LỆ THỦY TRONG TÔI




Lệ Thủy của Tôi có một dòng sông. Dòng sông ấy ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, những bến đò trên dòng sông ấy ngày xưa tiễn bước biết bao người ra đi, nhưng ngày về... bến đợi vẫn lẻ bóng người chờ.

Dòng sông ấy trước khi đổ ra biển lớn không chịu chảy theo hướng đông nam như những con sông khác ở Việt Nam mà theo hướng đông bắc rong ruổi trên khắp nẻo của Lệ Thủy yêu thương. Trên dòng sông ấy, người dân Lệ Thủy chèo đò, đi thuyền, chạy ca nô để mưu sinh kiếm sống.

(Sông Kiến Giang, chụp ở Mũi Viết)

Ngày xưa, những làn điệu hò khoan được cất lên mỗi khi người dân quê tôi giã gạo, chèo đò, hay tham gia các lễ hội làng. Tiếng hát mộc mạc chứa chan bao nỗi niềm ấy văng vẳng giữa đôi bờ Kiến Giang, len vào từng mái đình, thấm vào máu thịt mỗi người dân xứ Lệ. 
Sông Kiến Giang bình thường hiền hòa, phẳng lặng là thế, nhưng đến cuối mùa hạ thì lại dậy sóng mặc dù chưa đến mùa mưa lũ, phải chăng sông cũng mang nỗi lòng của mỗi người dân nơi đây. Dòng sông yên ả bỗng dưng rộn ràng, nước như reo vui, náo nức hòa chung với những thôn, những làng hai bên bờ Kiến Giang. Trai bơi, gái đua chăm chỉ tập luyện trong tiếng reo hò của người dân khắp xứ để chuẩn bị đo lễ hội Đua thuyền (bơi trải) truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày Tết độc lập mồng 2 tháng 9.


Lệ Thủy của Tôi từ xa xưa được biết đến là mảnh đất địa linh  nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu  Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Đô, Sư bảo Nguyễn Đăng TuânĐại tướng Võ Nguyên Giáp,... Và biết bao thế hệ trẻ nối tiếp theo sau góp phần làm nên một Lệ Thủy anh hùng và hiếu học trong thời kỳ mới.
(Chùa An Xá - Nguồn Internet)

Lệ Thủy quê Tôi có chùa An Xá (Lộc Thủy), chùa Hoằng Phúc (Mỹ Thủy), ngôi miếu cổ trong lòng cây si ở Văn Minh (Văn Thủy), Ninh Viễn thành ở Quy Hậu, miếu thành hoàng Mỹ Thổ (Tân Thủy)... là những di tích mang tầm vóc lịch sử trong các thời kỳ cách mạng của dân tộc Việt ta.


(Suối Bang - Nguồn Internet)
Ngược dòng Kiến Giang khoảng 10km, tính từ trung tâm huyện, Lệ Thủy của Tôi có suối nước khoáng Bang, là nguồn nước khoáng nóng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi kỷ lục 105 độ C. Đến với suối Bang, ta như lạc vào cảnh bồng lai giữa thiên nhiên đầy sương khói do hơi nước từ nguồn nước nóng tạo nên. Và từ rất lâu, nước khoáng đóng chai, nước khoáng bình mang thương hiệu Bang đã trở thành thứ nước giải khát được ưa chuộng và yêu thích.
Đến với Lệ Thủy, nhất là lúc giữa mùa hè thì đập Mưng, đập An Mã là địa điểm dừng chân tuyệt vời. Cảnh sắc mang đậm chất thiên nhiên, không khí trong xanh, mát mẻ. Dường như những ưu tư, muộn phiền bị lu mờ và gột sạch trước sắc xanh của đất trời, của cỏ cây nơi đây.


Có lẽ không ở đâu như Lệ Thủy của Tôi, chỉ cần có nhà dân ở, chỉ cần có một vài người bày bán, chỉ cần có người dừng chân ghé mua... là có chợ. Hầu hết tên các chợ không đặt theo tên địa danh ở đó mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo như là: Chợ Động (Đôộng), chợ Chè, chợ Trạm, chợ Thùi, chợ Tréo, chợ Tuy, chợ Cưỡi. Chợ Mĩ Đức, chợ Chiều (Xuân Giang), chợ Mai, chợ Phú Hòa, chợ Thạch Bàn, chợ Bùi, chợ Đa, chợ Mốc Định, chợ Quy Hậu, chợ Cam Liên, chợ Sen, chợ Thượng Lâm, chợ Ba Kênh, chợ Cầu Ngò, chợ Xuân Hòa, chợ Thác Tre, chợ Nông Trường... rồi cả những cái chợ tạm, chợ xép cứ thi nhau mọc lên từng ngày.


(Chợ Tréo cuối năm - Nguồn Internet)
Gắn với mỗi địa danh, tùy vào đặc điểm tự nhiên và những yếu tố khách quan chi phối khác, Lệ Thủy của tôi có những làng nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Làng Nón – Quy Hậu, chiếu Cói – An Xá, chổi Đót, chổi rèng – Lệ Bình, đan lát Xuân Bồ. Rồi cả những món ăn, thức uống mang hồn xứ Lệ như: Rượu Tuy Lộc, mè xững Lộc Hạ, cháo cá Bàu Sen, ốc đá Mai Thủy, rạm, bánh bột lọc...


(Chổi đót Lệ Bình - Nguồn Internet)

(Làm nón - Nguồn Internet)
 Lệ Thủy của Tôi tràn ngập sắc xanh mỗi khi mùa Xuân về, xanh của dòng Kiến Giang, xanh của cánh đồng chiêm trũng mênh mông, xanh của sắc trời, xanh của cỏ cây. 
(Đồng lúa - Nguồn Internet)
Lệ Thủy của Tôi tắm mình trong ánh vàng rực rỡ của những tia nắng mặt trời mỗi độ hè sang, rồi thì cả màu óng ánh của lúa chín, của những cọng rơm còn vương mùi thơm say nồng khi vừa mới tuốt.
Lệ Thủy của Tôi, thương lắm mỗi khi Đông đến, những con gió rít đến ghê người, rồi bão, lốc tố. Vì dòng Kiến Giang dốc và ngắn nên mỗi khi có bão đổ bộ về là quê tôi lại chìm ngập trong nước. Nước đục ngầu, trắng xóa nhấn chìm con đường quen, nuốt chửng cánh đồng rộng lớn. Với những ngôi nhà nhỏ, lại ở ven sông hoặc những chỗ thấp, mái ngói đỏ tươi đôi khi nhuốm sắc bạc, năm này qua năm khác... Mùa lũ về, mùa của những khó khăn, những hiểm nguy trắc trở rình rập. Thương lắm!

Lệ Thủy của Tôi có gió Lào, nó bắt đầu thổi mạnh vào khoảng trung tuần tháng năm âm lịch. Từng đợt gió rong ruổi, đuổi bắt nhau trên cánh đồng với những hanh hao khó diễn tả. Ngày thì nóng, khô, cái nóng như muốn vắt đến cùng kiệt nước trong cơ thể, khuya thì lại mang hương dịu dàng, man mát... thật lạ.

Lệ Thủy của Tôi có một thứ, hay nói đúng hơn là một mùi hương rất đặc biệt, và có lẽ người xa xứ sẽ chạnh lòng không ít lần khi vô tình bắt gặp mùi hương ấy. Hương thơm nồng dịu ấy được tạo ra bởi những lá Tràm tươi được chưng cất lên để lấy tinh dầu làm thảo dược.

Lệ Thủy của Tôi, Lệ Thủy trong Tôi là cả một miền ký ức với những yêu thương đôi khi không nói được thành lời, chỉ biết rằng, dù đang sống trên chính quê cha đất tổ, nhưng tôi lại mang trong mình nỗi nhớ mang hình hài rất quê hương.


(Cầu Phong Xuân)
Và Tôi biết rằng chỉ cần trái tim còn rung lên những nhịp rất khẽ, là Tôi sẽ lại thổn thức, thảng thốt mỗi khi bước qua những quảng nhớ trên quê hương.

Lệ Thủy trong Tôi – Mộc mạc và yên bình!




Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét