LỆ THUỶ - HOA TRÊN CÁT



Có một vùng quê nằm trên khoảng eo đất hẹp của Việt Nam, nơi mà từ ngàn đời nay vẫn nổi tiếng là “giàu” về gió lào và cát trắng. Đó là huyện Lệ Thủy – tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, thiên nhiên luôn khắc nghiệt, lịch sử luôn thăng trầm, bể dâu, nhưng con người Lệ Thủy thì đời nào và ở đâu cũng cứ luôn bật dậy, vươn lên… khát khao cuộc sống như hoa nở trên cát. Đó là những gì làm nên tính cách của con người Lệ Thủy mà tôi muốn giới thiệu qua bài viết này.
Tôi muốn nhắc đến địa danh đầu tiên trong bài viết này là làng Mỹ Trạch, nơi đã xảy ra một sự kiện bi hùng trong chiến tranh chống Pháp để bắt đầu cho câu chuyện về người Lệ Thủy. Cầu Mỹ Trạch, bắc ngang qua dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Mỗi ngày, có nhiều chuyến tàu ngược xuôi từ hai miền đất nước, nhưng ít ai biết rằng, tại đây, hơn 60 năm về trước đã diễn ra vụ thảm sát kinh hoàng do thực dân Pháp gây ra đối với người dân làng Mỹ Trạch. Ông Nguyễn Xuân Kiềm - một trong số ít người còn sống sót của vụ thảm sát kể lại cho tôi cái ngày kinh hoàng ấy. Rạng sáng ngày 29 - 11 - 1947, hơn một đại đội lính Pháp sau khi dùng chính sách mị dân, kêu gọi bà con quay về hợp tác với chính quyền thực dân nhưng không thành, chúng đã xả súng điên cuồng vào nhiều gia đình ở làng Mỹ Trạch. Sau đó, chúng đốt sạch nhà cửa, dồn tất cả những phụ nữ và trẻ em còn lại đến bên mố cầu Mỹ Trạch và tiếp tục xả súng. Hơn 400 con người của làng Mỹ Trạch đã ngã xuống. Máu chảy đỏ ngầu cả khúc sông... Một cuộc thảm sát dã man nhất trong chiến tranh Đông Dương mà thực dân Pháp gây ra đối với người Việt Nam, nó tàn ác không kém gì cuộc thảm Mỹ Lai, ở Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ.

Chiến tranh đi qua vùng đất này thảm khốc và kinh hoàng như thế! Nhưng những thế hệ con em ở Lệ Thuỷ vẫn một lòng kiên trung, chiến đấu ngoan cường cho đến ngày đất nước thống nhất. Họ rực rỡ như hoa nở trên cát! Tinh thần bất khuất, ý chí vượt qua mọi giông gió đạn bom ấy của người dân huyện Lệ Thuỷ chắc hẳn phải được tích tụ từ truyền thống đấu tranh của một vùng đất vốn có lịch sử hình thành, phát triển từ ngàn năm.

Ngược dòng thời gian, mảnh đất Lệ Thủy từ buổi đầu hình thành được ghi lại trong Đại Việt sử lược đời Trần và Dư địa chí thời Lê Sơ của Nguyễn Trãi rằng: Vùng đất Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình từ xa xưa thuộc Bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang vào thời đại các Vua Hùng dựng nước. Điều đó đã chứng minh vùng đất Lệ Thuỷ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử đất nước. Năm 1604, chúa Nguyễn Đàng trong là Nguyễn Hoàng đã đổi phủ Tân Bình thành phủ Quảng Bình, trong đó có huyện Lệ Thuỷ. Địa danh Lệ Thuỷ và tỉnh Quảng Bình xuất hiện từ đây.

Nhìn trên bản đồ, Lệ Thuỷ ở vào eo đất hẹp của lãnh thổ Việt Nam. Chiều ngang chỉ khoảng hơn 50km tính từ Đông sang Tây. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió lào, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nên con người Lệ Thủy từ hàng trăm năm qua đã dựa lưng vào nhau mà sống, mà vươn lên khắc phục khó khăn. Ở vùng quê này, dù thời nào và ở đâu, sự học vẫn luôn được những thế hệ người dân Lệ Thủy xem trọng. Chính cái truyền thống hiếu học và ý chí vươn lên mạnh mẽ ấy mà vùng đất này đã sản sinh ra những con người làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, những nho sinh Lệ Thuỷ bằng tài học của mình đã đóng góp không ít công lao, trí tuệ cho đất nước, làm rạng danh nơi chốn quan trường. Tiêu biểu nhất phải kể đến nhà sử học Dương Văn An. Ông sinh năm 1514, ở làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ ngày nay. Năm Đinh Mùi - 1547, lúc 34 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ. Ông được triều đình nhà Mạc phong chức Thượng Thư. Dù ở chốn quan trường nổi tiếng là vị quan liêm khiết, hết mực phụng sự triều đình, nhưng Dương Văn An được người đời sau biết đến như là một nhà sử học nổi tiếng với tác phẩm Ô Châu Cận Lục. Là một cuốn sách địa lý, Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An ghi lại cho chúng ta tên tuổi của bao người con Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã làm vẻ vang đất nước, đã biến dãi đất hẹp nghèo khó xa xưa nay trở nên trù phú, kể lại cho chúng ta những truyền thuyết xa xưa về các vùng đất, các đền chùa, thành quách, khiến lịch sử thêm sâu thẳm, vang vọng.

Dưới ngòi bút của Dương Văn An, đất nước, quê hương hiện lên giữa tâm hồn ta ngọt ngào, thiêng liêng biết bao. Dù là một tác phẩm địa chí mang tính địa phương, khu vực, nhưng Ô Châu Cận Lục vẫn mang nhiều giá trị lịch sử trong hàng trăm năm qua. Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt thông sử và Phủ Biên tạp lục đã sử dụng Ô Châu cận lục. Các nhà biên soạn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều đình nhà Nguyễn cũng đã nhiều lần trích dẫn Ô Châu Cận lục của Dương Văn An, xem như là một nguồn tư liệu quý báu.

Hàng trăm năm trước, trên con đường thiên lý Bắc Nam, có một người con của Lệ Thuỷ đã cùng với con dân của mình băng rừng vượt suối, đi khai phá vùng đất phương Nam. Đó là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – một danh tướng dưới thời Nguyễn được suy tôn là khai quốc công thần trong việc mở mang bờ cõi phương Nam. Theo Đại Nam nhất thống chí thì Nguyễn Hữu Cảnh tên thật là Nguyễn Hữu Kính, sinh 1650, mất năm 1700, là con thứ hai của vị tướng tài Nguyễn Hữu Dật. Vào những thập niên cuối thế kỷ 17, thống binh Nguyễn Hữu Cảnh sau khi dẹp yên biên cương, đã chiêu dân lập ra trấn Thuận Thành và phủ Bình Khương – nay là tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, ông được chúa Nguyễn Phước Chu cử vào kinh lược xứ Đồng Nai và nhiều vùng đất khác ở Miền Nam. Tại đây ông đã chiêu mộ người dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vào khai hoang lập ấp, trong đó đa số là người dân hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của quê hương ông, biến xứ Đồng Nai Bến Nghé hoang vu rậm rạp thành vùng đất màu mỡ phì nhiêu.

Từ đó, những người dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh xem Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình. Tuy nhiên trong tâm tưởng những con dân theo Nguyễn Hữu Cảnh tiến về phương Nam vẫn luôn nhớ đến quê cha đất tổ, bởi thế mới có câu tục ngữ “Nhất Đồng Nai, nhì Hai huyện”. Ý muốn so sánh sự phì nhiêu, trù phú của hai vùng đất có những tiền nhân của Lệ Thuỷ sinh sống. Sau khi Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhân dân khắp nơi ở Miền Nam lập Đền, Miếu phụng thờ ghi ơn Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Hiện linh cữu, lăng mộ của ông được xây cất tại Thác Ro, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.

“Lệ Thủy gạo trắng nước trong… Ai về Lệ Thủy thong dong con người”. Quả thật, Lệ Thủy dù nằm ở dãi đất hẹp của đất nước, nơi thiên nhiên chẳng ưu đãi gì nhiều, nhưng bằng sức vóc của nhiều thế hệ, sỏi đá, đất cằn đã trở thành ruộng đồng phì nhiêu, xanh tươi. Dòng Kiến Giang chảy dài từ đầu cho đến cuối huyện đẹp như dải lụa, là động mạch chuyên chở phù sa, nước ngọt bồi đắp, tưới mát cho bao cánh đồng, làng mạc, nuôi dưỡng những thế hệ con người nơi đây.

Có một làng quê bên dòng Kiến Giang là nơi sinh ra người học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ, một vị tướng làm rạng danh đất nước, nổi tiếng năm châu bốn bể - đó là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Cả cuộc đời của Đại Tướng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ đất nước trước hai kẻ thù xâm lược đó là thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện còn một ngôi nhà lưu niệm đơn sơ. Ông Võ Đại Hàm – người cháu của Đại tướng hiện là người trong coi ngôi nhà, nhưng nhiều lúc ông cũng kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên. Vâng! Tôi gọi ông là hướng dẫn viên bởi, mái nhà tranh nơi Đại Tướng sinh ra và lớn lên bây giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc, nơi đi về của người dân Lệ Thủy, của nhiều người Việt Nam và bè bạn quốc tế.

Lâu nay, những người ở thế hệ chúng tôi đã đọc và nghe nhiều câu chuyện kể về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng phải đến khi về quê hương của Đại Tướng, tiếp xúc với người dân quê ở đây, tôi mới thấu hiểu thêm tình cảm quê hương, sự bình dị trong cốt cách của một thiên tài quân sự của Việt Nam. Dù bây giờ bạn bè năm châu kính trọng coi Anh là một trong những danh tướng kiệt xuất của thế giới, tên tuổi của Đại Tướng đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đã đi vào lòng dân Việt, nhưng đối với người Lệ Thủy thì vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt với người con của quê hương mình. Trong những lần Đại tướng về thăm quê, người dân Lệ Thủy thường gọi Đại tướng bằng cái tên thân thương: Anh Văn! Anh Văn cũng là người anh cả của vùng đất Lệ Thuỷ này.

Ở vùng quê Lệ Thủy, phẩm chất anh hùng đã trở thành truyền thống của người dân nơi đây. Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, ta có thể đọc và nhìn thấy đâu đó nhiều câu chuyện về tinh thần chiến đấu kiên trung của họ.

Làng Xuân Bồ nằm ở tả ngạn sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất này đã ghi tên mình vào lịch sử bằng chiến thắng Xuân Bồ lừng lẫy. Ngày 20 – 5 – 1950, dưới sự iểm trợ của máy bay và pháo binh, lực lượng địch với 2 tiểu đoàn đã bao bây làng Xuân Bồ từ nhiều hướng. Trong một ngày đêm chiến đấu kiên cường, bộ đội chủ lực của ta cùng quân dân Xuân Bồ đã đánh thiệt hại hai tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, tiêu diệt 500 tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược. Điển hình của trận đánh này là phẩm chất anh hùng của nhiều cá nhân, trong đó có gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí Lâm Úy. Trong lúc bị địch vây bắt, súng hết đạn, anh đã lao vào toán địch, dùng lê đâm xuyên tim địch, và ôm một tên khác dìm xuống sông. Sau trận đánh, người ta tìm thấy xác đồng chí Lâm Úy trong tư thế vẫn ôm và cắn chặt vào cổ tên địch. Trong trận đánh này, một mình anh đã tiêu diệt 10 tên địch. Anh được nhà nước phong tặng Anh hùng quân đội nhân dân. Chiến thắng Xuân Bồ là trận đánh tiêu diệt sinh lực địch nhiều nhất trên chiến trường Bình Trị Thiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Không chỉ giỏi trong chiến đấu, mà người Lệ Thủy còn giỏi trong lao động sản xuất. Có một HTX vinh dự được Bác Hồ khen ngợi qua bài báo “Một tác xã gương mẫu” do Người viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 11-1961. Đó là Hợp tác xã Đại Phong. Đây là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp Miền Bắc trong thời kỳ đầu xây dựng XNCN. Trong nông nghiệp, HTX Đại Phong luôn đi đầu trong thi đua cải tiến kỹ thuật nông nghiệp, cải tiến quản lý HTX, tạo ra sản lượng nông nghiệp vượt trội so với các HTX khác ở M.Bắc. Đại phong trở thành một luồng gió thổi vào phong trào “Gió Đại Phong. Sóng Duyên Hải. Cờ Ba Nhất”. Đó cũng là mục tiêu để toàn quân, dân Miền Bắc thi đua học tập. Thi đua học tập theo HTX Đại Phong, cả Lệ Thủy được mạnh danh là mảnh đất “Hai giỏi”. Giỏi chiến đấu và giỏi lao động…

Trong kháng chiến chống Mỹ, và cho đến bây giờ người ta vẫn thường nhắc đến đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy như một biểu tượng tấc lòng kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Hai bộ phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy” của đạo diễn Lò Minh và “Trở lại Ngư Thủy” của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích là những thước phim thể hiện thành công phẩm chất anh hùng của các O pháo binh Ngư Thủy trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Lệ Thủy là ranh giới giữa hậu phương Miền Bắc và tiền tuyến Miền Nam, nên vùng đất này luôn là mục tiêu bắn phá tiêu diệt của máy bay và tàu chiến Mỹ. Năm 1967, đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được thành lập với 37 chị trong độ tuổi từ 16 đến 20. Ngày ấy các chị được trang bị 4 khẩu pháo 85ly và một số súng bộ binh. Sau 2 tháng huấn luyện, các chị bước vào trận chiến và liên tục gặt hái thắng lợi, làm cho quân đội Mỹ phải nhiều lần khiếp sợ.

Bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ…các chị pháo binh Ngư Thủy trở thành anh hùng, trở thành nỗi khiếp đảm của hải quân Mỹ. Chiến công của các chị được xếp ngang tầm những chiến công cùng thời. Cùng với thành công của việc xây dựng đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, khắp nơi trong huyện cũng thành lập nhiều đại đội pháo binh, dân quân du kích, biến Lệ Thủy, Quảng Bình thành một lưới lửa phòng không vững chắc. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lệ Thủy cùng với quân dân tỉnh Quảng Bình đã bắn rơi hơn 700 máy bay địch. Đó chính là những gì nói lên phẩm chất anh hùng của con người Lệ Thủy trong chiến tranh.

Hoà bình lập lại, các chị pháo binh Ngư Thuỷ ngày xưa, giờ đã thành O, thành bà. Cuộc sống dù có khó khăn, nhưng các O vẫn yêu thương nhau, cùng giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế. Ngư Thuỷ của các O giờ không còn là một óc đảo nghèo như ngày xưa. Chị Thới, Chị The, chị Hùng ngày xưa xinh đẹp và anh hùng, nay đã qua cái tuổi thanh xuân, tuổi già sức yếu, nhưng các O vẫn luôn sống yêu đời và mẫu mực.

Chiến tranh đã đi qua, huyện Lệ Thuỷ được phong tặng đơn vị Anh hùng LLVT. Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, trên dải đất hẹp này, dù chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng bằng cái truyền thống hăng say lao động, quen với gian khổ nên Lệ Thuỷ đã có những bước tiến dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Đảng bộ và nhân dân Lệ Thủy, đã biến mảnh đất hoang tàn sau chiến tranh thành một vùng đất giàu có và đầy tiềm năng. Cơ cấu kinh tế của địa phương đã chuyển dịch nhiều hướng, không còn là vùng đất thuần nông. Các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, góp phần làm cho bức tranh nhiều làng quê Lệ Thuỷ thêm khởi sắc. Phát huy truyền thống hiếu học, chăm lo sự nghiệp giáo dục luôn được huyện Lệ Thuỷ quan tâm. Trường học có mặt khắp nơi, từ phố huyện đông vui cho đến những làng quê hẻo lánh. Trường THPT Lệ Thuỷ, nơi nhiều lần vinh dự được đón tiếp Đại Tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, nói chuyện, các thế hệ con em ở đây đang ngày đêm học tập để nối nghiệp cha ông. Một thế hệ trí thức của Lệ Thuỷ trong tương lai.

Nói đến Lệ Thủy, là nói đến xứ sở của những làn điệu hò khoan nổi tiếng. Hò khoan Lệ Thủy là hình thức hát xướng, hát đối đáp, nó ra đời trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu. Hò khoan là tiếng lòng của người lao động Lệ Thủy, là động lực để con người lao động, lắm khi nó còn là thứ vũ khí sắc bén để người Lệ Thủy đối diện với quân thù.


                                                                       Thuyền đua của nữ 

Thế đấy, hò khoan hòa vào cái không khí lễ hội đua thuyền là đặc sản văn hóa của vùng quê này. Từ bao đời nay, cứ vào dịp lễ Quốc Khánh, sông Kiến Giang dậy sống bởi lễ hội đua thuyền đua thuyền truyền thống. Đó là những ngày mà ta có thể thấy rõ nhất gương mặt, hình hài và sức vốc kiên cường của vùng quê Lệ Thủy anh hùng… Một vùng quê như hoa trên cát.

                                      NGUYỄN HỒNG PHONG

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 1 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Chào bạn. Tôi đọc Làng Đại Phong và theo đường link vào đây.
Phải công nhân là blogspot...ưu việt hơn nhiều.
Mình cũng mò qua đây xây nhà và tính chuyển đến đây vì ...tính ưu việt của blogspot.
Nhưng các bạn nói là còm vào nhà mình không được?
Mời bạn vào thử nhé.
huyenmaihuyen.blogspot.com