ÔNG TRUNG TƯỚNG VỚI KIỂU ĐÁNH KHÔNG NỔ SÚNG

Ngọc Tuân


Đó là ông Lương Hữu Sắt, người Đại đội trưởng đầu tiên của quân chủ lực Lệ Thủy. Ông quê ở thôn Mai Xá Hạ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy. Lý lịch của ông ngắn gọn như sau: Sinh ngày 17/7/1927, bí danh Mạnh Thắng. Tham gia cách mạng tháng 3 năm 1945. Nhập ngũ tháng 6 năm 1946. Được kết nạp vào đảng  tháng 5 năm 1946. Từng giữ các chức vụ: Phó chủ nhiệm kiêm bí thư đảng ủy Tổng cục kĩ thuật; Phó tư lệnh Quân chủng không quân; Chủ nhiệm kĩ thuật Quân chủng phòng không, không quân; Phó tư lệnh Bộ tư lệnh ra đa Quân chủng phòng không không quân; Quyền phó chủ nhiệm kĩ thuật hậu cần Quân Chủng Phòng không không quân. Được tặng nhiều huân, huy chương. Được phong thiếu tướng tháng 4 năm 1984, trung tướng tháng 6 năm 1992.
Những chiến tích của ông trong cuộc đời binh nghiệp thì có nhiều, được chép trong lịch sử Quân Đội. Ở đây, tôi chỉ xin kể với các bạn về những trận đánh độc đáo mà ông chỉ huy, thời chống Pháp, trên quê hương Lệ Thủy. Kiểu đánh không nổ súng.
Tháng 11 năm 1947, thực hiện kế sách “Tiểu đoàn tập trung, đại đội phân tán” trong đánh địch, ở chiến khu Lệ Thủy đã ra mắt Đại đội 1 bộ đội địa phương. Ông Lương Hữu Sắt là đại đội trưởng đầu tiên. Đại đội có 3 trung đội, nhưng vũ khí trang bị cho mỗi trung đội chỉ có 5 khẩu súng trường. Chỉ có đánh địch để tước vũ khí của chúng, cùng với tự chế vũ khí để đánh. Cái kiểu đánh “đại đội phân tán” là chia nhỏ các trung đội về bám xã, giúp du kích chiến đấu, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh, vừa đánh vừa bổ sung vũ khí chiến lợi phẩm thu được. Cách đánh là bí mật ém quân trong nhà dân, trà trộn trong đồng bào đi chợ, đi làm đồng… Bất ngờ ập vào đồn, vào trụ sở chính quyền địch, áp sát đội tuần tra. Ôm cổ, vật chúng xuống, khống chế, thu súng đạn, cảnh cáo bọn tay sai rồi rút êm. Xin kể ra đây vài trận theo ký ức của những chiến binh đại đội 361.
  1. Đánh đồn An Định
Đồn ở xã Hồng Thủy, thường xuyên có hơn 30 hương vệ được trang bị vũ khí đầy đủ, có chánh tổng Đông khét tiếng độc ác. Dưới sự chỉ huy của ông Sắt cán bộ, chiến sĩ 361 đã bí mật luồn về ém quân ngay trong nhà dân là những cơ sở cách mạng. Nơi ẩn nấp là trên tra lúa. Khoảng 5 giờ chiều, chị Sáo một cơ sở tin cậy nhận nhiệm vụ đi thám thín về cho biết, địch đang tập trung ở nhà thờ công giáo, có cả tổng Đông. Lúc này trời mưa dầm, bà con nông dân đi làm đồng về. Các chiến binh 361 đã mang tơi, đội nón, dấu súng, trà trộn trong dân, áp sát nhà thờ. Đến nơi, mỗi người một cữa xông vào, chĩa súng ra, bắt tất cả ngồi im, tước súng. Tất cả 29 tên hương vệ với 11 khẩu súng, ngơ ngác như gặp phải lính nhà trời. Ông Sắt còn thuyết giáo một thôi, một hồi về đường lối kháng chiến, chính sách của cách mạng đã, rồi mới cho về gia đình. Chẳng cần phải nổ một phát súng mà còn thu được 11 khẩu với nhiều đạn dược. Rút êm.
  1. Trận Chợ Chè
Trận đánh này diễn ra vào mùa đông năm 1949. Ông Sắt đã đưa ra ý kiến là đánh một trận để ăn tết cho ngon. Được mọi người ủng hộ, ông đã cùng các chiến sĩ nghiên cứu quy luật hoạt động của địch rồi chọn địa điểm Chợ Chè. Chợ Chè nằm cạnh quốc lộ 1A, cách đồn Mĩ Trung khoảng 4 km. Hàng ngày đồn Mĩ Trung phái một tiểu đội đi ô tô, rải dọc quốc lộ từ đồn lên Chợ Chè thanh sát tình hình. Thường chúng đổ xuống chợ Chè 5 tên. Chúng ta chỉ có 5 chiến sĩ, nên phải huy động thêm một tổ du kích xã hỗ trợ. Cách đánh là chia phần mỗi người áp sát một tên địch, khi có tiếng súng lệnh từ đội trưởng thì xông vào ôm địch, vật xuống, tước súng. Người hỗ trợ chỉ ngồi quanh đâu đó, nếu thấy bất lợi thì mới ra mặt giúp sức. Bỡi du kích xã cũng hoạt động bí mật. Ông Sắt nhận phần lão Cai Á. Khi quan sát thấy đồng đội đã tiếp cận mục tiêu, ông Sắt rút khẩu Rulo giấu trong bụng ra bóp cò, súng không nổ. Ông lao đến ôm Cai Á vật xuống. Cả năm tên địch đều bị ông và đồng đội khóa gọn, tước súng. Riêng Cai Á nhận thêm một nhát dao găm. Nhiều ngày sau, đám lính ở đồn Mĩ Trung không dám thò cổ ra ngoài.
  1. Trận đèo Trung Lực
Qua điều nghiên, nhận thấy đồn tây ở Tâm Duyệt, xã Thái Thủy hàng tháng phải mò sang quốc lộ 1A nhận viện trợ vũ khí, lương thực, thực phẩm. Đường đi phải qua Đôộng Ếm, đèo Trung Lực ở giữa xã Tân Thủy và Hưng Thủy. Mỗi lần đi phải kéo cả trung đội tây đen, tây trắng, hương vệ. Giữa đèo, nếu nổ súng từ xa thì khi chúng đối phó, hoả lực của ta không thể sánh địch. Thương vong có thể xảy ra. Ông Sắt cùng đồng đội chọn cách đánh kiểu “Cận chiến”. Ém quân sát đường, chờ địch đến sát, nổ sung thị uy, súng trường, đao, kiếm, dao găm xông ra. Chỉ có điều la hét xung phong thật to, súng thì nổ lên trời kẻo bắn nhầm vào ta. Trong thế xáp lá cà bất ngờ, địch chỉ còn đường đầu hàng. Trận đó ông cùng đồng đội thu 15 súng trường, 12 súng tiểu liên, 2 cacbin và toàn bộ lương thực, thực phẩm.

Có những trận ác liệt như trận chống càn ở 2 thôn Xuân Lai, Mĩ Lộc đại đội 361 đã chống chọi với một tiểu đoàn địch trang bị hiện đại. Chúng chia làm hai gọng kìm từ thượng nguồn xuống, từ hạ lưu lên, định nghiền nát 361. Nhưng chúng đã thất bại, được sự giúp đỡ của nhân dân, chiến sĩ 361 đã thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc thì co cụm lại, lúc thì phân tán, chống chọi với địch từ sáng đến tối, tiêu diệt 142 tên, làm bị thương nhiều tên. 11 chiến binh dũng cảm của 361 hy sinh. Còn nhiều trận nữa, kiểu đánh xuất quỷ, nhập thần của ông và đồng đội 361 đã làm địch khiếp sợ.
Ngồi nghe chiến binh 361 kể chuyện mà thán phục sự dũng cảm, hy sinh vì quê hương của lớp cha chú. Sắp đến ngày kĩ niệm 65 năm thành lập 361 (11/2012), viết lại vài dòng để các bạn trẻ cùng chia sẻ.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét