KHÔNG GIAN XANH XỨ LỆ

Ngọc Tuân


alt
Tôi mê mẫn mỗi khi về quê bắt gặp những không gian xanh của xứ Lệ. Những không gian xanh ấy được tạo ra bằng đôi bàn tay khéo léo từ những loại cây rất phổ biến ở quê ta, đó là cây “Chè Tàu” và cây “Ngâu”.

Những công trình kiến trúc bằng cây này thường là những bờ tường rào bằng cây chè tàu xanh ngút ngắt. Những cái cổng ở lối vào nhà. Những cột thờ trời trước sân.

alt
alt
alt
alt

Tôi còn nhớ, đã có lần nào đó tôi nói với các bạn về tính quy hoạch và văn hóa của kiến trúc làng quê mà cha ông ta đã làm cách đây hàng trăm năm. Cư dân Lệ Thủy từ hàng trăm năm trước đã làm nhà, làm lối đi theo một quy hoạch rất khoa học và rất đẹp. Dọc theo sông là đường cái quan, nhánh của cái quan là ngõ xóm (quê ta gọi là trôổng). Các con ngõ được làm song song với nhau, nối từ cái quan ra đồng. Mỗi gia đình tọa trên một khoảnh vườn nhìn ra ngõ. Cuối ngõ là bờ tre ngăn cách giữa cánh đồng với làng. Tre che gió, chắn sóng mỗi khi lụt. Tre làm bóng mát cho người làm đồng ngồi nghỉ. Rất thông thoáng và tiện lợi cho lao động. Nhà ở được làm  quay mặt theo hướng Tây Nam, đón gió mùa hè, tránh gió mùa đông. Sau nhà là cây trái, phần nhiều là chuối, chuối dễ trồng, mau cho quả, thân cây làm thức ăn cho lợn, làm bè (bối) cho gia súc khi nước lên, làm phương tiện đi lại. Trước nhà là khoảng sân đất nện để phơi thóc, ngô, đậu... Cái sân đất nện ấy đã gắn liền với điệu hò mái nện của cư dân Lệ Thủy. Sau cái sân là khoảng vườn nhỏ trồng dây khoai lang, gieo cải, trồng cà, mùa nào thức ấy, đủ rau xanh cho gia đình dùng. Đặc biệt, trước vườn nhiều nhà còn trồng cau. Đêm hè, cau trổ bông thơm ngát. Dẫu có đi đâu cũng không thể quên được. Gần như nhất nhất cả huyện như vậy.


Bao quanh ngôi nhà là hàng rào bằng cây chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa công phu như những bức tường xanh. Cây chè tàu rất có giá trị. Một mặt, nó làm cho cái nắng hè gay gắt ở quê ta dịu bớt đi. Mặt khác, nó ngăn bụi rất hiệu quả. Gió mang bụi luồn qua nó, như cái máy lọc, bụi bám lại trên mặt lá, chờ đến ngày mưa được rửa trôi. Đôi khi, ăn xong, bước ra bờ rào bẻ cái tăm bằng cành chè tàu, bóc vỏ đi, dùng nó rất thơm và có vị chát, rất tốt cho chân răng.

Gần đây, nhiều nhà phá bỏ bờ cây chè tàu để xây tường gạch. Người ta đang bê tông hóa nông thôn. Tiếc quá, mỗi ngày những mảnh vườn xanh mỗi ít đi. B[f cây chè tàu bây giờ chỉ còn lại ở những ngôi nhà của người già mà thôi. Hỏi thì người ta nói, xây tường để tránh gà hàng xóm bới vườn, để chống trộm. Tôi bảo, sao không trồng cột thép, chăng dây thép gai trước khi trồng chè tàu? Sao không xây thêm một đoạn tường thấp dưới chân hàng rào cây. Có một ngôi nhà ở mặt đường 1A gần cầu Quán Hàu, họ xây tường cao khoảng gần nửa mét, còn trên đó là bờ tường bằng cây xanh. Hình như họ trồng cây trước, cây lên cắt vuông vắn, rồi xây chân bờ rào sau. Đẹp lắm, vừa khắc phục nhược điểm của cây chè tàu là dưới gốc rất ít cành lá, vừa để làm rãnh thoát nước, vừa chống được gà bới, vừa đỡ tốn tiền (tường loại này không cần móng). Đấy, vậy là thiếu đi sự hướng dẫn, khuyến khích. Lệ thủy quê mình mà có được nhiều ngôi nhà xanh bên bờ Kiến Giang xanh thì đẹp biết bao.

Để lâu dài cho chiến lược phát triển du lịch, ngay bây giờ cần có quy ước về quy hoạch không gian xanh cho các ngôi nhà ở dọc hai bờ Kiến Giang. Những ngôi nhà mặt đường Kiến Giang nên thay tường gạch bằng bờ rào cây chè tàu. Cố gắng không xen thêm nhà ở mới, giữ kiểu kiến trúc nhà rường.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét