VÕ XUÂN CẨN - VỊ QUAN "TỨ TRIỀU NGUYÊN LÃO"


Lê Thị Hoài Hương 

Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn sinh ngày 14/11 năm Nhâm Thìn (1772), ở làng Hoà Luật Nam (xã Cam Thuỷ ngày nay). Ông mất tháng 4 năm 1852. Theo gia phả các dòng họ ở địa phương ghi rằng tổ tiên của dân làng Hoà Luật chính quê ở làng Lợi Luật- Thanh Hoá vào đây lập làng từ những năm giữa thế kỷ XVI.

Năm Mậu Ngọ 1558 đời vua Anh Tông, khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn giữ xứ Thuận Hóa tạo nên một thế lực mới của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Bấy giờ có những thập niên người dân Đàng Ngoài- "đồng hương với 

Chúa Tiên" rủ nhau vào vùng đất cũ Chiêm Thành để sinh cơ lập nghiệp. Ông Võ Xuân Cuộc thuộc dòng dỏi khoa bảng ở Thanh Hoá cũng nằm trong đoàn quân ấy đưa theo 7 dòng họ (Võ, Ngô Văn, Ngô Quang, Trần Như, Trần Quang, Nguyễn, Lê) vào khai khản lập làng Hoà Luật. Ông cho rằng đây là nơi trạch địa có thể an cư lập nghiệp.

Người dân làng Hoà Luật có nguồn gốc từ Thanh Hoá vốn mang trong mình tâm trạng của người đi mở nước, họ luôn vươn lên chống lại kẻ thù áp bức, kẻ thù xâm lược, kẻ thù thiên nhiên để chinh phục một vùng đất mới, lạp nên cơ nghiệp cho chính cộng đồng làng xã mình.Chính tinh thân ấy đã tạo nên tính cách trung kiên, quật cường của người dân Hoà Luật trong việc chống áp bức cường quyền. Cư dân ở đây cũng như mọi vùng quê khác sống trong làng xóm nông nghiệp, mỗi người dân gắn bó với nhau trong quan hệ làng xóm, họ hàng. Và trong quá trình lao động sản xuất đã góp phần tạo nên những đặc tính người Hoà Luật là cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn đấu tranh vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tồn tại, không bi quan, chán nản, không chịu luồn cúi như trong Ô châu cận lục của Dương Văn An có viết: "Lại Xá có lệ giúp nhau, Hoà Luật chẳng quen chịu nhục"

Người Hoà Luật còn là những người hiếu học, có chí tiến thủ. Mảnh đất này đã sinh ra nhiều võ tướng, nhiều vị anh hùng dân tộc. Thời nào làng Hoà Luật cũng có người trí thức, đỗ đạt làm quan to đúng như câu nói: "Hoàng Giang phu tử, làng Hoà Trạng nguyên" mà người dân ở đây thường lưu truyền.

Võ Xuân Cẩn ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học. Từ thuở thiếu thời Võ Xuân Cẩn nổi tiếng là người chăm học, thông minh bởi Ông đã kế thừa từ một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người được ra làm quan: Võ Đình Phượng đỗ cử nhân làm ký lục Quảng Bình, được phong tặng "Thái thường tự khanh"; Võ Xuân Nồng làm chức ký lục ở Quảng Nam có công đưa Duệ Tông Thiếu Định hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần) vào Nam, được phong "Chính tự phượng khanh"; Khâm sai tham mưu Võ Hữu Sở vì mắng quân giặc trong lúc bị bắt, ông đã tuẫn tiết, được phong tặng "tá lý công thần Chánh trị lang" và được liệt thờ trong đền Trung nghĩa...

Những ảnh hưởng của gia đình, dòng họ đã giúp Võ Xuân Cẩn sớm xác định được con đường đi của mình với quan niệm làm quan để gánh vác việc đời, thi hành việc nghĩa với mục đích cuối cùng là phụng sự nhân dân. Chính vì thế mà trong suốt cuộc đời làm quan của mình (1802-1852), Võ Xuân Cẩn đã làm rất nhiều việc, xứng đáng được lịch sử ghi nhận.

1. Võ Xuân Cẩn đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước:

Sinh ra trong buổi nhuận triều, Võ Xuân Cẩn đậu Công sĩ (ngang cử nhân) dưới thời Chúa Nguyễn nhưng không ra làm quan. Năm Tân Dậu (1801), Đức thế tổ Cao Hoàng đế (Nguyễn Ánh – Gia Long) khôi phục kinh đô Phú Xuân. Vua Gia Long là một ông vua tài trí, khôn ngoan nên khi lên ngôi nhằm củng cố vị trí của mình và xây dựng đất nước, ông đã chủ trương thu dụng người hiền tài. Năm 1802, Gia Long đã mời Võ Xuân Cẩn vào làm ở Viện Hàn Lâm. Trong cuộc đời làm quan 50 năm (1802-1852), trải qua 4 triều vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), Võ Xuân Cẩn đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều (Thượng thư Bộ hình, Thượng thư Bộ Công; Hàn Lâm Viện học sĩ; Đông các Đại học sĩ; quản lý các việc Bộ Lại; kiêm lãnh quốc sử quán; Tổng tài quốc sử quán...) hay ở ngoài các địa phương như: Tham biện hiệp trấn Hưng Hoá, Sơn Nam, Hoài Đức, Nghệ An; Thị lang biện lý Bắc Thành (Hà Nội); Hình tào ở Gia Định; Tổng đốc tỉnh Bình – Phú... Dù ở cương vị nào, Võ Xuân Cẩn cũng tỏ ra là vị quan có học vấn sâu rộng, lĩnh lãm, cương trực, thẳng thắn, thương dân, tận tuỵ với công việc, ông có khả năng làm cho đất nước thái hoà.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), Võ Xuân Cẩn được cử làm tham biện hiệp trấn Hưng Hoá, rồi tiếp đó làm Cai bạ ở Bình Định.

Năm 1820 Minh Mạng lên ngôi, Võ Xuân Cẩn được phong làm Hiệp trấn Sơn Nam. Sau đó, được triều đình triệu về kinh làm Tả tham tri Bộ Hình.

Tháng giêng năm Minh Mạng thứ năm (1824) Nghệ An xảy ra hạn đói nặng, vua khiến quan Tham tri Bộ Hình là Võ Xuân Cẩn , thuỷ quân là Hồ Tấn Hiệu, Thiêm sự là Nguyễn Công Đàm chia đi phát chẩn đói ở Nghệ An.

Theo vua Minh Mạng ở các địa phương phát chẩn cứ trai, gái, già, trẻ đều được cấp một quan tiền và sáu bát gạo, trẻ nhỏ thì được cấp một nửa. Nhưng Võ Xuân Cẩn chỉ cấp ít cho những người có thân thể tráng kiện, còn trẻ nhỏ có vẻ yếu đuối, xanh xao thì được chẩn cấp nhiều. Trong khi phát chẩn “Bọn dư đảng đã trà trộn vào công trường phát chẩn. Theo Võ Xuân Cẩn việc bắt chúng không khó khăn gì, nhưng trừng trị trộm cướp triều đình đã có chính sách lo gì không có kế hoạch, hà tất phải nhân việc chẩn cấp mà bắt bớ làm cho tai mắt của nhân dân phải kinh hãi”.

Khi đi phát chẩn ở Nghệ An về, Võ Xuân Cẩn đã vào chầu vua để chịu tội. Nhưng vua Minh Mạng – một ông vua luôn cho mình là “chính đại quang minh” đã phán rằng “Nếu có lợi cho dân mà tự chuyên là việc nên làm không có tội gì”. Và khi nói chuyện với Miên Thẩm, vua Minh Mạng đã khen “Võ Xuân Cẩn khá lắm, ít người biết thương dân và lo cho dân như thế”. Chính vì nhận thấy Võ Xuân Cẩn là một vị quan luôn một lòng vì dân, vua Minh Mạng đã cử ông ra làm Hiệp trấn ở Nghệ An thay vua vỗ về dân này, “Nếu có những việc gì có tính ổn dân, cấm trộm cướp, chuẩn cho tuỳ tiện mà làm, rồi sau sẽ tâu lên”.

Tháng giêng năm Bính Tuất (1826), Võ Xuân Cẩn được triệu về Kinh để ra nhận chức Tuyên phủ Hoài Đức, tiếp đó chuyển về làm Hình tả Bắc Thành (Hà Nội). Một thời gian sau vua cho mời Võ Xuân Cẩn về kinh làm Hữu Tham tri Bộ Lại, rồi Thăng thự Thượng thư Bộ Công.

Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng theo lối nhà Thanh đổi trấn thành tỉnh và đặt chức Tổng đốc (trong coi việc quân, việc dân, khảo hạch quan lại, sửa sang bờ cõi trong hạt). Đến năm 1833, Võ Xuân Cẩn được bổ làm Tổng đốc tỉnh Bình - Phú. Trong thời gian này, Nam Kỳ có loạn Lê Văn Khôi (1833-1835) chúng đã đánh và chiếm một số thành ở Biên Hoà, Phiên An... đặt chức nguỵ, tự xưng làm Đại Nguyên Soái. Khi bị triều đình cho quân vào đánh, Lê Văn Khôi cho người sang cầu cứu, vua Tiêm La bèn sai quân thuỷ bộ chia làm 5 đạo sang đánh Việt Nam. Một lần nữa triều đình ngoài việc dẹp loạn lại phải đối phó với nan giắc ngoại xâm.

Trước tình hình đó, sau khi nhận chức, Tổng đốc Bình – Phú Võ Xuân Cẩn ngoài việc chăm lo đời sống của nhân dân ông còn phải xây dựng lực lượng quân sự để đối phó khi có loạn. Lúc này, vệ quân Hương dõng ở Bình – Phú tăng lên đến 2.500 người. Tỉnh Bình – Phú nơi ông làm Tổng đốc đã góp phần đáng kể về sức người cũng như việc cung cấp quân nhu cùng với quân triều đình đánh bại quân Tiêm La (quân Xiêm) tháng 5 – 1834 và quân của Lê Văn Khôi (tháng 7 - 1835) chiếm lại được thành Phiên An (Gia Định). Sau việc này Võ Xuân Cẩn đã được vua Minh Mạng đánh giá là một vị quan có năng lực và cuối năm 1835 ông đã được thăng đến Hiệp biện Đại học sĩ, gia hàm Thái tử Thiếu bảo, lĩnh chức như cũ.

2. Võ Xuân Cẩn với việc cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định:

Trong thời gian làm Tổng đốc ở Bình – Phú, Võ Xuân Cẩn đã có rất nhiều đóng góp cho dân cho triều đình. Đáng kể nhất đó là việc cải cách ruộng đất năm 1839 ở Bình Định. Trong sách Đại Nam Liệt truyện do sử quán triều Nguyễn ấn hành cho chúng ta biết thời ấy (1839) mà có người muốn “cải cách ruộng đất”, lấy ruộng địa chủ (nhà giàu) chia cho nông dân (nhà nghèo) thật là quý hiếm.

Nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX tỏ rõ một thái độ nhất quán trong việc duy trì, bảo vệ và mở rộng ruộng công làng xã. Nhà nước cấm các làng xã không được bán đất hay cầm cố ruộng đất công. Đồng thời với chủ trương trên Nhà Nguyễn cũng đã thi hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường quỹ ruộng đất công. Từ Gia Long đến đầu Tự Đức, Nhà nước đã ban hành 24 quyết định mở rộng quỹ công điền (Gia Long 2; Minh Mạng 18; Thiệu Trị 2; Tự Đức 2), lấy từ ruộng đất do Nhà nước quản lý trực tiếp (58% số quyết định) từ kết quả khai hoang (29% số quyết định) và từ ruộng đất của tư nhân (13% số quyết định). Hai hình thức đầu không có gì đặc biệt vì đều nằm trong tầm tay của Nhà nước. Hình thức thứ 3 được chủ yếu thực hiện bằng áp chế từ trên xuống mà hiện tượng điển hình là việc thi hành phép quân điền ở Bình Định vào những năm cuối đời Minh Mạng.

Bình Định đến cuối đời Minh Mạng là nơi có tỷ lệ ruộng công thấp (bằng khoảng 10% ruộng tư). Tháng 11 năm Mậu Tuất (1838), Tổng đốc Bình – Phú (Bình Định – Phú Yên) là Võ Xuân Cẩn dâng tập thỉnh an lên vua Minh Mạng, nhận định việc quân điền, nghĩa là chia ruộng cho dân.

Ông tâu với vua rằng: “Các ruộng tư đều bị bọn hào phú chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì”. ông đề nghị: “Phàm ruộng tư, cứ 5 mẫu làm hạn, còn thừa bao nhiêu thời làm ruộng công phân cấp cho dân, để làm lương điền khẩu quân”. Chủ trương trên không được áp dụng ngay, cho đến lúc Võ Xuân Cẩn được điều về Triều (1839) lĩnh chức Thượng thu Bộ Hình (Tư Pháp) kiêm quản viện Đô sát sung thực lục Tổng tài, triều đình mới tâu vua việc đề nghị cải cách điền địa ở Bình Định của Võ Xuân Cẩn , Bộ Hộ xem xét và thấy có thể làm được. Vua Minh Mạng bèn sai cả sáu bộ (Bộ Lại, Binh, Hình, Lễ, Công, Hộ) hội nhau cùng làm. Sáu bộ quyết định “các ấp nào mà ruộng tư nhiều hơn ruộng công thì chiết lấy một nửa ruộng tư, ấp nào mà đinh nhiều ruộng ít thì lấy thêm các ruộng công gần đó mà cung cấp, khiến cho binh lính và dân đều được nhờ lợi”.

Tháng 7 năm 1839, vua Minh Mạng sai Thượng thư Bộ Hình Võ Xuân Cẩn cùng vời Tham tri Bộ Hộ là Doãn Uẩn đến Bình Định thi hành phép chia đều ruộng, phái thêm thuộc viên theo làm, phát giấy kho và sổ sách. Đến tháng 10 năm 1839, việc cải cách được thực hiện xong. Vua Minh Mnạg cho rằng sự cải cách điền địa do Tổng đốc Bình – Phú là Võ Xuân Cẩn đề nghị về triều và Võ Xuân Cẩn cũng là người thi hành nên gia thưởng cho ông một cấp trác dị.

Thật ra Minh Mạng cũng cân nhắc nhiều trước khi quyết định phép chia ruộng ở Bình Định. Ông đã một lần từ chối đề nghị của Võ Xuân Cẩn về vấn đề này, coi đó là việc làm vô cớ. Tuy thế, ông và cả phần lớn triều đình lúc này dường như đã không nhìn ra một con đường nào khác vượt qua tư tưởng phục hội và mở rộng sở hữu công cộng. Cái khát khao cháy bỏng về một xã hội trong thế bình quân đến nhường ấy cuối cùng đã đưa Minh Mạng đến quyết định chia lại ruộng đất ở Bình Định tháng 7 năm 1839.

Như chúng ta đã biết ruộng đất ở Bình Định tập trung chủ yếu trong tay giai cấp địa chủ. Theo báo cáo của lãnh Tổng đốc Bình – Phú Võ Xuân Cẩn thì ruộng tư ở đây bị hào phú chiếm cả, có đến 100 – 200 mẫu mà người nghèo không một thước đất, suốt đời làm tôi tớ. Việc chia lại ruộng đất ở Bình Định chủ yếu đem lại ruộng đất cho nông dân nghèo (chủ trương đó đã tấn công trực tiếp vào các đại địa chủ). Biện pháp cải cách ruộng đất ở Bình Định rõ ràng nhằm ngăn cản quá trình tập trung ruộng đất trong tay giai cấp địa chủ, tăng cường sỡ hữu ruộng công làng xã, đem lại lợi ích cho giai cấp nông dân nghèo.

Trong khuôn khổ của giai cấp phong kiến nhưng Võ Xuân Cẩn là người có tầm nhìn xa, ý tưởng chia lại ruộng đất ở Bình Định là một việc làm mang tính đột biến vượt ra ngoài tầm nhìn của giai cấp phong kiến để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp nông dân nghèo. Dù rằng ý tưởng, chủ trương đúng nhưng trong quá trình thực hiện chưa đem lại hiệu quả cao. Bởi chính chủ trương này đã đánh vào giai cấp địa chủ mà chính giai cấp này đã có công giúp Nhà Nguyễn khôi phục nền thống trị, lại có thế lực kinh tế lớn và nắm quyền quản lý nông thôn. Kết quả của việc làm này chứng tỏ rằng tư tưởng phục hồi ruộng đất công đã trở nên không thực tế và tham vọng củng cố quyền lực của Nhà nước phong kiến đối với ruộng đất bằng biện pháp chuyên chế truyền thống đến lúc này đã không thực hiện được. Sự kiện Bình Định bị thất bại chính là do tham vọng của triều đình giải quyết một vấn đề kinh tế bằng các biện pháp phi kinh tế. Tuy nhiên, cải cách ruộng đất ở Bình Định 1839 đã gây nên những xáo động nhất định đối với tình hình chính trị, xã hội, diễn biến chế độ ruộng đất đương thời.

Với tất cả những việc làm của Võ Xuân Cẩn, ông xứng đáng được đánh giá là “một vị quan cách mạng phụng sự nhân dân” đúng như đánh giá của các nhà sử học đương thời được viết trong “Quốc sử tạp lục” trang 426: “Sự cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định là cả một cuộc cách mạng lớn lao, đem ruộng cho dân cày, hạn chế các đại điền chủ. Cách mạng này là một trong các công cuộc của Võ Xuân Cẩn”.

3. Võ Xuân Cẩn đối với sử học nửa đầu thế kỷ XIX:

Nửa đầu thế kỷ XIX nền sử học nước ta rất phát triển nhất là từ thời Minh Mạng trở đi. Trong những năm trị vì đất nước Minh Mạng đã làm rất nhiều việc về quân sự, giáo dục, văn hoá, sử học... Đối với sử học đáng kể nhất là việc Ông cho lập Quốc sử quán (năm 1821), vừa thu thập sách xưa, vừa biên soạn các bộ sử mới. Nhiều bộ sử lớn của Nhà nước đẫ ra đời như “Đại Nam Thực Lục”; “Minh Mạng chính yếu”...

Năm Minh Mạng thứ 20 (1840), vua thấy Hiệp Biện Đại học sõ Võ Xuân Cẩn là người cựu thần già lão, vả lại am hiểu việc cũ, bèn sai sung Tổng tài sở thực lục cùng Trương Đăng Quế khảo đính các sử tích.

Tổng tài 1 Trương Đăng Quế (Văn minh điện Đại học sĩ, lĩnh binh Bộ thương thư sung cơ mật viện Đại thần, quản lý khâm thiên giám, kiêm lĩnh Quốc tử giám sư vụ) cùng các phó tổng tài, Toản tu, Biên tu, Khảo hiệ Đăng lục Thu chưởng chép nên bộ Liệt Thánh thực lục chia làm tiền biên, chính biên.

Ngày 6 tháng 3 năm 1844 Tổng tài, Phó Tổng tài, Toản tu Quốc sử quán sau khi vâng mệnh soạn bộ Liệt Thánh thực lục tiền biên nay đã được hoàn thành.

Ngày 7 tháng 8 năm 1844, Thiệu Trị xem xong và cho khắc in.

Như vậy, tính từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) mở đặt sử cục, đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), trải qua trong khoảng 25 năm bộ sách Liệt Thánh Thực lục tiền biên đã biên soạn xong. Đây là bộ sách lịch sử, ghi chép những sự kiện lịch sử từ năm 1558 đời Nguyễn Hoàng mà triều Nguyễn tôn là Thái tổ Dụ Hoàng đế đến năm 1778 đời Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tôn Hiếu Định hoàng đế) tức năm Cảnh Hưng thứ 37 (Lê Hiếu Tôn) gồm tất cả 219 năm. Với Đại Nam thực lục tiền biên cũng như chính biên (ghi chép những sự kiện lịch sử trước khi Gia Long lên ngôi 24 năm) chúng ta có thể hiểu nhiều mặt của xã hội Việt Nam thời kỳ đó. Đây là bộ sách do nhà Nguyễn biên soạn nhằm đề cao nhà Nguyễn đó là sự thật mà ai nấy đều biết, tuy nhiên bộ sách này cũng đã phản ánh được tình hình của xã hội Việt Nam và đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, là tư liệu tốt cho những nhà làm công tác nghiên cứu các khoa học xã hội Việt Nam (sử học, văn học, triết học, kinh tế học, luật học, quân sự, văn hoá, tư tưởng...) trong khoảng thời gian 1558 đến năm 1888.

Do có những đóng góp nhất định về mặt sử học cho nên Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), gặp khánh tiết, ban ơn gia chức Võ Xuân Cẩn là Ngự tiền Đại thần, cho bài đeo bằng ngọc. Vua Thiệu Trị mất (1847), Tự Đức lên ngôi (1848) Võ Xuân Cẩn kiêm lĩnh chức “Hoàng thân sư bảo” (Sư bảo của Hoàng thân) trông coi các bộ vụ như cũ.

4. Vai trò của Võ Xuân Cẩn đối với triều đình những năm 1840 – 1852:

Tháng 12 năm 1840, Minh Mạng mất, Thiệu Trị lên ngôi. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Võ Xuân Cẩn vẫn giữ chức Thượng thư Bộ Hình như trước, lại được gia thăng Thự Đông các Đại học sĩ và gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Lúc này Võ Xuân Cẩn lấy cớ tuổi đã 70 xin về hưu nhưng vua không cho và bảo: Nước có bầy tôi già là điềm thịnh.

Vua Thiệu Trị là một vị vua coi trọng việc chính trị. Mỗi ngày vào buổi sáng, buổi chiều Thiệu Trị lúc nào cũng triệu các quan đại thần như Võ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Tạ Quang Cự... vào điện Văn Minh để bàn việc chánh sự, khi quyết định một việc gì đều hỏi qua ý kiến của Võ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế. Chứng tỏ Thiệu Trị đã đánh giá rất cao năng lực của Ông.

Quốc triều chính biên toát yếu trang 336 viết rằng: “Vua Thiệu Trị cho Thượng thư Bộ Lại là Đăng Dinh kiêm lãnh chức Sư Bảo dạy hoàng tử và hoàng đệ. Lại đòi Thượng thư Bộ Lễ hưu trí là Nguyễn Đăng Tuân ra sung chức Sư Bảo. Ngài đòi Trương Đăng Quế, Võ Xuân Cẩn truyền rằng: Ta giao chức Sư Bảo cho Đăng Tuân, Đăng Dinh thế nào? Trương Đăng Quế và Võ Xuân Cẩn tâu rằng: “Hai người ấy tuổi tác và đức vọng đều hơn, thiệt là xứng chức”.

Võ Xuân Cẩn là một vị quan luôn vì dân, vì việc chính nghĩa, thấy những gì ảnh hưởng đến quyền lợi của người có công, ông đều dâng sớ để tâu xin.

Tháng 3 năm 1842, Đông các Đại học sĩ là Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin ban ơn cho con cháu anh Duệ Thái tử - ông là con đức Thừa Thiên Hoàng hậu, khi ông mới 4 tuổi, vâng mệnh qua tây đến 6 năm mới về, Đức Cao hoàng phong là nguyên soái và lập làm Đông Cung. Ông có công giữ thành Gia Định, trấn thành Diên Khánh, lấy tỉnh Bình Thuận, thâu phục Phú Yên. Công nghiệp rực rỡ chẳng may mất sớm, con là Mỹ Đăng đã bị tội, Mỹ Thuỳ lại bị bệnh mất, chỉ còn lại một mình là Lệ Chung con của Mỹ Đăng được phong Cảm hoá hầu để làm Thừa tự. Võ Xuân Cẩn thấy vậy nên mới tâu xin. Ngài chuẩn cho Bộ Lễ phải ghi tên Lệ Chung rồi sẽ nghỉ. Về sau Lệ Chung được tấn phong Quận Công.

Năm 1842, Võ Xuân Cẩn được sung chức Khâm Sai đi theo vua Thiệu Trị tuần tra miền Bắc, đốc lý tra xét các vụ án.

Tháng 1 năm 1848, Võ Xuân Cẩn dâng sở ghi luận xin khai phục cho Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất với lời lẽ khảng khái, đôn hậu: 

“Sách Chu Lễ có 8 điều được bàn” để dung thứ người có tội, sách tả truyện có đề ra 10 đời được tha để đãi người có công. Lại nói rằng cứ theo án đã thành, thì tội (bọn họ) không thể chối được, nhưng xét về nguyên nhân phạm tội, thì tình cũng có thể thương được. Bọn Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất đều có lòng theo mây, đội gió, xông pha chỗ mũi tên hòn đạn, thân làm đại tướng tước đến Quận công, sau hoặc vì con dại, hoặc vì cậy công mà làm thành tội... Dù bọn Nguyễn Văn Thành có tội, thì tội cũng đã trị rồi, mà công thì không hỏi đến, chẳng hoá ra đem cái công lao bách chiến mà để đến nỗi các tàn hồn bơ vơ như ma trơi ngoài đồng, khác nào quỹ Mạc Ngan không ai thờ cúng không?”.

Vua Tự Đức rất cảm động về lời tâu của Võ Xuân Cẩn và con cháu của Võ Văn Thành về sau cũng được bổ làm chánh đội.

Việc Hoàng thượng chấp nhận các điều trần của Võ Xuân Cẩn thể hiện tất cả mọi việc trong triều đình, Võ Xuân Cẩn đều có ảnh hưởng rất lớn. Đạo cao đức trọng của ngài đã được nêu lên hết sức sáng ngời trong sử sách và lúc triều đình nghị sự.

Tự Đức năm thứ 3 (1850), Tự Đức thấy Võ Xuân Cẩn tuổi già, đức cao, đến kỳ đại đế, thưởng cho một cái kim khánh có chữ “Túc đức nguyên lão”.

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), Võ Xuân Cẩn đến tuổi thọ bát tuần, các quan Bộ Lễ đem việc ấy tâu lên, xuất phát từ lòng mình nhà vua vô cùng khen ngợi, ban tặng Ngài tấm biển vàng đề bốn chữ “Hi triều kỳ thạc” và làm hai bài thơ tặng; vua Tự Đức còn ban tặng cho Võ Xuân Cẩn nhiều vật quý hiếm như Cửu Trượng (chiếc gậy đầu có chạm chim cưu 9 đốt), vàng, lụa... để mừng thọ.

Thơ rằng:

Phiên âm: Tứ triều di lượng biểu thuần trung,
Hựu bỉnh thuyên hành lý bách công,
Thiên hạ trung dung duy Bá Thuỷ,
Thế gian đức vọng trọng Văn Công,
Mã sử lân kinh đạo khởi cùng,
Nguyện đắc kỳ, di hoàn quắc thước,
Ích chương nhân thuỵ tán hoàng phong.

Dịch nghĩa:

Bốn triều kính tin tỏ ra là người thuần trung,
Lại giữ việc cất nhắc xếp đặt trăm quan,
Thiên hạ giữ đạo trung dung chỉ có một Bá Thuỷ,
Thế gian đức vọng phải tôn trọng Văn Công,
Tuy da gà tóc hạc nhưng tinh thần còn vượng,
Sử mã, Kinh Lân đạo Nho há có cùng đâu,
Mong được thọ đến trăm tuổi mà còn quắc thước,
Để tỏ điềm hay bằng người thọ, giúp cho phong hoá của nhà vua.

Dịch thơ: (Nguyễn Tú lược dịch)

Bốn triều tin cậy rõ người trung
Quyền nắm trăm quan sắp xếp chung
Thiên hạ trung trinh duy Bá Thuỷ
Thế gian đức độ chỉ Văn Công
Da gà, tóc hạc tinh thần vững
Sử: Mã, kinh: Lân, đạo chẳng cùng
Mong thọ trăm năm còn minh mẫn
Rạng danh văn đức, sáng thuần phong.

Bài thứ 2: 

Phiên âm:
Tằng văn nhân thị thánh ngôn truyền.
Nguyên vị bình sinh vạn thiện toàn.
Ngu Hạ tác nhân do thượng sĩ.
Triều đình hưng hiếu khởi di niên.
Thái chỉ bất tổ Thương sơn khách.
Đồng giáp ưng khai Lạc xã diên.
Tha nhật Vân đài như hứu hội,
Chỉ luân huân nghiệp khuyến lai hiền.

Dịch nghĩa:
Từng nghe thánh nói người nhân thì được thọ,
Vì lúc bình sinh làm mọi việc đều hay cả,
Nhà Ngu, nhà Hạ đào tạo nhân tài còn chuộng người tuổi già,
Triều đình khuyên hiếu há bỏ quân người già, 
Không bàn đến những người hái cỏ chi ở núi Thượng Sơn,
Những người cùng tuổi nên mở yến tiệc ở Lạc xã,
Ngày khác Vân đài như có vẽ tượng các công thần.
Chỉ bàn công nghiệp để khuyên người hiền sau này.

Dịch thơ: (Nguyễn Tú lược dịch)

Người nhân đắc thọ thánh nhân truyền
Bởi lúc bình sinh việc thiện chuyên
Ngu, Hạ chọn tài còn trọng lão
Triều đình chuộng hiếu quý cao niên.
Thượng Sơn thôi luận người cắt cỏ
Lạc xã nên bàn Hội lão Tiên
Nếu gác Vân Đài mà vẽ tượng.
Chỉ nêu công nghiệp để khuyên hiền.

Mùa xuân năm Tự Đức thứ 5 (1852), Võ Xuân Cẩn thấy trong mình tuổi già, nhiều bệnh ông có lời thỉnh cầu xin về nghỉ. Dù vô cùng luyến tiếc sự ra đi của Võ Xuân Cẩn, nhưng biết rằng không thể lưu giữ ông lại được nên phải đồng ý với lời tâu xin của Võ Xuân Cẩn. Vua Tự Đức nói: Các bậc Đại thần thưở xưa dùng đạo nghĩa để định lúc ở lúc về, cốt ở chỗ “Danh thành thân thoái” mà thôi, nên trẫm phải có những lời thành thật tỏ ra khen ngợi cái chí trọn đời phục vụ mà không biết mệt mỏi của Võ Xuân Cẩn. Trước khi cho Võ Xuân Cẩn nghỉ hưu, vua Tự Đức đã sai thị vệ ở quan nội các mang chỉ dụ đến thăm hỏi ông và hỏi ý kiến ông về những việc cần làm cho dân giầu nước mạnh.

Võ Xuân Cẩn cũng không vì tuổi già sức yếu mà còn dâng sớ trình bày bốn việc:

1. Năm nào được mùa, giá thóc rẻ, triều đình nên mua vào với giá cao hơn thị trường để dự trữ, khi mất mùa đem ra bán với giá hạ hơn thị trường và phát chẩn cho dân nghèo, đói.

2. Lính ở miền Nam nên giảm, 6 đinh nên giảm một lính. Lính ở miền Bắc, lệ tuyển như cũ nhưng hàng năm nên cho về kinh thao diễn rồi lưu lại làm việc 6 tháng. Lính ở kinh đô thì đầu mùa xuân kiểm duyệt xong, chia làm hai ban, một ở lại, một ban về.

3. Con trai, con gái của các vương, công nên cho phép cùng các con trai, con gái, em, cháu (chú, bác) của các văn võ tứ phẩm trở xuống được lấy nhau; nếu có người nào theo làm việc mà xuất thân do văn khoa, võ tuyển thì cho phép cùng được bổ dụng.

4. Xin phong cho mẹ đẻ của Mai Anh Tuấn, nguyên án sát tỉnh Lạng Sơn đã chết vì nhiệm vụ.

Sau khi đọc sớ của Võ Xuân Cẩn , vua Tự Đức sai triều thần chọn lấy những đề nghị nào làm được thì làm.

Tháng 2 năm 1852, Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn được vua ban hàm Thái Bảo cho về hưu, được thưởng một nửa số lương tháng và dụ rằng: Nếu có nghe thấy ẩn tình của dân, chính trị có điều thiếu sót, cho phép đi ngựa trạm đến tâu. Ngày Võ Xuân Cẩn về quê, vua Tự Đức còn chế thêm thẻ bài “Thái Bảo”, ban tặng bài thơ “Tống hành” với nhiều quà cáp, lụa, vàng, lại sai đem quan thuyền đưa ông về quê. Tiễn Võ Xuân Cẩn các quan công khanh sắp hàng ngoài cửa đô tặng ông chiếc gậy “Thọ linh” để ông về dạo chơi trên dòng Cúc Đàm. ấy thế cho nên người ta cho rằng, tuổi thọ của ông được các bậc đai mũ tôn vinh, xóm làng truyền tụng.

Khi Thái Bảo Đông các Đại học Võ Xuân Cẩn về quê, đường làng không lúc nào vắng, luôn có người đến thăm. Vua Tự Đức sai Bố Chính Quảng Bình mang tờ dụ đến nhà hỏi thăm sức khoẻ, lại sai Trung sứ mang thứ thuốc bổ dưỡng của vua dùng đến ban cho.

Trong suốt 50 năm làm quan dưới bốn triều (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), tám lần ứng vụ nhiều nơi, chín lần giữ chức vụ ở các đại sảnh, Võ Xuân Cẩn đều tỏ ra là một tay thông thạo trong việc chọn người , âm thầm tiến cử nhân tài. Từ việc trong coi Quốc Tử Giám, tu chính quốc sử, xem xét việc học hành của các hoàng tử... hầu hết các chức vụ trọng yếu trong triều đình ông đều đảm đương tốt, ông có khả năng giữ cho đất nước được thái hoà. Những ngày rảnh rỗi, ông thường đi thăm những nơi tôn nghiêm, vườn hoa, cây cảnh, để thanh thản tuổi già, khiến cho mọi người trong triều đều gọi ông là bậc “Lão thành”, thiên hạ tôn ông là hạng người “Tam đạt” (Tước cao; đức lớn; sống lâu). Nếu Võ Xuân Cẩn không phải là hạng người trung can, cần mẫn thì đâu đủ để thánh chúa tin yêu; không phải là hạng người khiêm tốn hoà nhã thì đâu thể gom nhiều phúc lớn[16]. Càng già tính ông càng nhiều trầm tĩnh, kín đáo, trung thực. Ông thường suy nghĩ kỹ lưỡng về con đường tiến lui trên trường chính trị, mấy lần khẩn thiết dâng sớ xin về nghỉ hưu nhưng đến tháng 2 năm 1852 vua Tự Đức mới đồng ý.

Tháng 4/1852, Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn mất, thọ 81 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc ban sắc hậu cấp vàng, lụa, sửa việc tang, sai quan đến tế, cho tên thuỵ là Văn Đoan. Ngày 9/7/1852 vua Tự Đức sai Bộ Lễ cùng quan nội các Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Tư Giản, Phạm Thanh đem bài thơ và bài minh của vua làm cho khắc vào bia đá dựng ở chỗ đầu làng, nhan đề rằng: “Tứ triều nguyên lão” (Ông lão có đức vọng lớn ở bốn triều).

Lời minh rằng:

Đại Nam nhất rạng Cảnh vật mới luôn
Trời sinh người tài Đời có kỳ lão
Đầu Mâu núi cao Lê hải sóng gào
Sinh thực con người Trí lớn tài cao
Ấy Ngài Văn Đoan Học từ thưở nào
Nguỵ triều nhơ nhớp Giữ mình thanh cao
Trời sinh loạn lạc Người chịu lao đao
Ngài thì nhất quyết Lặn lội tìm vua
Đường dài muôn tỏ Siêng năng từ đầu
Tướng thần góp võ Ngài thì giúp văn
Đất nước bình yên Dùng Ngài chăn dân
Thuốc chữa bệnh tật Nuôi dân đói nghèo
Lặn lội tìm sông Trời Nam ải bắc
Trải khắp tám châu Rập công giúp chúa
Sừng sững quan toà Phân minh phải quấy
Triều đình đánh giá Ngài có tài năng
Chọn làm cận thần Chân tay tai mắt
Đóng vai gia tể Trong coi các phiên
Cả việc học hành Quốc tử giám sanh
Kiêm cả Tổng tài Giám tu Quốc sử
Gồm cả các việc Thần tổ thánh tôn
Vua ban bốn chữ “Tứ triều nguyên lão”
Mọi người kính cẩn Xưng bậc tam tôn
Ngài thọ tám mươi Vua quan mừng rỡ
Vua ban ngự chế Bài thơ tặng Ngài
Lúc bảy mươi tuổi Ngài xin “treo xe”
Vua rằng chưa được Giúp con trọn đời
Sắp tròn một kỷ Nhớ lời thề xưa
Danh Ngài toại nguyện Thân Ngài nhàn rỗi
Giữ trọn lòng thành Nghĩ sao nói vậy
Cổ xe bốn ngựa Thành công hãy về
Phương nam mới phục Ngài giúp triều đình
Từ Ngài về qui Vua có ân mệnh
Vàng bạc châu báu Trọng đãi lão thành
Sóng dạt về đông Sao mai hiếm thấy
Ai mà không nghĩ Tìm lại người xưa
Thiên hạ đều mong Cụ già cố gượng
Vua luôn ghi nhớ Một bậc đỉnh thần
Suốt đời chỉ nghỉ Đất nước bằng an
Vua ban điếu phúng Ân lễ đủ đầy
Bài thơ để nhớ Mỹ thuỵ để thờ
Ngài sống hiển vinh Chết người thương tiếc
Thân về nội cỏ Danh lưu muôn đời
Mỹ nhân cứu nước Trinh nhân của vua
Xương thịt đời đời Nghìn thu nối dõi
Ngày tháng có kỳ Quan cách đưa đi
Văn chương siêu thái Nét bút rồng tiên
Ân mệnh vua ban Chạm vào hoàng nhưỡng
Đá cứng đứng mãi Sáng chói phô bày
Vua ban bi minh Thần ở nơi này.

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), bài vị của Võ Xuân Cẩn được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương.

Nói tóm lại từ khi bước chân trên con đường hoan lộ cho đến khi về với tổ tiên, Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn là một văn quan có tài, một lòng vì nước vì dân. Những đóng góp của ông là rất lớn cần được lịch sử ghi nhận. Ông là một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng và cũng rất đặc biệt (một vị quan dưới bốn triều vua mà vua nào cũng rất trọng dụng), xứng đáng được xếp vào hàng các danh nhân nổi tiếng.

Sau khi triều đình Huế để đất nước lọt vào tay Pháp thì một thời gian dài chúng ta có quan niệm nhà Nguyễn (1802 - 1945) là xấu, nên làm quan dưới triều Nguyễn là có vấn đề. Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn cũng năm trong số phận đó. Ngày nay, khi giai đoạn lịch sử dưới triều Nguyễn được đánh giá lại, khách quan hơn thì Võ Xuân Cẩn được đặt đúng vị trí lịch sử với những công lao của Ông.

Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn có hai người vợ: Vợ cả họ Bạch và vợ thứ họ Trần, sinh ra con gái thứ là Trang ý Thuận hiếu Thái hoàng Thái hậu. Khoảng năm Tự Đức ban ân trong nội đình bà Trần Thị được tặng là nhất phẩm phu nhân. Đồng Khánh năm ất Dậu (1885) gia phong cho Võ Xuân Cẩn là Lệ Quốc Công và cho làm nhà thờ ở làng Hoà Luật để thờ phụng. Lại truy tôn đến đời trước, phong cho bốn đời: Cao tổ, gia tặng là: Trang Thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, tên thuỵ là Lượng Uyên. Tằng tổ, gia tặng là Trang Thuận đại phu, Hàn lâm viện, thị độc học sĩ, Thế lộc tử, tên thuỵ là Đoan Phác. Ông, gia tặng là Gia Nghị đại phu, Hàn lâm viện chưởng viện học sĩ, Đức hoà bá, thuỵ là đôn Trực. Cha, y theo như trước, tặng là Tư Thiện đại phu, hàm Thượng thư, gia phong là Thuận Xương hầu, tên thuỵ là Đôn Nhã, thờ riêng ở đền Tích Chi.

Võ Xuân Cẩn có bốn con trai, con trưởng là Võ Xuân Phúng, thụ hàm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ; con thứ là Võ Xuân Nhân, làm tri phủ phủ Trùng Khánh; con thứ nữa là Võ Xuân Hội, làm trang tri Bộ Công; con thứ nữa là Võ Xuân Đạm, hàm tu soạn. Năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), lại tập ấm cho các cháu có thứ bậc khác nhau, cho cháu thứ là Võ Xuân Bí làm cấm binh chánh đội, coi giữ việc thờ đền Quốc Công.

Con gái của Ngự tiền Đại thần Thái tử Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Đặc Tiến Kim Tỉ vinh lộc Đại phu Lệ Quốc Công Võ Xuân Cẩn và bà vợ họ Trần là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu – vợ của vua Tự Đức. Bà sinh năm Mậu Tý (1828), huý là Võ Thị Duyên. Ngay từ lúc còn nhỏ, là con nhà dòng dõi, bà được giáo huấn rất kỷ nên có đủ bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh, tính tình đoan trang, lời ăn tiếng nói dịu dàng, khi lớn lên bà thích đọc sử sách nên hầu như truyện xưa tích cũ bà đều làu thông. Năm Quý Mão (1843), bà được tiến cung hầu hạ Hoàng tử Hồng Nhậm. Đối với Nghi Thiên chương hoàng hậu (vợ vua Thiệu Trị) bà rất kính cẩn hầu hạ nên được thương mến ngợi khen .

Năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức đăng vị. Lúc đầu bà được phong cung tần. Vào tháng 5 năm Tự Đức thứ ba (tức tháng 6 năm 1850), nhà vua đã xuống dụ định rõ thứ bậc và dang xưng cho các bà trong nội cung, bà Võ Thị Duyên được phong Cần Phi. Năm 1860 lại được tấn phong Thuận Phi sau cải phong Trung Phi, cho đến năm 1870 bà được tấn phong Hoàng Quý Phi trông coi 6 viện.

Năm Quý mùi (1883), vua Tự Đức băng hà để lại di chiếu cho vua Dục Đức tấn tôn bà làm Hoàng hậu nắm quyền coi sóc 6 viện cũng như chăm lo giáo huấn cho tự quân (tức là vua Dục Đức). Nhưng vua Dục Đức lên vua mới 3 ngày thì bị hai quan phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế và đưa Văn Lãng Công Nguyễn Phúc Hồng Dật em của vua Tự Đức lên ngôi tức là vua Hiệp Hoà.

Theo di chiếu của vua Tự Đức, Tôn Nhân Phủ cùng với triều thần tôn bà làm Hoàng hậu ở cung Gia Thọ, nhưng bà từ chối và ban dụ rằng: “Ta phụng chiếu dạy dỗ Tự quân mà nay Tự quân như thế này thì ta có lỗi, chỉ xin lên Khiêm cung để phụng hầu”. Cuối cùng , sau khi bàn bạc, Tôn Nhân Phủ cùng triều thần mới tấn tôn bà là Khiêm hoàng hậu.

Vua Hiệp Hoà bị hại, vua Kiến Phúc sau 8 tháng làm vua cũng bị hại. Triều đình phải lập Ưng Lịch con của Kiên Thái Vương lên ngôi, tức vua Hàm Nghi. Ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, sau cuộc binh biến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ xướng chống lại quân Pháp thất bại. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở phát hịch Cần Vương, kinh thành Huế thất thủ, Lưỡng cung cùng hoàng tộc cùng chạy ra Quảng Trị và dừng lại ở đó. Tại Huế, vua Đồng Khánh được Pháp đưa lên ngôi và sau khi Nguyễn Văn Tường liên hệ với Pháp xong, Lưỡng cung trở lại Khiêm lăng và sau đó trở về nội cung.

Đến tháng 3 năm 1887, bà Võ Thị Duyên được tấn tôn Trang ý Hoàng Thái hậu, đến năm 1889 lại tấn tôn Trang ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái hậu.

Năm Nhâm Dần 1902, bà qua đời, thọ 75 tuổi, vua Thành Thái dâng tên thuỵ là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng hậu. Lăng bà hiện nay nằm trong khuôn viên Khiêm lăng gọi là Khiêm Thọ Lăng (Huế).

Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn là một vị “Tứ triều nguyên lão”, một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng và cũng rất đặc biệt. Ông làm quan dưới 4 triều vua mà vua nào cũng rất trọng dụng. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng đất nước trong suốt 50 năm làm quan của mình (1802-1852), từ Tổng đốc Bình Định- Phú Yên, rồi làm quan Đông các ở triều…Đặc biệt, Võ Xuân cẩn đã có những cống hiến to lớn trong cuộc cải cách điền đia 1839 ở Bình Định, được lịch sử đánh giá như một cuộc cách mạng cho dân cày, hạn chế các đại điền chủ phát triển. Đối với nền Sử học thế kỷ thứ XIX, Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn cũng có những đóng góp nhất định trong việc biên soạn các bộ sách sử của triều Nguyễn. Cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của Ông mãi mãi gắn liền với lịch sử của mảnh đất Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét