VŨ TRỌNG BÌNH: NỬA THẾ KỶ QUAN LỘ VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP


Vũ Trọng Bình (hay Võ Trọng Bình, 1808 - 1898), người làng Mỹ Lộc, huyện Phong Đăng (nay là huyện Lệ Thủy), tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong 46 người đã đỗ trong kỳ thi Hương năm 1834. Suốt cuộc đời làm quan của mình (1834 - 1884), ông được biết đến là một vị quan giỏi, thanh liêm, chính trực, luôn chăm lo cho dân và có nhiều đóng góp cho triều đình. 

1. Vũ Trọng Bình và đời “quan lộ”

Trong 50 năm tham gia “chốn” quan trường, chúng ta có thể khái lược về “đường quan” của Vũ Trọng Bình như sau: 

Sau khi đậu Cử nhân, ông được bổ làm Hộ khoa Chưởng ấn Cấp sự trung. Tháng 7/1844, ông được thăng thự Lang trung bộ Lễ, đến tháng 8 kiêm thêm nhiếp hữu Tá lý Tôn nhân phủ. Tháng 1/1846, ông được điệu bổ làm án sát Hà Tĩnh, đến tháng 6 ông lại được chuyển bổ án sát Nghệ An. Tháng 3/1847, ông được điều bổ án sát tỉnh Thái Nguyên. Tháng 9/1854, ông được thăng bổ Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1856, ông được đổi bổ đi Tuần phủ Bắc Ninh. Năm 1863, ông được thực thụ Tổng đốc; cũng trong năm này, ông được đổi bổ làm Thượng thư bộ Hộ kiêm làm công việc bộ Công. Sang năm 1864, vì ông là người luôn “giữ lòng trong sạch, làm việc siêng năng, việc trong hạt đều đâu ra đấy, lại dân yêu phục” nên ông được sung làm Cơ mật viện đại thần. Đồng thời, “Dụ thưởng gia trác dị một cấp, một cái khánh vàng khắc chữ “Liêm bình cần cán”, cho các hạng quần áo”. Cũng trong năm 1864, ông được triều đình cử làm Kinh lược các đạo Ninh, Thái, Lạng, Bằng, lĩnh Tổng đốc Ninh - Thái và thưởng bạc 30 lạng. Năm 1866, vua cho rằng “Kinh lược sứ là Vũ Trọng Bình thanh liêm, chăm chỉ, nhanh nhẹn, tài cán, đến đâu cũng có tiếng tốt” nên cho thăng thự Hiệp biện Đại học sĩ. Năm 1868, ông được thăng thụ thực hàm lĩnh Tổng đốc Hà - Ninh đồng thời sung làm Khâm sai đại thần của 3 tỉnh là Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Năm 1869, ông được sung làm Tổng thống Lạng - Bằng...

Đến năm 1874, ông được cử làm Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), vì tuổi cao ông xin nghỉ hưu nhưng không được, đổi lại ông làm Tổng đốc Định – An (Định Tường và An Giang)...

Năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), vua đã chuẩn cho Vũ Trọng Bình về quê hưu trí, đồng thời khai phục nguyên hàm Tổng đốc Định - Yên. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Bởi, vua cho rằng ông là vị quan đã trải qua bốn triều vua và là người liêm năng, “vua thương là người bầy tôi cũ, cho nên mới có mệnh này”. Năm 1898, ông mất tại quê nhà, thọ 90 tuổi.

Mặc dù công lao rất lớn nhưng chốn quan trường của ông không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Là vị quan có đóng góp lớn trong 4 triều vua nhưng ông cũng đã có một số lần bị lưu, gián chức, thậm chí bãi chức. Năm 1865, quân Trọng Bình đóng đồn ở Cầu Phong, tỉnh Lạng Sơn quân Thanh do Hoàng Triệu Vinh lẻn đem bọn thổ phỉ đánh úp bất ngờ, đám quân của ông bị thua, triều đình biết chuyện, ông liền bị cách chức lưu. Tháng 5/1869, với công lao đánh thắng quân Thanh sang gây hấn, lấy lại được Cao Bằng, triều đình đã cho ông “khai phục hoàn toàn”... Lần ông bị triều đình phạt nặng nhất là năm 1883, khi Pháp đánh các tỉnh miền Bắc, dù quan quân triều Nguyễn kháng cự quyết liệt, viên trung tá Pháp là Carreau bị tử thương, nhưng đến trưa thì thành vẫn bị chọc thủng và mất vào tay đối phương. Sau trận thua này, Hoàng Tá Viêm bị giáng chức, còn ông và các quan lại có tránh nhiệm khác đều bị bãi...

2. Hơn ½ thế kỷ “đường quan” và những “tiếng thơm” để đời

Nếu con đường làm quan của ông “hanh thông” chừng nào thì những đóng góp trên con đường đó càng lớn chừng đó. Chúng ta có thể khai quát những công lao lớn mà ông đã đóng góp trong suốt hơn nửa thế kỷ làm quan của mình.

- Thứ nhất, ông đã có những đề xuất lớn cho triều đình: Tháng 2/1843, ông cùng với các quan khoa đạo như Ngô Bỉnh Đức, Lê Di và Nguyễn Huy Lịch dâng sớ trình bày 8 việc. Trong đó có những việc có ảnh hưởng đến thuế quan, giá cả thị trường như: “Xin tha hoặc giảm thuế cho phủ Thừa Thiên”, “Về thuế cửa ải và bến đò (xin lấy giá vừa phải về năm trước đã phát mại làm chuẩn định, do địa phương sai người chia đi ngồi thu. Bãi không cho phú hộ theo giá lĩnh trưng)”, “Đặt mua các vật hạng với giá thoả thuận”... hay trợ cấp, việc hình án như: “Xin đừng cho người Tây dương giao thông đi lại vì phần nhiều họ hay dối trá”, “Xin liệu cấp tiền và gạo cho những lính ở Kinh bị bệnh truyền nhiễm”, “Xin rộng thêm hạn tháng để thư sức cho những người làm lực dịch”, “Xin thương xót các tù giam để hình án khỏi đọng”. Vua đã cho chuẩn xét thi hành một số điều. Năm 1861, khi đang là Thự Tổng đốc An – Tĩnh ông dâng nói để vỗ yên Bắc Kỳ có 3 điều cần phải làm là: 1. Cách thói tệ của bọn làm quan, 2. Quyên lương lính, 3. Miễn tội cho kẻ xuất thú. Vua cho là phải. 

Một số đề xuất của ông đã trở thành căn cứ cho triều đình xây dựng các chế định pháp luật. Chẳng hạn, năm 1842, khi cho định lại điều cấm về các nhà trạm, triều đình đã căn cứ vào lời tâu hặc của ông trước đây về việc “ngoại lang bộ Hình là Lê Ngọc Chấn đi thanh tra việc công Hà Tĩnh trở về, tự tiện lấy 14 tên phu trạm và 2 con ngựa trạm để vận tải đồ vật riêng cho gia quyến. Quan tỉnh lại riêng cắt biền binh đi hộ tống”. Về tội danh của các tham quan này, vua cho “Chấn khinh nhờn pháp luật, liền hạ lệnh cách chức, giao viện Đô sát xét xử. Chấn bị xử tội mãn đồ. Bố chính Nguyễn Đồng Khoa và án sát Nguyễn Khắc Trạch ở Hà Tĩnh đều bị giáng 2 cấp, lưu”. Hai năm sau (1844), triều định đã định lại lệ thu thuế cửa ải và bến đò từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Việc định lại lệ thu thuế này đã dựa trên cơ sở điều trần trước đây của ông và Nguyễn Cư Sĩ. Đó là năm 1843, các quan khoa đạo là Vũ Trọng Bình, Nguyễn Cư Sĩ Lại tâu lên rằng: Việc thu thuế cửa quan ở các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra Bắc “hằng năm đấu giá, ai đặt giá cao thì được trưng, đến nỗi tranh nhau, lại vì của cải, lạm thu ngoài pháp luật, rất là hại dân”. Do vậy, ông đề “chiếu các năm trước, giá nào vừa phải, nghị làm cái giá nhất định”, đồng thời, “hằng năm, các địa phương phái thuộc viên theo lệ ngồi thu; còn việc hằng năm đấu giá thì xin cho đình bãi". Vua đã giao cho xuống đình thần bàn, sau đó định lại: “lệ thu thuế hằng năm từ năm Minh Mệnh thứ 19 đến năm Thiệu Trị thứ 4 của các sở cửa quan, ở các địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh trở ra Bắc, lấy mức trung bình, thích hợp châm chước định ra giá nhất định”.

Ông còn có đóng góp cho việc hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với tình hình chung cũng như giảm bớt tổn phí cho nhà nước. Năm 1868, ông cùng với Nguyễn Tri Phương và Phan Huy Vịnh tâu nói : “Điều cốt yếu trong việc hạn chế tiêu dùng của Nhà nước, cốt ở liệu số thu vào để chi ra, nên phải châm chước ấn định nhân viên làm việc, giảm bớt các khoản thường chi, đã Dụ sai các nha trong Kinh và tỉnh ngoài đều chiểu nơi nhiều việc, nơi ít việc, tuỳ tiện xét tâu”. Triều đình đã chuẩn cho liệu giảm ở Kinh 24 nha, từ tứ phẩm thuộc viên đến vị nhập lưu thư lại là 139 viên; ở ngoài 25 phủ, tỉnh, đạo, từ hậu bổ đến thông lại thừa biện là 142 viên, để lại có số nhất định, chi lương ngạch nhất định, cho đều xứng với công việc.

Ngoài ra, ông là người được vua và triều đình tin tưởng giao cho nhiều việc lớn, nhất là những việc liên quan đến cúng tế, thờ tự. Năm 1948, Phủ Thừa Thiên lệ khí cũng lại phát ra nhiều, Vua sai ông (lúc này Kinh doãn) đến đền Thai Dương phu nhân làm lễ cầu đảo; hay năm 1854, vua sai ông đi làm lễ cày ruộng tịch điền thay vua vì bấy giờ việc tu bổ lăng, điện, công dịch hơi nhiều, nên đình việc vua thân đi cày để bớt lao phí. Năm 1868, nhân định lại ngày tế Giao, tế các miếu đế vương, tế Văn Miếu, vua đã sai ông thay vua tế Văn Miếu.

- Thứ hai, ông đã góp phần làm trong sạch bộ máy cũng như trừng trị tệ quan tham: Năm 1840, với cương vị là một “gián quan” - Giám sát ngự sử khi được phái cùng Giám sát ngự sử đạo Bình - Phú là Nguyễn Thị đi Phú Yên thanh tra, khi về Nguyễn Thị đã lấy vợ lẽ, mua ngựa, ông tham hặc, vua Minh Mạng “lập tức sai cách chức Nguyễn Thị, giao bộ nghiêm nghị”. Hay năm 1841, Án sát tỉnh Nam Định là Lê Hữu Đức trước đây có tội, bị cất chức nhân lúc ấy Khoa đạo là Vũ Trọng Bình và Trần Thiện ra làm giám sát trường thi Nam Định, Đức mật sai người nhà đem chè đi tiễn tống, Vũ Trọng Bình đem việc ấy tâu lên, vua liền sai cách chức Đức. Để khen việc hặc đúng người đúng tội cũng như “biết giữ mình thanh bạch” của các “gián quan”, vua Thiệu Trị đã ban thưởng “Vũ Trọng Bình và Trần Thiện kỷ lục 1 thứ và 1 súc lụa ”. 

Đối với những viên quan có tính nóng nảy hay không phù hợp với chức đương nhiệm, ông cũng tham hặc để triều đình cần nhắc đổi bổ việc khác hợp lý hơn. Năm 1855, ông đã nghiêm xét việc quan huyện Phù Cừ là Đặng Ngọc Phác có tính nóng nảy, khinh suất, thiên lệch, cố chấp, không hợp với tình dân nên nên “bắt dân làm việc không được quân bình, cùng là hiệp hiềm, bắt ức”. Vua chuẩn y giáng Ngọc Phác 4 cấp đổi đi nơi khác. 

Không những có công trong việc tâu hặc, trừng trị tham quan mà ông còn kiến nghị triều đình tiến cử những người tài giỏi, thanh liêm vào đội ngũ quan lại. Ông từng cho Nguyễn Văn Vĩ là “người mạnh dạn, tài cán, quen thạo, gặp việc có thể ứng phó được ngay, xin cho quyền lĩnh án sát ở Cao Bằng”. Vua y cho. 

Những việc làm của ông không những góp phần cho triều đình hạn chế tệ quan tham, cân nhắc, bổ dụng hợp lý hơn... mà còn có những ảnh hưởng tích cực đến dân chúng cũng như quân lính. Năm 1866, ông và Nguyễn Tri Phương thấy việc Thống chế Nguyễn Văn Xa, Biện lý Nguyễn Văn Chất đã bắt quân lính, thợ làm việc quá sức, ốm đau không cho thuốc chữa... đã dâng sớ tâu, vua liền chuẩn cho Văn Sa và Văn Chất đều cách chức, cho làm việc chuộc tội, đồng thời cấp lương, thuốc cho quân lính. Hoặc khi còn làm Quan quân thứ Lạng - Bằng, ông đã bẩm báo và đề nghị triều đình cấp phát quần áo, lương thực cho quân lính tại đây, vua đã cho xem xét để cấp cho không những quân lính ở Lạng – Bình mà cho quân lính cả nước.

- Thứ ba, ông là vị quan thanh liêm và luôn “chăm dân”: Năm 1853, ông (Phủ doãn phủ Thừa Thiên) cùng với Thị lang Nội các là Vũ Duy Ninh, Bố chính Nam Định là Ngô Bỉnh Đức, Bố chính Quảng Nam là Lê Di, đã được vua thưởng mỗi viên 1 tấm khánh bằng vàng tía hạng lớn, có 4 chữ “liêm, bình, cần, cán” cho việc biết sửa mình thanh liêm, cần mẫn, trị dân không nhiễu sự. 

Không những vậy, ông còn là người không ham danh lợi, địa vị, chức quyền. Năm 1866, ông và Nguyễn Tri Phương lập được công lao dẹp giặc ở Đông Bắc, vua cho về kinh ban thưởng và “sai may áo ban cho” nhưng ông và Nguyễn Trị Phương đều từ chối. Với thành tích và sự liêm khiết đó, vua đã sung ông làm Cơ mật viện Đại thần. Năm 1880, đương lúc giữ chức Tổng đốc Sơn - Hưng – Tuyên, ông được vua gọi vào yết kiến và cho thăng chức Hiệp đốc để ngang hàng với Hoàng Tá Viêm cho dễ bề bàn tính việc chung nhưng ông cho rằng “Tôi tính thì thô suất, việc binh lại không được giỏi, không dám tự đương chức ấy”. Vua lại hỏi “Ngươi trị dân thế nào mà được dân yêu ?” Ông trả lời: “không dung túng bọn tư lại, nghiêm dẹp trộm cướp và sức các phủ, huyện nhất thiết các việc tạp tụng, không được bỏ lâu; thuế lệ hằng năm, cũng chính mình xét đến, đều làm điều biết được thôi”. Đặc biệt, năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông thấy mình tuổi già (70 tuổi), xin nghỉ hưu. Vua không cho và dụ rằng: “Ngươi một lòng công trung, trước sau không đổi”, hơn nữa, “hiện nay nhiều việc, chính là lúc dùng người cũ để hòng báo”. 

Năm 1867, ông cảm thấy mình là người nói năng táo bạo sơ suất, thường phải răn trách nên xin từ việc viện Cơ mật. Vua dụ rằng “người ta không phải là Nghiêu, Thuấn, ai hay hết được, trẫm có lỗi, các quan sửa chữa, các quan có lỗi, trẫm cùng tuỳ việc răn bảo, là mong cho đổi lỗi được hay để thành hoàn toàn, nếu lấy 1 việc hay 1 câu nói làm chẳng vừa lòng, là còn có ý không thích, hầu mong đổi lỗi sao được ? Thế thì lòng không thẳng thắn lắm, rất không muốn nghe. Nay đang lúc nhiều việc, cần tìm người hiền, phàm được chọn dùng, đều là người Trẫm biết, đối đãi như nhau, điều hay thì khuyên, điều không hay thì răn, muốn cho cùng lòng hợp sức cùng giúp việc lúc khó khăn, để thu lại 3 tỉnh, chia làm mọi việc mà thôi, các ngươi đều nên một lòng cùng giúp, không chia rẽ người này người khác chút nào mới được. Nếu vẫn hết sức khu khu chối nhường, hãy còn hình tích, thì việc nước và đạo làm tôi ra sao ?”. 

Ông là một trong những vị quan được vua và triều đình rất quan tâm. Năm 1882, nhân ông 70 tuổi, vua rằng: “Tổng đốc Định - Yên là Vũ Trọng Bình làm quan liền 3 triều vua, tuy tính thiên lệnh, vận mệnh bĩ, cho nên thường vấp váp, nhưng một lòng thực thà trung thành, lo việc vua, yêu việc nước, đến già không thay đổi, trẫm cũng yêu mến không lúc nào quên” nên ban phẩm vật mừng thọ ông “để khuyên người siêng năng khó nhọc và tỏ ý nuôi người già cả”. Vật phẩm vua ban gồm: “7 đĩnh bạc hạng 10 lạng, sa dày hoa tứ hữu thuần tơ màu đỏ, màu bảo lam mỗi thứ 1 tấm, nhiễu hoa mẫu đơn, hồ điệp thuần tơ màu bảo lam 1 tấm, nhiễu nam hoa ngũ hồ, tứ hải, bát biểu nhất gia màu đỏ 1 tấm, nhiễu nam hoa tứ hữu trắng 1 tấm”.

Đối với trách nhiệm “chăm dân”, ông là người luôn có những đề xuất để triều đình thực thi các chính sách tốt cho nhân dân, nhất là những lúc nhân dân gặp thiên tai, giặc dã, đói kém. Ví như, năm 1857, khi còn giữ chức Tổng đốc Ninh – Thái, ông đã đề nghị triều đình: hai tỉnh này bị mưa lụt, sang mùa đông đại hạn hằng tuần, giá gạo ngày càng lên cao nên xin: Số lính trốn thiếu cho hoãn 3 tháng; số thuế vải thổ một nửa thu bằng vải, một nửa cho dân chiết nộp bằng tiền... Vua đều chuẩn y lời xin. Cũng trong năm 1875, đê mới ở Văn Giang bị vỡ gây lũ lụt lớn, mùa màng thiệt hại nặng, vua choông (là Tả tham tri bộ Lại) sung làm Khâm phái đến Bắc Kỳ khám xét phát chẩn và sửa đê điều cho vững. Sau khi điều tra tình hình ông xin triều đình tha hoãn tô thuế cho nhân dân. 

Không những trực tiếp lo cho dân địa phương nơi ông quản lý mà ông còn là người được triều đình tin tưởng cử đi để “chăm dân” những vùng khác khi dân tình ở những nơi đó gặp khó khăn. Năm 1859, hạt Nghệ An mất mùa liên tục, nhân dân đói rách, xiêu tán, vua cho rằng Vũ Trọng Bình là người “có trách nhiệm chăn nuôi dân” nên đã ủy thác cho ông đến hạt này chủ động trù tính miễn sao “đức trạch xuống khắp đến dân đến”. Tháng 5/1864, tỉnh Cao Bằng giá gạo quá cao đời sống của nhân dân ngày càng đói kém, túng quẫn, triều đình đã sai ông đến “xem cơ giúp đỡ”. Năm 1874, dân ở các châu miền thượng du tỉnh Thái Nguyên, tránh giặc, xiêu tán đói khát, ông dâng sớ xin chọn 32 người khỏe mạnh sung lính, hằng tháng cấp tiền gạo; đối với phụ nữ, người già và trẻ con, chia ra các hạng chẩn cấp, vua y cho. Hay năm 1879, dân ở Tuyên Quang bị lụt, nhiều người phải lưu tán, triều đình sai Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên là Vũ Trọng Bình phái vận tiền, gạo để chẩn cấp. 

Tuy nhiên, không phải đề xuất nào của ông cũng được vua chuẩn y. Cho dù, có những đề xuất “thấu tình, đạt lý”. Chẳng như, năm 1854, tình hình lương thực của dân phủ Thừa Thiên “hãy còn quẫn bách”, ông đề nghị “xin tiếp tục sức khuyên các nhà giàu vui lòng quyên tiền, thóc, để đủ chẩn cấp” cho dân nhưng vua bảo rằng: “Sức cho các nhà giàu giảm bớt giá thóc bán ra cho dân, hoặc cấp đỡ cho nhau, để gây thành phong tục chuộng nghĩa; như thế thì hơn tiếng lạc quyên” nên không đồng ý. 

- Thứ tư là ông đã có công lớn trong công tác trị thủy: Tháng 12/1857, với cương vị là Quan sở Đê chính, ông xin hãy đào khơi sông Thiên Đức (từ xã Quán Tình trở xuống lại đào, vét từ xã Xuân Canh đến xã Quán Tình) để chia thế nước sông đại hà và đắp đê sông đại hà của các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình. Đối với việc khơi sông Thiên Đức, vua đã y cho. Với những đóng góp làm cho các dòng sông ở Bắc Kỳ “yên sóng”, sau này Vua bảo “các viên đê chính Vũ Trọng Bình, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Văn Vĩ mới một lần đầu trù tính việc đê, hơi có thành hiệu. Chuẩn gia thưởng cho tiền vàng (mỗi người 1 đồng) và bạc lạng (mỗi người 10 lạng)”. 

Năm 1860, khi giữ chức Thự Tổng đốc An – Tĩnh, ông tâu xin đào đục Thiết Cảng ở hạt Nghệ An (dài hơn 1193 trượng) để khơi thông dòng chảy, thuận lợi cho mùa màng nhưng đình thần bàn cho là: “Liền năm mất mùa kém đói, còn đương phải cứu chữa cho dân. Nay bắt dân khơi đào, sức dân không làm nổi. Vả lại, hiện nay của kho ít, công việc nhiều, có nhiều sự không tiện, đường cảng ấy sẽ để tính sau”. Ông cho rằng “Hạt ấy hiện nay gạo đắt dân khó kiếm ăn, có thể làm công việc để thay phát chẩn”. Vua nghe theo.

- Một đóng góp lớn nữa phải kể đến đó là ông đã có công lớn trong việc giữ yên biên giới phía Bắc và đánh dẹp thổ phỉ: Dưới triều Nguyễn, biên giới phía Bắc là khu vực phức tạp nhất của Việt Nam. Đây không chỉ là biên giới tiếp giáp với Trung Hoa, mà còn là vùng đất dừng chân, trú ngụ của các phiến loạn nhà Thanh hay tội phạm... Khi chúng đến đây đã gây không ít khó khăn cho dân sở tại. Để khắc phục tình trạng gây loạn của thổ phỉ cũng như phòng vệ vùng biên viễn, trong thời gian trị vì của mình các vị vua đầu triều Nguyễn đã có nhiều biện pháp, kế sách cũng như tốn không ít công sức cho sự bình yên của dân chúng ở những tỉnh này. Trong đó, có công lao của Vũ Trọng Bình. Như năm 1847, bọn giặc là Nguyễn Hữu Chính họp đảng ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, xưng riêng nguỵ chức, rèn luyện khí giới, tống lương thực, bắt dân phu. Lúc này ông là Án sát tỉnh Thái Nguyên đã cùng quan quân trong tỉnh đánh dẹp được giặc, trả lại sự bình yên cho dân chúng. 

Dưới thời Tự Đức, quân Thanh thường sang quấy nhiễu vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng đã gây không ít khó khăn cho nhân dân các hạt này. Năm 1865, trước tình hình “ở hạt vì toán giặc tàn hại quấy nhiễu” khi quân ta đến thì quân giặc rút chạy, vì địa hình xa xôi, cách trở quan quân không thể đóng chốt lâu dài được nên khi ta rút quân thì quân Thanh tiếp tục quay lại uy hiếp, “lại thêm năm nay mất mùa đói kém, bị điêu tàn quá lắm, kho tàng thiếu thốn, lương quân không đủ chi, đều do ở tỉnh Bắc Ninh cung cấp cho...”. Nhân chuyến đi kinh lược đến hai tỉnh này, Vũ Trọng Bình đã dâng sớ đề nghị: “chi bằng phái người Thổ trước ở nơi ấy thì được việc, mà đỡ phiền lại tiện. Nên thần đã cho tụ họp và tập luyện những hương binh, thổ dõng, cho lương ăn để thay phát chẩn, sai đến ngăn chặn, đợi quân nước Thanh đến đánh dẹp”. Lời nghị của ông đã được vua chấp thuận. Cũng trong năm này, giặc Thanh sang quấy nhiễu các phủ, huyện ở Cao Bằng, quân lính sở tại chống không nổi, vua đã nghiêm dụ cho Vũ Trọng Bình phái ngay đại binh tới hợp với quan quân sở tại đánh giặc Thanh. 

Không những vậy, ông còn là người rất khoan dung. Năm 1855, giặc ở Hưng Yên là Bì Văn Tăng, Bùi Thường Chiểu, Lê Đình Do ra thú tội, ông xin bắt giam nhưng cho “lấy công chuộc tội”. Đó là “bắt chúng phải uỷ cho thân nhân thám bắt các tên chính yếu phạm cùng bọn đem giải quan, sẽ xin lượng giảm tội cho”. Vua y theo.

Một trong những kế sách giữ nước của ông đó là dựa vào dân, dựa vào lòng người. Năm 1866, các tỉnh Bắc Kỳ “xin đào hào, đắp thành ở các phủ, huyện, mộ lính dõng thêm lính lệ, lượng cấp cho súng và khí giới để phòng bị”. Sau khi vua sai ông và Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Bá Nghi bàn tính, ông tâu nói: “Thành trì là hiểm yếu có hình, lòng người là hiểm yếu vô hình, gốc vững thì nước yên”, “nay phủ, huyện các tỉnh thành trì quan yếu đều xây đắp, nên cứ theo cũ tu bổ cho bền vững”, đối với những “chỗ quan yếu mà chưa có thành trì, xin do quan tỉnh khám xét nơi nào cách xa tỉnh thành, mà có đóng quân thì đều đem tiền thóc và muối chứa sẵn ở đấy”, chứ “không nên lấy dân nhọc mệt đã lâu, lại phải làm việc, cho thêm nhọc khổ làm gì”. Vua nghe theo. Hoặc năm 1867, vua bảo các quan đại thần rằng: “Các cửa biển Nam Định, Hải Yên rất là xung yếu, năm trước đã có cắm kè để phòng giữ bờ biển, sợ chưa được 10 phần chu đáo, nên hết lòng sửa sang”. Ông tâu rằng: “Giữ nước, việc cậy được là ở lòng người, tôi xét kỹ, lòng dân phần nhiều trễ nải, trộm thường lấy làm lo, tưởng nên trước hết lấy cố kết lòng người làm việc cốt yếu, Kinh sư là căn bản của các nơi, phải nên mười phần chấn chỉnh, để cho các hạt trông mà bắt chước”. Vua khen và nhận lời. 

3. Lời kết 

Trong suốt cuộc đời – 50 năm làm quan của mình, Vũ Trọng Bình đã có đóng góp lớn cho đất nước, cho nhân dân nhưng không ham địa vị, danh lợi. Tuy nhiên, về phía gia đình, ông đã phải gánh chịu tổn thất rất lớn. Đó là “con trưởng là Thị giảng Vũ Bá Liêm chết trận, con thứ là Vũ Bá Ba đi thuyền bị nạn bão”. Với những đóng góp của ông cũng như những thất thiệt mà ông phải gánh chịu, tháng 11/1886, vua đã chuẩn cho cấp cho ông mỗi tháng 20 quan tiền, 3 phương gạo để giúp việc dưỡng lão. Sau đó Viện Cơ mật tâu nói: “Viên ấy tình cảnh đau khổ, đáng thương” và “để tỏ lòng tốt nghĩ thương người cựu thần”, nên cấp thêm “1 cái áo đoạn hoa đậu 8 sợi tơ màu huyền, 1 đoạn lụa màu xanh, 1 cái quần nhiễu hoa màu đỏ”. Đặc biệt, ông đã được Hoàng Thái hậu Từ Dũ nêu gương “là vị quan thanh liêm để quan lại sửa mình”. Ngày nay, tấm gương sáng đó vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta noi theo./.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét