ĐIỀU GÌ THU HÚT KHÁCH DU LỊCH VỀ LỆ THỦY

Ngọc Tuân

                                                                Suối khoáng Bang
Trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, Lệ Thuỷ không thể chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Đầu tư công nghiệp chăng? Cũng khó, do khí hậu khắc nghiệt, giao thông không thuận và yếu kém, nguồn nguyên liệu chẳng đáng kể. Thủ công mĩ nghệ thì không phải truyền thống, thế mạnh. Có chăng thì nay mai nên nghỉ đến trồng cói nước lợ, đan giỏ xuất khẩu (hàng sinh thái). Vậy lối ra chỉ còn trông chờ vào hai thứ chăn nuôi, nhất là nuôi thuỷ sản vùng nước lợ Hạc Hải khi mở lại đập Mĩ Trung và du lịch.
Làm du lịch là phải có những điều kiện để hút khách du lịch. Vậy, làm sao để thu hút được khách du lịch? Thử giải bài toán này xem.
Trước hết, cần có địa danh thăm quan.
Khách du lịch có nhu cầu thăm quan để biết cái mà họ chưa biết, chưa gặp. Cái đó càng hay, càng độc đáo càng tốt.
Ở Lệ Thuỷ có một số địa danh có thể tạo được một tour để khách có thể tiêu thụ hết một ngày thăm quan, hưởng thụ. Đó là nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đền thờ, miếu thờ, mộ chí Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hữu Cảnh, Dương Văn An; Nhà thờ họ dòng họ Ngô của Ngô Đình Diệm; Chùa Hoằng Phúc. Sau thăm quan, khách lên suối Bang vãn cảnh, tắm nước nóng, ăn đặc sản rồi ra về.
Như vậy, các tour từ Đồng Hới lên, từ Đông Hà ra theo tuyến đường Hồ Chí Minh là có thể đi về trong một ngày. Hiện nay, khách du lịch, nghỉ mát về Quảng Bình, Quảng Trị chỉ tiêu thụ hết một ngày trong quỹ thờ gian thăm quan của mình. Về Quảng Bình thì đi động Phong Nha. Vào Quảng Trị thì đi nghĩa trang Trường Sơn. Chỉ hết một ngày, vậy thôi. Còn lại chẳng biết làm gì, tắm biển và ăn hải sản thì nhiều nơi có, không cần phải đường xa vạn dặm.
Trong ý tưởng này, tất cả đã có rồi. Chỉ còn mấy trở ngại. Chùa Hoằng Phúc chưa được trùng tu và nhà thờ họ Ngô chưa có. Chùa Hoằng Phúc thì có thể nhìn thấy khả năng tái thiết vì nó đã được công nhận di tích lịch sử. Nó có thể có nguồn vốn dồi dào từ giáo hội Phật giáo và các tín đồ. Cái khó là nhà thờ họ Ngô. Một số người băn khoăn vì nhân vật Ngô Đình Diệm là người đứng bên kia chiến tuyến với cách mạng. Liệu làm thế có cần và có tiện không? Tuy nhiên, đứng ở bình diện là một địa chỉ có liên quan đến một con người mà được nhiều người biết đến, nhất là người miền Nam và Việt kiều thì nhà thờ họ Ngô chỉ là để thoả mãn sự tò mò, để biết cái chưa biết. Nó khác với việc ta lập đền thờ Ngô Đình Diệm. Hơn thế nữa nó chỉ là một chứng tích thì không nên nhìn nó dưới nhãn quan giai cấp. Cũng giống như cố đô Huế của thời phong kiến vậy thôi. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, những người Mĩ bây giờ là bè bạn rồi. Mặt khác, có nó thì sẽ hút được khách du lịch. Vậy nên để cho dòng họ Ngô làm, chính quyền tạo điều kiện.
Thứ hai, ngoài các tour thường xuyên, có 2 dịp lễ hội ở Lệ Thuỷ rất có tiềm năng.
Đó là lễ hôi hò khoan và lễ hội đua bơi vào ngày 2/9. Lễ hội đua bơi thì đã rõ, sức thu hút rất lớn. Chỉ có điều làm sao cho khoa học hơn, văn hoá hơn. Khoa học là ở chỗ, ngoài việc tạo ra sự công bằng thông qua các quy định về tiêu chuẩn của thuyền, của trai bơi, của điểm xuất phát… còn phải khoa học cả cách tiêu thụ thời gian của khách. Cùng với trò đua bơi là các trò chơi dân gian khác. Bơi, đua chia làm 2 buổi để trưa đó còn giữ chân khách, thưởng thức đặc sản, hàn huyên.
Lễ hội hò khoan thì cần được khôi phục. Tôi có đọc trong quyển “Cẩm nang du lịch Việt Nam” có ghi hướng dẫn về điểm du lịch Quảng Bình là: “Lễ hội hò khoan vào ngày 29 tháng 2 âm lịch, địa điểm: Huyện Lệ Thuỷ”. Vấn đề là cần tổ chức lại sinh hoạt văn hoá này sao cho thành truyền thống. Sưu tầm lại lời cổ, dựng lại các cách diễn xướng, khuyến khích các nghệ nhân, thi đua giữa các làng, xã. Tại sao lại không có tiết học hò khoan trong chương trình của trường phổ thông ở Lệ Thuỷ? Sao không thể đưa hò khoan thành một tiêu chí trong xây dựng làng văn hoá?
Bạn cùng tôi thử nghỉ xem những điều trên có được không?

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét