PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P6)

                                                       Thế hệ nghệ nhân thứ 2
3.2 Giá trị nghệ thuật của hò khoan. 

Như đã nói ở trên, nội dung của hò khoan đã được lồng vào những hình thức nghệ thuật nhiều hình, nhiều vẻ qua các làn điệu, lối hò. Thế nhưng, ngay trong từng làn điệu, lối hò ấy cũng còn nhiều vấn đề về nghệ thuật đáng chú ý nữa. 

- Trước hết, hò khoan có giá trị giữ nhịp tiết tấu cho lao động. Như đã nói ở trên, hò khoan hình thành trong lao động, là sản phẩm của người lao động nên trước hết nó là thứ giúp ích cho lao động. Bởi vậy, chúng ta thấy các mái hò trong hò khoan luôn gắn liền với một loại hình lao động đặc trưng như giã gạo, chèo thuyền, kéo gỗ, đẩy thuyền, nện đất, cất nhà, cày ruộng, đạp nước... Chỉ cần bắt tay vào hoạt động lao động nào đó là như đã có sẵn giai điệu, tiết tấu định hình rồi. Chẳng hạn, chèo thuyền thì mái chèo phải có thời gian để buông xuống, đẩy tới, cất lên nên mỗi nhịp lao động đó kéo dài khiến người ta không thể hò mái xắp được mà phải dùng mái ruổi, mái ba. Khi nện đất tiết tấu nhanh đều của nhịp chày, nhịp cái “bê” khiến người ta phải dung đến mái nện, mái xắp. Khi giã gạo chày đôi, chày tư người ta dung mái xắp, mái nện... Rồi từ những tiết tấu cơ bản đó, trong quá trình lao động con người đã sáng tạo thêm những điệu hò “lĩa trâu”, hò “khơi”... mỗi khi tiếng hò cất lên là báo hiệu một hiệu lệnh rập ràng cho một động tác lao động, làm cho nó mạnh thêm, hăng hái thêm. Hành động lao động rập ràng, cộng hưởng ở chỗ vế xố. Hay nói cách khác, vế xố có giá trị như một hiệu lệnh cho nhịp lao động. Như đã nói ở phần trên, trong diễn xướng hò khoan có sự phân công, cái hò, con xố. Hò cái chỉ là một người lĩnh xướng, còn hò con là cả tập thể. Vậy nên, khi ra hiệu lệnh cho nhịp lao động, hò cái có vai trò cầm chịch, ra lệnh. Hò con xố, hùa theo kết hợp với nhịp động tác lao động. Nghệ thuật với lao động hòa quyện với nhau làm cho không khí lao động vui vẻ, khỏe khoắn. 

- Về mặt cấu ý, do kết cấu mở của giai điệu hò, người ta chỉ chú ý đến những câu vào hò để cho đế, xố và những câu kết của hò. Cho nên, mỗi câu hò có thể dài ngắn tùy ý theo nội dung định nói, định diễn tả. Thường thì một câu hò khoan có kết cấu thể lục bát hoặc song thất lục bát. Song có những câu hò phá lệ được chắp nối nhiều ý xen vào giữa và giữ nhịp điệu tái lại nhiều lần trước khi vào câu kết. Chẳng hạn câu hò sau đây được coi là một trong những câu dài nhất trong kho tàng hò khoan Lệ Thủy.

“Phụ mẫu em đòi chi anh đây đi cũng đủ
Lưng hũ hột xoài lưng oi hột mít;
một bì khoai lang một sàng bánh tổ; 
một ổ gà ung một thùng mắm thúi; 
một trịu cá rô một ang gạo thóc; một bọc chè tươi!
Em về thưa với song thân phụ mẫu,
Đến tối hai mươi anh sang nhà”

Hay câu:
“Trong trăm thứ dầu hỏi có dầu chi là dầu không thắp
Trong trăm thứ bắp hỏi có bắp chi là bắp không rang
Trong trăm thứ than hỏi có than chi là than không quạt
Trong trăm thứ bạc hỏi có bạc chi là bạc không tiêu.
Trai nam nhi đối đặng, dãi lụa điều em trao.

Cách biến tấu đó được dùng nhiều và rất nhuần nhuyễn trong các làn điệu hò khoan Lệ thủy. Điều này tạo ra lợi thế cho người hò khi đối đáp. Người ta chỉ cần có cái ý và cứ thế lên bổng xuống trầm có tính “câu giờ” để tìm ra câu kết cho đặc sắc.

Cái ý tứ trong hò khoan rất đa dạng. Đôi khi ý tứ sâu xa phải hiểu theo nghĩa bóng. Nhất là trong những câu hò “Bồn ba”, một lối hò ví von lấy chuyện trồng hoa, xây bồn để nói cái ý tục. Như câu:

“Chân bước đến vườn đào tay xang qua bông thọ
Dặn coi rồi để đó cho em
Đừng nên vin hoa hái lá, mang tiếng pha dèm khổ thân.”

Đôi khi câu hò như một đoạn văn tả thực nhưng lại lựa chọn từ ngữ để lấy nhạc điệu trong từ ngữ tiếng Việt để tăng thêm hiệu ứng cho ý.

“Tay cầm một nạm hương cây tắt cây đỏ
Tay cầm một nạm cỏ cây héo, cây khô
Tay ôm nấm tay lại thoa mồ
Sanh như hà tử như thị biết đời mô chộ chồng”

-Về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hò khoan Lệ Thủy rất độc đáo. Bởi tính ước lệ về giai điệu, lớp mái nên người hò có thể tự do sáng tạo trong lựa chọn ngôn ngữ. Chúng ta bắt gặp trong hò khoan nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, nói lái, nhân hóa hay cách sử dụng nhuần nhị nhiều thành ngữ, tục ngữ, từ địa phương, từ đồng âm dị nghĩa. Sự kết hợp bởi lời thơ với tiếng đệm, tiếng lót, tiếng láy đạt đến đỉnh cao.

“Hỏi anh chi sắc hơn dao
Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời”

Hay dùng cái cách nói lái

“Bánh đầy mâm răng gọi là bánh ít
Lửa không miệng răng lại nói lửa cười”

Lời đối đáp sản sinh ra từ cuộc sống lao động và nghệ thuật tập thể, từ nhu cầu trao đổi tình cảm trong những khung cảnh nhất định nên nó rất mộc mạc. Tuy vậy, cấu ý của nó lại rất gần với ca dao, tục ngữ nên nó mang hơi thở của hồn thơ dân gian. Là nhịp cầu nối ca dao, dân ca với thơ trữ tình.

Cũng có những lối hò đố để đấu trí, đối đáp đòi hỏi bạn hò phải có vốn sống, vốn ngôn ngữ phong phú mới đối kịp, nhất là những lúc nhịp điệu tiết tấu nhanh trong những câu sáu tám mà người ta dùng những từ đồng âm, dị nghĩa, đồng nghĩa, dị âm .

“Con bò vàng ăn hòn núi bạc,
Con chằng hương núp bóng cây đèn”

“ Con mèo nằm đám lúa miêu,
Hùm nằm đất hổ, tượng trèo cồn voi”

Hay người ta dùng lối nói lái của Lệ Thủy:

“Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ,
Con vàng lông đậu giữa vồng lang”

“Con cá đối nằm trên cối đá,
Mèo cụt đuôi nằm mút đuôi kèo”

Thể thơ phổ biến được sử dụng trong hò khoan là lục bát và song thất lục bát. Trong thể lục bát có cả lục bát chỉnh thể là lục bát biến thể. Cách gieo vần thì vẫn chu chỉnh nhưng khi hò người ta thêm vào những từ đệm, liên từ rằng, mà, thì, là hay những đại từ nhân xưng chàng, thiếp, anh, em… để chỉnh nhịp. Trong thể song thất lục bát cũng vậy, lối dùng từ đệm khá phổ biến. Cùng với đó là cách lặp lại vế hò ở câu tám cuối cùng như là một nhấn mạnh. Sự uyển chuyển về nhịp điệu của vần lưng, vần chân, vần bằng, vần trắc làm cho câu hò nương tựa, quấn quýt vào nhau. Nó vừa giữ nhịp cho hò đối đáp, mà phổ biến là trong mái xắp, để diễn tả tình cảm.

3.3 Giá trị âm nhạc trong hò khoan.

Đối với dân ca, âm nhạc giữ vai trò rất quan trọng. Nghiên cứu vấn đề âm nhạc trong nghệ thuật của dân ca bao gồm ba mặt: Tình tư tưởng của giai điệu; nguyên tắc cấu tạo của giai điệu; nét nhạc chủ đạo, gam và hòa âm. Do khía cạnh nghiên cứu xem xét tôi không đi sâu vào những vấn đề học thuật của âm nhạc, mà chỉ xem xét khía cạnh giá trị tư tưởng âm nhạc trong hò khoan mà thôi.

Thông qua những lối hò thu âm được chúng ta thấy, thang âm phổ biến trong hò khoan có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, sử dụng 5 thang âm của dân ca Việt Nam nói chung. Thứ hai, có tính khu biệt một chút là việc sử dụng thang 3 âm (Mi- La- Si). Việc sử dụng thang 3 âm này có căn nguyên từ lối hò của hò khoan Lệ Thủy. Giai điệu hò khoan Lệ Thủy chủ yếu là lối nói, lối kể lể, có tính ứng khẩu cho nên nó không quy định tiết nhịp chặt chẽ. Nó chú trọng nhiều vào các vế xố. Vế xố bao gờ cũng chắc khỏe, thúc đẩy, có tính khích lệ hò cái hơn là trau chuốt, làm đẹp cho lời hò.

Giai điệu của hò khoan Lệ Thủy cũng muôn vẻ. Điều này có được là do mấy đặc điểm riêng có của hò khoan Lệ Thủy. 

Trước hết, phải khách quan mà nói hò khoan Lệ Thủy cũng như hò khoan ở những vùng khác, nó chưa có giai điệu cố định, công thức, mực thước như Quan họ, Chèo , Lý, Vọng cổ…cùng một làn điệu hò mái ruổi nhưng người ta có thể bẻ từ câu sáu tám sang câu bẩy bẩy sáu tám, hay những câu quá khổ, kể lể như đã nói ở phần ngôn ngữ. Có chăng, nó chỉ qui ước về hò cái, hò con và cách xố trong từng mái hò

Thứ hai, âm nhạc trong hò khoan là không có nốt kết. Nốt kết của hò cái mở ra nốt đầu cho hò con và nốt kết của hò con mở đầu cho nốt hò cái. Cứ như thế luân chuyển không dứt. Cuộc hò chỉ dứt khi người ta thấy mãn nguyện. Vậy nên, mới có chuyện hò giã gạo có lúc thâu đêm

Thứ ba, giai điệu hò khoan lệ thuộc vào môi trường diễn xướng. Như đã nói, hò khoan Lệ Thủy gắn với lao động, sinh hoạt của nhân dân nên nhịp độ lao động, sinh hoạt cũng tạo ra ước lệ về giai điệu hò. Khi hò chèo thuyền trên sông nước, nếu ở chỗ lặng, thuyền nhẹ, chèo khoan thai, người ta hò mái ruổi, mái chè, mái ba. Nhưng khi chèo thuyền qua quãng nước siết, gió ngược thuyền nặng người ta dùng mái nện. Khi giã gạo chày đôi, tiết tấu chậm, nhưng giã chày tư thì nhanh hơn. Hoặc khi nện đất, đâm vôi thì không thể dùng mái ruổi, mái ba được. Bởi vậy, giai điệu hò khoan Lệ Thủy có sự biến tấu nhất định.

Phân biệt sự khác nhau về giai điệu trong hò khoan Lệ Thủy là ở các lớp mái. Hò mái ruổi, mái chè, mái ba giai điệu khoan thai, ngân nga, bay bổng. Nó vang vọng nơi quãng vắng sông nước, dập dờn theo cánh cò, mất hút sau lũy tre xanh, sau bưng điền lau sậy. Người hò cái thì kể lể, thanh minh, trách cứ, nhắn nhủ một cách nhẹ nhàng. Chẳng hạn:

“Đêm năm canh đĩa dầu vơi cạn
Trúc gầy mòn nhớ dạng canh mai
Khuyên em thương ai thì phải nhớ ai
Chớ thấy non cao mà sấp mặt
Chớ thấy sông rộng hói dài và xây lưng”

Dứt câu hò lần một, lần hai của hò cái là hò con xố:
Y bơ hò khoan 

Cứ mỗi lần xố là người ta quẫy chèo hoặc nhổ sào.
Ở mái ba thì cách đế xố có khác.

“Dù ai xuyên tạc lá lay, ta vẫn chung thủy”
Hò con xố: hò là hô là khoan
Chung thủy, chớ đổi thay mà tội trời .
Hò con xố: hò là hô hò khoan

Trong mái xắp, thường hò lúc cấy lúa, giã gạo hoặc mở cuộc hò thì có lớp lang hẳn hoi, từ mời chào, làm quen, đối đáp, tỏ tình đến chia tay giã từ. Mái xắp có tiết tấu nhanh, rộn ràng, vui tươi hơn. Giai điệu của nó trong sáng, hò cái dừng để hò con xố ở những câu tròn ý, ở những âm ổn định. Vậy nên chủ đề có thể là trách móc, hờn giận nhưng điệu hò vẫn lành mạnh hồn hậu.

Vào đầu bao giờ cũng có lời hò mời, hay còn gọi là mở hò: 
Khoan ơi khoan xin mời các bạn xố lên. 
Và khi cái hò:

“Bước đến nới đây xin chào chung chào chạ
Có người khách lạ nên phải chào riêng”
Hò con xố: Hơ khoan ơi là hố, khoan ơi hò khoan.
Bắt tay xin lại hỏi liền 
Hỏi thăm bên bạn 
Hò con xô: ơi là hố
Đã kết nguyện mô chưa 
Hò con xô: ơi là hố

Cứ thế giai điệu lặp đi lặp lại. Có khi là câu sáu, tám, có khi cả một chuyện hò dài đến bảy mươi, tám mươi chữ.

Đặc sắc nhất của hò mái xắp là lề lối, hình thức diễn xướng. Với một cuộc hò luôn có kết cấu chặt chẽ, diễn ra theo một trình tự hò mời, hò chào, hò vào cuộc (giữa hò), hò tạ từ. Khi vào cuộc người ta gọi là giữa hò, trung tâm của cuộc hò, thường diễn ra các lối hò như: Hò đố, đâm bắt, giao duyên, bồn ba. Phần hò này bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng, nó cuốn hút cả người hò lẫn người nghe. Với những lối hò đó, người hò cái phải đối đáp nhanh nên ngoài việc phải nhớ nhiều câu hò nhiều khi người ta phải ứng tác, ứng khẩu tại chỗ. Đặc biệt khi hò đố, hò đâm bắt, bồn ba trai gái đôi bên ra sức đem kiến thức, tài nghệ khéo léo của mình để dùng ngôn ngữ đa nghĩa, nói lái, dùng thành ngữ, tục ngữ, tích truyện để thử sức nhau. Giá trị âm nhạc lúc này đóng vai trò thứ yếu, nó chỉ cầm chừng tiết tấu, nhấn mạnh chỗ ngắt câu để hò con đế xố. Điều này đòi hỏi người hò cái phải có những năng khiếu nhất định. Vậy nên, nó tạo ra những nghệ nhân hò.

Tóm lại, hò khoan Lệ Thủy là một bức tranh sinh động về đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những ai đã đến Lệ Thủy mà chưa thưởng thức hò khoan thì chỉ mới thấy được cái bề ngoài của đất này mà thôi. Còn giả như, nếu chưa đến Lệ Thủy mà đã được nghe hò khoan Lệ Thủy thì coi như đã cảm nhận được cái thần thái của đất này rồi.

Với mong muốn bảo tồn và giới thiệu nét đẹp dân ca quê nhà nên tôi mạnh dạn sưu tầm, tuyển chọn qua các nguồn tài liệu, điền giã gặp gỡ các nghệ nhân, viết cuốn sách này để giới thiệu với bạn đọc. Nhân đây, tác giả xin cám ơn các tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình giúp đỡ, động viên để tôi hoàn thành cuốn sách này. Tuy đã cố gắng chắt lọc từ những sản phẩm của những người đi trước và sưu tầm, hệ thống, bổ sung thêm. Song, do kiến thức có hạn, chắc chắn sẽ còn nhiều sai sót, mong bạn đọc chia sẻ, góp ý.

Mời các bạn thưởng thức hò khoan 5 mái tại đây: 


                                             Lệ Thủy, tháng 7 năm 2011
                                                        Đặng Ngọc Tuân

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét