BỨC THƯ GỬI MUỘN

Ngọc Tuân

                                                                         Mùa hoa phượng
Kính gửi cô của em.

Khi đã trở thành thầy giáo em càng nhớ đến cô nhiều hơn. Bởi hôm nay, vây quanh em là lớp trẻ ngây thơ, hồn nhiên, bốc đồng, bồng bột, quỷ quái. Chúng làm em vui cũng nhiều mà buồn cũng lắm. Chúng làm em hân hoan vì thành công và cũng hoang mang lo lắng khi có đứa vấp ngã. Chúng làm em hưng phấn ngạc nhiên trước năng lực vượt trội so với em lúc bằng tuổi chúng và cũng làm em mất ngủ vì sự ngờ nghệch, ngu ngốc của chúng khi đối mặt với với cuộc sống đầy cám dỗ của thời hiện đại… Và mỗi lần sok vì chúng càng làm em nhớ đến cô.

Cô ơi, kĩ niệm tuổi học trò, kĩ niệm về thầy cô, bạn bè trong em, và chắc cả lớp lứa tuổi của em hầu như rất mờ nhạt, vì từ ngày cắp sách đến trường cũng là thời chiến tranh. Trên trời máy bay quần đảo, ngoài biển pháo hạm của địch bắn cầm canh theo tọa độ, pháo sáng biến đêm thành ngày. Ở nơi nào đó, trong đêm tối mà lỡ lóe lên ánh đèn là lập tức máy bay bâu đến. Ngủ hầm, đi học từ ba giờ sáng – giờ ít máy bay ném bom nhất – đứa thì vai khoác vòng lá ngụy trang, đứa thì vai quàng tấm vải màn nhuộm lá mướp ngọt xanh biếc. Tay thì xách cái đèn dầu hỏa có cái bóng đèn thủy tinh được sơn đen, chỉ chừa một lỗ tròn đủ rọi ánh sáng vào trang vở. Mỗi khi có tiếng máy bay là vội vàng che kín lại. Cái ngọn đèn ấy, để rọi vào sách vở thì ít nà để học trò nổ thóc nếp thì nhiều. Đi qua cánh đồng đang chín, đứa nào cũng ngắt vài bông. Đến lớp, khi đèn thắp lên là thò nhánh lúa vào ngọn lửa. Mỗi lần hạt thóc nổ, đèn tắt, lại phải châm lại. Bởi vậy mà kiến thức vào được đến đầu là một kỳ tích. Trong đêm tối, gương mặt thầy cô, bạn bè cũng chập chờn vậy thôi. Cô trò nhớn nhác lo tránh bom, tránh đạn, lo cái đói thâm niên. Nói là học nhưng tất tần tật chỉ chép chung vào một quyển vở, cuộn lại, nhét túi quần, lúc nào cũng nhàu nát.

Trong cái tối tăm ấy, nếu không có cô, chắc em cũng chỉ trưởng thành đến bậc lính chiến ngoài mặt trận mà thôi. Rồi cũng nằm lại đâu đó trong Trường Sơn bạt ngàn như bao đứa cùng trang lứa. Điều khác lạ là, ơn cô đến với em không phải từ sự cảm động, ngưỡng mộ như bao người khác, mà đến từ sự ác cảm. Điều này bây giờ em mới nói ra.

Cái năm giữa cấp hai ấy, cô bắt đầu về làm chủ nhiệm lớp em. Lúc đó, đang giữa thời chiến tranh ác liệt, khó khăn. Đang tuổi lớn chúng em cứ cao vồng lên trông thấy, nghịch ngợm, phá phách, liều mạng. Học hành thì đứa nào cũng sa sút. Đang từ một đứa giỏi toán từ cấp một, em tụt xuống loại kém vì bỏ học, vì không làm bài tập, vì đủ thứ. Lần đó, cô đến nhà để nói chuyện với bố mẹ em về chuyện học hành của em. Em vẫn nhớ như in cái đêm sáng trăng hôm đó, đang chơi đánh trận giả với lũ bạn, chợt thấy bóng cô đầu ngõ, linh cảm mách bảo chắc có chuyện không hay, em đã bí mật chạy theo sau cô. Khi thấy cô rẻ vào nhà, em đã vội chui qua bờ râm bụt, nấp sau nhà, ép tai vào vách liếp để nghe. Trong ánh đèn dầu lờ mờ, tiếng cô rất rành rẽ khi nói chuyện với bố mẹ.

-Tôi thông báo với anh chị, tình hình học tập của T rất bi đát, kiến thức lơ mơ, lười học thuộc lòng, môn toán là khá nhất thời cấp một, bây giờ chỉ đạt trung bình, nhiều lần bị điểm kém. Năm nay đã lớp 6, sang năm là kết thúc cấp hai, lên cấp ba, nếu cứ thế này thì... Sau đó là những gì cô nói em chỉ nghe ong ong trong đầu. Tự dưng em ghét cô.

Chắc cô thù mình rồi, vì sao nhỉ? Tại tôi bày trò nổ thóc, tại tôi hay bày trò thi nhổ nước bọt, thi xì mũi ai xa nhất... Cả lớp mình thằng nào chẳng thế, sao cô lại đi mách với bố mẹ em. Từ trước tới nay, bố mẹ em chỉ quen với lời khen vì có đứa con học giỏi. Nước này thì em bị ăn đòn là chắc. Lúc đó em đã nảy ra một diệu kế để tránh đòn. Nhà có căn hầm chữ “A” tránh bom, cùng là góc học tập của em. Ở đó có một cái túi bài kiểm tra trên lớp. Nhanh như chớp, em đã chui cửa sau vào hầm, đốt đèn lên, vớ lấy túi bài, xổ túi ra, nhặt hết những bài có điểm kém. Những bài điểm khá và trung bình được cho lại vào túi, lại còn cẩn thận xếp hai bài điểm khá hiếm hoi lên trên cùng. Xong xuôi, em lặng lẽ cầm số bài kém ra vườn, dí xuống góc ao, rồi chạy đi chơi tiếp.

Quả đúng như em dự đoán, sau khi cô về, bố đã đi tìm em. Mà cũng chẳng cần tìm vì em đã lởn vởn ở đầu ngõ. Bố bảo, T về nhà ngay bố hỏi chuyện. Em lon ton chạy về, giả vờ như không biết gì. Vừa vào đến nhà, bố đã rút cái roi mây giắt trên cánh cửa đánh roạt hỏi:

- Mi học hành ra răng mà cô chủ nhiệm đến kêu là dốt nát, hư hỏng.

Không biết cô có nói vậy không, nhưng khi bố em tóm tắt như vậy bỗng dưng em khóc. Mà khóc thật, không phải khóc vì sợ đòn mà khóc vì tức cô. Ngay lập tức em đã điêu toa như một kịch bản học thuộc:

- Cô thù con vì con đánh con cô chứ con đâu có dốt.
- Mi nói cấy chi, răng mi đánh con cô? Bố tôi quát.
- Vì nó xì mũi vào tóc con, gỡ mãi mới hết.

Câu này tự dưng nó bật ra, chắc vì hàng ngày em vẫn chơi trò xì nước mũi vào đầu nhau. Tụi bạn trong lớp luôn sợ em vì em lúc nào cũng thò lò mũi. Nghe câu nói ấy, tự dưng khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận của bố em chùng xuống. Rất nhanh, em tấn tới:

- Bố mẹ không tin thì chờ con đi lấy túi bài kiểm tra cho xem.

Em chạy lại, chui tọt xuống hầm, cầm tập bài mỏng dính lên, đưa cho ông rồi dõng dạc:

- Đây, bố mẹ xem đi.

Mẹ từ nãy tới giờ chỉ ngồi, trân trân nhìn hai bố con, với tay cầm lấy túi bài đổ ra bàn. Trên cùng là 2 con 7 đỏ chói, sau đó toàn là 5, 6 cuối cùng là con 8 – của hiếm môn sinh vật chép được- Vậy là cây roi trên tay bố em dược hạ xuống. Mặc dù vậy ông vẫn vớt vát:

- Anh liệu cái thần hồn anh đấy, học hành mà lơ mơ là chết với tôi. Rồi ông bỏ đi.

Khác với bố, lúc nào cũng ồn ào, mẹ rất ít nói nhưng lại rất tinh tế. Mẹ kéo em lại gần, tay vơ đám bài kiểm tra cho vào túi. Cái túi mỏng dính, oặt oẹo trên tay, mẹ nói:

- Thôi con, chắc bố và cô hiểu lầm con thôi, Mẹ thấy thế này thì con đâu có kém. Mẹ biết con thông minh, con học được mà. Cuối năm, con mẹ sẽ là học sinh tiên tiến cho coi. Con hứa với mẹ nhé. Cô có để lại cho con tập tài liệu này, dặn mẹ đưa cho con và nói con cố mà đọc.

Em ngoan ngoãn, vâng ạ. Đâu biết mẹ nói mát mẻ vậy để khích lệ tôi thôi chứ mẹ biết tỏng.

Ngày hôm sau đến lớp, em đã không dám nhìn thẳng vào mắt cô. Tự dưng vậy thôi. May mà có bóng tối làm đồng minh, chắc cô không nhận ra. Nhưng mỗi lần bị cô gọi hỏi bài trên lớp là mỗi lần em giật thót. Mà hình như cô gọi em nhiều hơn thì phải. Cô ghét em. Mong sao cho nhanh hết tiết của cô. Ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy trong đầu, làm em cứ nơm nớp lo sợ. Biết đâu câu chuyện giữa em với bố mẹ đã đến tai cô. Em cứ bị ám ảnh như vậy cho đến hết lớp 7.

Nói cho công bằng, sau đó em đã học khá lên. Trước là để đối phó với kiểu hỏi bài liên miên trên lớp của cô thay cho kiểm tra vở. Mà có gì trong vở đâu để kiểm tra. Sau là nhờ tập tài liệu “Tóm tắt toán học” mà cô đã cẩn thận chép tay để lại. Em đã nghiền nó đến thuộc lại cả những kiến thức của lớp dưới. Làm được bài tập, càng làm được càng thích được làm, được thể hiện với bạn bè mỗi khi được gọi lên bảng. Trong đó có một phần kiêu hãnh để cho cô biết, em không dốt.

Năm lớp 7 trôi qua lúc nào chẳng biết. Em được xếp loại học sinh tiên tiến, được lên cấp ba. Chiến tranh, trường cấp ba đi sơ tán tận Tuyên Hóa. Lại lao động dựng trường, làm hầm trú ẩn, đi gùi gạo muối xa hàng chục cây số. Lại đói, ghẻ lở, bệnh tật... Em đã quên cô lúc nào không biết.

Rồi những năm tháng cấp ba cũng qua đi, em được vào đại học. Nghỉ hè năm ấy, về thăm nhà. Hôm rảnh rỗi, ngồi mở lại gói đồ thời học trò, em bắt gặp lại tập tài liệu chép tay “Tóm tắt toán học”. Tự dưng lòng em chùng xuống, em đã ôm nó lên ngực, nước mắt trào ra, nhớ cô. Đến bấy giờ em mới đủ trí khôn để nhận ra rằng, tập tái liệu này đã cứu mình ra khỏi vũng lầy thời thơ ấu. Nó đã chắp cánh cho mình vượt lên. Hôm đó, em đã rất mong bố mẹ về để hỏi thăm về cô.

Chiều đó, trong bửa cơm chiều, mẹ nói rằng, cô chuyển lên dạy ở một trường vùng núi trong huyện. Hè năm con đang học lớp 8, chồng cô hi sinh ở chiến trường Quảng Trị. Sau lễ truy điệu ít lâu cô xin chuyển lên trên đó mặc dầu chính sách hậu phương cho cô quyền được chọn trường. Cô đi với đứa con trai duy nhất của mình, đi như trốn chạy kĩ niệm. Từ khi đó bố mẹ cũng không biết gì thêm về cô, chiến tranh mà.

Đêm đó, hầu như em không ngủ, gió nam thổi ào ạt trên mái nhà, trên cây lá. Phía Trường Sơn pháo sáng vẫn chập chờn. Bom vẫn nổ đâu đó phía đường 15. Sáng hôm sau, em xin mẹ mười lon gạo nếp, thứ hiếm hoi còn được trong nhà, mượn cái xe đạp của bố, đi tìm cô. Mẹ buộc gạo sau xe cho em cứ dặn đi dặn lại, cảnh giác máy bay nghe con, đi nhanh về. Em đạp xe lên phía Miền Tây, qua đò Thượng Phong, ven bờ Kiến Giang ngược lên thượng nguồn.

Hỏi mãi người ta mới chỉ cho em mái nhà tranh nhỏ mé đồi, gần trường cấp hai của xã. Em dắt xe theo lối mòn, leo lên dốc, qua một vạt sắn đến giữa sân. Căn nhà nhỏ một gian hai chái, bốn bề cũng được tráp bằng tranh. Nhà không có người, em cất tiếng gọi: Cô ơi. Có tiếng đáp từ sau vườn, ai đấy, chờ chút. Trên bàn thờ ở gian giữa khói hương nghi ngút, bất chợt mắt em dừng lại ở tấm ảnh bé xíu trong khung đen. Chân em như muốn khuỵu xuống, thằng An con cô. Như một dòng điện chạy qua cơ thể, em sởn da gà, mồ hôi rịn ra. Vừa lúc cô từ sau vườn bước vào. Nhìn thấy em, cô sững lại, nấc lên, T đấy à con, An đi rồi, bị trúng bom trên đường đi học. Em buông túi gạo, nhào đến, ôm lấy cô nước mắt tuôn trào. Trong tay em, cô như một tàu lá héo, khô kiệt nhựa sống. Em đã quỳ xuống, úp mặt vào lòng cô nức nở: 

- Cô ơi, con về đây, con có lỗi với cô.

Cô ơi, tha lỗi cho con nhé, đến bây giờ con vẫn giữ tập tài liệu chép tay của cô như một vật báu.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét