SỰ RA ĐỜI BẢN TRƯỜNG CA "CHỐNG CÀN XUÂN LAI - MĨ LỘC"

Phan Thanh Tịnh
                                                                            Bàu Sen

Trong cuộc khánh chiến chống Pháp đầy hy sinh gian khổ của quân và dân Quảng Bình, hiếm có một trường hợp thứ hai nào sau trận chiến đấu quyết liệt với kẻ địch, các cán bộ chỉ huy, chiến sĩ đã sáng tác tập thể một bản trường ca kể lại diễn biến trận đánh và tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của đơn vị như trường hợp bản trường ca “Chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc” của Đại đội 361 Bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy.

Vào chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954, hoảng hốt trước khí thế nổi dậy đều khắp của quân và dân ta, hòng cứu vãn tình thế để đối phó với tình hình, quân Pháp có chủ trương tập trung quân bình định và càn quét có trọng điểm một số vùng.

Ngày 1/12/1953, chúng cho một tiểu đoàn tăng cường mở cuộc càn lớn vào Xuân Lai, Mĩ Lộc thuộc hai xã Lê Khiếu và Minh Khai (nay là hai xã Xuân Thủy và An Thủy, huyện Lệ Thủy)

Xuân Lai, Mai Hạ, Mĩ Lộc Thượng, Mĩ Lộc Hạ là những thôn phong trào du kích còn yếu nằm dọc tả ngạn sông Kiến Giang, đối diện với hai đồn địch là Thượng Phong và Tuy Lộc. Địa bàn dân cư hai xã trên trải dài và hẹp, trước mặt có sông sâu, sau lưng đồng chiêm trũng là ranh giới tiếp nối giữa vùng du kích và căn cứ của ta. Nắm được  ý đồ âm mưu của địch, đồng thời chuẩn bị cho chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, Đại đội 361 bộ đội địa phương Lệ Thủy do ông Lương Hữu Sắt làm đại đội trưởng đã về ém quân ở bốn thôn từ Xuân Lai đến Mĩ Lộc Hạ.

Được bọn Việt gian và thám báo chỉ điểm, quân Pháp đánh hơi có bộ đội chủ lực Việt Minh đồn trú ở vùng này. Chúng điều động hai đại đội Âu Phi thiện chiến, được trang bị hỏa lực mạnh cùng với 4 đại đội ngụy quân. Đây là một lực lượng lớn đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Từ đồn Hòa Luật Nam, địch kéo đến Thượng Phong, xuống Tuy Lộc rồi chia thành 3 cánh làm 3 mũi đột kích chủ yếu, dùng đò vượt sông Kiến Giang, đồng loạt tiến đánh vào sườn của đại đội 361.

Cánh thứ nhất gồm 2 đại đội, hướng đột kích chủ yếu là bao vây thôn Xuân Lai tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta. Rạng sáng ngày 1/12/1953 chúng nổ súng mở màn trận đánh. Ban chỉ huy Đại đội 361 đã nhanh chóng triển khai sẵn sàng đánh địch. Toàn thể đại đội đã luồn lách vượt vòng vây của giặc, chiếm đình Xuân Lai dùng trung liên bắn xả vào đội hình của chúng. Phát hiện được vị trí và hỏa lực của ta, địch dùng pháo và đại liên bắn cấp tập vào ngôi đình. Chiến sự diễn ra ác liệt. Được sự chi viện của một tiểu đội du kích phối hợp, quân ta đã đẩy lùi được 10 đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong trận chiến ác liệt, đồng chí phụ trách và hai xạ thủ trung liên đã hi sinh, một số bị thương, ta phải rút về phía sau. Địch tràn qua Mĩ Lộc Thượng bất ngờ chạm trán với 3 tiểu đội của đại đội 361, các chién sĩ ta với quyết tâm cao, vừa cơ động linh hoạt, vừa tổ chức phản kích quyết liệt. Quân địch bị tổn thất nặng, hàng chục tên bỏ mạng khiến chúng hoảng sợ phải rút chạy về Xuân Lai. Cánh đột kích thứ nhất bị bẻ gãy.

Cánh thứ hai của địch triển khai từ thôn Tuy Lộc, chúng dùng đò ngang tiến qua Lộc An, đột kích lên Mĩ Lộc Hạ. Ở đây, chúng đụng độ với 2 tiểu đội của Đại đội 361 phục kích sẵn. Hơn một giờ đánh trả quyết liệt, 12 tên Pháp đã bỏ mạng, hàng chục tên bị thương, chúng phải tháo chạy về Lộc An.

Cánh thứ 3 của địch gồm 1 đại đôi tăng cường từ Tuy Lộc sang Mĩ Lộc Thượng, được chia thành nhiều mũi với ý đồ chuyển thành hai gọng kìm vòng ra sau lưng, vu hồi hợp vây hòng đánh bật bộ đội ta xuống sông.

Vừa triển khai đội hình, chúng đã bị bộ đội ta cùng du kích chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thương vong. Bọn chúng bị đánh bật xuống bờ nước, khiến chúng phải co lại phòng thủ. Để cứu vàn tình thế, đến 12 giờ trưa, địch cho 2 ca nô với 2 xe lội nước chở quân từ Quàn Hàu lên tăng viện. Được hỏa lực mạnh và cơ giới tăng cường, địch mở nhiều đợt tấn công vào hai thôn Mĩ Lộc Hạ và Mĩ lộc Thượng. Ba tiểu đội của Đại đội 361  từ Mĩ Lộc Hạ cơ động lên Mĩ Lộc Thượng chặn đánh địch. Chiến sự diễn ra gay go ác liệt, hai bên giành giật nhau từng bờ ruộng, từng ngõ xóm. Đến 3 giờ chiều địch tăng viện thêm 1 đại đội nữa. Lúc này, lực lượng của ta với địch quá chênh lệch, hai bên đều có nhiều thương vong. Địch bủa quân bao vây các thôn, lực lượng ta bị mất liên lạc giữa hai thôn Xuân Lai và Mĩ Lộc Thượng. Để bảo toàn lực lượng, đại đội 361 vừa đánh trả vừa rút lên căn cứ. Trước khi địch lui quân chúng cho máy bay đến ném bom napan xuống các làng, lửa cháy ngút trời. Kết thúc trận đánh, phía bên ta có 11 chiến sĩ và 27 đồng bào hi sinh, rất nhiều tài sản, nhà cửa của dân bị cháy và phá hủy. Phía địch có 142 tên địch đã bị tiêu diệt, bị thương nhiều tên.

Trận chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy về khả năng độc lập tác chiến đánh trả một lực lượng lớn đông gấp hàng chục lần của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

Toàn thể cán bộ chiến sĩ của đại đội 361 đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Gương hy sinh oanh liệt của các cán bộ, chiến sĩ 361 đã tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống chiến đấu bảo vệ quê hương của quân dân Lệ Thủy.

Sau trận đánh, để lưu danh chiến công của mình, cán bộ chiến sĩ 361 đã sáng tác tập thể, mỗi người góp một câu, mỗi tấm lòng thêm mọt ý đã viết nên bản trường ca: “Chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc” hùng tráng:

Sáng mồng năm trời lờ mờ chưa rõ
Địch tập trung hai tiểu đoàn bí mật bao vây
Cả ba thôn chúng bủa một lưới dài
Súng chực sẵn trong những bàn tay man rợ
Đúng 5 giờ nắt đầu nổ súng…

Cứ thế, bản trường ca đã kể lại trận chống càn đầy dũng cảm hy sinh của đại đội 361 bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy, là tiếng kèn thắng trận vang lên của của bộ đội và dân quân, du kích. Bài ca đã đi vào tâm khảm của người dân vùng chiêm trũng Lệ Thủy thời bấy giờ như âm hưởng một chiến công hiển hách vang dội mãi.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét