ĐÌNH LÀNG VỚI VIỆC THỜ THÀNH HOÀNG Ở QUẢNG BÌNH

Ngọc Tuân


Các triều đại phong kiến Việt Nam xưa lấy làng làm đơn vị hành chính cơ sở. Tuỳ theo cách tổ chức của từng triều đại, các cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở thường có, dưới Triều đình là Tỉnh (Châu), Huyện, Tổng, Xã, Làng. Làng là tổ chức hành chính cấp thấp nhất, là nơi quần tụ của các dòng họ với thông lệ có 12 dòng họ là có thể lập một làng. Nơi sinh hoạt cộng đồng của làng là đình làng. Ở đó diễn ra nhiều hoạt động mang tính chính trị, văn hoá, xã hội của làng.

Thực ra, trong tiền sử, đình làng ra đời chưa phải là tài sản chung của làng. Tiền thân đình chỉ là những quán nghỉ chân cho quan lại nhà nước tuần du, cho khách thập phương nghỉ chân, cho thứ dân trú mưa nắng và do nhà giàu bỏ tiền ra xây dựng. Nếu là nơi nghỉ chân của vua chúa thì gọi là hành cung. Là nơi nghỉ chân của quan lại thì gọi là đình, còn như đó là chỗ trú của thứ dân thì gọi là quán. Sau này, chỗ dừng chân đó có chức năng dịch vụ nhiều hơn người ta mượn một từ Hán gọi chung là Đình.

Ý tưởng lập đình, quán xuất phát từ ý thức cưu mang, phổ độ của phật giáo. Và nó phát triển mạnh vào thời Lý, Trần, khi đó phật giáo đang thịnh hành, thống lĩnh đời sống tinh thần của dân tộc. Nhiều làng đã lập chùa làng để thờ phật. Đồng thời, để khẳng định vị thế của phật giáo, năm 1231 Thượng hoàng Trần Thừa đã có phủ dụ yêu cầu các làng không có chùa phải dựng tượng phật trong đình. Thời kỳ này, đình thực hiện hai chức năng, thờ cúng phật và tiếp đón khách nghỉ chân. Năm Hồng Đức thứ năm 1474 dưới thời Lê, triều đình còn ra lệ cho phép làng được lập “ruộng hậu” để thờ cúng và làm phúc. Cũng từ đây, đình có thêm chức năng thờ cúng thần (thổ thần). Việc trong cùng một không gian có cả Thần và Phật đã tạo ra những tranh chấp, nên từ năm Bính thìn (1496) Lê Thánh Tông ra chỉ dụ giao cho làng quản lý đình. Kể từ đây, hệ thống đình làng mới trở thành phổ biến và là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của làng. Tiếng trống làng, thay thế cho tiêng chuông chùa mỗi khi làng có việc. Đình làng chính thức trở thành nơi chủ yếu để thờ thần Thành Hoàng làng.

Từ khi đình chính thức được coi là trung tâm của làng, mặc dầu nhiều làng đã có miếu thờ Thành Hoàng nhưng việc thờ cúng thần vẫn diễn ra ở đình. Khác với thờ phật ở chùa,đình thờ thần của đạo giáo mà chủ yếu là thần Thành Hoàng. Vị thành hoàng còn được nhà vua phong tước vị theo công trạng của thần đối với dân, với nước. Tước vị được xếp làm ba hạng, Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Mỗi thứ hạng kèm theo là mức ruộng hậu nhiều ít.

Hệ thống thần Thành Hoàng thường được dân làng xây dựng qua sự tưởng tượng, tôn vinh của tín ngưỡng dân gian. Thông thường, có hai hệ thống thần được tôn vinh, đó là hệ thống nhiên thần và hệ thống nhân thần. Nhiên thần là các nhân vật trong thần thoại, trong truyền thuyết dân gian, từ hào khí anh linh (thần núi, thần đất, thần sông). Nói chung, nhiên thần không có tên cụ thể mà chỉ thờ một chữ “Thần” với mỹ hiệu chung chung “Quảng hậu, Chính trực, Đôn ngưng” (Rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ). Nhân thần là các anh hùng thần thoại, anh hùng lịch sử, người có công với làng được dân địa phương tôn làm thần. Từ thời Lê, Nguyễn, việc phong thần trở thành nền nếp và thông lệ cứ ba năm một lần các làng báo lên công trạng các vị thần của làng mình để nhà vua xét phong tước vị, ra sắc phong, không hạn chế số lượng. Vì vậy, có làng có đến 3 – 4 – 5 vị thần, gọi chung là phúc thần.

Theo các thư tịch ghi chép lại trong Thần tích, thần sắc được lưu giữ ở Viện Thông tin khoa học xã hội, ở Quảng Bình, đến năm Minh Mạng 20 (1839) có 33 thần Thành Hoàng được sắc phong, cụ thể: 

1. Huyện Lệ Thuỷ:

-Làng Mỹ Lộc, Tổng Mỹ Lộc, một nhiên thần (không rõ tên); một nhân thần “Phạm Quý Công”.
-Làng An Xá, Tổng Đại Phong, một nhiên thần: Bảo an chính trực.
-Làng Phú Thọ, Tổng Thượng Phong, một nhiên thần: (không rõ tên)
-Làng Phan Xá, Tổng Xuân Lai, một nhân thần: Trần Bình Long.

2. Huyện Bố Trạch:

-Làng Cổ Giang, Tổng Cao Lao, một nhân thần: Phan Quý Công.
-Làng Lý Hoà, Tổng Hà Bậc, một nhiên thần: Thiên-Y-A-Na; một nhân thần: Nam Hải.

3. Phủ Quảng Ninh:

-Làng Trung Trinh, Tổng Long Đại, ba nhân thần: Khai Khẩn, Đoàn Văn Bốn, Đoàn Ngọc Nhị
-Làng Vĩnh Tuy, Tổng Long Đại, một nhân thần: Đỗ Liên.
-Làng Xuân Kiều, Tổng Thuận Bài, một nhân thần: Tam Toà Đại Vương.
-Làng Xuân Dục, Tổng Trung Quán, hai nhiên thần: Bắp Bắp, Ngũ vị long vương.
-Làng Võ Xá, Tổng Võ Xá, một nhân thần: Già Bóng.

4. Phủ Quảng Trạch:

-Làng Pháp Kệ, Tổng Lũ Phong, một nhiên thần: Bùi Cầm Hổ.
-Làng Cảnh Dương, TổngThuận Bài, một nhân thần: Thục Thi Hoàng Hậu.
-Làng Phan Long, Tổng Thuận Bài, một nhân thần: Nguyễn Đức Tuân.
-Làng Thuận Bài, Tổng Thuận Bài, một nhân thần: Nguyễn Đại Long.
-Làng Tiên Lễ, Tổng Thuận Lễ, một nhân thần: Bản thổ thành hoàng.
-Làng Hoà Ninh, Tổng Thuận Thị, bốn nhân thần: Cao Các, Tùng Giang, Nghiêm quận công, Nguyễn Khắc Tuấn.
-LàngLâm Xuân, Tổng Thuận Thị, ba nhân thần: Quảng Tử, Nam Hải, Đức Ôn; hai nhiên thần: Liễu Hạnh, Quan bổn thổ.

5.Huyện Tuyên Hoá:

-Làng Đạm Thuỷ, tổngThượng Lưu, một nhiên thần: Nam Phương Sơn Quân
-Làng Minh Cầm, Tổng Thượng Lưu, một nhiên thần: Kim Ô.
-Làng Thiết Sơn, Tổng Thượng Lưu, một nhân thần: Bản thổ Lộ Quốc Công; hai nhiên thần: Cao Các, Sơn Tinh Nga Hoàng.

Những thành hoàng nói trên là có sắc phong của nhà vua. Hầu như các sắc phong đều có nội dung giống nhau, dịch nghĩa như sau:

Sắc phong cho thần Thành Hoàng.... trước tặng là... giúp nước, phò dân linh ứng tính đã lâu. Nay ta ít đức mà ôm lãnh sứ mạng lớn, liên miên nghĩ đến công ơn thần, nên gia tặng thần hiệu:..... Lại chuẩn cho xã... huyện... thờ phụng thần như cũ. Còn thần thì có trách nhiệm bảo vệ cho dân của ta.

Kính vậy thay.
(Niên hiệu)

Như vậy, ở Quảng Bình còn có rất nhiều làng có đình làng và có tập quán thờ Thành Hoàng. Tuy vậy, không thấy có sắc phong thần cho nhiều làng. Đây là vấn đề tồn nghi cần tiếp tục xem xét. Trải qua chiến tranh, phần lớn đình làng, các sắc phong nay không còn nữa. Song, ký ức về đình làng, về những lễ hội đình vẫn còn trong tâm thức dân chúng.

Cùng với chức năng cúng thần linh, đình còn là nơi sinh hoạt cộng đồng giải quyết nhiều việc của làng như: xử án, phạt vạ, thu thuế, phân bổ sưu dịch, quyết định xây mới hoặc bảo dưỡng các công trình công cộng như đền thờ, miếu mạo, đường sá, giếng nước, cầu cống, kênh mương... Đình làng còn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng như hát, múa, diễn trò chơi dân gian... Ở đình làng, thứ bậc, đẳng cấp con người của cộng đồng làng được thể hiện ra một cách cụ thể từ bậc Tiên Chỉ đến Thứ Chỉ, Khoa mục, Kỳ mục, Chức dịch...

Ngày nay, đời sống kinh tế, văn hoá của nhân dân ngày một được nâng lên, cái ăn, cái mặc đầy đủ, dân chúng có nhu cầu sinh hoạt văn hoá tăng thêm, trong đó có những hoạt động tín ngưỡng. Một số nơi đã phục dựng lại đình làng. Ở Quảng Trạch, có doanh nhân đã cung tiến cho làng cả hơn chục tỉ bạc để xây dựng lại đình làng Phan Long. Từ ngày có đình, hội hè, sinh hoạt văn hoá truyền thống nhộn nhịp. Đấy là những tín hiệu báo trước những nếp sống văn hoá, tính ngưỡng tốt đẹp ngày xưa sẽ trở lại. Đình làng sẽ trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh của người dân quê. Cùng với chủ trương xây dựng làng văn hoá mới, thiết nghỉ chúng ta cũng nên tính đến việc kết hợp chức năng văn hoá cổ truyền và văn hoá hiện đại vào trong đình làng hoặc nhà văn hoá làng.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét