CHÀNG LƯU LY

Ngọc Tuân


(Nhân chuyện xây dựng văn hóa nông thôn mới)
1. Thần rượu.
Chẳng biết tự bao giờ Nhà nước ta bỏ lệnh cấm nấu rượu lậu. Hình như từ sau thời bao cấp nghiệt ngã, sản xuất được bung ra và rượu cũng bung ra. Rồi rượu lậu chảy về từng ngõ xóm vì nó thu tiền nhanh mà chẳng mấy mệt nhọc. Bã rượu cho chăn nuôi. Ông chủ có cái uống miễn phí. Đại tiện! Uống rượu được làm tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ. Rượu tây làm món quà biếu xếp. Rượu ta nấu lậu ở tây Nga Xô, có kẻ đã phất lên đến hạng chủ chợ. Và cũng chẳng biết tự bao giờ ngày nông nhàn dài đằng đẵng đã kéo ông nông dân xứ thôn dã đến với nàng lưu linh. Từ chỗ tôi say, anh say, nó say đến cả họ say! Lũ trẻ con nhà quê cũng chung tiền lẻ mua xị rượu với mấy quả cóc vặt trộm, ngồi bến sông chén tạc, chén thù. Đêm thì mò mẫm nhảy tường, bắt trộm gà, bán. Người quê làm thơ “Cám ơn tổ tiên sinh ra rượu; Để cho con cháu suốt đời say”.
Xem ra, từ thời thuộc Pháp, vào ngày 20 tháng 12 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định 138 về nấu, vận chuyển, bán rượu. Phạt nặng những ai nấu rượu mà không có giấy phép, không đúng độ cồn quy định, không đóng chai đúng loại, không dán tem, bán rượu mà không có giấy phép… Dưới thời ta, từ những năm 60, 70 cũng có lệnh cấm nấu rượu lậu. Đến năm 2008 Chính Phủ có Nghị Định 40 ngày 7/4/2008 Quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Nghị định cũng có đến 6 chương 33 điều quy định mạch lạc lắm. Chỉ có điều có đổi mới cho dân chủ, Không cấm ngặt như trước mà cho phép “sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng”. Có hẳn 1 điều 16 về sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Vậy là hòa cả làng, văn tự xứ mình hay thật. Rồi cũng có phân công trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt. Có cấm việc tự nấu rượu thủ công để bán. Đủ cả. Nhưng bây giờ cả ông làm ra luật đến ông thi hành luật thi nhau uống rượu tây. Đến mức ví von “bãi nôn bằng tấn thóc”. Chai rượu trung bình có giá vài chục triệu thì ông nông dân nhà quê phải nấu bằng 4 – 5 tấn thóc chẳng chơi.
Hệ lụy thì đã rõ, nếu vào Google gõ câu lệnh “những vụ án có nguyên nhân từ rượu” thì có đến hàng ngàn vụ rùng rợn có, đau thương có, phẩn uất có… Đạo đức suy đồi, cha giết con, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cậu cháu cùng hiếp dâm một đứa trẻ, hai thằng bé say rượu hiếp một bà 72 tuổi, đến lần thứ 2 bị bắt quả tang, yêu râu xanh làm hại bé gái 6 tuổi, 4 cậu ấm sinh viên đâm chết bạn nhậu, tai nạn giao thông mỗi ngày cướp đi 30 sinh mạng (vị chi 1 tháng 1000 người) phần nhiều có nguyên nhân từ rượu…viết ra sợ đến rung mình.
Cảnh báo thì đã có nhiều, Thống kê nghiên cứu của bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết tỉ lệ nghiện rượu trên 16 tuổi ở nước ta chiếm 3,5 %. Vậy là cứ 100 người Việt trên 16 tuổi thì có ba người rưỡi nghiện rượu. Tỉ lệ này ở nông thôn cao hơn thành thị. Giới khoa học cũng đã dương kính lên nghiên cứu, phân tích cách hấp thụ, đào thải rượu của cơ thể người. Đi vào tận khoa tâm thần bệnh viện nghiên cứu tác hại tức thời và lâu dài của rượu. Họ cho biết rằng rượu là thứ được hấp thụ trực tiếp vào máu không cần thông qua quá trình tiêu hóa. Để đào thải rượu thì phải chuyển hóa ở gan. Mức độ giải rượu của gan chỉ khoảng 15ml/giờ (tương đương 1 lon bia, 30ml rượu 50 độ). Như vậy, với kiểu uống dô dô của ta thì quá tải lớn. Làm khổ anh GAN.
Tác hại tức thời của rượu là hệ thần kinh, thay đổi suy nghĩ, nói năng hăng hái, phóng đại, đi đứng loạng quạng, nói nhảm, ngã gục, ngủ say không biết gì. Trên hệ tiêu hóa thì gây phản ứng tự vệ sống bằng cách nôn, rối loạn tiêu hoa, viêm dạ dày cấp, chảy máu đường tiêu hóa, viêm tụy. Trên hệ tim mạch thì gây cơn cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến não, đột quy.
Tác hại lâu dài của rượu là gây nghiện rượu, đến xơ gan do rượu, ung thư gan (nhất là với những người có tiền sử viêm gan B. Mà vi rút viêm gan B có trong 70% người Việt). Rồi các bệnh lý về tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, dinh dưỡng. Người nghiện rượu, đòi hỏi sẽ ngày càng nhiều và khi đã hơi thiếu rượu đã có triệu chứng: tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn, run rẫy chân tay, bứt rứt khó chịu, rối loạn giấc ngủ. Nặng hơn là động kinh, ảo giác. Ông Nguyễn Viết Hoàn ở Hoàn Kiếm Hà Nội, sau 10 năm uống rượu, tâm thần hoang tưởng thấy rắn bò khắp người. Một lần thấy một đàn rắn đeo lấy các ngón tay ông mà cắn. Vậy là ông cầm dao chặt từng ngón tay, vừa chặt vừa cười. Hàng xóm khiếp đảm.
Gần đây, giới quan chức có tiền của, sau một thời được đánh giá có năng lực, bị gút, tiểu đường hoành hành đã khôn ngoan cự tuyệt rượu, bia. Cực chẳng đã thì uống rượu vang thôi. Chỉ còn đám dân đen, thiếu học hành vẫn lao vào như thiêu thân. Văn hóa “ĂN” vẫn còn nặng nề lắm, ăn cưới, ăn đám ma, ăn nhà mới, ăn đẻ. Cái ăn thấm sâu vào máu đến nỗi đổi tiền cũng 1 đồng ăn bao nhiêu Đola. Sinh viên có học thì ít tiền, cũng ăn mà là ăn sinh nhật, ăn ngày lễ, ăn mừng qua mùa thi, ăn mừng mua đôi giày mới. Tiền ít thì uống rượu đế. Cứ đến gần nửa đêm các chiếu rượu vỉa hè bày ra la liệt. Con mực bé xíu bằng cái đồng xu, 20 ngìn, chỉ để làm phương tiện quệt nước mắm, tương ớt. Mùi mực nướng bay qua chiếu bên là oai rồi.
Dẫu sao cũng cần có một lệnh cấm rượu mới ở ông NHÀ NƯỚC.
Còn câu chuyện cờ bạc xem hồi sau sẽ rõ.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét