NGƯỜI GIỮ LỬA CHO ĐIỆU HÒ KÉO GỖ

Ngọc Tuân


                                                        Ông Dũng, nghệ nhân hò kéo gỗ 

Lần mò theo giới thiệu của cụ Đàn, một trong những “thợ hò khoan” của Đại Phong, tôi ngược lên Sơn Thuỷ để tìm một người thợ “Sơn tràng” nổi tiếng có giọng hò lĩa trâu rất hay (cách gọi nôm na của hò kéo gỗ trong dân gian). Đó là ông Dũng ở thôn Trung Lực, xã Sơn Thuỷ của huyện Lệ Thuỷ. Đã ngoài 80 ông vẫn quắc thước, rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn của người lao động. Khi biết mục đích cuộc viếng thăm, ông vui vẻ gọi ngay bà cụ ở nhà dưới lên, cùng tiếp khách. Gọi là nhà dưới, nhà trên cho ra vẻ chứ thực lòng, căn nhà ông ở tuềnh toàng lắm. Ông chân thực: Chú coi, mấy chục năm làm thợ sơn tràng, đẵn kéo hàng ngàn cây gỗ mà tui nào có dựng được cho mềng ngôi nhà tử tế. Dưng mà, tui có hơn 50 đứa là con, cháu, chắt đều ở quanh đây. Ông khoát tay một vòng khuôn mặt rạng rỡ nhìn bà. Chuyển sang câu chuyện hát hò, mắt ông như sáng lên, hồ hởi:

Chú biết không, nếu để ý là thấy trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu: “Ơi anh công nhân đẵn gỗ trên rừng”. Những năm 60 khai thác gỗ là một nghề, một đội chuyên môn trong các hợp tác xã, gọi là nghề sơn tràng. Nghề sơn tràng là một nghề vất vả, cực nhọc, đối diện với nhiều nguy hiểm, nhất là bệnh sốt rét. Nhiều người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Đèo cao, vực sâu, rừng già mịt mờ, không đường sá. Công cụ lao động của người thợ sơn tràng chỉ có cây rìu đốn gỗ với con trâu kéo gỗ. Giữa rừng xanh, trâu với người là bạn, chia sẻ gian lao, chia sẻ tâm tình. Đã có nhiều câu chuyện cảm động lưu truyền về con người với con vật được mệnh danh là “đầu cơ nghiệp” ấy trong những người thợ sơn tràng. 

Chuyện kể rằng, có người thợ sơn tràng đốn được một cây gỗ quý, gặp buổi mưa to, đường trơn, dốc cao ông đã vỗ về con trâu mộng vẫn gắn bó với ông nhiều năm gắng kéo gỗ qua dốc, kịp trước trời tối. Lên đến lưng chừng dốc, không may đất lở, cây gỗ tuột lùi lại, đè lên chân người thợ sơn tràng phía sau. Nghe tiếng kêu thất thanh của ông, con trâu đã cố ngoắc cái sừng của nó vào một gốc cây cạnh lối lên, tì lại. Mưa xối xả, cả sườn dốc lở đất, chân nó chuội đi, sức nặng cây gỗ và bản thân nó đã làm chiếc sừng của nó bị gãy. Trong cơn đau đớn đó nó vẫn cố ngoắc nốt chiếc sừng còn lại vào một cây khác. Mưa chan, máu chảy nhưng cả con trâu với người thợ vẫn cố trì kéo vậy cho đến khi có người đến cứu. Và nó đã chết.

Nhiều người thợ sơn tràng nói rằng, giữa họ và con trâu có những mối tâm giao đặc biệt rất khó cắt nghĩa. Nó rất hiểu người chủ của nó. Những hiệu lệnh lên xuống, rẽ trái, rẽ phải, cúi đầu, nghểnh cổ, lấy đà... nó thực hiện rất chính xác. Giả như khi nghe hò:

Lắng tai nghe giọng hò đầu,
Rùn mình, chân bấm, dâng đầu lên cao.

Là nó biết dừng nghỉ lấy sức rồi rướn cổ lên lấy đà để chuẩn bị lên dốc. Chỉ chờ đến khi chủ nó dứt câu rồi hô: hôi lên nào, là kéo. 

Nó biết dạng bốn chân ra cho cây gỗ lọt vào giữa rồi lấy mông tì dây kéo khi xuống dốc, để gỗ không đâm vào chân khi nghe câu hò:

Lưng dài vai rộng, chân bấm cổ cò,
Nghe giọng ta hò cong kì mà xuống, này. 

Đên đêm, nó biết nằm quay lưng về phía đống lửa che chắn cho chủ nó ở giữa tránh thú dữ và hứng chịu muỗi cắn mình.

Ân nghĩa là vậy nên người thợ rừng chẳng bao giờ đánh nó bằng roi mà dùng câu hò để làm hiệu lệnh. Con trâu biết đứng yên lắng nghe chủ nó hò câu hò kéo gỗ, đến chỗ dứt câu hò nó gồng lên kéo đi băng băng. Hết đà, mệt quá là dừng nghỉ, lại nghe một câu hò khác rồi lại băng lên. Rứa đó, vậy mà người ta hàm oan “Đàn gảy tai trâu”, sai toét.

Rồi ông Dũng hò cho tôi nghe những câu đã ngấm vào máu trong thời ông còn là thợ sơn tràng:

Dẫu rằng lên dốc xuống xai
Trăm năm đi nửa bạn chớ nghe ai mà bỏ mềng.

Đấy, con trâu là bạn rồi, mà là bạn tri kỉ không thay lòng dổi dạ, không bỏ bạn lúc gian khó. Không quên ơn bạn khi làm xong một công việc khó khăn.

Dẫu rằng xa bợc ngái bờ
Gỗ kia ra được cũng nhờ công trâu.


                                             Cả cụ ông, cụ bà đều mê hò khoan 

Câu chuyện cứ thế mà lên cao trào, ông Dũng vừa nói vừa tự minh hoạ lấy. Giọng hò của ông vẫn ngọt ngào. Mắt ông sáng lên chắc vì kìm nén đam mê, nhớ nghề, nhớ nghiệp trong lòng mấy chục năm rồi. Ngồi cạnh ông, bà cụ thỉnh thoảng cũng góp chuyện, cũng hò, cũng vung chân múa tay. Nghe tôi khen bà cũng có giọng hò hay lắm, ông liền khoe: Tui hò hay, thuộc được nhiều bài là nhờ ông bố vợ đó. Ngày còn trẻ, bố vợ tui là thợ hò. Món mà ông giỏi nhất là hò Kiều. Lấy những tích trong truyện Kiều mà dựng vở. Tui được ông truyền nghề cho. Hồi những năm mới hoà bình sau kháng chiến chống Pháp, tui với ông mở lớp truyền nghề cho nhiều người trong vùng. Duy hò kéo gỗ thì chỉ có tui tự biên, tự diễn. Ai vô rừng như tui mà học. Tôi thêm một ngạc nhiên vì biết thêm một bí mật nữa. Hoá ra, con người ta sẽ gần nhau hơn khi có cùng đam mê. Chẳng trách, ở Lệ Thuỷ có nhiều cặp vợ chồng đều là thợ hò.

Trước khi chia tay, ông Dũng nói với tôi, nhiều người nhầm hò kéo gỗ là một trong các mái của hò khoan. Không phải vậy, hò kéo gỗ là một điệu hò lao động có mặt ở khắp mọi nơi, ở những vùng rừng núi có nghề sơn tràng. Hò kéo gỗ chỉ lấy con trâu làm bạn tâm giao, không có vế xố. Vậy nên xếp nó là một điệu hò lao động độc lập trong các điệu hò dân gian mới đúng.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét