NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH Ở ĐẠI PHONG

Ngọc Tuân


Chúng tôi là lớp người lớn lên, bước vào tuổi đi học cấp một thì cũng là lúc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về Đại Phong. Lúc mới về Đai Phong ông yêu cầu về ở ngay tại làng chứ không ở nhà khách của huyện bố trí, mặc dù nó ở ngay trong xã. Để cho tiện bề chăm sóc, bảo vệ mà trên hết là cho tiện công việc, người ta bố trí ông ở tại nhà thờ họ Võ trong làng. Ngôi nhà thờ ấy bé thôi, một gian hai chái nhưng được làm bằng gỗ sạch sẽ. 

Thời đó, khi Đại Phong đã có tên tuổi, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm. Chị Phương cán bộ huyện đoàn phụ trách công tác thiếu niên nhi đồng thường đưa chúng tôi đi đón và múa hát chào mừng. Tôi có một bài tủ là Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã được đôi ba lần trổ tài khi đón khách. Dư âm của những buổi đón tiếp đặc biệt ấy theo tôi suốt cuộc đời. Sau này lũ trẻ chúng tôi còn được chứng kiến nhiều sự kiện lớn của Đại Phong. Đó là ngày hàng ngàn cán bộ các tỉnh, phóng viên báo chí về Đại Phong tổng kết mô hình hợp tác xã mới. Hội trường được dựng tạm bằng tre lá ngay trên sân kho đội 4 ngay cạnh nhà tôi. Đó là ngày xã viên hợp tác xã nô nức trong cờ hoa đón nhận máy cày Bác Hồ gửi tặng. 

Những năm tháng trưởng thành, chiến tranh ác liệt lôi tuột chúng tôi vào vòng xoáy của nó. Phong trào Đại Phong tạm lắng. Chúng tôi, mỗi đứa một phương, đứa đi bộ đội, công an, thanh niên xung phong, đứa vào đại học, đứa làm thầy cô giáo. Mỗi lần về quê không mấy ai nhắc lại cái thời oanh liệt của Đai Phong nửa. Riêng tôi, như là một duyên nợ, suốt cả cuộc đời tôi vẫn sống trong âm hưởng của nó. Bởi vì, ba tôi là ông chủ nhiệm của Đại Phong sau thời của người chủ nhiệm được phong anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Ánh. Mẹ tôi cũng là cán bộ HTX cho đến năm 1967 được rút lên huyện công tác phụ nữ, sau này bà là Phó chủ tịch huyện cho đến ngày hoà bình thống nhất. Mỗi lần về quê, trong bửa cơm gia đình trà dư tửu hậu, nhiều lần những câu chuyện Đại Phong, chuyện tướng Thanh trở đi, trở lại làm tôi nhớ mãi hình ảnh về một ông tướng rất đỗi bình dị, yêu thương.

Những mẫu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua tác phong làm việc, đức tính giản dị cũng như tấm lòng rất mực bao dung, đầy trắc ẩn mà ba mẹ tôi kể lại cứ ngân nga mãi trong tâm tưởng của tôi. Nhiều mẫu chuyện về ông được nhân cách hoá lên, nâng niu, thậm chí đôi khi vì quá ngưỡng mộ, người kể chuyện thêm thắt một tí theo lối nghĩ dân gian làm tôi vui vui. Ba mẹ tôi kể lại rất nhiều, nhưng ở đây tôi chỉ nêu vài mẫu chuyện mà mọi người dân Đại Phong vẫn còn truyền miệng mãi đến hôm nay. 

Trong những ngày đầu Đại tướng về Đại Phong, mới chân ướt chân ráo ông đã kéo các vị cán bộ cơ sở đi thăm các gia đình liệt sĩ và thương binh. Đến nhà mẹ Son - mẹ sống một mình, đứa con trai duy nhất đã hi sinh trong chống Pháp. Bước vào căn nhà gianh lụp xụp, thấy mẹ Son đang ăn “bắp xầm” với đậu đen (món ngô hạt khô hầm chín, đồ với đỗ đen). Chẳng có món gì khác ngoài món đó, để nguyên trong soong, không mâm. Ông Chuyển bí thư đảng uỷ vôi bước vào trước để giới thiệu, Tướng Thanh khoát tay ra hiệu đừng rồi ngồi xuống chõng tre. Dường như nhìn mâm ăn ông đã hiểu, ông hỏi.
- Ngon không mệ. Mệ Son cười phô hàm răng đen, không trả lời ông mà nói luôn.
-Mời hai ông ăn với tui. Ông Chuyển với tôi chỉ cười đang còn đắn đo, lúng túng thì Đại tướng đã cầm bát ngồi vào mâm. Vừa ăn Đại tướng vừa khen ngon, lạ miệng, vừa hỏi han đời sống của mẹ, hỏi sự quan tâm của địa phương... Mẹ Son trả lời rất thật nên Đại tướng hài lòng nói với chúng tôi: 
-Đại Phong không những sản xuất giỏi mà công tác xã hội, chính sách hậu phương cũng giỏi, khá lắm! 

Đến gia đình mệ Sé - một bà mẹ nghèo khổ nhất trong làng trước ngày giải phóng. Đại tướng xuống tận bếp kiểm tra, thấy thùng gạo vẫn còn đầy, ông hỏi mẹ: 
-Có còn khoai sắn khô không? 
-Mẹ Sé phân bua: Ở đây ít khoai, sắn, mới mùa vô, gạo còn, nay mai nếu thiếu thì lên miền ngược mua khoai sắn.

Cứ thế, hể có thời gian rỗi là ông rúc rẫy khắp làng, thăm nhà này, nhà nọ. Đồng chí cần vụ đi theo, ông nói: Mình sống ở giữa nhân dân có gì mà sợ. Thời kháng chiến gian khổ dân còn đùm bọc mình. Hoạt động ở vùng địch hậu thì phải dựa vào dân, dân cho ăn, dân giấu mình trên tra (cái sàn chứa thóc ở gian giữa). Nay hoà bình, nhờ cách mạng họ có ruộng đất, có thóc gạo ăn, ai đi ám sát cán bộ mà chú sợ.

Với bộ áo quần nhuộm nâu, đôi xép lốp cao su, tơi, nón lá, chiếc gậy tre cầm tay, Đại tướng cùng đi với chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh, phó chủ nhiệm Võ Trạo, Đoàn Tiệp lội khắp mọi xứ đồng, vào tận các chuồng trâu kiểm tra. Đại tướng luôn nhắc: “Đông che hè thoáng” và dặn dò mọi người: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đối với nông dân ta trong làm ăn, nên phải bảo vệ. Có hôm, nghe tin xã bên để trâu chết rét, ông đạp đò ngang sang tận nơi, gọi cán bộ xã khiển trách rồi yêu cầu cho người ra che chắn chuồng trại. Phải làm trước mặt để ông thấy ông mới chịu về.

Những đêm trăng, bà con xã viên đang cấy ruộng Cồn Tu, vừa cấy, vừa hò khoan. Có hôm, đã bốn giờ sáng, nghe xố con rộn lên một vùng quê, ông trở dậy tìm đến, lội xuống ruộng vỗ tay xố con với mọi người. Tối trời, có người không nhìn rõ tưởng nhầm ông cày còn mắng: Đi cày mà bỏ trâu xuống đây hò khoan à.

Sáng ra mới nhận ra là ông, mấy o mấy chị cười vang. Ông lội đến, cầm lấy môi mạ nói với mọi người: Ta cấy thi xem ai hơn ai nào! Rồi ông cúi xuống, vỗ mạ, cắm xuống, nhanh và thẳng hàng như một nông dân thực thụ. Mọi người trầm trổ, ngạc nhiên đứng cả lên nhìn ông tay ra mạ, tay cấy thoăn thoắt. Không ai trong họ biết rằng, trước khi đi làm cách mạng, bố mất sớm, ông đã là một tá điền, đi làm thuê cho nhà giàu. Rồi Đại Tướng lội ruộng, chân xăm xăm kiểm tra xem thợ cày Đại Phong cày bừa có kĩ không... 

Đến bửa, lội lên bờ, Ông cũng ngồi xuống mô đất uống nước đựng trong quả bầu khô, ăn cơm gói trong mo cau với bà con xã viên. Ngồi với bà con nông dân, ông luôn hỏi han về đời sống, động viên mọi người thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thời ấy, bình quân ruộng đất cho mỗi lao động của Đại Phong đã là 3 sào, thóc lúa cũng đã nhiều nhưng ông vẫn không bằng lòng. Ông nói với cán bộ hợp tác xã:

-Phải phá “xiềng ba sào”, phải lên miền núi khai phá đất rừng trồng thêm hoa màu, chăn nuôi gia súc. Phải có của ăn, của để phòng khi thất bát.

Vậy là ông đề nghị chi bộ phải có nghị quyết, cán bộ phải quyết tâm, tiên phong, thanh niên phải xung kích, lên khai hoang Miền Tây. Nói là làm, hôm sau ông đã xềnh xệch lôi cốt cán lên núi khảo sát, chọn đất. 

Miền Tây huyện Lệ Thuỷ có vùng Biến Tiến đất đỏ, kẹp giữa hai con sông Rào Nậy, Rào Con. Có lợi thế về thuỷ lợi, về giao thông đi lại phù hợp với đặc điểm di chuyển bằng thuyền của vùng đất này. Miền Tây khai hoang cách làng quê Đại Phong trên 25km theo đường chim bay. Giao thông đi lại rất khó khăn. Ông bàn với mọi người ta đi thuyền. Chèo thuyền 25 km cũng mất dăm sáu tiếng. Để tiết kiệm thời gian thì đi đêm. HTX chuẩn bị thuyền 5 chèo, có mui che để chở được nhiều người. Cùng đi với Đại tướng có các đồng chí cần vụ, nhà báo, có anh Bảng phó bí thư huyện uỷ Lệ Thuỷ, anh Chuyển bí thư đảng uỷ xã, có ông Ánh chủ nhiệm, ông Trạo phó chủ nhiệm, cùng năm người là xã viên Đại Phong cử đi để chèo đò. Lệ Thuỷ vốn là cái nôi hò khoan. Dân Lệ Thuỷ chất hò khoan có từ trong máu. Mấy tay chèo đều là những tay hò. Thuyền ngược sông, cây đèn bão sáng vàng đục trong mui. Anh Hợi, chị Ưng, anh Sỳ, anh Diệu vừa chèo vừa ứng tác bắt miệng, hò khoan vui vẻ:

“Nghe theo tiếng gọi quê hương, 
Tuổi trẻ lên đường khai phá miền Tây...
Đây rồi, Bến Tiến ta đây, 
Một vùng trời đất trong tay chúng mình”

Âm hưởng câu hò mái duỗi như chạm vào lòng làm ông nhớ quê hương. Làng Niêm Phò, Quảng Điền quê ông cũng có con sông Bồ xanh trong như dòng Kiến Giang này vậy. Hồi nhỏ ông cũng đã lặn ngụp, chèo đò trên con sông ấy. Ở đó cũng có điệu hò khoan, hò mái đẩy. Nhiều câu hò da diết ông thuộc nằm lòng. Bất chợt ông nói vọng ra với mấy tay hò:
-Anh chị nào nhớ những chuyện hò xưa thì hò vài câu đi nào.
Một anh trong số họ nhanh nhảu:
-Thưa Đại tướng, chuyện hò cũ lạc hậu lắm rồi!

Đại tướng có vẻ không bằng lòng liền bảo: 
-Thôi được, để tôi hò thử một câu xem có lạc hậu không. Rồi ông cất tiếng: 
“Dải Trường Sơn xanh rờn thăm thẳm,
Nghĩa nọ tình này muôn dặm khó quên.
Gặp nhau đây xin giao ước một lời nguyền,
Anh như hoa còn ôm nhuỵ, ván chưa đóng thuyền mô em”

Mọi người trong thuyền cười lên thích thú. Đại tướng lại hò tiếp: 
“Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò, 
Cây đa bến cũ nhưng đò khác đưa”. 

Rồi hỏi mấy tay chèo: mấy cô, chú thấy có mới không, có cách mạng không? Chính câu hò đó, trong đại hội tổng kết nông nghiệp toàn miền Bắc năm 1962 tại HTX Đại Phong, Đại tướng đã dùng nó làm kết luận cho bài phát biểu của mình, ông nói: “Giờ đây bước chân về nông thôn, chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài thì ai cũng chỉ thấy cây đa, bến cũ, nhưng nếu đi vào nội dung bên trong của nó thì rõ ràng là: Con đò khác đưa...”

Thuyền lên đến Quy Hậu, Đại tướng bảo anh Hợi đổi tay lái cho ông chèo thử. Đại tướng cầm lấy tay chèo lái, đẩy mái dài theo kiểu chèo đò dọc ở Huế. Chân trái đứng, chân phải đưa lui đưa tới theo nhịp chèo rồi hỏi mọi người: Các cậu thấy mình chèo có được không nào? Ông Bảng, phó bí thư huyện uỷ vốn hay hài hước trả lời: Anh chèo thì đúng điệu, nhưng chưa đẹp. Chân đưa nhưng đít chưa đưa. Đít phải nghẹo qua, nghẹo về nữa mới đẹp! Mọi người đưa mắt nhìn anh Bảng, tỏ vẻ trách móc nhưng thấy Đại tướng đã cười phá lên rồi nói: Phải, phải... rồi ông đẩy mái chèo lên, nhấn xuống, ngoảy cái mông một cái rất điệu nghệ.

Gần đến cầu Mĩ Trạch, Đại tướng lại lên tiếng đố vui mọi người: Mình đố các cậu trên đời sợ cái gì nhất? Mọi người đang im lặng suy nghĩ... sau vài phút, Đại tướng trả lời luôn: Mình không sợ ai hết, kể cả trời, cả giặc. Mà chỉ sợ một là con đói, thất học, hai là sợ vợ ốm, sợ vợ chê mình bôống bây. Chẳng có gì to tát cao siêu, cứ bình dân vậy, những câu chuyện của người nông dân, của đời thường được ông nêu ra rồi tự ông giải đáp, dễ nhớ, dễ hiểu. Phút chốc khách chủ như kẻ đồng liêu. Mấy o chèo thuyền cũng mạnh miệng gọi anh Thanh chứ chẳng còn thưa Đại Tướng nữa. Cái cách xưng hô mình mình, cậu cậu, trò chuyện với mọi người vô cùng thân mật, giản dị, gần gũi, vui vẻ, sôi nổi của ông đã hoà đồng mọi người.

Sau này, còn nhiều chuyến đi như vậy nữa, ai cũng thích được đi để được nghe ông nói chuyện cách mạng, chuyện làm ăn ở những nơi mà ông đã đi qua, được hò khoan với ông.

Ba tôi lại kể, mấy tháng sau, khi đã đưa xã viên lên khai hoang, ông dục mọi người phải lên để xem bà con ăn ở thế nào. Lần ấy gần nửa đêm mới chèo thuyền đi. Sáng hôm sau, thuyền cập bến, ông Ánh mời Đại tướng đi xem đàn bò, xem đồi chè, nương khoai, rẫy sắn... Sau đó Đại tướng bảo: Ta nên đi thăm bà con xã viên. Ông Ánh hướng Đại tướng vào nhà ông Đoạn, ông Vui – vì hai nhà này gọn gàng, sạch sẽ hơn. Đứng từ xa, nhìn thấy hai cái nhà to, ông không vào, ông chỉ tay vào cái nhà bé, lợp gianh nói: Tới đó, rồi xăm xăm đi trước. Đó là căn nhà của ông Lê Văn Ly. Vào nhà ông Ly ai cũng rất hồi hộp. Ngôi nhà quá nhỏ, lợp bằng gianh, bốn bề cũng bằng gianh. Cả nhà chỉ có một cái giường bằng tre, bộ bàn ghế ghép bằng ván, hai cái ghế ngồi là hai cây gỗ đẽo một mặt, chân là cọc chôn xuống nền nhà.

Mọi người đang đứng thì Đại tướng đã ngồi xuống cái ghế, rồi hỏi hai vợ chồng ông Ly:
- Hai vợ chồng anh chị lên đây bao giờ?
- Dạ, thưa đoàn đến thăm, hai vợ chồng tôi lên đây đã ba tháng. Đây là nhà làm tạm để sản xuất.

Đại tướng hỏi tiếp:
- Nhà có đủ ăn không, sao mình không thấy gì trong nhà cả? Có gì cho mình và đoàn xem thử nào?

Ông Ly vào sau tấm phên che bưng ra một cái mâm đồng, một cái nồi đồng và nói: đây là quả thực được chia. Ông Ly là người nghèo nhất Miền Tây Đại Phong hồi đó. Vả lại, ông ở xã Thái Thuỷ mới lên xin vào HTX Đại Phong. Sự thật anh chẳng có tài sản gì đáng kể, nhà chỉ có một cái cuốc, một cây rựa, một đôi quang gánh, một cái vò đựng nước. Đó là gia sản của cả hai vợ chồng với hai đứa con.

Đại tướng xem nồi đồng, mâm đồng, đồ đạc rồi lại hỏi ông Ly:
- Áo quần đủ mặc không?
Ông Ly bưng ra một cái thúng đựng áo quần, trên có đậy cái tràn, thưa: Dạ, tạm đủ!

Đại tướng dỡ tràn ra, lôi lên một bộ áo quần bộ đội đã rách, hai bộ áo quần phụ nữ đen, vải Hôi. Một cái quần đùi và hai chiếc áo trẻ em.

Ông Ánh đứng bên cười, nói: À, còn hơn ông Bạo trước đây cưới vợ phải đi mượn quần. Cưới xong vợ là cởi ra đi trả, chỉ ở trần mặc chiếc quần đùi quanh năm.

Mọi người đều cười vui vẻ, Đại tướng cũng cười rồi hỏi tiếp ông Ly: Gạo có đâu mà nói tạm đủ ăn?

Ông Ly chỉ vào cái thùng phi và khua tay chỉ ra vườn sắn nói: đây, ngoài nớ. Thực ra gạo trong phi là của anh em thanh niên lên khai hoang gửi. Ông Ly vui vẻ thưa với Đại tướng: Gạo đó cộng với sắn bới ăn dần cũng đủ đến ngày mùa. Tiền tiêu vặt thì vào rừng hái củi nhập cho HTX lấy tiền. Nếu cần tiền thì tạm ứng trước HTX, hái củi nhập lại trả HTX sau.

Sau một ngày, đêm ở miền Tây. Đại tướng đã gặp bà con, tâm sự với mọi người. Trước lúc ra về, ông yêu cầu tập trung xã viên lại nói chuyện, ông dặn dò: Muốn no thì trồng màu, muốn giàu thì trồng cây. Phải biết đoàn kết thương yêu nhau trong lúc khó khăn. Lao động hăng say chưa đủ, mà phải biết cải tiến công cụ như xe kéo gỗ để đỡ phần lao động nặng nhọc. Phát triển mạnh chăn nuôi bò, dê, loại đó không ăn lúa gạo. Phải thực sự gắn bó với Bến Tiến, quê hương thứ hai để phá xiềng 3 sào, làm giàu cho HTX, cho gia đình. Phấn đấu sao để đồng bằng họ nhìn thấy Miền Tây là họ thấy thèm.

Trên đường trở về, Đại tướng còn ghé lại tổ nông cụ Quảng Cư xem cách làm ăn. Thấy cái xe đạp nước bằng gỗ, ông bảo mọi người đưa xe ra bờ sông Kiến Giang để ông đạp thử. Vừa đạp, Đại tướng vừa nói với mọi người: Ở quê tôi thường hay đạp nước xe đôi, vui hơn, năng suất hơn. Nên chăng, ở ta cần phát triển xe đôi thêm có được không?

Có thể nói từ việc lớn đến việc nhỏ, Đại tướng rất mực quan tâm, động viên nhắc nhở mọi người cùng suy nghĩ, cùng làm... Với tác phong giản dị, miệng nói, chân đi, mắt nhìn, tay làm ông đã đã để lại một dấu ấn sâu đậm, không bao giờ phai trong lòng mọi người dân Đại Phong. Sau này, lớp cán bộ của Đại Phong cũng thực hành phong cách đó. “Nói đi đôi với làm”, “cán bộ đi trước làng nước theo sau”, chia ngọt sẻ bùi cùng xã viên, cùng đồng bào mình.

Vào tháng 6-1961, Đại tướng trở lại Đại Phong kiểm tra thực tế thu hoạch vụ chiêm. Có hôm, đang đi, thấy mấy đống rơm khô còn bén thóc, ông rút một nắm, tuốt ra thổi cho bay hạt lép, hạt chắc vẫn còn, Đại tướng mang về hỏi chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh: 800 tấn cậu báo cáo đã tính rơi vãi vào chưa? Đại tướng chỉ nắm thóc tuốt ở rơm ra, rồi nói: Cậu đặt con tính xem lại đi, có cách gì để giảm tỷ lệ rơi vãi thì rất giá trị. Không chỉ 800 tấn mà còn hơn thế nữa, nó không tốn công, tốn của mà lại có thóc tốt cho ta!

Sau buổi trao đổi, Đại tướng đi kiểm tra các lò gạch, ngói, xưởng cưa, tổ đánh cá, đội chăn nuôi và các ngành nghề khác của Đại Phong. Sau mỗi lần đi kiểm tra về, gặp các cán bộ trong ban quản trị trao đổi, bổ khuyết, ông gợi ý: Làng ta có nghề ấp vịt, nên chăng tổ chức một đội chăn vịt với quy mô lớn. Thóc rơi vãi nhiều lắm, vịt ăn thóc vãi đỡ thức ăn mà còn tiết kiệm, tận thu. Đại tướng luôn dặn dò: Muốn làm tốt các mặt, trước hết là phải coi trọng khâu tổ chức cán bộ. Cán bộ phải có năng lực, nhiệt tình, có chí tiến công, liêm khiết. Cán bộ phải biết nghĩ ra việc rồi tổ chức xã viên làm, đừng thụ động ngồi chờ.

Cứ mỗi ngày ở Đại Phong hầu như ông chẳng yên. Đại tướng trực tiếp khảo sát chỉ đạo, bày vẽ, góp ý trong cách làm ăn. Từ một làng quê thuần nông, chỉ dựa vào cây lúa, nghe theo ông HTX Đại Phong ngày thêm lớn mạnh về mọi mặt. Phát triển thêm nhiều ngành nghề mới với lối làm ăn tập thể, chuyên sâu, mở rộng quy mô, thoát khỏi thói quen làm ăn gia đình, đơn lẻ. Ngày đó còn bé nhưng hình ảnh những ngày hội thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đem về chất đầy ngồn ngộn sân kho, mùa nào thức ấy làm tôi mê tít. Lúa, ngô, khoai, sắn, vừng, lạc, trứng vịt, chiếu cói... ê hề. Những ngày thu hoạch, mọi người đều xuống đồng bận rộn, người ta còn nghỉ cách đắp lò hơi nấu cơm tập thể. Mỗi nhà chỉ cần vo gạo, cho vào soong, gửi vào lò hơi, trưa về có cơm chín mà ăn. Ba bốn giờ sáng, theo sự phân công của đội trưởng, từng đoàn người lũ lượt ra đồng. Người đông, làm cái gì cũng nhanh, phấn khởi, tiêng hò khoan rộn rã cánh đồng. 

Bằng những kiến thức, kinh nghiệm làm ăn tập thể, Đại tướng đã không ngừng trăn trở, góp phần khai mở những tư tưởng mới. Giải bài toán xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa tiến bộ và lạc hậu, đưa xã hội tiến lên.

Mang trong mình lý tưởng xã hội mới, người nông dân Đại Phong bước vào trận chiến đấu mới lúc đó bằng tất cả sức mạnh và niềm tin. Và, cũng từ đó Đại Phong đã trở thành máu thịt vô cùng gần gũi trong lòng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Náo nức biết bao, trong những ngày Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp tổ chức tổng kết phong trào HTX trên toàn miền Bắc tại quê hương. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chủ trì Đại hội, bài phát biểu của Đại tướng đã trở thành một kế sách chiến lược kinh tế hồi đó và khẳng định hướng đi của kế hoạch 1961-1965 của Đảng đã đề ra. Về phong trào Đại Phong, Đại tướng đã phát biểu: Vì mới thành lập, vì chưa có kinh nghiệm nên HTX Đại Phong cũng có ưu khuyết điểm và còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhưng mục đích chủ yếu việc tổng kết lần này là rút ra những kinh nghiệm tốt. Hôm nay tôi phát biểu về vấn đề ấy. Hoàn cảnh kinh tế, chính trị, tổ chức của Đại Phong rõ ràng không có gì đặc biệt so với phần đông các HTX trên toàn miền Bắc nước ta. Đại Phong không phải là trọng điểm của tình và huyện, Nhà nước có phần giúp đỡ HTX Đại Phong về các mặt, nhưng cũng không có gì là ưu tiên hơn các HTX khác. Qua 2 năm phấn đấu, Đại Phong cũng gặp nhiều thành công và vấp váp, nhưng cái việc làm ăn của họ cho phép chúng ta xác nhận rằng Đại Phong là một HTX gương mẫu.

Cũng trong Đại hội tổng kết này, Đại tướng nói tiếp: Còn nhớ ngày nào dưới ba tầng áp bức bóc lột, người dân nghèo đã hò lên câu hò buồn u uất: “Áo rách chi lắm áo ơi,/ Rách chi bất nhơn ác nghiệp không có nơi rận nằm”.

-Trước đây các đồng chí biết nghèo là gì không? Bây giờ trong nông thôn chúng tôi tuy còn khó khăn, nhưng mời các đồng chí đi thăm các gia đình ngày trước nghèo khổ nay họ ra sao để biết được đời sống có cải thiện không. Họ nói như thế đấy.

Sức mạnh của Đại Phong được Đại tướng đúc kết và đánh giá cụ thể: Hiện nay, với sức mạnh lao động của mình, trong năm 1962 này Đại Phong sẽ xây 7 sân đập và phơi lúa lớn bằng gạch, làm chuồng trâu bằng gạch. Họ còn đề nghị mua chịu một máy kéo trả tiền dần, một máy nổ và xin mua một ca nô trả tiền ngay. Tôi hỏi chủ nhiệm Đại Phong: Tiền đâu mà mua ca nô? Đồng chí chủ nhiệm trả lời: Chúng tôi rất cần nó để chuyên chở người đi về vỡ hoang và chở nông phẩm từ nơi vỡ hoang về. Tiền mặt có rồi và bây giờ HTX đã lớn, chỉ cần mỗi người góp hai con gà là đủ.

Các đồng chí, một dân tộc lúc đầu với gậy tầm vông ra đi kháng chiến cứu nước và cuối cùng đã đánh đổ bọn đế quốc lăn kềnh ra ở Điện Biên Phủ, họ đã làm nên sự nghiệp anh hùng. Giờ đây được Đảng vĩ đại tiếp tục lãnh đạo, họ bắt đầu ra đi xây dựng CNXH bằng cách dành dụm từng cái bu lông, mở mang thêm từng tấc đất, dân tộc ấy nhất định làm nên những bước tiến khổng lồ và sẽ giành được nhiều thắng lợi huy hoàng hơn nữa. Tiền đồ của nó vô cùng sáng sủa, vô cùng rộng lớn, thưa các đồng chí!”

Đại Phong đã thành “Gió lớn Đại Phong”, thành nếp sống sản xuất và lao động của hàng triệu nông dân miền Bắc - biểu hiện một gương mặt, một tập thể anh hùng rất thực và rất sinh động... Phong trào Đại Phong mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dày công vun đúc nên đã hội tụ lại những con người nông dân miền Bắc giác ngộ lý tưởng XHCN như nguồn suối tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành một hậu phương rộng lớn, bao la, tiến lên cùng với miền Nam anh dũng đánh cho Mĩ cút, Nguỵ nhào.

Đại Phong ngày nay là thế đó: Là quanh năm công việc bộn bề, là cuộc sống nỗi lo, là niềm vui hi vọng đợi chờ... Cái chất liệu đằm thắm mà sâu sắc, cái tìm tòi sáng tạo mà không vội vàng đã làm cho cốt cách của Đại Phong vẫn luôn luôn phát huy được truyền thống lá cờ đầu của mình trong giai đoạn mới.

Đã 50 năm qua - kể từ ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về xây dựng phong trào - Đại tướng đã để lại một tấm gương sáng tuyệt vời, luôn luôn tiếp sức cho Đại Phong vươn lên giành lấy thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Vậy đấy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi xa 50 năm Nhưng hình ảnh đội nón lá, tơi chằm với bộ áo quần nâu sồng lội giữa đồng quê Đại Phong mãi mãi vẫn còn đây, còn lớn cao lồng lộng giữa trái tim những người dân Đại Phong, trong những người như tôi.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét