ba của Ông, nhưng những gì Ông đã làm đều như Thánh. Ngày xưa, chỉ với một gốc tre, Thánh Gióng đã đánh tan lũ giặc Ân. Còn với Ông chỉ với 34 người vừa rời khỏi đồng nương" tập khiêm, tập mác, tập súng... mắt chưa từng thấy", mới tụ tập lại với nhau ba ngày đã đánh thắng giặc có sức mạnh và tiềm lực gấp mấy lần mình, thì quả là điều kỳ diệu! Ở Ông như Ông đã nói: " nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chúng tôi trả lời là từ " lo sợ" không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập, tự do...". Bác Hồ tín nhiệm Ông. Đảng tín nhiệm Ông. Dân cảm phục Ông. Ông đã được dưa vào uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và là Thường vụ Trung ương khi mới 32 tuổi và trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng 5 ngày, để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Và, Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công. Non sông rạng rỡ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập. Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.
*
* *
Ra đi từ một vùng quê gạo trắng, nước trong, trong cái danh " Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện", nhưng phải sống tối tăm, khổ cực và nghèo đói quanh năm dưới sự đô hộ của thực dân phong kiến, nhưng với lòng yêu nước thương dân và khí phách kiên cường, Ông đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn và sự tra tấn cực hình của giặc Pháp trong lao tù, trở thành một người cộng sản ưu tú.Ông đã từng trả lời với một nhà báo Ý rằng: " Người Phương Đông chúng tôi khác người Phương Tây. Chúng tôi đặt sự tồn vong của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân..." Ông cho biết: người Việt Nam sẽ sẵn sàng chịu bất kỳ hy sinh nào và chiến đấu tới cùng để giải phóng đất đai của họ từ quân đội nước ngoài, và ông cũng không ngoại lệ. Không ngoại lệ với tư tưởng của dân tộc, Ông đã quyết tâm tìm đến với những người cộng sản, tìm đến với con đường giải phóng dân tộc, tìm đến với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, đi đầu trong các cuộc đấu tranh của học sinh, chỉ huy chiến đấu đánh Pháp và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, tham gia thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trở thành một trong 5 uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, rồi nhận nhiệm vụ của Bác Hồ giao, tiếp tục trấn áp các đảng đối lập, mà tiêu biểu là tiêu diệt bọn phản cách mạng trong vụ án Ôn Như Hầu, bảo vệ an toàn chính quyền còn non trẻ...
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản, Ông đã bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang và chỉ trong năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng chính uỷ, Ông đã chỉ huy đội quân của mình giành thắng lợi giòn dã trong chiến dịch Việt Bắc ( Thu Đông năm 1947). Chiến thắng oanh liệt này như một kỳ tích trong lịch sử quân sự của thế giới, đối với một vị chỉ huy chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo quân sự nào và chưa được mang một cấp bậc hàm nào trong quân đội như Ông. Và, không thể nào khác được là ngày 28 tháng 5 năm 1948, Hội đồng Chính phủ đã phong quân hàm Đại tướng cho Ông, theo sắc lệnh 110/SL mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ngày 20 tháng 01 năm 1948, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ mới 37 tuổi. Về sự kiện hiếm có này, khi trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đánh thắng Đại tá phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng, thắng Trung tướng phong Trung tướng, thắng Đại tướng phong Đại tướng"... Đó là việc chưa từng thấy trên thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, cũng như toàn dân trong nước đều thừa nhận đức và tài của Ông và nói rằng "Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới biết và sáng suốt như vậy"! Ngay cả hãng thông tấn BBC cũng đánh giá: " Là một người cộng sản tận tuỵ, Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ được huấn luyện quân sự chính thức nhưng lại có được tiếng tăm với tư cách chiến lược gia tài ba, người kiến tạo nên những chiến thắng chống lại các lực lượng được trang bị tốt hơn nhiều về mặt kỹ thuật". Ông còn là người đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao nhiều trọng trách đối với đất nước như: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng chính uỷ, Bí thư Quân uỷ Trung ương... từ khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đến lúc nghĩ hưu. " Cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có." Đó là lời cảm kích của Đại tướng Peter MacĐonal, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh. Vị Đại tướng và là nhà khoa học lịch sử quân sự này cũng đã viết trong cuốn "Giáp": " 30 năm trước, trước khi nổ ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ I, ngày 25 tháng 8 năm 1911, ở làng An Xá ( tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp...".
Như các danh tướng của Việt Nam trong lịch sử, Ông chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của Ông là chiến tranh nhân dân, kế thừa quan điểm quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân. Từ những kinh nghiệm đó, với sự thông minh và sáng tạo, trong 9 năm đầu cầm quân đánh giặc, Ông đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam và huy động được sức mạnh của toàn dân, liên tục chiến đấu và liên tục giành thắng lợi gìn giả với các chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Biên giới và Trung Du trong năm 1950, Đông Bắc, Đồng Bằng và Hoà Bình trong năm 1951, Tây Bắc năm 1952, Thượng Lào năm 1953 và chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 làm chấn động địa cầu, " nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp, với 4 Đại tướng chỉ huy, sau hơn 80 năm. Thực dân Pháp đã bị thất bại thảm hại. Tưởng như người Việt Nam đã kiệt sức sau gần 3000 ngày kháng chiến không ngơi nghĩ, đế quốc Mỹ - một đội quân có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hàng đầu thế giới mang những đội quân mạnh nhất với đầy đủ vũ khí hiện đại và tối tân nhất, với 6 Đại tướng chỉ huy nhảy vào, tưởng chừng " ăn sống nuốt tươi" nước nhỏ bé này và dễ đưa Việt Nam này trở về thời kỳ đồ đá, nhưng, mọi sự lầm tưởng đều phải thua đau, liên tiếp bị nhân dân Việt Nam và đội quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh phủ đầu, đành ngậm đắng nuốt cay, quay đầu rút về nước, với những tổn thất quá nặng nề cả về chính trị lẫn kinh tế và vết nhục khó rửa. Ông chưa bao giờ kể công với nước, với dân và cũng chưa bao giờ dừng lại với những thành công mà mình giành được. Ông chỉ mong muốn đất nước không có chiến tranh để đượảotở về làm thầy giáo, nhưng nhân dân Việt Nam luôn cảm phục Ông, ca ngợi Ông và luôn giành tất cả tình cảm với Ông. Thế giới cũng hết lời ca ngợi Ông. Nhà sử học quân sự Mỹ Cell Cuney đã viết trong tác phẩm "Chiến thắng bằng mọi giá - Sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam" rằng: "Trong thời gian đó (quá trình chỉ huy quân đội của vị Tổng tư lệnh), ông không chỉ trở thành một huyền thoại, mà có lẽ trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp ( một chế độ thực dân số 2) và quân đội Mỹ ( một trong hai siêu cường thế giới)...Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân....". Đó là lời ngợi ca và sự chấp nhận thật lòng của người Mỹ.
Nếu như tiêu chí chọn Đại tướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là " đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng", thì suốt cuộc đời mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 Đại tướng của Pháp và Mỹ, chưa kể đến nhiều viên Đại tướng của chính quyền Việt Nam cộng hoà. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến Ông, thường gọi Ông là " Đại tướng 5 sao". William Westmoreland gọi Ông là " tướng huyền thoại". Trong bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của Ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. Trong số đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên của tờ Thời báo Châu Á ( Time Asia) đã ghi đậm tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài giới thiệu các " Anh hùng châu Á" gồm các nhân vật làm thay đổi cục diện châu lục trong những thế kỷ gần đây. Còn trong cuốn sách dày 300 trang khổ lớn " Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ" được xuất bản ở Anh năm 2008, với hơn 500 tấm ảnh màu minh hoạ để giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới trong 2500 năm qua, thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim, có nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Có rất nhiều tác phẩm trong và ngoài nước viết về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các sử gia, nhà văn, nhà báo, học giả nước ngoài dành nhiều trang sách để ca ngợi vị tướng Việt Nam không tốt nghiệp trường võ bị nào, nhưng trong quân nghiệp Ông đã làm nên điều kỳ diệu - cùng cả dân tộc thực hiện hai cuộc kháng chiến, thắng hai kẻ thù hùng mạnh - thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trang sách, tác phẩm khắc hoạ và lý giải con người đời thường của Ông - một con người làm nên huyền thoại từ cội rễ của lòng yêu quê hương, đất nước.
*
* *
Tôi chỉ là một người lính đã trở về với cuộc sống đời thường. Lúc còn là học sinh trường làng, tôi đã được đứng trong đám đông của làng mấy lần đón Ông và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm quê tôi Cự Nẫm anh hùng. Từ cái thuở cách đây nữa thế kỷ ấy, Ông đã để lại trong tôi niềm cảm phục sâu sắc khó phai mờ. Cấp hàm và chức vụ của các ông to và sự cống hiến cho nước cho dân của các ông quá nhiều không tính nổi, nhưng vẫn giản dị, bình dân hơn cả những cán bộ xã của tôi lúc đó. Các ông vẫn xắn quấn ra lội đồng kiểm tra và động viên bà con sản xuất. Các ông đi bộ trên các đường làng đá sỏi đến thăm các cháu học sinh, thăm và nói chuyện với nhân dân... Thấy các ông về thăm, cán bộ và dân quê tôi vinh dự, mừng và tự hào lắm. Lúc nào xã cũng cho người làm những mâm cơm sang trọng để mời, nhưng các ông đều cảm ơn, rồi chào ra về. Đối với các ông không thích sự tốn kém, trong lúc toàn dân nghèo khổ, còn phải dồn sức để đánh Mỹ, cứu nước và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Sau này, được chụp ảnh bên Ông trong mấy lần Ông đến thăm lực lượng Công an nhân dân Quảng Bình và chỉ được đứng bên chiếc võng Ông đang nằm rất thơ mộng để phóng viên Phan Hoà của Báo Quảng Bình chụp ảnh bên bờ biển Đá Nhảy. Vinh dự bên Ông chỉ có vậy thôi, nhưng trong tôi, Ông là một vị thánh huyền thoại, rất gần gũi, khiến mình thường xuyên tìm hiểu về Ông. Mọi kỳ tích về Ông, tôi chỉ được đọc trên sách, báo và nghe đài, rồi tích luỹ lại, để rồi năm nào tôi cũng viết về Ông. Lần này, sự ra đi của Ông, lòng tôi cảm thấy hụt hẩng như đã mất đi một điều linh thiêng, nên lại ngồi viết để bù đắp sự mất mát đó. Cảm xúc hẩng hụt này không phải chỉ vì sự khuất bóng một vĩ nhân, một huyền thoại, mà còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hoá cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt, để nước Việt tiếp tục vượt qua mọi thử thách trước mắt. Chúng ta đang được chứng kiến những gì đẹp nhất của lòng dân, khi cả dân tộc và cả nhân laọi đang xích lại gần nhau trong một nỗi đau chung. Ông sẽ ngậm cười nơi chín suối, khi chính Ông một lần nữa chứng minh tinh thần dân tộc nằm trong chính mỗi người Việt Nam, một tinh thần dân tộc chỉ có thể nghiêng mình trước một nhân cách lớn, chứ không bao giờ quì gối trước bất cứ kẻ thù nào.
Từ xưa, người ta đã nói chỉ có bậc Thánh Nhân mới có thể cảm hoá được lòng người. Trong lịch sử, đã có nhiều sự ra đi của một cá nhân mà tác động đến cả xã hội. Nhưng, những người mà sự ra đi làm cho cả dân tộc và nhân loại xích lại gần nhau, làm cho mọi người đều cảm thấy rằng mình cần phải sống tử tế hơn để không làm buồn lòng người đã mất, thì lịch sử cận đại Việt Nam chỉ có hai người là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ giờ phút Ông ra đi đến nay, từ ngôi nhà số 30 - Phố Hoàng Diệu - Hà Nội, đến ngôi nhà lưu niệm của Ông ở làng An Xá - huyện Lệ Thuỷ - Tỉnh Quảng Bình, những nơi tổ chức lễ viếng Đại tướng ở Hà Nội, Dinh Thống Nhất ( thành phố Hồ Chí Minh), Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, ở khắp các địa phương trong nước, rồi nơi an nghĩ cuối cùng của Ông ở Vũng Chùa... dòng người bất tận lặng lẽ chờ đợi đến lượt viếng Ông. Để được bái biệt Đại tướng, nhiều người đã đi từ 2 - 3 giờ sáng. Nhiều người đứng chờ hàng tiếng đồng hồ. Nhiều người phải vượt đường xa hàng ngàn cây số. Hàng chục triệu người tràn đầy nước mắt, ngậm ngùi cầm ảnh Đại tướng, cầm hoa thơm quả ngọt, cầm nến, cầm hương ...đứng chật kín hai bên các tuyến đường Hà Nội ra sân bay Nội Bài, chật kín hai bên tuyến đường từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa với chiều dài trên 50 cây số, chật kín cả vùng nơi chuẩn bị an táng Ông... Đến tiễn biệt Đại tướng có từ các cháu bé chưa đến tuổi cắp sách đến trường, đến các cụ già sắp gần đất xa trời. Những ngày viếng và đưa tiễn Đại tướng, mọi người như thanh lịch hơn, có văn hoá hơn, tử tế với nhau hơn, trật tự xã hội và trật tự an toàn giao thông như tốt hơn nhiều. Tất cả đều quàng chặt tay nhau, trật tự đứng chờ để được gần bên Ông, được tiễn Ông đi, bởi: " Ai cũng muốn một lần có mặt - Nơi còn lưu hơi ấm của Người..." ( Huyền thoại Võ Nguyên Giáp - thơ của Nguyễn Hữu Quý).Thế mới biết sức cảm hoá của Ông to lớn biết nhường nào.
Đại tướng mất, nhân loại mất đi một cây đại thụ rợp bóng nhân văn. Nước nhà mất đi một trụ cột - một người lập quốc còn lại. Lực lượng vũ trang nhân dân mất đi người Anh Cả. Từ lâu nay chúng ta luôn nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cha của các lực lượng vũ trang, còn Đại tướng là người " Anh Cả". Cha ông ta có câu: " làm anh khó lắm ai ơi!". Bây giờ càng ngẫm, càng thấy sao mà đúng thế và Đại tướng đúng là người " Anh Cả". Đến như một người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam trong mặt trận Xuân Lộc ( Đồng Nai) là ông Paul Hellweg cũng lặng lẽ hướng mắt về màn tivi theo dõi lễ truy điệu Đại tướng không cầm được nước mắt và nói rằng: " Tôi hiểu vì sao những cựu chiến binh ngực đầy Huân chương, những người già phải chống gậy, cho đến những thanh niên, thiếu nhi đều bật khóc. Vì họ đang có chung một nỗi đâu, một sự mất mát lớn. Tôi buồn trước sự ra đi của Đại tướng, nhưng tôi vui vì dòng máu người Việt như hoà làm một, các thế hệ người Việt nam đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tôi chưa từng chứng kiến sự kiện nào lại khiến tình cảm nhân dân dâng trào đến như thế".
Bây giờ thì Ông đã trở về với quê nhà, như tâm nguyện của Ông là " Quảng Bình là nhà tôi. Khi rãnh việc nước thì tôi về nhà". Ông đã trở về quê hương sau gần một trăm năm đi cứu nước, thành lập nước, bảo vệ đất nước bình yên và xây dựng đất nước giàu mạnh, giữa lúc quê hương đang tự hào chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 410 năm co danh xưng tỉnh Quảng Bình.
Lịch sử hình thành và phát triển của đất nước và Quảng Bình luôn gắn liền với tên tuổi và công lao cống hiến của Ông. Đúng như lời điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc trong Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: " Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc...Đối với quê hương Quảng Bình, Đồng chí luôn giành sự quan tâm đặc biệt, mong mỏi Quảng Bình ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp. Đồng chí là niềm tự hào to lớn của mỗi người dân Quảng Bình...".
Vũng Chùa, Đảo Yến - nơi Ông nằm yên nghĩ đã trở thành địa chỉ tâm linh của muôn triệu con người...
Đồng Hới, Tháng 11 năm 2013
K.C
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét