"ĐẠI TƯỚNG TRONG LÒNG CHÚNG EM"

Nguyễn Thị Thu Hoài
                      

Những ngày tháng 10 vừa qua, trên mảnh đất Lệ Thủy, chưa lúc nào cái tên của nó lại ứng với hiện thực đang diễn ra đến vậy.

Dẫu không am hiểu chữ Hán, không uyên thâm trong nghệ thuật ngôn từ nhưng chúng ta sẽ không chút khó khăn để hiểu nghĩa từ nguyên của địa danh “Lệ Thủy”: “lệ” là nước mắt , “thủy” là nước. Tháng 10 này, trời Lệ Thủy tầm tã đổ mưa, ào ào bão tố, đất Lệ Thủy thấm đẫm nước mắt thương đau, mất mát của người dân quê khi từ đây mãi mãi không còn được gặp Người – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng của lòng dân, người con ưu tú, niềm tự hào của cả dân tộc…

Cơn bão số 10 đi qua đất Lệ, để lại những ngôi trường tan hoang, để lại những ngôi chỉ còn trơ bốn bức vách, để lại những mảnh vườn tiêu điều, xơ xác, để lại nỗi khiếp đảm trong mắt trẻ thơ và những tiếng thở dài não ruột của bà, của mẹ… Có nhà lãnh đạo nói rằng với những gì bão số 10 gây ra, trong mười năm tới, chúng ta sẽ chỉ giẫm chân tại chỗ… Nhưng dẫu sao, thiên tai, bão, lũ nào có xa lạ gì với người dân dải đất duyên hải miền trung này. Thiệt hại về vật chất có lớn đến đâu, bằng sức mạnh của thời gian, bằng sự kì diệu của bàn tay, khối óc người lao động, tất cả rồi sẽ trở lại như trước, đẹp giàu hơn trước. Nhưng còn sự mất mát này, điều kì diệu nào có thể bù đắp?

Đến “thăm” Đại tướng một ngày sau khi tin dữ được thông báo, màu tang thương phủ khắp ngôi nhà lưu niệm đơn sơ… Vẫn còn đây cây khế đã trăm năm tuổi từng che mát tuổi thơ Người, còn đây chiếc chõng tre giản dị, chiếc cối xay… Nhưng đã vắng rồi một bóng hình thương nhớ… Mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian, vấn vít vòng quanh bức tượng bán thân, những khung ảnh tươi rói nụ cười của Người… Nào ai cầm được lòng mình để nén chặt trong lồng ngực tiếng nấc nghẹn ngào… Nào ai giữ được những dòng nước mắt đừng trào khỏi khóe mi…

Trở lại với Người cùng các em học sinh. Lo các em còn nhỏ, chưa hiểu phép tắc, chưa hiểu được tầm vóc của bậc vĩ nhân mà cũng rất đỗi đời thường, gần gũi ấy… Nhưng có lẽ đó là nỗi lo không cần thiết: Đạp xe hơn 3km, ngược gió, ngược nắng, các em không chút than vãn mà nhanh chóng xếp thành hai hàng, chỉnh đốn trang phục rồi lặng lẽ theo chân nhau thành kính tưởng niệm, dâng hương trước bàn thờ và di ảnh của Bác… Một cách rất tự nhiên, các em đã học được thật nhiều điều từ con người ấy… Trong giây phút đứng trước Người, tin chắc cũng giống như tôi, các em đang thầm hứa với Người những điều hệ trọng lắm, thiêng liêng lắm…

Trong những ngày quốc tang… Lệ Thủy nắng. Không phải nắng hè nhưng vẫn chẳng kém phần gay gắt, khí trời oi nồng. Tôi cùng các em học sinh của mình vinh dự được mang di ảnh của Đại tướng, đứng dọc con đường dẫn vào nhà Bác để đón những đoàn khách đến viếng Người. Sợ các em không quen với việc đứng nghiêm trong một khoảng thời gian dài, sợ các em không đủ sức chịu đựng cái nắng – nóng - nực, tôi động viên các em nhưng chính các em lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh: “Cô đừng lo, bọn em làm được”; Có em thật thà: “Cô ơi, em nghe tivi nói người như bác Giáp mình trăm năm sau cũng chưa chắc có ai sánh được. Bọn em thấy vinh dự vô cùng!”. Thi thoảng các em lại tự động đổi chỗ cho nhau vì có những em được đứng trong bóng râm của lều bạt, của cây cối, có em lại đứng ở vị trí mặt trời rọi thẳng vào giữa mặt. Nhìn các em nâng niu di ảnh Bác trước ngực, đứng nghiêm trang như không hề bị cái nắng nực tác động, lòng tôi dấy lên một niềm tự hào vô hạn. Tôi muốn mượn câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ trong buổi giao lưu “Ra đi và sống mãi” rằng: “Dường như đi tiễn người tốt nên mọi người ai cũng tốt hơn một chút”. Trong buổi chiều hôm ấy, các em học sinh đã để lại một ấn tượng tốt đẹp cho nhiều vị khách…

Ngày 14-10. Dành cho các em một ít thời gian để viết lại những xúc cảm của mình trong những ngày cả nước để tang Đai tướng. Thêm một lần nữa, niềm tin được củng cố khi đọc được những dòng tâm thư của các em. Em Nguyễn Văn Lộc viết: “ Em rất buồn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi…” Câu văn thô mộc nhưng chính là tình cảm rất thật của cả dân tộc ta với Người. Em Nguyễn Văn Tiềm kể rất thật lòng: “ Đối với tôi khi được làm tình nguyện viên trước cổng nhà Bác là một niềm vinh dự. Tuy có mệt nhưng tôi cũng thấy rất mừng vì được làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi để thể hiện lòng biết ơn, kính trọng với Người… ” Em Ngô Thị Giang lại đặc biệt ấn tượng với “nụ cười Đại tướng” khi em kể lại những ấn tượng khi được xem lại nhưng thước phim tư liệu về Bác và kết lại rằng: “ Bác đã đi xa, người dân Việt Nam đều cảm thấy như mất đi người thân của mình. Nhưng dù Người đã ra đi mãi mãi nhưng Người vẫn sẽ ở trong tim tất cả chúng ta…” Đọc đến bài viết cuối cùng, nước mắt lại trào dâng… Niềm xúc động này là từ chính hình ảnh Đại tướng vĩ đại mà thân thương trong lòng các em - những thế hê chưa từng biết đến chiến tranh, chưa từng nếm trải bom rơi đạn nổ, thậm chí chưa một lần được tận mắt nhìn thấy Đại tướng…

Xin một lần nữa kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng, kính dâng Người muôn vàn thương nhớ của người dân đất Lệ..

Lệ Thủy, tháng 10 năm 2013

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét