HÒ BÀI CHÒI Ở LỆ THỦY

Ngọc Tuân


Bài chòi còn gọi là “bài tới”. Gọi là “Bài chòi” vì khi chơi người ta ngồi trên chòi cao, còn gọi là “tới” bởi vì, khi kết thúc ván người chơi hô “tới”, nôm na là vậy. Bài chòi không chỉ có ở Lệ Thủy mà nó có mặt ở cả Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên cách gọi tên, nội dung câu hò để chỉ tên quân bài ở mỗi vùng có khác nhau.

Hội bài chòi có những quy ước cụ thể cho người chơi. Về cách bài trí, trong sân chơi (thường là đình làng hoặc bãi đất trống) người ta dựng 10 cái chòi chia làm hai dãy đối diện nhau, mỗi bên 5 chòi. Chính giữa hai dãy chòi phía khán đài là một chòi cái cho người chủ trò. Các chòi được dựng bằng gỗ hoặc bằng tre, cao chừng mét rưỡi, có thang để người chơi lên xuống. Chòi được lợp bằng mái lá, hoặc cỏ gianh, có rèm che tứ bề, được trang trí cờ, hoa, câu đối sặc sỡ. Trước mỗi chòi có treo tên chòi theo quy ước thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kĩ, canh, tân, nhâm, quý). Sở dĩ người ta không chọn hàng chi để ghi tên chòi bởi chỉ có 10 chòi. Hơn nữa, đầu năm chơi xuân mà ngồi phải cái chòi không phải tuổi của mình (trong hang chi) thì cũng không hào hứng.

Cách chơi, trước tiên người chủ trò, sai người giúp việc là người chạy cờ chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con (quân bài được dán vào một cái thẻ tre).

Sau đó người chủ trò xướng một câu hò vào cuộc rồi rút một quân bài của bộ thứ hai được đặt trong một cái ống tre cao quá đầu người trước chòi cái. Xem quân bài và hát lên bài hò có nội dung chỉ tên con bài. Nếu chòi nào có con bài đã được chia trùng tên với con bài của chủ trò thì gõ lên ba tiếng mõ.

Người chạy cờ sẽ sẽ mang đến cho chòi ấy một lá cờ xéo cầm tay. Chòi nào được 3 cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài, rồi hô “tới”, vậy là xong một ván. Nhạc tấu lên, người ta hò chúc mừng. Người chạy cờ đội mâm, trên có phần thưởng đến dâng lên cho chòi được giải.

Một hội chơi có 8 ván. Ai tới một ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy một cờ vuông. Nếu trúng ba cờ vuông liên tục thì được một phần thưởng đặc biệt. Lúc ấy người ta reo hò, đốt pháo, khua chiêng, gióng trống, nổi kèn in ỏi.

Bài chòi là một trò chơi mang tính văn hóa. Trước hết trò bài chòi vừa chơi vừa diễn, một lối diễn xướng mang tính quần chúng rất hay và thu hút. Nói là đánh bài, có thưởng nhưng lối đánh của bài chòi là lối diễn văn hóa. Mỗi quân bài có một tên gọi và ứng với nó là một câu hò. Khi xướng tên quân bài, người cầm cái hò lên những câu lục bát, hoặc song thất lục bát với giai điệu gần với hò khoan. Đôi khi người ta đến với trò chơi là để thi thố giọng hò, thưởng thức giọng hò của các “cao thủ” nghệ nhân, để đế xố, phụ họa cho xôm trò.

Chơi bài chòi là trò chơi có thưởng nhưng cách thưởng cũng rất văn hóa. Phần thưởng có thể là tiền, mà tiền ấy được những người chơi bỏ ra mua chòi thử vận may hoặc do những người cổ vũ thưởng vì hát hay… Ngoài tiền thưởng người ta còn thưởng câu đối, hoành phi hoặc chữ chúc phúc, lộc, thọ của các thầy đồ. Cái cách thưởng cũng rất đặc biệt. Tiền thì cho vào phong bao giấy hồng, cho lên một cái mâm đồng, đậy khăn điều, đội lên đầu. Ban nhạc chơi một khúc chúc mừng kèm theo một vài câu hát, lời hò chúc tụng vui vẻ. Đôi khi người thắng cuộc còn cao hứng đốt một bánh pháo ran ran.

Bài chòi thường diễn ra vào những dịp lễ hội hoặc tết âm lịch nên từ cái cách trang trí chòi cũng rất tươi vui, cờ hoa, lồng đèn, kết lá làm cữa, treo rèm vẽ tranh xuân hạ thu đông hoặc mô tả các điển tích. Có cả phường nhạc kèn trống, sáo nhị réo rắt. Do vào dịp lễ hội, du xuân nên nhiều khi cả nhà cùng mua một chòi ngồi chơi. Người lớn, trẻ con người cầm bài, người gõ mõ, đốt pháo, phất cờ rất nhộn nhịp. Nếu may mắn được nhiều ván thưởng cờ xéo, cờ vuông thì vô cùng hoan hỉ vì khởi đầu nhiều tài lộc.

Cách gọi tên quân bài cũng rất độc đáo, 30 quân bài có những tên gọi nôm na: Nhứt trò; Thái tử; Trạng hai; Trạng ba, Ông Âm; Con Xe; Con Gối; Bát bồng; Con Gà; Sáu dây; Tám dây; Sáu tiền; Tám tiền: Nhứt Nọc; Lá liễu; Bạch tuyết; Cửu sại; Con Đấu; Con quăng; Nhọn mõ; Lục chôm; Thẳng cẳng; Đỏ mỏ; Con giống; Con sưa; Con Dày; Con nghèo; Con Rún; Con voi; Ngủ trưa. Những ông ầm, con quăng, đỏ mỏ, con sưa, thẳng cẳng, con rún, ngủ trưa… vừa nôm na vừa địa phương mà đôi khi không phải là người Lệ Thủy thì không hiểu nổi. Ngay nội dung câu hò gọi tên quân bài cũng đậm đặc chất địa phương:

“Chớ thấy chanh chua mà chíp mẹng,
Chớ thấy vườn rộng mà lấn, mà xông.
Cam sành còn đợi quả bòng,
Cây khô lá héo bởi không ai màng.”
(con tam quăng)

Hay:

“Trên đầu bịt khăn trắng,
Răng mà vắng áo xổ trôn.
Đôi ta có hòng mong gá nghĩa, cũng sợ linh hồn vãng lai”
(con gióng)


Tuy chỉ là trò vui chơi nhưng xem ra nội dung các câu hò cũng chứa đựng nhiều nỗi niềm sâu xa khiến người ta không chỉ vui một cách hời hợt mà phải suy ngẫm, chiêm nghiệm nhiều triết lý cuộc sống:

“Thiếp thương chàng đừng cho ai biết,
Chàng thương thiếp chớ tỏ ai hay.
Thế gian nhiều kẻ lá lay,
Cực chàng chín rưỡi, khổ thiếp đây mười phần.”
(con nhọn mỏ)

Hay:

“Chồng chết gặp ba ngày tết,
Mượn cuốc mà chẳng ai cho.
Hai tay bốc cát xoa mồ,
Tình chàng nghĩa thiếp Hán – Hồ biệt ly.”
(con nhì nghèo)

“ Thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ,
Ta đây người quân tử không dành chỗ cho ai.
Ta vinh cành trúc, ta dựa cành mai,
Có ông tơ bà nguyệt xe ai nấy nhờ.”
(con tám dây)

Xem ra, bài chòi đã thành cái cớ để người ta trao duyên, gửi phận. Người ta than thân trách số. Người ta triết lý dạy đời rồi. Chơi đấy mà học đấy, trách gì chỉ có đi xem hội mà lớn bé thuộc nằm lòng nhiều câu hò đến vậy.

Rồi thì xen vào giữa các ván là các câu hò khoan do các nghệ nhân, các tay hò tung hứng, đối đáp, người xem thì xố, đế, trống điểm tán thưởng. Đôi khi hứng khởi người ta tung tiền ra thưởng. Hội bài chòi trở thành hội diễn, hội xố náo nhiệt.

Quả là một trò chơi có khích lệ và đầy tính nhân văn. Gần đây, trò chơi này đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Mong sao các nhà văn hóa, các nghệ nhân gắng giữ gìn, bảo tồn lấy nó.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét