HUYỀN THOẠI RÀO SEN

HẢI YẾN

Từ thành phố Đồng Hới, theo đường quốc lộ đi về phía Nam khoảng 50 km, du khách sẽ gặp hai bên đường những dãy nhà quán kiểu nhà sàn được dựng lên trên khoảng hồ nước rộng. Vào đây, du khách sẽ được thoải mái ngã mình trên những sàn gỗ, cảm nhận làn gió mát rượi thổi lên từ mặt hồ và nhất là được thưởng thức món cháo cá đặc biệt thơm ngon. Tuy nhiên, điều mà nhiều người có lẽ chưa biết đến hồ nước rộng nơi đây chính là điểm khởi nguồn của một con sông đào có từ hơn 600 năm trước. Con sông mà người dân ở đây bao đời vẫn gọi bằng cái tên mộc mạc: Rào Sen.

Theo sử cũ, Rào Sen được đào từ đầu thế kỉ XV, lúc bấy giờ nhà Hồ mới chiếm được đất Quảng Nam của Chiêm Thành nên cần có một con đường tiện lợi để vận tải quân lính, lương thực hoặc để chở dân đàng ngoài vào khai khẩn đất mới. Năm 1404, Hồ Hán Thương cho đào sông Liên Cảng. Sông khởi nguồn từ Lôi Đình (Lệ Thủy), nơi ngọn nguồn sông Bình Giang (Kiến Giang), một trong hai chi lưu của sông Nhật Lệ (Quảng Bình) nối với sông Minh Lương (Quảng Trị). Dân sở tại gọi sông này là sông Sen bởi vì dọc theo sông sen mọc rất nhiều. Mỗi mùa hạ về sen nở bát ngát tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Xưa đây là nguồn sống của làng Thủy Liên Nam. Bốn mùa cò, vạc, le le, tôm, cá. Cá rào Sen nhiều và ngon nhất là cá chép. Cứ đến mùa mưa lũ, cá tràn bờ đi đẻ, cất rớ có khi được bốn năm kí một mẻ. Và đặc biệt là hoa sen, hạt sen, ngó sen. Sen mênh mông bát ngát như đồng sen Tháp Mười. Rào Sen dài khoảng 28 km, một nửa nằm ở địa phận tỉnh Quảng Bình còn một nửa thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Từ Lôi Đình, Rào Sen chảy vòng ra đến quốc lộ. từ quốc lộ nó được đào theo một đường thẳng đến Quán Cát, sau đó đổ vào một cái hồ gọi là Bàu Sen rồi chảy qua Quán Bụt, đến tận làng Hạ Á. Sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An miêu tả “Sắc nước như chàm, quanh năm vẫn đầy, mưa cũng không tràn, nắng cũng không cạn”. Ở Hạ Á sông chảy qua phía Tây rồi chảy về phía Đông, cuối cùng thì mem dọc quốc lộ đến chợ Huyện (Quảng Trị). Tai chợ Huyện sông gặp nhhững cồn cát lớn ở Quán Bụt. Tại đây, nước ngầm từ đồi cát chảy trào lên đẩy cát theo, vì vậy mà lòng sông bị bồi lấp rất nhanh.

50 năm sau, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến địa phận làng Thủy Liên, đã hạ lệnh huy động dân sở tại nạo vét kênh để tiện đường vận tải. Thời ấy, có ông Mai Văn Bản đang làm lí trưởng làng Thủy Liên đã tâu với vua rằng “Chỗ này có nhiều cát lồi, nếu đào xong cũng bị cát lấp, chỉ nhọc sức dân. Nhà Hồ ngày xưa cũng đã đào và bị vậy, không qua được”. 

Vua Lê Thánh Tông giận, cho là ông Bản đã nói lời làm nản lòng dân, kháng lệnh nên buộc vào tội “trái mệnh vua”, xử trảm. Tương truyền, một hôm dân làng Thủy Liên đang mở hội thì thấy một con quạ bay ngang kêu lên ba tiếng rồi thả xuống một ngón tay. Tức thời, có người đạp đồng lên, kể rỏ đầu đuôi sự tình ông Bản bị hại, ngón tay là của ông ấy, nhờ dân làng chôn cất ngón tay ông Bản tử tế. khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thắng trận trở về, ngang qua nơi cũ thì thấy sông đã bị lấp cạn rồi, ghe thuyền không đi lại được, quan quân phải lên bộ để ra Bắc.

Lạ thay, khi đến chổ ông Bản quỳ tâu vua khi trước thì cả đoàn 24 thớt voi ngự đều đồng loạt quỳ xuống đất, rống lên mà không chịu đi. Vua kinh ngạc không hiểu chuyện gì bèn cho người vào trong dân hỏi xem ở đây có linh thần gì quấy nhiễu không. Quan cận thần sau khi đi điều tra về tâu: “Theo dân chúng thì có thể do linh hồn ông Mai Văn Bản bị giết oan muốn xin điều gì đó chăng”. Vua Lê Thánh Tông bèn khấn: “Ông Bản có oan gì cho voi ta đi, ta sẽ minh oan cho”. Khấn vừa xong, đoàn voi đều đứng lên. Vua bèn phong cho ông Bản làm Thành Hoàng bổn thổ và cho lập miếu thờ. Ngoài cửa miếu có hai câu đối: “Nhất phiến trung can tướng ngự tượng”, “Thiên thu chính khí nghiệm phi ô”. 

200 năm sau (1668) Chúa Nguyễn Hiền Vương cần một con đường để chở quân lính và lương thực ra Quảng Bình chống nhau với chúa Trịnh, nên lại theo lối cũ mà sung dân các xứ sở tại đào lại đoạn Rào Sen. Chúa tự thân hành ra đốc suất công việc. Vậy nhưng, được ít tháng sau đoạn sông ở Quán Bụt lại bị cát lấp.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua cử phái bộ đi điều tra địa thế để tránh chỗ cát lồi. Sau đó cho đào một con sông về hướng thượng du. Nhưng khi đào đến núi Chấn Sơn, gặp chỗ đá cứng không đào được nên phải bỏ.

Sau này, thêm vài lần nhà Nguyễn cũng lại cho người đi dò xét vào các năm 1889, 1917, 1918 nhưng rồi cuối cùng cũng đành chịu bó tay.



Như vậy, theo những vết tích còn lại cũng như các tư liệu trong sử cũ thì Rào Sen chính là một con sông đào đã có từ hơn 600 năm trước. Một con sông đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, để bây giờ, mỗi khi có dịp đi qua nơi này- một vùng lồng lộng gió trời, mây nước, lòng chợt nhớ về câu chuyện của mấy trăm trước mà càng thêm yêu quê hương. Đất nước ta, mỗi tên sông, tên làng đều gắn với huyền thoại và những điều kì bí thiêng liêng như vậy. Nếu như được đầu tư đúng mức, đây sẽ là điểm du lịch lí thú cho du khách trong và ngoài tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét