TIẾNG LÒNG CÒNG

Ngọc Tuân


Lòng còng, cái từ tượng thanh ấy đã gắn liền với tên làng Xuân Hồi ở Lệ Thủy. Chẳng biết tự bao giờ, ở quê tôi mỗi khi nhắc đến người Xuân Hồi là nói “dân lòng còng”, nghe ngồ ngộ, đôi khi cảm nhận như là sự miệt thị. Nhưng thực ra cái từ lòng còng đã trở thành biểu tượng độc đáo, rất đôn hậu cho một làng nhỏ, sống bằng nghề chài lưới, nép mình khiêm tốn bên bờ sông Kiến Giang. Cư dân Xuân Hồi lấy sông nước làm bạn. Hầu như nhà nào ở Xuân Hồi cũng có thuyền đánh cá. Thuyền đỗ san sát trong con hói nhỏ, thuyền neo ở bờ tre ven sông Kiến Giang. Những chiếc thuyền nhỏ được đóng bằng gỗ hai người vác được. Đánh cá là truyền thống truyền đời của cư dân Xuân Hồi. Từ người già đến con trẻ ai ai cũng giỏi nghề. Thả lưới, câu cặm, câu giăng, đặt chẹp, kéo vó… cái gì cũng biết. Đặc biệt là nghề thả lưới bén, đập lòng còng.
Lệ Thủy có mùa nước nổi, đó là vào tháng chín, tháng mười. Cuối tháng chín mưa bão dồn về miền trung. Đồng chiêm trũng Lệ Thủy ngập trắng băng trong lũ lụt. Ao đầm, đặc biệt là Đầm Sen ngập nước. Cá Đầm Sen tràn bờ, cá trong các vực Rào Con, Rào Nậy đi đẻ trứng. Cá nhiều vô kể, nhất là cá chép, cá diếc, cá rô. Chỉ hai tháng thôi, nước cạn, lũ cá cũng đã lớn. Ấy là mùa thả lưới bén, đập lòng còng của dân Xuân Hồi.
Xa quê đã lâu lắm rồi mà tôi không thể quên được âm thanh lòng còng. Lòng còng, lòng còng, lòng còng… tiếng gõ ran ran của hai cái dùi gỗ lên cây sào tre bắc ngang hai mạn thuyền chài cứ bám riết lấy tôi. Khi đang làm việc đôi khi bắt gặp âm thanh gì đó tương tự, khi đang nghỉ ngơi tâm hồn phiêu lãng về quê, khi trong giấc ngủ chập chờn mộng du về xứ sở chôn nhau cắt rốn. Nhiều đêm choàng tỉnh dậy, âm thanh lòng còng vẫn văng vẳng trong tiềm thức. Vậy là ngồi bó gối mường tượng ra cánh đồng ngập nước cuối mùa lũ. Gió đông bắc đầu mùa thổi từng cơn đuổi nhau chạy dài trên cánh đồng mênh mông. Chiếc thuyền ba lá nhỏ nhoi của vợ chồng ngư phủ làng Xuân Hồi lướt trong năn lác loi thoi. Người vợ ngồi ở đầu mũi thuyền, hai cái dùi gỗ trong tay gõ những âm thanh đều đều, gấp gáp lên cây sào tre. Người chồng đứng đằng lái, chân choãi trước sau, tay cầm cây sào đẩy mạnh. Con thuyền lao lên phía trước, sóng lăn tăn, lắp xắp dưới mũi thuyền. Thỉnh thoảng ông vung cây sào dập mạnh xuống nước “soạp, soạp”, khua một cái tung tóe. Ấy là những động tác xua đuổi làm cho cá hoảng loạn, chạy tứ tung , lao đầu vào tay lưới đã được vợ chồng ông thả trước đó. Hoàn thành một vòng khuấy động như vậy quanh tay lưới, ông khoan thai chống thuyền để người vợ nhấc lưới, thu cá. Những con cá tươi giãy giụa được gỡ ra, thả xuống lòng thuyền. Con thuyền lại được đẩy lên phía trước, lại thả lưới, đập lòng còng, quẫy nước… Chu trình ấy lặp lại, âm thanh ấy lặp lại suốt cả ngày. Một cái thuyền, hai ba cái thuyền, tiếng lòng còng vang dội trên mặt nước, loang loang lúc xa xôi, lúc gần gũi theo từng đợt gió thổi. Đồng ruộng thì mênh mông, con thuyền thì bé nhỏ, không vội vã, không trễ nải.
Thật kỳ diệu là vào những đêm trăng sáng, những ngư phủ tài ba của làng Xuân Hồi lắp thêm một tấm ván được sơn trắng dọc theo thân thuyền. Lại dọc ngang trên cánh đồng, lại vang lên âm thanh lòng còng rộn rã. Con thuyền cứ lướt đi, lũ cá chép, cá quả phóng lên khỏi mặt nước, vọt qua tấm ván màu trắng, vướng phải cái lưới bên kia mạn thuyền, rơi xuống lòng thuyền như một phép màu. Cái trò bắt cá kiểu này cho đến tận bây giờ tôi chưa được thấy ở đâu có. Hỏi chuyện các lão ngư làng Xuân Hồi mới biết tấm ván trắng đó gọi là cái "trễ". Đánh trễ dựa trên kinh nghiệm lấy ánh sáng trắng phản xạ dưới nước để đánh lừa lũ cá hay trỗ tài nhảy cao. Dưới ánh trăng, nước lấp loáng, những con thuyền trườn ngang dọc vẽ những vệt trắng trên cánh đồng nước nổi. Kết hợp với tiếng động gõ lòng còng, tiếng sào đập nước lũ cá giật mình cứ ngỡ chỗ trắng đó là vũng nước lớn nên tung mình vượt qua.
Chiều đến, những chiếc thuyền chài bé nhỏ của làng Xuân Hồi cập bến chợ Tréo, chợ Hôm. Khi chủ thuyền lật tấm sạp tre ở lòng thuyền lên, cá vẫn bơi tung tăng. Chép, Diếc, Rô, Mương, Lúi, Buôi mới lớn, béo nhẫy. Cá nhỏ, xương mềm kho với ớt xanh, nước dừa. Đun nhỏ lửa liu riu đến cạn nước. Cơm gạo mới tháng tám, gắp một con cá kho khô cong thơm thơm mùi ớt xanh, hạt tiêu mà ăn. Dẫu xa quê vài chục năm cũng không thể nào quên.
Hết mùa nước nổi, đồng điền khô cạn, dân Xuân Hồi di trú đi làm nghề khắp nơi. Người thì xuôi Hạc Hải buông câu, thả lưới. Kẻ thì xuôi thuyền thả câu vàn trên sông. Họ không dừng lại ở Lệ Thủy mà còn mang nghề đi xa ra ngoài huyện, ngoài tỉnh. Một chiếc thuyền con, trên có mái che gọi là "mui", nồi niêu, áo xống, chăn chiếu, cả nhà phiêu du. Đánh bắt đến đâu ghé chợ bán mua, đổi chác đến đó. Mùa nào củng có ngón nghề để sống. Tôi là con rể làng cá Cửa Hội, có lần, nghe dân Cửa Hội kháo nhau mua cá thuyền Quảng Bình giữa ngày biển động. Tò mò tìm đến hỏi chuyện, bất ngờ gặp dân gốc Xuân Hồi bán cá ở chợ Mai Trang, Cửa Hội (Nghệ An). Đồng hương ríu rít chuyện trò, mới hay người Xuân Hồi đi khắp nơi. Một lão ngư kể với tôi câu chuyện về quê hương làm tôi rưng rưng lệ. Ông nói rằng, ở phía nam cửa Sông Gianh có một làng tên là làng Thanh Hà (Thanh Trạch) do dân Xuân Hồi lập nên. Số là, xưa ở cửa lạch nam Sông Gianh thường có một nhóm thuyền chài của Người Xuân Hồi tụ tán, làm ăn. Không có đất, họ chỉ lấy thuyền làm nhà. Đến ngày giỗ chạp, cúng làng, không về được họ cụm nhau lại trên sông, kết thuyền, dựng đàn cúng tế. Cũng đủ bộ, chủ tế, văn sớ, đèn nến, lễ nhạc hai đêm một ngày liền. Nhà nhà còn góp lễ để cúng thành hoàng làng, cử người mang một ít về quê nộp cho làng cúng đình.
Rồi một năm, dân vạn chài Xuân Hồi ở cửa Gianh vớt được xác cá voi. Nhà vua biết vậy liền phong thần cho ngài là "Nam Hải Thượng Đẳng Thần" và cấp một phần đất "hoàng sa bạch thổ" ở làng Bồ Khê để xây đền thờ. Dân vạn chài Xuân Hồi cũng được cấp đất ở đấy để chăm lo hương khói cho thần. Ấp Thanh Hà, nay là làng Thanh Hà có từ đó. Có đất rồi, ấy vậy nhưng hàng năm dân làng vẫn tìm về Xuân Hồi mỗi dịp hội làng vào tháng ba âm lịch. Nhà nhà vẫn tìm về làng giỗ chạp cho tổ tiên. Mới biết tình quê, tình đồng tộc cứ vương vấn, đeo đẳng lấy tâm hồn người Xuân Hồi. Đồng vọng trong khói hương, trong tiếng chuông, tiếng cầu khấn của họ ở khắp mọi nơi. Ly hương bất ly tình.
Bên cái làng nhỏ bé ven sông ấy, tôi có một người của cái thời để nhớ. Và đêm đêm tiếng con tim vẫn đập như tiếng lòng còng ngày xưa.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét