TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC KHOA CỬ Ở QUẢNG BÌNH

Ths-GVC-ĐHSP. Trần Hoàng


1. Với bề dày một ngàn năm lịch sử (tính từ năm 1069 đến nay), vùng đất Quảng Bình, vùng đất mặt hướng ra biển Đông bao la, lưng tựa vào giải Trường Sơn hùng vĩ, được người cả nước coi là một trong những vùng đất “địa linh nhân kiệt” của Tổ quốc. Từ thời kỳ trung đại đến thời kỳ cận, hiện đại, thời kỳ nào trên đất Quảng Bình cũng xuất hiện các bậc hiền tài, các danh tướng, lương thần trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật v.v… Sách Ô châu cận lục của TS Dương Văn An trong tiểu mục “Môn nhân vật” đã ghi tên 44 vị (cả nam lẫn nữ) người các châu huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy, Bố Chính… nổi tiếng về tài văn, võ, về hiền đức… và sự đóng góp to lớn của họ cho quê hương, đất nước kể từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) trở về trước. Đến triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí trong phần nói về các nhân vật có đức, có tài ở Quảng Bình đều nêu rõ tên họ và công trạng của 19 người thuộc triều Lê và 44 người thuộc triều Nguyễn. Dĩ nhiên, những người được ghi trong 2 cuốn sách trên, không phải tất cả đều thuộc hàng danh nhân của đất nước (theo cách hiểu chặt chẽ của khái niệm này). Mặt khác các tác giả của 2 cuốn sách trên, do sự hạn chế nhiều mặt của thời đại, ví như quan điểm tư tưởng, cách nhìn nhận, đánh giá về con người, đã không đưa vào mục “Nhân vật chí” trong sách của họ không ít người đức lớn, tài cao và có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Dù vậy, chi qua 2 tập sách Ô châu cận lục và Đại Nam nhất thống chí, 2 cuốn sách địa chí có giá trị ra đời sớm ở nước ta, chúng ta cũng thấy được trên vùng đất Quảng Bình, cách đây hàng mấy trăm năm cũng đã có rất nhiều bậc hiền tài, một phần rất đáng trân trọng của “nguyên khí quốc gia”. Vậy, điều gì ở Quảng Bình, một vùng quê, đất không rộng, người không đông, và có nhiều năm tháng mù mịt khói lửa chiến tranh… lại có thể sản sinh ra nhiều người con ưu tú, nhiều danh nhân cho đất nước? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng nhiều cách khác nhau, nhưng theo chúng tôi, truyền thống hiếu học và khoa cử là một trong những cơ sở (nói cách khác là nền tảng) quan trọng hình thành, bồi dưỡng và phát triển nhân tài trên đất Quảng Bình.

2.1. Khi nói đến các yếu tố tạo nên các thiên tài, các nhân tài, người ta thường nói tới yếu tố thiên phú. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng yếu tố thiên phú ấy chỉ trở thành hiện thực khi con người được sự quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân người đó có sự nỗ lực, sự phấn đấu cao trong tu dưỡng, trong học hành…

Quảng Bình, so với nhiều tỉnh thành khác trên đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, vất vả trong sản xuất, làm ăn và sinh sống. Trừ 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh đất đai khá màu mỡ, các huyện còn lại ruộng đồng phần lớn cằn khô, nhỏ hẹp, manh mún, trước đây chỉ trồng được một vụ lúa, theo lối gieo thẳng (vãi) vì ruộng sâu rất ít. Ven biển thì động cát nhấp nhô như núi đồi. Hàng năm, cát theo gió từ ven biển lấn sâu vào đồng bằng, làm mất đi không ít đất trồng lúa, trồng khoai.

Huyện nào ở Quảng Bình cũng có sông, có khe suối, nhưng sông suối thường hay có lũ lớn, lụt to, lại bị nước mặn từ cửa biển dồn vào nội địa đến hàng cây số, Thời tiết, khí hậu vùng đất từ đèo Ngang trở vô rất khắc nghiệt bởi gió Lào và bão to, giông lớn.

Gió Nam thổi kiệt bảy ngày

Sắn khoai chẳng có, đi vay chẳng còn.

Đất đai, sông ngòi, biển cả, thời tiết, khí hậu… là những nhân tố rất quan trọng có sự tác động lớn đến công việc làm ăn và cuộc sống hàng ngày của con người. Ở Quảng Bình việc làm ra hạt lúa, củ khoai, bắt con tôm, con cá v.v… không phải là việc dễ dàng…

Thiên nhiên khó khăn là vậy, đời sống lịch sử- xã hội của cư dân trên vùng đất này mấy trăm năm qua cũng chẳng mấy thuận lợi, dễ dàng. Hết chiến tranh Trịnh Nguyễn lại đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ nào các làng quê, phường phố ở Quảng Bình cũng phải gánh chịu hàng trăm tấn bom đạn của kẻ thù. Đói nghèo, chết chóc, thương tật, khổ đau là mối đe dọa thường xuyên đối với cư dân sống ở các làng quê từ vùng rừng núi sát biên giới Việt Lào, đến các vùng ruộng sâu, ruộng cạn nằm ven biển, ven sông. Do vậy, việc học hành, thi cử của con em các gia đình ở vùng đất này không hề dễ dàng chút nào. Hơn nữa, trước năm 1945, nhất là trong thời kỳ phong kiến, những trường học lớn, những kỳ thi quốc gia đều nằm ở kinh đô. Con dân Quảng Bình muốn được học hành đến nơi đến chốn, muốn có vốn kiến thức dồi dào và có học vị cao phải cơm đùm, cơm nắm, trèo đèo, vượt suối ra tận Hà Nội, vào tận Huế. Chúng tôi nói hơi dài dòng về những điều trên là để nhấn mạnh, để khẳng định thêm những nét đáng quý, đáng trọng trong việc học hành, thi cử của các thế hệ thanh, thiếu niên và cả trung niên nữa ở Quảng Bình.

Thuở xưa, các bậc ông bà, cha mẹ cho con đi học là nhằm 2 mục đích:

- Có chữ để làm người.

- Có bằng cấp để lập thân, lập nghiệp, lập công, lập danh.

Thời phong kiến, việc học hành của con em ở các làng quê chủ yếu là do dân tự lo liệu. Các gia đình tổ chức lớp, mời thầy về dạy cho con em ngay tại nhà. Các ông đồ làm nghề dạy học được dân các làng, các gia đình góp tiền, góp gạo nuôi dưỡng. Trong những năm tháng đó, không ít ông đồ xứ Nghệ, xứ Thanh đã vượt đèo Ngang vào châu Bố Chính làm nghề gõ đầu trẻ. Hẳn là vì vậy mà danh xưng “ông đồ xứ Nghệ” được người Quảng Bình rất tôn kính, rất quý trọng. Cùng với các ông đồ từ các nơi khác đến, nhiều ông tú, ông cử, ông nghè quê gốc ở Quảng Bình cũng rất chăm lo cho việc học hành của con cháu. Ông Đỗ Đức Huy, người làng Cảnh Dương, khoa Bính Tý đời Lê Hiển Tông (1756) đỗ sinh đồ khi trở về làng đã mở trường dạy học. Dân làng quý trọng ông gọi ông là ông quận và ông đã trở thành nhân vật truyền thuyết trong câu chuyện dân gian: “Ăn mắm Hàm hương nhớ thương ông quận”. Khi người Pháp đề ra chủ trương thay đổi việc học hành, khoa cử trên đất Đông Dương, thì từ đầu thế kỷ 20 trên đất Quảng Bình đã có một số trường học được thành lập với sự đóng góp rất nhiệt tình, rất to lớn về công sức, về tiền bạc của nhân dân như ở các làng xã Quảng Xá, Xuân Dục, Đồng Hới, Cảnh Dương, Thổ Ngõa, Ba Đồn, Lệ Sơn v.v… 60% các thôn xã có Hương trường cho các cháu đồng ấu (vỡ lòng) đến học. Triều Nguyễn đã gia phong cho một số người hàm Cửu phẩm để ghi nhớ công sức đóng góp của họ cho việc mở mang, xây dựng trường học như các ông Cửu Vẹt, Cửu Mỹ, Cửu Lãng ở Quảng Trạch. Người làng Cảnh Dương, gần 100 năm nay luôn luôn tôn vinh và biết ơn cụ Đỗ Phú Túc (người làng thường gọi cụ bằng một danh xưng tôn kính là cụ Thượng), một vị tổng đốc khi về quê an nghỉ tuổi già đã có công lớn trong việc vận động thành lập Trường Tiểu học Pháp- Việt Ròn, một trong ba trường tiểu học đầu tiên ở Quảng Bình trước năm 1945. Còn ở Văn La (Quảng Ninh), từ đời này qua đời khác, bà con trong thôn, trong xã không mấy ai là không nhớ đến Thượng thư Hoàng Kim Xán và bài văn bia Hoàng thi gia huấn của cụ. Trong bài văn bia này cụ đã dành rất nhiều dòng tâm huyết để khuyên con cháu “giữ lấy đạo hiếu, trau dồi đức hạnh, cần mẫn học hành…” (1)

Một số điều mà chúng tôi vừa trình bày ở các trang viết trên phần nào cũng đã nói lên được sự quan tâm đối với giáo dục và lòng mong muốn cho con em có trường, có lớp để học hành đến nơi, đến chốn của nhân dân các làng xã, phường phố. Không những vậy, các gia đình, gia tộc, các địa phương đều có những việc làm rất cụ thể, rất thiết thực trong công tác khuyến học như cấp tiền bạc cho các học sinh nghèo học giỏi, tổ chức trọng thể Lễ vinh quy bái tổ và đón rước chu đáo những người đỗ đạt cao khi họ từ trường thi trở về làng…

Hương ước làng Cảnh Dương (một bản Hương ước được soạn từ năm Quý Mùi, đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 28- 1768), điều 20 trong mục “Khoán lệ cựu đinh” ghi rõ:

“Ai thi hương đỗ thủ khoa làng thưởng tiền 5 quan, thi trúng giám sinh thì làng đem đủ heo, rượu đến tận núi Chè, thôn Nam Khê rước về…” (2)

Để tôn vinh những người đạt thành quả cao trong học hành, thi cử, nhiều làng xã trong tỉnh đã dựng những tấm bia đá lớn ghi rõ tên tuổi và sự nghiệp của các vị tiến sỹ, phó bảng, cử nhân và cả tú tài nữa. Đến nay, các làng Đại Phong, Tuy Lộc, La Hà, Lý Hòa, Cảnh Dương… vẫn còn giữ được các tấm bia này dù thời gian và mưa nắng có làm chúng mờ đi nhiều nét chữ. Đề cao Nho học, một số làng xã đã xây Đình Thánh, xây Văn Miếu để thờ Đức Khổng Tử và các danh nho tiêu biểu của 2 nước Trung Quốc, Việt Nam, đồng thời cũng là nơi để Hội Văn của làng nhóm họp, bình thơ, bình văn… mỗi khi thu về, xuân đến. Văn Miếu của tỉnh, với quy mô khá lớn được tạo lập từ năm Gia Long thứ 17 (1819).

2.2. Sự hiếu học của các thế hệ học sinh, sự quan tâm đối với công tác giáo dục của các gia đình, gia tộc, của các cấp chính quyền từ phủ huyện đến làng xã tất yếu sẽ dẫn đến các kết quả tốt đẹp trong việc bồi dưỡng trí lực, đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.

Thời phong kiến, dưới các triều Trần, Lê, Mạc, Quảng Bình đã có 5 vị đỗ đại khoa. Đó là Trạng nguyên Trương Xán (khoa thi năm 1256 đời Trần Thái Tông) và các vị tiến sỹ: Dương Văn An, Lê Đa Năng, Nguyễn Trạch, Phan Đại Kháng.

Qua triều Nguyễn, con em Quảng Bình có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để học hành, thi cử. Vì vậy số người đạt học vị từ tú tài đến cử nhân, tiến sỹ rất nhiều và vượt xa các thời kỳ trước. Tính từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến năm Khải Định thứ 4 (1919), trong vòng gần 100 năm, triều Nguyễn đã tổ chức 40 kỳ thi hội. Trong các kỳ thi này, mỗi kỳ có số người dự thi nhiều nhất là hơn 300 người, ít nhất cũng hơn 120 thí sinh, nhưng số người lấy đỗ không bao giờ đến con số 20. Thậm chí, có kỳ thi chỉ có ba, bốn người giành được học vị tiến sỹ. Trong điều kiện thi cử chặt chẽ và ngặt nghèo như vậy, Quảng Bình vẫn là một trong những tỉnh có số người đậu đại khoa nhiều nhất với 22 tiến sỹ, 19 phó bảng và 3 hoàng giáp; ngoài ra tỉnh còn có 270 người đậu cử nhân và hàng trăm người đậu tú tài trong các kỳ thi hương (3). Không chỉ ở vùng đồng bằng và đô thị mới có người đỗ cao, ngay cả miền núi Tuyên Hóa, ở làng Thanh Thủy cũng có người đậu Hoàng giáp, các làng Lệ Sơn, Thi Lễ, Lâm Lang, Cương Để, Trừng Yên, Cương Giám, Lâm Xuân có từ 1 đến 11 người đỗ cử nhân. Có kỳ thi hội chỉ lấy đỗ tiến sỹ 10 người, thì 3 người là con dân Quảng Bình, đó là kỳ thi năm Tân Hợi (1851), đời Tự Đức thứ 4. Các thí sinh đạt học vị tiến sỹ, phó bảng, cử nhân, phần lớn đều ở lứa tuổi trên dưới 30, cá biệt có người đỗ tiến sỹ khi mới 22, 23 tuổi.

Một điều rất đáng trân trọng là non nước Quảng Bình đã tạo ra không ít làng xã và gia đình, từ bao đời nay đã được nhân dân vinh danh là: “làng khoa bảng”, “gia đình khoa bảng”.

- Quan La Hà, nhà Văn Phú.
- Việc quan họ Hoàng, việc làng họ Đỗ.

(2 họ lớn ở làng Văn La- Quảng Ninh).

- Lại là hương hội khoa trường
Sơn, Hà, Cảnh, Thổ xưa thường chiếm ngôi.

Các câu tục ngữ, ca dao trên là những câu ngợi khen của nhân dân đối với các gia đình, các làng xã có bề dày, có thành tích lớn trong học hành, thi cử và nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Lịch sử khoa cử triều Nguyễn là một minh chứng cụ thể cho những điều được nói đến trong các câu tục ngữ, ca dao trên. Xin được nêu một vài dẫn chứng:

- Làng La Hà có 6 tiến sỹ, 32 cử nhân.
- Làng Lệ Sơn 11 cử nhân.
- Làng Lý Hòa có 2 tiến sỹ, 2 phó bảng, 1 hoàng giáp, và 9 cử nhân.
- Làng Cao Lao có 2 phó bảng, 22 cử nhân.
- Làng Cảnh Dương có 2 tiến sỹ, 14 cử nhân.
- Làng Thổ Ngõa có 1 phó bảng, 15 cử nhân.
- Làng Lộc Điền có 2 tiến sỹ, 5 cử nhân.
- Làng An Xá có 2 tiến sỹ (4).

Làng xã có nhiều người học rộng, đỗ cao, một phần cũng nhờ có các gia đình, gia tộc có truyền thống thi thư. Chúng ta có thể kể đến một số dòng họ nổi tiếng xưa nay như: Dòng họ Hoàng ở Trung Bính, dòng họ Tạ, họ Trần Văn ở La Hà, dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa, dòng họ Lương, họ Lê ở Lệ Sơn, dòng họ Hoàng ở Văn La, dòng họ Nguyễn Đăng, dòng họ Nguyễn Hữu ở Lệ Thủy, Quảng Ninh v.v…

Trong một số kỳ thi hương, thi hội thời Nguyễn có những gia đình, dòng họ cha con, anh em, bác cháu, thầy trò… cùng đỗ. Đây là một điều hết sức thú vị.

Sau năm 1919, các kỳ thi chữ Hán không còn nữa. Thời Pháp thuộc và thời kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), Quảng Bình chưa có các trường cấp 3 (trung học phổ thông) và cuộc sống của nhân dân vẫn vô cùng khó khăn. Nhưng không phải vì vậy mà học sinh Quảng Bình nhụt chí học hành. Nhiều người đã vô tận Huế, ra tận Vinh, Hà Nội và ra cả nước ngoài để học hành, thi cử. Một tầng lớp trí thức tân học ra đời thay cho các bậc túc nho thuở xưa. Các dòng họ, các làng khoa bảng vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp trong việc giáo dục, bồi dưỡng, phát triển nhiều nhân tài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự đến kinh tế, từ văn học nghệ thuật đến y tế, giáo dục. Những làng như Lệ Sơn, Cảnh Dương, An Xá, Võ Ninh… có hàng trăm người làm nghề dạy học, nghề thầy thuốc. Các vị tướng tài của quân đội nhân dân Việt Nam như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sâm, Lê Văn Tri, Đồng Sỹ Nguyên đều là những học sinh khá giỏi từ lúc họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ, giáo sư địa lý học hàng đầu Hoàng Thiếu Sơn, phó tiến sỹ thủy điện lớp đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Đình Tranh, giáo sư nông học Trần Đình Miên, các giáo sư văn học nước ngoài Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ, các nhạc sỹ họ Dương ở làng Quảng Xá v.v… tất cả đều là con cháu của các gia đình, các dòng họ xưa nay luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu học hành để nối nghiệp cha anh.

3. Quảng Bình, giải đất hẹp của miền Trung trong 10 thế kỷ qua, thời kỳ nào cũng đều có những bậc hiền nhân làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Họ là những người tài cao, đức trọng. Nhiều người trong số họ khi mất đã được cư dân các làng xã suy tôn thành thần thánh và lập đền miếu phụng thờ. Những bậc danh nhân được cộng đồng tôn vinh không ai là không trải qua những tháng ngày được học tập, tôi rèn ở trường lớp, ở trong thực tiễn cuộc sống. Truyền thống học hành, khoa cử, theo chúng tôi là một nhân tố, một cơ sở để những người có trí tuệ, có nhân cách trở thành các bậc danh nhân. Chính vì vậy, việc chăm lo phát triển giáo dục từ bậc mầm non đến bậc đại học và trên đại học là một công việc đã và đang được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và toàn xã hội quan tâm. Đầu tư nhiều và mạnh mẽ cho giáo dục, nhất định quê hương ta, đất nước ta sẽ ngày càng có nhiều bậc hiền tài , “nguyên khí” của nước nhà sẽ ngày một hưng thịnh.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét