NGUYỄN ĐĂNG TUÂN - MỘT VỊ QUAN THANH LIÊM, ĐỨC ĐỘ QUA 3 TRIỀU: GIA LONG - MINH MẠNG - THIỆU TRỊ

Nguyễn Ngọc Trai


Dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình từ Bắc Ninh vào định cư ở Quảng Bình theo chúa Nguyễn lập xứ ở Đàng Trong.

Ở Quảng Bình thời bấy giờ có nhiều dòng họ nối nhiều đời làm quan, nhưng dòng họ Nguyễn Đăng được sách sử Quốc sử quán triều Nguyễn lại ghi chép đầy đủ cả 3 đời: Hiệp biện Đại học sĩ Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân , Hiệp hiện Đại học sĩ, Thượng thư Nguyễn Đăng Giai, Tiến Nguyễn Đăng Hành. Dòng họ Nguyễn Đăng còn có Cử nhân Nguyễn Đăng Củ và con trai của ông Nguyễn Đăng Củ là Phó bảng Nguyễn Đăng Cư.

Nguyễn Đăng Tuân, tự Tín Phu, hiệu Thận Trai, thụy Văn Chính

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, tính tình thuần chất, lối học chủ về nghĩa lý.

Đầu đời Gia Long (1802), do có học vấn văn học, được cống cử vào làm việc ở viện Hàn Lâm, rồi đã được bổ nhiệm thành quan Tri huyện, huyện Ngọc Sơn ( nay thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa), rồi được điều về Kinh sung chức Tư giảng ở Công phủ, sau làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh

Năm Minh Mạng thứ 1 ( năm 1820 ) được bổ nhiệm làm Thiêm Sự ( đời Gia Long chức quan giúp việc Trưởng quan) Bộ Lễ. Khi triều Nguyễn bắt đầu đặt Văn phòng giao cho Nguyễn Đăng Giai và một số quan để coi giữ đồ thượng bảo và văn thư, chương tấu, bản đồ, sổ sách….

Lúc làm bộ Lễ, Nguyễn Đăng Tuân đã có đóng góp rất lớn cho triều đình nhà Nguyễn mới ứng vị lập triều. Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ xin đình các việc công tác “Quân dân đang bị bệnh tật, không nên bắt làm nhọc lắm. Dương thịnh thì âm suy, cũng là một nghệ thuật để ngăn tai biến”

Đặc biệt ông dâng sứ 6 điều quan trọng:

1.Đặt viện Ngự sử để đàn hặc sữa chữa phương thức làm quan.
2.Đặt chức Thái phỏng sứ để xét nghiệm thú thần người tài, người kém. Xin chọn quan Kinh, người nào thanh liêm, trung thực, đứng đắn, trong sạch, thì sai đi các châu, huyện, xét chính tích, xem tình dân để xem các thủ thần có giỏi hay không và để thấu lợi bệnh của tiểu dân.
3.Bớt tiêu phí vô ích, bớt những viên chức thừa đi…
4.Đặt nhà học ở các doanh trấn châu huyện. Xin chọn những bậc lão sư, túc nho ( có đủ kiến thức ) làm trợ giáo.
5.Mở khoa Ân thí.
6.Cử hành việc thờ tự gia ân.

Vua sai đình thần lần lượt thi hành.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), lấy thự bảo khanh Nguyễn Đăng Tuân làm Cai bạ Quảng Nam. Tháng 9 năm đó, vua triệu Cai bạ Quảng Nam Nguyễn Đăng Tuân về Kinh, sai lấy nguyên hàm, sung chức Quang lộ Tự khanh, tham bồi công việc ở bộ Lễ. Tháng 3 năm 1823, ông làm biện lý công việc ở Bộ Binh rồi sau đó được giữ chức thự Tham tri Bộ Lễ.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1829), được bổ làm Hộ tào Bắc thành (cơ quan giữ việc vận chuyển lương từ từ Quảng Bình trở ra), rồi chuyển làm Binh tào vào làm Hữu Tam tri bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ 11 (1832), nhà vua chủ trương sửa chữa luật lệ, ông được sung chức Phó Tổng tài (chức vụ tương đương lục bộ thời bấy giờ). Năm 1833, ông cử hàm Tả tham tri bộ Lễ. Minh Mạng năm thứ 14 (1835), ông đến Kinh chầu mừng lễ khánh tiết nhà vua, nhà vua làm thơ tặng cho. Minh Mạng năm thứ 16 (1837), sung chức sư bảo của hoàng tử (thầy dạy các hoàng tử). Vua rất trong mong, bắt buộc làm cho có thành hiệu. Việc dạy học hoàng tử, dạy bảo nghiêm, mà có phép từng tâu vua nói: “Các hoàng tử ở nhà tập thiện, lúc tiến, lúc dừng, phần nhiều chưa hợp lễ, nếu cho giảng tập lễ phép thường thôi, sợ khó nên người có đức. Xin tham chước khuôn phép giảng học về năm Minh Mạng thứ 4 (1825), nghĩ định điều lệ, để cho cách dạy từ bé được đúng đắn, và liệt ra tiết mục rõ rang dâng lên”.

Minh Mạng năm thứ 37 (1837) vua bàn hàm Thượng thư Tham tri bộ Lễ cho Nguyễn Đăng Tuân. Hàm thượng thư bộ Lễ, nhưng vẫn sung làm thầy dạy các hoàng tử, trong đó có vua Thiệu Trị. Vua đánh giá, Đăng Tuân theo hầu đã lâu, học hành vào bậc lão thành, vua đã đặc biệt yêu thương, lại thấy hoàng tử, hoàng tôn đến học ngày càng nhiều, nên sai đề cử người mà mình có thể sung chức giảng tập và chánh tự….

Nguyễn Đăng Tuân lại tâu: “Thần nghe, đức tất phải học thì sau mới thành, học tất phải giảng thì sau mới rõ, vì là nguồn vực của thầy và bạn có tự đem lại dần dần. Nay hoàng tử ra mở phủ riêng, ngày càng thêm lên, mà học đường giảng tập có 10 người, chính tự có 5 người, xin đặt mỗi chức 5 người nữa đủ để giảng tập. Lại xin đặt chức hoàng tử tám thiện 2 người, để sớm hôm quanh hiền cùng nhau ngõ hầu có bổ ích”. Vua đều nghe theo.

Vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên ngôi (năm 1841), ông vào viếng Quốc tang. Vua Thiệu Trị an ủi, hỏi han, toan bổ làm Thượng thư bộ Lễ, ông khẩn thiết xin từ, vua bèn ban cho thật hậu rồi cho về. Ông làm bài biểu tạ nói rằng: “Chỉ xin rộng một đạo hiếu để ban ra luân thường, rõ chin đạo thường mà lập đạo trị nước.” Vua nói rằng: “Vài lời nói ấy có rạng rỡ hơn…”

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), bắc tuần ra miền Bắc khi trở về, thăng thụ Hiệp biện Đại học sĩ, sung chức sư bảo như cũ. Sách Đại Nam thực lục chép: “Khởi phục thượng thư bộ Lễ đã về hưu trí là Nguyễn Đăng Tuân sung chức sư bảo của hoàng tử, hoàng đệ”. Vua dụ rằng: “Đế vương ngày xưa, mến yêu con em, tất phải chọn người chính nhân quân tử để làm thầy dạy dỗ, cốt mong cho đức nghiệp cho con em ngày một tấn tới thành tựu. Nhà nước được trị yên lâu dài, là bởi ở đó. Quốc gia ta, đời đời vun đắp nền nhân hậu… Hoàng tử, hoàng đệ đã dần lớn, dạy chính đạo từ lúc còn nhỏ, chính là lúc này”.

Khi già yếu, ông lại cố xin nghỉ việc, vua đành cho ông nghỉ, gia ban các thứ thuốc, vàng trong kho, cấp cho thuyền công để đưa trở về làng. Khi tử giả vua về làng, Nguyễn Đăng Tuân tạ ơn vua Thiệu Trị: “Chỉ xin rộng một đạo hiếu để ban ra luân thường, rõ chín đạo thường mà lập đạo trị quốc Chín đạo đó là:

1.Sửa mình,
2.Thân yêu trăm họ,
3.Tôn trọng người hiền,
4.Kính trọng đại thần,
5.Thể tất quân thần,
6.Thương yêu muôn dân,
7.Khuyên lơn trăm họ ,
8.Phủ ủy người phương xa,
9.Bao dung nước chư hầu.

Đây là với những tư tưởng tiến bộ, giúp vua trị nước dân yên.

Nguyễn Đăng Tuân tự đặt tên hiệu là Thận Trai, tính thận trọng, ít nói, trải thờ ba triều sung làm chức Báo phó lâu năm, sau khi về, vua nhớ khôn nguôi.

Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), vua sai Nội các mang sắc thư đến nhà hỏi thăm sức khỏe, thực thụ hàm Vĩnh Lộc đại phu Hiệp biện Đại học sĩ, hàng năm chia một nửa nguyên bổng, lại cho một người con thứ tập ấm làm Tư vụ, cùng cháu là Cử nhân Đăng Hành đều ở nhà phụng dưỡng.

Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ khẩn tiết từ chối, nói thần là con nhà tầm thường, làm quan đến Thự Tồng nhất phẩm, đã không làm được các công việc, chỉ chống gậy ở làng, ở làng, vui xem thái bình, đã lấy làm may mắn mà vượt quá phận rồi, thế mà thân ở chốn đồng nội ngồi lên bậc cao, không phải có thực trạng xét công, mà chịu ơn sâu đặc cách, lòng thần vẫn không tự yên, là một điều. Thần trải thờ ba triều (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), nhờ lương bổng làm quan đã lâu. Cha thần có ruộng để lại 100 mẫu làm lấy mà ăn, không đến nỗi thiếu thốn; hơn nữa được nhiều lần ban cho bạc lụa ưu hậu, cũng đủ nuôi sống lúc tuổi thừa. Con thần là Đăng Giai hiện được chi lương Tòng nhị phẩm, số thừa về lương bổng ấy, hàng năm thường biếu thần một nửa, để chi phí về củi gạo. Nay lại được ấm thụ cho con thứ của thần là Đạc, cháu đức tôn của thần là Đăng Hành đều ở nhà để phụng dưỡng, thì hết thảy đồ phụng dưỡng về ăn mặc của thần thường yên lòng, về việc hỏi đồ ăn còn thừa (kinh Lễ có nói: Khi cha mẹ ăn món ăn còn thừa lại, thì con phải hỏi món ăn thừa cha mẹ muốn cho ai, thì cho người nấy) mà không lo về sự không đủ. Nay chịu lộc quá phân lượng, lòng thần thấy không được yên, là hai điều; vả lại thần nghe người đời xưa nói rằng: “Làm việc gì cũng nên để đức có thừa không hết về sau, làm quan nên lấy thanh bạch mà để cho con cháu”, tấm lòng từ lúc bình sinh của thần tưởng chắc là thánh minh đã soi thấu rồi. Nên nhờ lòng nhân từ của Thánh thượng rũ lòng thương xót thì về khoản hàng năm chi một nửa lương bổng, thần xin kính lĩnh một kì để được vinh hạnh về của vua ban cho, mà tỏ rõ đạo khuyên trung, khuyên hiếu của hoàng thượng. Đến như việc gia thưởng quan hàm, cùng khoản chi bổng từ sang năm trở về sau, thì xin chiều theo chí của thần chuẩn cho đình miễn. Thế thì không đến nỗi hại lẽ công về danh khí ( Danh khí tức là quan tước và áo mũ xe võng của triều đình ban cho ) của triều đình, mà con cháu của thần đời đời được nhờ phúc cùng nước đều vui, dài đức trạch của nhà về sau này, tức là thần đã chịu ơn nước, không biết gấp mấy lần rồi. Khi dâng sớ lên, vua bằng lòng về lời tâu ấy.

Mùa đông năm ấy ( 1844 ), Nguyễn Đăng Tuân mất, thọ 73 tuổi, được truy tặng Thiếu sư (thời Nguyễn: Chỉ là gia hàm cho đại thần, không có chức sự nhưng rất tôn trọng), tên thụy là Văn Chính, sắc cho ty chức trách hậu cấp cho, để sửa việc tang, sai quan đến tế, lại sai lấy thơ vua và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng ở nơi làng ở.

Nguồn: Hội thảo khoa học về danh nhân Quảng Bình
Nguyên Hoàng sưu tầm, giới thiệu.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét