NGẪM TỪ MỘT CHUYẾN ĐI

Nguyễn Thị Thu Hoài

  18- 4 hàng năm là ngày chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật Việt Nam.
  Theo kế hoạch của Diễn đàn Kết nối Lệ Thủy Kiến Giang xanh và lời mời của Thanh Tâm, một thành viên của diễn đàn cũng là cán bộ Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, 14h ngày 18-4, tôi có mặt tại Trung tâm để tham dự buổi giao lưu văn nghệ “Vòng tay yêu thương”. Lần thứ hai đến nơi này nhưng đay mới là lần thứ nhất tôi cảm nhận được sâu sắc những vất vả, thậm chí là nguy hiểm của những cán bộ giáo viên cũng như sự nỗ lực đáng trân trọng của những số phận kém may mắn, và quan trọng nhất, tôi đã thay đổi rất nhiều trong cách nhìn cuộc sống...
  Giữa tháng tư, mới chỉ là cái nắng đầu mùa nhưng đã khá gay gắt. Trong lúc giám đốc trung tâm cùng một số cán bộ giáo viên đang tiếp các đoàn khách từ Phòng Lao động - thương binh xã hội huyện, phòng giáo dục và các tổ chức hảo tâm khác thì ngoài sân trường, các em học sinh của trung tâm đã ngồi ngay ngắn, hướng mắt lên sân khấu...       Chợt nhớ đến cảnh tượng những buổi tập trung toàn thể học sinh ở trường mình: nhốn nháo, lộn xộn, ồn ào... Sự khác biệt là gì? Vì giáo viên chúng tôi chưa tận tâm hay bởi học sinh chúng tôi không - phải - là - học sinh - khuyết- tật? Buổi lễ bắt đầu với những tiết mục văn nghệ tự biên của cán bộ giáo viên trung tâm. Cũng những bài hát quen thuộc, những giọng ca không chuyên có lúc sai vần, lỗi nhịp, nhưng kết thúc mỗi tiết mục bao giờ cũng là là những tràng pháo tay rôm rả, nhịp nhàng. “Văn hóa vỗ tay”- nếu có tiêu chí đó thì tôi dù không phải là người dễ tính nhưng rất sẵn lòng cho các em điểm 10/10. Các em- những học sinh khuyết tật, có em thiểu năng trí tuệ, có em chân tay không lành lặn, có em khiếm thính, khiếm thị... nhưng các em có cái tâm để nghe, để nhìn, để cảm nhận cái công sức, sự cống hiến của những thầy giáo, cô giáo quen cầm phấn viết bảng, không quen cầm micro nên có lúc cũng run run trên sân khấu kia. Lại nhớ, những buổi tọa đàm, những buổi liên hoan văn nghệ, hội nghị, khai giảng, tổng kết, sau những lời phát biểu tâm huyết, sau những thành tích đáng tuyên dương, sau những lời ca, điệu múa, tiếng vỗ tay cũng có nhưng không vang lên cùng lúc mà chỉ lẻ tẻ vài tiếng ở chỗ này, vài tiếng ở chỗ kia, chưa kể có người muốn “chơi trội”, đợi mọi người vỗ tay xong rồi mới “độc diễn” một tràng dài đơn điệu khiến người trên diễn đàn, trên sân khấu không thể không chạnh lòng: thà đừng vỗ tay còn hơn...
  Phần khiến tất cả khách mời tham dự xúc động nhất có lẽ chính là lúc chính các em - những học sinh của trung tâm thể hiện khả năng văn nghệ. Trong sáu bé gái xinh xắn đang say sưa với tiết mục múa “Ước mơ”, tôi được biết cô bé da rất trắng, môi rất đỏ, đôi mắt đen long lanh kia đã ba lần trải qua phẫu thuật tim, cơ thể bé nhỏ ấy đã ba lần đối diện với nỗi đau không tả hết được bằng lời, em vẫn tìm thấy niềm yêu đời tha thiết, vẫn không thôi ước mơ...
   Còn những cậu bé nhảy break dance rất điêu luyện kia không thể ngờ là có những em khiếm thính, không nghe được nhạc, các em được thầy cô hướng dẫn ra hiệu và có lẽ các em biết lắng nghe nhạc điệu của cuộc sống này bằng trái tim... Ấn tượng nhất với tôi là phần đọc thơ của em Mỹ Hòa. Không phải vì bài thơ đạt đến trình độ nghệ thuật đáng nể, cũng không phải vì giọng đọc quá ngọt ngào... Mỹ Hòa 16 tuổi. Những học sinh của tôi cũng tuổi ấy, nhiều em cao quá đầu tôi. Mỹ Hòa nằm gọn trong chiếc xe đẩy, thầy giáo phải ngồi cạnh cầm mic cho em.
   Những câu thơ còn rất vụng về, không vần, không nhịp, giọng đọc có lúc ngắt quãng vì mệt, vì em nhìn không rõ chữ... Nhưng tất cả “tâm sự” (tên bài thơ) của em đều đi thẳng vào lòng tôi và ở lại luôn trong đó. Tôi nghe sống mũi mình cay cay...
   Thương các em, khâm phục các em, tôi xấu hổ vì mình.Vượt qua nỗi bất hạnh “chân không đi được, mắt không nhìn rõ”, những lời cuối bài thơ là lời chúc sức khỏe, hạnh phúc mà em dành cho mọi người. Tự ngẫm lại mình, đã có rất nhiều lúc tôi than thân trách phận, sao mình không xinh đẹp như người này, không sinh ra trong gia đình khá giả như người kia, không được làm việc ở một môi trường khác, sao mình không làm được những điều mình muốn... Đến lúc này, tôi đã hiểu, hạnh phúc đôi khi là phải biết vừa lòng với những gì mình có. Biết bao nhiêu người cũng chỉ mong được như ta. Và cao quí hơn là, dẫu ở những người có hoàn cảnh rất éo le, họ vẫn biết sống, biết vươn dậy, cầu chúc chân thành cho cả những người khác...
   Trên đường trở về nhà, tôi gặp một vụ tai nạn giao thông ngay ở cầu Phong Xuân: hai chiếc xe máy nằm chỏng chơ giữa lòng đường, một đám đông hiếu kì xung quanh, hai chiếc dép của nạn nhân văng ra hai phía. Không thấy người bị nạn đâu, có lẽ đã được đưa đến bệnh viện... Sinh mệnh con người thật quá mong manh. Đang lành lặn, khỏe khoắn rất có thể chỉ sau một khoảnh khắc đã trở thành “người xưa” hoặc một người tàn phế... Tôi đã về đến gần nhà. Cây lá ven đường hôm nay xanh lạ, con ngõ vào nhà cũng hiền lành đón tôi qua. Tôi vào nhà, cha mẹ tôi đều đi làm vắng nhưng lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ nét niềm hạnh phúc cùng cảm giác bình yên mà bấy lâu không gọi được thành tên... Cảm ơn ngày 18-4, cảm ơn các em học sinh trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy...

19 - 4 - 2012

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét